Phóng viên theo chân tuyển Việt Nam ghi lại lịch sử: 22 ngày không bao giờ quên ở Dubai
Hơn 22 ngày trên đất UAE là hành trình đặc biệt bậc nhất trong lịch sử đội tuyển Việt Nam và cả những phóng viên quyết theo chân thầy trò HLV Park Hang-seo.
Dòng chảy thông tin không bao giờ dừng lại, những sự kiện lặp lại hàng năm cũng chẳng bao giờ giống nhau. Đội tuyển Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa lịch sử lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup tạo nên hấp lực quá lớn đối với nhiều phóng viên khác. Tôi cũng vậy, cũng không muốn đánh mất hay bỏ lỡ bất cứ điều gì trong hành trình ấy và thật may, cơ quan đồng ý để tôi lên đường.
Ngày 26/5, tôi cùng 13 đồng nghiệp khác tề tựu ở sân bay Nội Bài, tôi nhỏ tuổi nhất trong số đó. Với sự hỗ trợ từ nhiều phía, chúng tôi được đi chung chuyến bay với đội tuyển Việt Nam. Sau gần 7 giờ bay, vượt qua hơn 7000 cây số, tôi lần thứ hai được đặt chân xuống sân bay quốc tế Dubai, trong lòng dâng đầy sự háo hức.
14 phóng viên chụp ảnh lưu niệm trước khi lên đường sang UAE vào ngày 26/5 từ sân bay Nội Bài, bắt đầu hành trình lịch sử cùng đội tuyển Việt Nam
Ngỡ ngàng với một Dubai “không ngại” Covid-19
Trái với những tưởng tượng ban đầu, tôi được chứng kiến một Dubai với đời sống nhộn nhịp, gần như tiệm cận khi chưa có dịch Covid-19. Với chiến dịch tiêm chủng thành công, Dubai trở thành nơi đầu tiên ở UAE mở cửa đón khách du lịch, nối lại các hoạt động giao thương và tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, giải trí. Chính quyền nơi đây chỉ còn áp dụng việc bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và khoảng cách đứng ở nơi công cộng phải đảm bảo tối thiểu 1m.
Sự bình thường ở Dubai mâu thuẫn với số ca mắc Covid-19 hàng ngày ở UAE, dao động từ 1.500 – 2.000 ca. Thế nhưng, với vị thế là một thành phố toàn cầu, trung tâm kinh tế, du lịch lớn bậc nhất trên thế giới, Chính phủ UAE bằng mọi cách biến Dubai trở thành một trong những địa điểm an toàn nhất thời đại dịch.
Sự bình thường ấy khiến những người nước bản địa, nước ngoài có mặt tại sân bay quốc tế Dubai trao cho đội tuyển Việt Nam và những phóng viên đi theo một ánh nhìn lạ lẫm vào tối 26/5. Họ, những người chỉ đeo khẩu trang, thấy hơn 50 con người mặc đồ bảo hộ màu xanh, đeo kính, khẩu trang kín mít.
Ngày tôi tới Dubai, hơn 13 triệu người gồm dân bản địa và người nhập cư có thẻ cư trú trên 2 năm, đã hoàn thành việc tiêm vaccine Covid-19, chiếm khoảng 70% số dân trên toàn đất nước. Riêng Dubai, con số này là 95%, đảm bảo an toàn cho việc mở cửa mọi ngả đường tới nơi đây.
Người dương tính với Covid-19 ở Dubai được chữa trị theo hai hình thức: Nặng thì đến bệnh viện, nhẹ thì được ở tại nhà, chỉ cần đảm bảo cách ly 10 ngày theo quy định. Hết cách ly, người này được đi xét nghiệm một lần nữa. Nếu âm tính, họ được trở lại nhịp sống thường ngày.
Sự cẩn trọng kéo dài từ Hà Nội đã có lúc biến mất trong tôi sau vài ngày hít thở không khí tại Dubai nhưng phải nhanh chóng lấy lại sự cân bằng. Tôi cùng một nhóm đồng nghiệp tự hứa với nhau không được chủ quan cho đến hết trận Việt Nam gặp UAE vào ngày 15/6. Nhiễm Covid-19 đồng nghĩa chuyến đi này thất bại. Không chỉ bản thân chịu tổn thất mà còn đó cơ quan, người thân, đồng nghiệp. Thế nhưng, điều tồi tệ ấy vẫn đến.
Ngày buồn nhất với tôi ở Dubai
Chiều 11/6, tôi ngủ một chút để dành sức cho trận Việt Nam – Malaysia diễn ra vào tối muộn. Thế nhưng, tiếng tin nhắn messenger trên điện thoại liên tục vang lên khiến tôi tỉnh giấc. Tôi lướt từng tin nhắn và bàng hoàng khi một đồng nghiệp thông báo đã dương tính với Covid-19. Trước đó, 2 phóng viên khác không tránh được dịch bệnh.
Lo lắng là suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tôi và những đồng nghiệp còn lại. Không lo sao được khi tất cả đều trở thành F1. Thứ trấn an tốt nhất là kết quả xét nghiệm âm tính vừa nhận được, tất cả tự lấy đó làm phép lợi thế tinh thần khi trận đấu quan trọng đã gần kề.
Chúng tôi tự động viên lẫn nhau, động viên cả anh bạn đồng nghiệp không may nhiễm bệnh. Chúng tôi trấn an tinh thần, mong anh tập trung chữa bệnh và sẽ hỗ trợ gửi về cho anh một số thông tin cần thiết liên quan đến trận đấu.
4 tiếng trước trận, chúng tôi chuẩn bị đồ đạc ra sân Al Maktoum với tâm trạng không mấy vui vẻ khi nghĩ về đồng nghiệp mắc bệnh. Chưa kịp ổn định, chúng tôi biết thêm tin đồng nghiệp dương tính Covid-19 đã lan về Việt Nam, kéo theo là những thông tin không đúng sự thật bao gồm cả việc trận Việt Nam – Malaysia có thể bị huỷ bỏ. Chúng tôi không lo lắng nhưng buồn hơn, giận hơn vì những tin đồn như thế.
Từ ngày 3/6, đội tuyển Việt Nam đã di chuyển vào khách sạn do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) quy định. AFC tạo nên một “bubble” (bong bóng), yêu cầu thành viên các đội tuyển không được ra khỏi khu vực quy định, chỉ di chuyển từ khách sạn ra sân tập và sân thi đấu, không được tiếp xúc gần với những người ở ngoài “bong bóng”.
AFC cũng cho biết nếu thành viên nào trong đội mắc Covid-19 thì sẽ được cách ly riêng 10 ngày. Số còn lại nếu có kết quả âm tính vẫn sẽ ra sân thi đấu bình thường. Vậy nên, việc một phóng viên dương tính với Covid-19 không thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức một trận đấu.
Tạm gác lại câu chuyện buồn của đồng nghiệp, chúng tôi bước vào gần 4 tiếng làm việc với cường độ cao từ lúc hai đội khởi động đến khi họp báo sau trận kết thúc. Chiến thắng 2-1 kịch tính của tuyển Việt Nam trước Malaysia là động lực tinh thần quý báu nhưng chỉ phần nào làm vơi đi nỗi buồn trong một buổi chiều tối vốn đã dài lê thê.
Vài ngày sau, đồng nghiệp của tôi vào viện chữa trị vì bệnh tình chuyển biến xấu. Anh không thể kịp hồi phục và bỏ lỡ chuyến bay cùng đội tuyển Việt Nam về nước. Tôi không thể làm gì hơn ngoài cầu chúc anh mau khoẻ dù thấu hiểu nỗi cô đơn của người lỡ chuyến tàu cuối.
Hơn 10 ngày kể từ hôm ấy, tôi nhận tin sức khoẻ anh đã tốt lên và có thể ra viện sau 5-7 ngày nữa. Khỏi bệnh, anh lại bắt đầu một cuộc chờ đợi mới, chờ “chuyến bay giải cứu” công dân từ UAE về Việt Nam dự kiến có vào đầu tháng 7.
Tôi cũng biết có một cặp vợ chồng người Việt hàng ngày vẫn nấu ăn và mang đến cho anh, cũng chính họ xung phong đưa anh từ khách sạn vào bệnh viện. Dù không biết họ là ai nhưng tấm lòng ấy thật đáng trân quý. Vì công việc chúng tôi không biết làm gì hơn để hỗ trợ đồng nghiệp, may còn có anh chị ở bên giúp tinh thần chúng tôi vơi bớt nặng nề.
Ngày 11/6, tuyển Việt Nam thắng Malaysia 2-1 tại sân Al Maktoum đầy kịch tính. Một ngày buồn vui trộn lẫn với nhóm phóng viên Việt Nam
Video đang HOT
Những thủ tục vào sân tác nghiệp không thể nào quên
Ở những giải đấu trước, một phóng viên thể thao muốn vào sân tác nghiệp chỉ cần có thẻ do Ban tổ chức cung cấp nhưng lần này thì khác. Phóng viên cần thêm một loại giấy thông hành mang tên kết quả xét nghiệm Covid-19. Tiêu chí là âm tính và có hiệu lực trong 48 giờ đồng hồ.
Tôi và các đồng nghiệp chọn làm xét nghiệm ở On Board Clinic (OBC), một trung tâm gần cảng du thuyền Dubai. Từ khách sạn tới đó, tôi mất thêm chừng 20 Dirhams (khoảng 125.000 đồng) tiền di chuyển bằng taxi, đấy là nếu đi chung xe với một người nữa.
Tính từ ngày 26/5 – 16/6, tôi đã làm tổng cộng 6 xét nghiệm realtime-PCR Covid-19 trên đất Dubai và đều cho kết quả âm tính. Trừ lần đầu tiên làm ở sân bay, 5 lần còn lại tôi đều phải tự bỏ tiền túi 130 Dirhams (khoảng 800.000 đồng). Kết quả xét nghiệm thường có sau 8-10 tiếng, được gửi về số điện thoại hoặc mail cá nhân nhưng không phải lúc nào cũng chính xác về giờ giấc và tôi từng là nạn nhân.
Sáng 11/6, tôi đi làm xét nghiệm từ sớm. Đến 14h30 (giờ UAE), tất cả đồng nghiệp đều có kết quả, trừ tôi. 30 phút sau, tôi liên hệ với nhân viên ở OBC và được đề nghị chờ thêm. Đến 17h00, người này gọi lại cho tôi, xin lỗi rối rít vì kết quả sẽ chỉ có sau 4 tiếng nữa, lúc ấy sẽ là 21h00 và trận đấu đã bắt đầu được 15 phút. Tôi tức lắm nhưng trấn tĩnh rồi nói: “Cố gắng gửi cho tôi chậm nhất vào 20h15″. Họ chỉ nói rằng sẽ cố hết sức.
Không thể đặt niềm tin vào lời nói đó, cũng không thể ngồi im chờ đến lúc đó, tôi đành đánh liều vào sân Al Maktoum với bản xét nghiệm có kết quả từ chiều 8/6 trên tay. Tôi nín thở chờ phản ứng từ nhân viên bảo vệ. Bất ngờ thay, người này đồng ý cho vào. Tôi thở một hơi dài và cảm thấy nhẹ nhõm đi nhiều, còn kết quả xét nghiệm mới nhất thì nhận được chỉ vài phút trước trận, đúng lúc quốc ca Việt Nam đang vang lên.
Phóng viên Việt Nam đi làm xét nghiệm Covid-19 ở On board Clinic tổng cộng 5 lần trong 22 ngày ở Dubai
Không chỉ có chuyện giấy xét nghiệm, quy định mỗi trận đấu chỉ có 10 phóng viên ảnh được tác nghiệp dưới sân, tương ứng 5 người cho mỗi đội tuyển, cũng trở thành chủ đề gây lo lắng. Thông tin này gây bối rối vì Việt Nam có 8 phóng viên ảnh tới từ 7 cơ quan báo chí khác nhau. Không thể bốc thăm để tìm ra 5 người may mắn mỗi trận được, chúng tôi đành nhờ phía VFF tác động.
Trong lượt trận ngày 3/6, tuyển Việt Nam không thi đấu nhưng chúng tôi vẫn đi làm, vừa xem các đối thủ, vừa khảo sát luôn quy định tác nghiệp. 4 người sang trận Indonesia – Thái Lan ở sân Al Maktoum và được vào thoải mái. Tôi cùng 3 người còn lại làm trận chủ nhà UAE gặp Malaysia ở sân Zabeel thì gặp rắc rối to.
Ban đầu, chúng tôi vào sân trơn tru. 10 ghế được chia đều ở cuối sân gần khán đài A. Vì đi sớm nên chọn được chỗ đẹp, gần khu kỹ thuật đội tuyển UAE, tưởng mọi thứ hanh thông nhưng không. Một lúc sau, hai phóng viên UAE tiến tới và nói chúng tôi không thể ngồi đây, chỗ này dành cho họ vì họ muốn chụp cả ban huấn luyện UAE. Tôi thì không muốn tranh cãi nên chấp nhận kéo va li máy ảnh sang hướng đối diện, hai đồng nghiệp khác thì kiên trì bám trụ nhưng một lúc sau cũng di chuyển sang.
Chưa hết, khi chúng tôi đã ngồi yên ở vị trí mới thì một điều phối viên người UAE tiến tới. Sau khi biết chúng tôi là người Việt Nam, vị này yêu cầu chúng tôi ra ngoài vì trận đấu chỉ dành cho phóng viên UAE và Malaysia. Tôi nói lại rằng “chỉ có 1 phóng viên Malaysia sang đây tác nghiệp thì chúng tôi có thể lấy 4 suất còn lại chứ” nhưng điều phối viên nhất quyết từ chối và nói thêm: “Hãy cứ ra ngoài, khi trận đấu sắp bắt đầu nếu còn thừa chỗ thì tôi sẽ xem xét”. Không tin lắm vào lời hứa nhưng 4 anh em tôi vẫn phải ra ngoài đứng chờ.
Chúng tôi nửa muốn chờ, nửa muốn di chuyển sang sân Al Maktoum làm trận Indonesia – Thán Lan. Tôi thậm chí còn nhắn về cơ quan tình hình, không loại trừ khả năng không được tác nghiệp và nhờ mọi người tự tìm kiếm hình ảnh trận đấu.
Càng chờ càng vô vọng mà giờ thi đấu đã gần sát, phóng viên Hoàng Linh (Báo Thể thao và Văn hoá) phải đưa ra quyết định bất đắc dĩ là dựa vào quan hệ gọi điện nhờ vả một thành viên cấp cao của AFC. May mắn thay, cán bộ AFC ấy cũng có mặt ở sân Zabeel. Sau khi làm việc với điều phối viên kia, chúng tôi cũng được vào sân và ngồi ở cuối sân gần khán đài B. Khi ấy, trận đấu cũng đã trôi qua được gần 10 phút.
Sau trận đấu 1 ngày, tôi có dịp được trao đổi với James Leow (Singapore), một cán bộ AFC được cử sang giám sát bảng G ở UAE. James cho biết cách làm của điều phối viên tại sân Zabeel dù cứng nhắc nhưng đúng với tinh thần quy định vì trận đấu sẽ ưu tiên cho phóng viên tới từ UAE và Malaysia hơn các nước khác. Tuy nhiên, nếu còn ghế trống, phóng viên nước khác sẽ được vào sân tác nghiệp.
Sau sự việc này, phía VFF đã có sự hỗ trợ cần thiết, làm việc với AFC và UAEFA về việc nâng số lượng phóng viên ảnh trong trận đấu, tiêu chí đảm bảo là ngồi giãn cách tối thiểu 1m. Cùng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, UAEFA quyết định mở cửa cho nhiều phóng viên ảnh vào sân hơn, giảm đi nhiều nỗi lo.
Phóng viên thể thao Việt Nam ra nước ngoài tác nghiệp thường là 3 trong 1 (chụp ảnh, quay video và viết). Chúng tôi thường đăng ký làm phóng viên ảnh để dễ bề tác nghiệp. Chuyện này thì xung đột với quy định của AFC hay FIFA, đặc biệt khi vào những khu vực như phòng họp báo.
Vẫn tại sân Zabeel nhưng là trận tuyển Việt Nam gặp chủ nhà UAE, do phòng họp báo nhỏ lại phải tuân thủ giãn cách nên số ghế ngồi hạn chế, điều phối viên thông báo chỉ có phóng viên viết được ngồi, phóng viên ảnh sau 5 phút chụp phải đi ra ngoài. Thế nhưng, phóng viên Việt Nam không thể rời đi như thế, chúng tôi chấp nhận ngồi đất vì còn phải nghe và gõ phát biểu của HLV, cầu thủ.
Một khó khăn khác là việc các buổi tập hay trận đấu diễn ra quá muộn. 20h45 bên UAE tức 23h45 ở Việt Nam, tôi làm xong trận đấu là khoảng 0h00, một khung giờ không đẹp để lên tin tức phục vụ bạn đọc. Tôi thường thức đến sáng để kịp hoàn thành một số bài vở phục vụ độc giả từ khoảng 6h00 trở đi. Khi mọi thứ tạm ổn, tôi mới đi nghỉ và nhìn lên đồng hồ thì khoảng 4h00. Vì lẽ này, phóng viên chúng tôi thích làm ở những nước có thời gian nhanh hơn Việt Nam thay vì chậm 3 tiếng như UAE.
8 phóng viên ảnh tới từ 7 cơ quan báo chí theo chân đội tuyển Việt Nam sang UAE
Đầu bếp bất đắc dĩ trên đất Dubai
Khi chọn nơi ở tại Dubai, tôi quyết định theo chân đội tuyển Việt Nam nên đặt phòng ở Swissotel Al Murooj. Tôi được tác nghiệp buổi tập thể dục của đội, không gian phòng ăn và cả việc cầu thủ xem chung kết UEFA Champions League cũng nhờ việc ở chung địa điểm ấy. Tổng cộng có 6 phóng viên Việt Nam ở đây.
May mắn hơn nữa là có người đặt được một căn hộ có đầy đủ tiện nghi để nấu ăn từ bếp ga, lò vi sóng, lò nướng đến tủ lạnh, bát đĩa. Nhận thấy cơ sở vật chất ổn thoả, chúng tôi quyết định sẽ cùng nhau đi chợ nấu cơm. Ngoài ra, nơi này còn có máy giặt giúp chúng tôi tiết kiệm một khoản kha khá tiền giặt khô quần áo.
Chúng tôi may mắn hơn nhiều nhóm phóng viên ở khách sạn Gulf Inn vì cứ dăm ngày lại nghe chuyện đồng nghiệp bị thu nồi cơm vì lách luật khách sạn nấu ăn trong phòng. Cũng bất đắc dĩ phải làm vậy vì ẩm thực Tây Á không hợp với người Việt chưa kể giá thành đắt đỏ nếu đi ăn hàng, những món ăn rẻ thì lại không đủ chất để làm việc. Họ cũng không thể chuyển khách sạn ngay vì lỡ đặt phòng dài ngày và đã thanh toán tiền.
Trước khi sang Dubai, tôi mường tượng đến cảnh ngày qua ngày ăn mỳ tôm, ra ngoài mua đồ ăn nhanh hay phải ăn đồ Tây Á. Tôi chưa từng nghĩ đến viễn cảnh sẽ được ăn miếng thịt ba chỉ kho tàu với trứng hay thịt lợn rang cháy cạnh chuẩn Việt như những ngày qua.
Hai đầu bếp chính của nhóm là phóng viên Lâm Thoả (Báo điện tử VnExpress) và phóng viên Nguyễn Khánh (Báo Tuổi trẻ). Tôi chuyên cắm cơm và cùng anh Quang Thịnh, Duy Anh (Tạp chí điện tử Zing) và anh Tuấn Hữu (24h.com.vn) thay phiên nhau rửa bát. Nhờ các anh, tôi được ăn hơn 40 bữa ăn Việt Nam trên đất Dubai, khác hoàn toàn với chuyến đi cách đây 2 năm cũng tại UAE để tác nghiệp Asian Cup.
4 ngày 1 lần, chúng tôi qua siêu thị Waitrose ở Dubai Mall, cách khách sạn chừng 10 phút đi bộ, mua đồ ăn về tích trữ trong tủ lạnh. Nơi ở gần nên chúng tôi đi bộ xách đồ về coi như thay cho một buổi tập thể dục.
Đàn ông đi chợ cũng có lắm chuyện cười, có hôm mua hết đồ về, chúng tôi mới ngớ người vì quên mua gạo hay dầu ăn, thế là lại lóc cóc đi mua ở một siêu thị gần hơn. Một hôm khác, anh em thấy quả dưa hấu ngon quá nên mua về ăn tráng miệng. Khi ăn hết nửa quả chúng tôi mới xem lại hoá đơn thì đơ người vì giá quả dưa là 100 Dirhams (khoảng 600.000 đồng), xem kỹ mới biết đây là giống dưa hấu không hạt nhập khẩu. Kể từ đó, chúng tôi ăn nửa quả còn lại đầy trân trọng và không dám mua lần thứ hai.
Một kỷ niệm khác khiến tôi ấn tượng mãi cũng là khi đi mua đồ ở Dubai Mall. Hôm ấy, tôi và các anh mặc chiếc áo di chuyển của tuyển Việt Nam được VFF tặng, có hình cờ Tổ quốc ở ngực trái. Khi đang đi thì bỗng nghe thấy tiếng gọi “Việt Nam à? Việt Nam đúng không?”. Ngơ ngác một lúc, chúng tôi nhận ra một chị nhân viên ở gian hàng bánh, phô mai đang gọi.
Cảm giác bỗng dưng có ai đó hô hai tiếng “Việt Nam” giữa xứ người làm tôi nổi da gà. Tình đồng bào hiện lên ở những khoảnh khắc như thế mà tự bản thân tôi cảm thấy đẹp vô cùng. Bên cạnh đó, tôi vẫn phải công nhận mỗi lần đi nước ngoài lâu ngày mới càng thấy yêu đất nước mình hơn, nhất là chuyện ăn uống.
Tôi cùng các anh tới trò chuyện một hồi, biết chị quê Nghệ An, ở siêu thị làm thợ làm bánh nhưng tiếc là quên hỏi tên. Chị bất ngờ vì Waitrose là siêu thị “đẳng cấp” và đắt nhất ở Dubai. Anh em nghe xong đều hốt hoảng nhưng sau này khảo sát giá thấy cũng không đắt hơn nhiều siêu thị khác, lại đa dạng thực phẩm và tiện cho việc đi lại.
Trong suốt thời gian ở Dubai, tôi nghĩ việc chọn nơi ở là một trong những quyết định đúng đắn nhất. Nó tạo nên sự thoải mái trong việc ngủ nghỉ, ăn uống để rồi dồn toàn tâm toàn ý cho những giờ đồng hành cùng đội tuyển Việt Nam.
Bữa cơm Việt do tự tay phóng viên Việt Nam thực hiện tại căn hộ ở khách sạn Swissotel Al Murooj
Chân dung 14 phóng viên Việt Nam sang UAE tác nghiệp chiến dịch vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á
Người Việt ở Dubai: "Tuyển Việt Nam không nên xem thường nắng nóng ở UAE"
Người Việt Nam ở UAE đang rất háo hức được gặp thầy trò HLV Park Hang-seo ở vòng loại thứ hai World Cup 2022.
UAE tháng 6 như "chảo lửa"
Đội tuyển Việt Nam đã được cảnh báo về thời tiết nắng nóng khi sang UAE thi đấu trong tháng 6. Một số người Việt sinh sống tại Dubai cho biết tuyển Việt Nam nên cảnh giác với thời tiết để đảm bảo sức khoẻ.
Năm 2019, đội tuyển Việt Nam từng thi đấu ở UAE thuộc giải Asian Cup. Tuy nhiên, thời điểm thi đấu là tháng 1 nên khí hậu khá thoải mái.
CĐV Việt Nam đến sân Al Maktoum cổ vũ thầy trò HLV Park Hang-seo đối đầu Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019 (Ảnh: Hiếu Lương)
Chị Trần Ánh Nguyệt (35 tuổi) có 3 năm sinh sống và làm về lĩnh vực du lịch tại Dubai chia sẻ: "Tháng 6 ở Dubai nhiệt độ thường từ 36-40 độ C vào buổi sáng, tối thì giảm xuống 26-30 độ C nhưng cảm giác thì vẫn như buổi sáng. Độ ẩm cũng thất thường.
Nhiều người nghĩ ở UAE chỉ có nóng khô nhưng nếu sang thì mới biết có cả nóng ẩm như Việt Nam vì nằm gần biển. Những hôm nào như vậy thì khó chịu không kể đâu hết vì oi bức, chỉ muốn ngồi trong phòng cho mát thôi".
Phóng viên Anh Phương của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thường trú tại Trung Đông cho biết: "Người ta ví mùa hè ở vùng Vịnh "như một chảo lửa". Thời gian tôi làm việc ở đây gần như không thấy sự kiện văn hoá thể thao nào tổ chức vào mùa hè.
Độ ẩm ở đây cao nên vừa nóng vừa ngột ngạt. Đội tuyển Việt Nam thi đấu lúc 20h45. Nhiều người nghĩ ban đêm thì cái nóng giảm nhưng thực tế chỉ có nhiệt độ giảm thôi, còn sự ngột ngạt oi bức thì không".
Khi được hỏi có lời khuyên nào cho đội tuyển Việt Nam, chị Nguyệt nói: "Tuyển Việt Nam sang đây chưa phải tháng cao điểm nắng nóng (tháng 7). Cơ thể VĐV chắc cũng khoẻ hơn người thường nhưng cũng cần cảnh giác, không nên xem thường nắng nóng ở UAE. Chuyện sốc nhiệt, ốm vì thay đổi thời tiết ở bên này là chuyện thường tình vào mùa hè.
Kinh nghiệm của tôi là không nên ở trong phòng dùng điều hoà nhiệt độ cả ngày, nên ra ngoài hoạt động với khung giờ nhất định để thích ứng, vài ngày đầu sẽ khó chịu nhưng sau sẽ quen dần. Nếu hoạt động ở trời nắng nên dùng nhiều kem chống nắng. Thực phẩm nếu được nên mang từ Việt Nam sang để sử dụng, đặc biệt là nhiều rau xanh".
Mùa hè ở UAE kéo dài từ tháng 5 đến cuối tháng 10. Không ngẫu nhiên mà các giải bóng đá ở UAE được tổ chức từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm để tránh nắng nóng.
Đội tuyển Việt Nam từng chạm trán Jordan ở Asian Cup 2019 lúc 16h00 nhưng thời điểm đó là mùa đông ở UAE nên thời tiết vẫn dễ chịu (Ảnh: Hiếu Lương)
Nắm được tình hình, VFF đã cử ông Đoàn Anh Tuấn, Trưởng phòng các đội tuyển quốc gia, sang UAE từ ngày 14/5 để thực hiện công tác tiền trạm cho đội tuyển Việt Nam.
Trong tối 15/5, đội tuyển futsal Việt Nam cũng lên đường sang UAE để chuẩn bị thi đấu play-off với Lebanon tranh vé đi World Cup. Những kinh nghiệm của đội cũng sẽ giúp ích nhiều cho thầy trò HLV Park Hang-seo.
Ngoài việc tập luyện vào giờ gần trưa ở Hà Nội để làm quen với nắng nóng, đội tuyển Việt Nam cũng được sang UAE sớm 10 ngày so với lịch thi đấu. Khoảng thời gian này được đánh giá vừa đủ để thích ứng với khí hậu nơi đây.
Háo hức chờ UAE cho người hâm mộ vào sân xem vòng loại World
Đội tuyển Việt Nam thi đấu vào lúc 20h45 là khung giờ lý tưởng để người hâm mộ tại Dubai đến theo dõi. Nhiều người Việt vẫn bám trụ ở UAE dù đợt dịch Covid-19 khiến công việc bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2020.
Anh Nguyễn Thế Tâm (30 tuổi), nhân viên một công ty tài chính ở thủ đô Abu Dhabi, cho biết đã có kế hoạch tự lái ô tô đến Dubai để cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.
"Lúc này, UAE có trung bình 2.000 ca nhiễm Covid-19/ngày. Thế nhưng, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như khi chưa có dịch. Người dân chỉ cần đeo khẩu trang, mang theo nước sát khuẩn bên người. Nói chung, cuộc sống ở đây đang như bình thường rồi", anh chia sẻ thêm về tình hình dịch bệnh. Giờ chỉ còn chờ UAE cho phép khán giả vào sân.
Anh Nguyễn Thế Tâm chụp ảnh trong muốn chuyến đi chơi ở Dubai vào tháng 3/2021 (Ảnh: IGNV)
Hiệp hội bóng đá UAE (UAEFA) xin phép chính phủ để mở cửa một phần các SVĐ tại vòng loại thứ hai World Cup 2022. Cơ sở đầu tiên nằm ở độ bao phủ của vaccine trên lãnh thổ.
UAE có dân số khoảng 10 triệu người và một nửa trong số này đã hoàn thành việc tiêm hai mũi vaccine Covid-19. Nhiều người nước ngoài làm việc lâu năm cũng được tiêm, trong đó có anh Tâm.
Người nước ngoài đến UAE giờ chỉ cần làm xét nghiệm Covid-19 trong 72 giờ trước khi sang UAE và có kết quả âm tính. Khi đến sân bay sẽ tiếp tục được làm xét nghiệm và chờ kết quả trong khoảng 4 giờ đồng hồ, nếu âm tính họ được hoạt động tự do và tự phòng dịch mà không phải cách ly.
UAEFA cũng đưa ra quy định về đối tượng khán giả được vào sân theo dõi bóng đá. Một là khán giả đó đã hoàn thành việc tiêm vaccine Covid-19 trước khi trận đấu diễn ra 28 ngày. Hai là khán giả phải làm xét nghiệm Realtime-PCR trong 48 giờ trước trận đấu và có kết quả âm tính.
Người Việt Nam ở UAE vẫn đang chờ đợi quyết định cuối cùng để một lần nữa được làm sống lại không khí cuồng nhiệt như ở Asian Cup cách đây hai năm.
Tuyển Việt Nam đấu Malaysia: Tuấn Anh làm khán giả Tuấn Anh buộc phải làm khán giả khi tuyển Việt Nam đấu Malaysia, trong khi Văn Toàn kịp trở lại để thầy Park rộng đường chọn lựa. 18h30 giờ địa phương (21h30 giờ Việt Nam), tuyển Việt Nam có buổi tập trên sân Al Maktoum chuẩn bị cho trận gặp Malaysia. Tuấn Anh là thành viên duy nhất của tuyển Việt Nam không...