Phòng trọ thi ĐH: nhà mặt đất, giá trên trời
Giá đắt ngang khách sạn, quảng cáo miễn phí nhưng vẫn thu tiền… là cảnh nhà trọ phục vụ thi ĐH hiện nay ở Hà Nội.
Phòng bình dân sốt giá
Hàng năm, các thí sinh ngoại tỉnh đổ về Hà Nội dự thi ngày một đông, vì vậy chỗ ăn ở và phương tiện đi lại luôn là nỗi lo hàng đầu của các bậc phụ huynh. Các gia đình thường tìm nhà trọ quanh các địa điểm thi đã khiến giá phòng trọ tại đây tăng cao.
Dạo qua khu vực đường Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Đại Cồ Việt, khu vực xung quanh trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, ĐH KHXH&NV… PV “hoa mắt” với những mức giá thuê phòng “cắt cổ”.
Đến ngõ 130 Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN), cứ một quãng PV lại bắt gặp đủ kiểu loại biển cho thuê phòng. Dừng chân tại số nhà 10H2, trong vai một người khách, tôi được chủ nhà dẫn lên tầng 3. Căn phòng chật chội và còn ngổn ngang đồ đạc của sinh viên thuê dài ngày được bà chủ “hét giá” 200.000 đồng/người/ngày.
Chỉ với hơn 10m2 nhưng bà chủ dự định sẽ cho ít nhất 4 người thuê. Tổng số tiền thuê cả gian phòng sẽ lên đến 3.200.000 đồng. Một sinh viên hiện đang thuê căn phòng đó cho biết chỉ phải trả 300.000 đồng/người/tháng (10.000/người/ngày). Như vậy muốn có được một chỗ để nghỉ chân trong 3 ngày thi đại học, người thuê sẽ phải trả số tiền gấp gần 10 lần bình thường.
Có mặt tại phố Phương Mai để khảo sát tình hình nhà trọ gần địa điểm thi trường ĐH Xây dựng, PV gặp được hai mẹ con bác Nguyễn Thị Mai quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh lên tìm phòng trọ.
Cầm trên tay mẩu giấy có ghi địa chỉ, bác Mai vẫn lo lắng: “Phố xá đông đúc, tôi không biết đường nên cứ phải hỏi mấy bác xe ôm. Có cái địa chỉ mà bạn của cháu đã thuê được phòng ghi cho, tôi lần tìm đến, chứ tự đi mò nhà thì chắc không tìm được”.
Theo chân hai mẹ con bác Mai, sau một hồi lòng vòng, chúng tôi cũng tìm đến được địa chỉ ghi trên tờ giấy.
Bà chủ tên Đông đon đả mời chào: “Bác và cháu tìm đến đây là đúng địa chỉ rồi. Thi ở trường Xây dựng thì ở đây là thuận tiện nhất. Gần trường đi mấy bước là đến, gần chợ, thích ăn gì mua nấy”.
Video đang HOT
Trước khi đề cập đến giá phòng chủ nhà cũng không ngớt lời tiếp thị: “Phòng nhà cô sạch sẽ, thoáng mát, có quạt, có chiếu trải sạch sẽ. Nếu thuê theo đầu người thì cô lấy từ 80 -100.000/người/ngày. Phòng sẽ ở chung từ 6 đến 7 người”. Bà Đông cũng cho biết, nếu thuê cả phòng trong 3 ngày giá sẽ là 1,3 triệu đồng.
Băn khoăn một hồi, cuối cùng bác Mai cũng chấp thuận đặt cọc 50% số tiền để hôm tới sang là có phòng luôn. “Đắt quá cô ạ! Nhưng thôi thì con gái cả năm mới lên thi một lần, khó khăn thì cũng vẫn phải thuê. Sợ mấy hôm tới lên thì khó mà tìm được phòng”.
Khoảng cách giữa phòng trọ đến địa điểm thi dường như cũng tỉ lệ thuận với số tiền thuê. Hỏi giá thuê một người tại số nhà 29 trên đường Trần Đại Nghĩa (gần trường ĐH Kinh tế Quốc dân), chủ nhà cho biết: “Giá phòng rơi vào khoảng 300.000/người/ngày. Một phòng sẽ ở ghép 3-4 người”.
Cảnh giác với những chiêu cò mồi, lừa gạt
Những ngày nay, hoạt động của các cò mồi cũng đang “ nóng” dần. Dừng chân tại cổng trường ĐH Sư phạm, tôi được một cò mồi tên L đon đả giới thiệu về khu trọ hơn hai chục phòng tại Ngõ 6 phố Đồng Xa (Cầu Giấy, HN).
Bên cạnh những lời giới thiệu có cánh về “tiện nghi và cơ sở vật chất” khu trọ, L còn nhấn mạnh đến dịch vụ đưa đón miễn phí từ khu trọ đến địa điểm thi khu Cầu Giấy – HN.
Để mục sở thị tận nơi “cơ ngơi” mà L giới thiệu, PV đã theo chân L vào khu trọ. Sau khi thăm khu trọ, viện cớ vì đoạn đường xa gần hai cây số cùng với điều kiện phòng ẩm thấp, nấm mốc, PV khéo léo từ chối thì nhận được thái độ quay ngoắt, lạnh lùng của L.
Không lộ diện trực tiếp nhưng nhiều chủ hàng hàng trà đá, quán ăn hay các tay xe ôm… quanh cổng các trường ĐH cũng chực chờ cơ hội để “đong” khách cho nhiều nhà trọ.
Gợi chuyện muốn tìm phòng cho em gái ở quê lên thi trong đợt 1, bà chủ quán trà đá trước cổng trường Đại học KHXH&NV gợi ý khéo: “Cô quen rất nhiều mối nhà trọ gần trường mà giá rẻ, chiều mai cháu qua đây, cô dẫn đi xem phòng. Vào đến nơi cứ ưng phòng nào thì trả giá phòng đó chứ ngồi đây nghe những người khác giới thiệu thì khó tin lắm. Đi với cô, cô giới thiệu là người quen thì chắc giá lại mềm hơn đó”.
Gần đến đợt thi đại học, các thông tin về phòng trọ miễn phí được cập nhật liên tục. Lần theo một địa chỉ được cho là “miễn phí” trên một trang báo mạng, PV tìm đến địa chỉ số 4/21 ngõ 6 Phương Mai (Đống Đa, HN). Những tưởng sẽ tìm được một chỗ ở miễn phí nhưng qua trao đổi chúng tôi mới té ngửa với lý do của bà chủ: “Sinh viên tình nguyện nói là miễn phí thôi, nhưng nhà bác là nhà dân thì vẫn phải thu. Ký túc xá thì mới có thể là miễn phí”
Để cho con có được một chỗ ăn nghỉ yên ổn trong mấy ngày thi, không ít gia đình nông thôn đã phải chắt chiu dành dụm những đồng tiền lao động vất vả. Nhiều phụ huynh đành chấp nhận chịu những chi phí đắt đỏ chỉ mong sao con có được kết quả thi thật tốt và thực hiện ước mơ thoát ly, đổi đời.
Theo VTC
Sĩ tử chọn người hợp tuổi đưa đi thi
Trước mùa thi, không ít sĩ tử quy ước: không ăn trứng, chuối, xôi lạc..., không đụng vào đồ sứ, thủy tinh vì sợ nếu làm vỡ sẽ có điềm chẳng lành. Thậm chí không ra ngoài hàng tháng trời vì sợ gặp con gái hay bà đẻ thì sẽ "trượt" đại học.
Ăn chay cho lành
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng những kiến thức cần thiết để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới nhưng nhiều sỹ tử vẫn lo lắng chuyện hên, xui nên đã làm đủ cách để càng tránh được nhiều "điềm gở" càng tốt. Từ việc kiêng không ăn chuối vì sợ sẽ bị trượt vỏ chuối, không ăn xôi lạc vì làm bài sẽ bị lạc đề, không ăn đỗ đen vì đi thi sẽ gặp vận đen...Nhiều bạn còn có những kiểu kiêng quái gở với cả 1001 lí do.
Để tránh đụng vào bát đĩa không ít sĩ tử chọn cách "trường kỳ cơm hộp"
Như trường hợp của Phan Trang (Lý Nhân, Hà Nam), dù bố mẹ Trang có dùng đủ mọi lý lẽ để thuyết phục nhưng cô bạn vẫn nhất quyết không ăn thịt cá hay những chất bổ dưỡng mà chỉ ăn đồ chay cả tháng trời. Theo Trang, ăn chay để tâm "tịnh", hướng Phật phải "toàn tâm toàn ý" thì mới gặp điều lành nên bữa ăn trong những ngày "khổ luyện" của cô chỉ toàn rau, đậu phụ và muối lạc. "Những lần thi hết học kỳ, cả thi tốt nghiệp em đều ăn chay trước đó một tháng hoặc một tuần, làm thế may mắn lắm, lần nào cũng trúng tủ hoặc đề dễ. Em hi vọng lần nay thi ĐH cũng như thế" - Trang chia sẻ.
Còn Quỳnh Nga ( Yên Châu, Sơn La) thì trước ngày thì hai tháng không dám đụng vào bất kỳ đồ sứ hay thủy tinh vì sợ nếu làm vỡ sẽ đen đủi. Bởi vậy, tất cả đồ dùng cá nhân của Nga từ cốc, chén, bát, đĩa....đều chuyển sang chất liệu nhựa, hoặc sắt, chỉ cần là đồ dễ vỡ là cô bạn tránh xa. Thậm chí, trước ngày thi Nga còn kiêng không cắt móng tay với lí do : "Bạn em bảo nếu cắt móng tay thì đi thi xui xẻo lắm, thường không làm được bài nên em cứ tránh cho chắc ăn, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà!".
Cũng như Nga, bạn Huy Hùng (Diễn Mỹ, Diễn Châu, Nghệ An) từ khi lên Hà Nội ôn thi ngày nào cũng "trường kì cơm hộp" , một phần vì ngại nấu nướng phần nhiều vì Hùng sợ vỡ bát nên chọn giải pháp an toàn. Hùng cho biết: "Cơm hộp vừa nhanh, vừa tiện lại tránh không phải đụng đến bát đĩa, trước khi thi vỡ bát rất xui nên em không muốn động chạm". Ngoài ra Hùng còn "bật mí" thêm một điều cậu thường tránh làm trước khi thi như : tránh gặp bà bầu, bạn gái, không ăn thịt vịt, thịt chó, đi đường phải "né" đám cưới, và trước ngày thi vài ngày không được gội đầu vì như thế sẽ "trôi hết kiến thức".
Độc chiêu hơn có nhiều bạn rủ nhau đi xem bói để xem vận mệnh và "tuân thủ" đúng theo mọi điều thầy "phán" để mong sẽ "vượt vũ môn" một cách suôn sẻ nhất. Như nhóm bạn của Phương Anh (Đông Anh, Hà Nội) sau khi đi xem bói mỗi người đã xin được một chiếc bùa hộ mệnh và một chai "nước thánh". Theo lời Mai Anh, chỉ cần luôn mang theo bùa trong người sẽ gặp may mắn, thêm vào đó những ai uống được nước thánh được lấy từ giếng Mẫu thì công danh nở rộ. Tuy nhiên, nếu sau khi đỗ đạt rồi nếu ai không quay về tạ lễ sẽ gặp tai ương, sự nghiệp dở dang, khốn đốn. "Tất cả các bạn trong nhóm đều coi bùa như báu vật, và luôn mang theo bên mình, sách có thể rời ra chứ bùa thì phải ôm theo cả lúc ngủ". - Mai Anh cho biết.
Không chỉ riêng các sỹ tử, trước kì thi ĐH, các bậc phụ huynh cũng chen chân nhau tới các chùa, đền cầu khấn để xin lộc, cầu may. Nhiều người còn đổ xô đi mua tờ 2 USD cho con để hi vọng điều phúc, điềm lành sẽ tới.
Chỉ là chuyện may , rủi?
Khi những tân sỹ tử đang ngày đêm áp dụng những cách kiêng kỵ để "tránh" vận xui trước kỳ thi thì nhiều người đi trước lại thấm thía mỗi lúc kể về kinh nghiệm xương máu của mình về chuyện "có kiêng mà....chẳng lành".
Nhiều thí sinh đi xem bói để chọn người hợp tuổi đưa đi thi.
Thu Vân - Trường Trung cấp Y, Ninh Bình từng "trượt vỏ chuối" trong kỳ thi ĐH năm trước kể lại: "Năm ngoái mình cũng kiêng nhiều lắm, không dám ăn đỗ đen, lạc, trứng, không cắt tóc trước khi thi... nhưng kết quả may mắn đâu chả thấy, điểm vẫn lẹt đẹt. Giờ học Y mới nhận ra một điều, những thức ăn mà mình kiêng đều là những đồ bổ dưỡng, có nhiều vitamin cần thiết cho việc tăng cường trí nhớ, sức khỏe nhất là khi ôn thi mà ngày đó mình lại không dám ăn".
Nguyễn Mạnh (CĐ Điện Lực Hà Nội) cho biết: "Trước đây mình cũng xem bói để chọn người hợp tuổi đưa đi thi, lúc đi cũng xem ngày, rồi thì "đi hơn về kém" với hi vọng sẽ may mắn nhưng giờ thì không tin lắm, chuyện trượt, đỗ do năng lực của mỗi người thôi, lười học thì có kiêng cả ngàn thứ cũng trượt".
Hoa khôi Tài chính: Nhật kí tình nguyện mùa thi
Trở lại trường múa sau mùa &'vén màn tự sự'
Khắp nơi đồng hành cùng sỹ tử mùa thi
Treo giải bạc tỷ dụ con thi đại học
Còn một số sinh viên đã từng trải qua kỳ thi ĐH một cách nhẹ nhàng với điểm số ngất ngưởng lại cho rằng chuyện kiêng kị chỉ là những lời đồn nhảm nhí, hoặc là cách để giải tỏa tâm lý căng thẳng cho mỗi thí sinh trước ngày thi. Còn để làm bài thi đạt kết quả cao nhất phụ thuộc chủ yếu vào kiến thức mà các sĩ tử đã "dùi mài", "tu luyện" trong suốt quá trình học.
Bạn Phương Chi - sinh viên ĐH Ngoại Thương, Hà Nội chia sẻ: "Mình thấy một số em có cách kiêng kị rất phản khoa học như : không gội đầu vì sợ trôi kiến thức, hoặc sợ gặp con gái sẽ đen đủi. Trước đây khi mình thi mình chẳng kiêng gì cả, chỉ chú tâm vào ôn luyện và luôn tạo tâm lý thoải mái nhất để làm bài thi cho tốt. Kết quả vẫn đỗ đấy thôi".
"Năm ngoái mình ôn thi cũng không kiêng kỵ điều gì mà vẫn đậu ĐH với số điểm khá cao, thậm chí còn tăng cường ăn trứng, chuối và các loại đỗ vì các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng đó là những thức ăn giúp giảm căng thẳng, tăng cường trí nhớ" - Minh Hà (sinh viên Học viện Ngân Hàng) chia sẻ.
Rất nhiều sinh viên ĐH đều cho rằng việc kiêng kỵ không hề giúp các sỹ tử gặp may mắn, thậm chí có nhiều cách kiêng phản khoa học sẽ gây hại tới sức khỏe cũng như tâm lý của thí sinh trước ngày thi. Để có kết quả như mong đợi, mỗi người cần trang bị cho mình thật nhiều kiến thức và sự tự tin vào bản thân.
Theo VNN
Những lưu ý quan trọng đối với thí sinh trước kỳ thi ĐH Chỉ còn 5 ngày nữa đến kỳ thi đại học đợt 1, để không gặp những rắc rối và mất điểm trong khi thi, thí sinh cần lưu ý những điều quan trọng sau đây nhé! Mất thẻ dự thi phải làm giấy cam đoan Thí sinh phải có mặt tại trường đã đăng ký dự thi theo đúng thời gian và địa...