Phòng trọ mùa thi tăng giá từng ngày
Phương thức hoạt động của cò mồi là móc nối với các chủ nhà trọ, cứ dẫn được một người vào ở trọ, họ sẽ được chủ nhà chia hoa hồng từ 20.000đ đến 50.000đ. Nhiều bác tài “tốt bụng” còn chở lòng vòng sĩ tử đi hết phòng trọ này đến phòng trọ khác để “chặt chém” tiền xe ôm cũng như tiền phí chở tìm phòng trọ.
Còn chưa đầy 10 ngày nữa kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ 2012 sẽ bắt đầu. Qua khảo sát, vào thời điểm này, giá phòng trọ đang tăng lên từng ngày khiến các bậc phụ huynh và sĩ tử càng thêm áp lực.
Nhiều phòng trống, nhưng giá dần tăng cao
Tại các khu vực gần Trường Đại học KHXH&NV, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội… hiện còn khá nhiều phòng trống. Địa điểm quanh các phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch gần Trường Đại học Sư phạm, Học viện Báo chí – Tuyên truyền nhan nhản các biển quảng cáo, rao vặt thông báo có nhà trọ cho sĩ tử, sinh viên thuê. Thậm chí, nhiều chủ trọ chủ động ra đường, bến xe đón phụ huynh và sĩ tử.
Trong ngõ 389, Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) có tới 6 hộ treo biển cho thuê phòng. Nằm sâu trong ngõ này là một căn nhà 4 tầng khang trang, rộng rãi. Bà chủ cho biết, nhà có tất cả 8 phòng, mỗi tầng 2 phòng rộng 15m2, hiện 2 phòng có người ở, 6 phòng còn lại sinh viên trả phòng về quê đã gần chục ngày, nhưng chưa có ai thuê.
Tương tự tại làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì) nơi tập trung đông nhà trọ sinh viên giá rẻ hiện cũng còn rất nhiều phòng trống. Tìm hiểu nguyên nhân là do sinh viên sau khi thi kết thúc học kỳ nghỉ hè về quê trả lại phòng cho chủ. Năm nay, lượng học sinh sau khi thi xong tốt nghiệp lên Hà Nội ôn thi cấp tốc cũng không nhiều. Như mọi năm vào khoảng từ 28/6 trở đi, phụ huynh mới dẫn con em mình lên thi đông.
Tuy nhiên, nắm bắt được tâm lý học sinh ở quê ra, càng đến gần ngày thi đại học giá phòng càng tăng cao. Theo khảo sát, giá ở trọ năm nay dao động từ 100.000đ đến 150.000đ/người/ngày, nhưng đắt hay rẻ còn tùy thuộc nơi trọ có gần trường thi không, diện tích phòng, thời gian và số người ở. Ngay đầu ngõ 252, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), một phòng trọ trên tầng 3 cho 2 người ở, rộng 13m2 chủ nhà đòi 100.000đ/người/ngày, nếu 3 người ở giảm xuống 80.000đ/người/ngày, điện nước tính riêng
Ông L., chủ nhà cho biết, buổi sáng 2 phòng trên tầng 3 đã có người thuê, hiện chỉ còn một phòng trên tầng 2 là trống. “Anh không thuê là chút nữa có người thuê thôi, ở bây giờ mới có cái giá rẻ như vậy chứ vài ngày nữa phải là 150.000đ/người/ngày cơ”, ông L. khẳng định.
Cũng theo khảo sát, giá phòng trọ trên địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa và khu vực gần các Trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… thuộc quận Hai Hà Trưng trung bình đắt hơn từ 20.000đ đến 50.000đ so với trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Đông.
Tại Phùng Khoang (Trung Văn, huyện Từ Liêm), một phòng trọ trên tầng 3 rộng 25m2 cho 2 người ở là 100.000đ/người/ngày, nhưng cùng phòng trọ như vậy trên phố Tạ Quang Bửu (Bách Khoa, Hai Bà Trưng) chủ nhà quát 150.000đ/người/ngày. Còn tại khu vực Mỹ Đình do gần bến xe Mỹ Đình nên giá thuê trọ cũng khá cao. Một phòng cấp 4 rộng 11m2 cho 2 người ở 10 ngày là 1.800.000đ.
Video đang HOT
Nhiều người mời chào học sinh các tỉnh xa về Hà Nội tìm nơi trọ học
Anh Bùi Viết Tuấn quê Hưng Hà, Thái Bình có con thi tại Trường Đại học Thương mại, sáng 22/6, hai bố con anh được bà hàng nước giới thiệu vào ở phòng trọ giá rẻ tại thôn Đình Thôn, gần bến xe Mỹ Đình. Tới nơi, anh mới ngã ngửa, phòng cấp 4 rộng chưa đầy 9m2 điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, chủ nhà cũng đòi 100.000đ/người/ngày. “Phòng quá chật chội, trời mùa hè nóng như lò lửa, ở được 2 ngày bố con tôi phải chuyển lên Hồ Tùng Mậu, giá ở đây có cao hơn chút nhưng đảm bảo sức khỏe cho cháu học ôn, để chuẩn bị cho kỳ thi”, anh Tuấn chia sẻ.
Mùa kiếm ăn của “cò” nhà trọ
Lợi dụng nhu cầu tìm phòng trọ và sự ngơ ngác của các bậc phụ huynh lần đầu ra Hà Nội, lực lượng “cò” nhà trọ lại tha hồ lộng hành kiếm chác, nhiều người tiền mất tật mang. Theo quan sát, tại bến xe Mỹ Đình, đội quân cò mồi hoạt động mạnh mẽ dưới nhiều hình thức trợ giúp tìm kiếm phòng trọ.
Vừa thấy bóng dáng của các học sinh bước xuống xe khách, cánh xe ôm lại bu đầy, nhiệt tình mời chào: “Cháu nó thi trường nào? Lên đây, em chở bố con bác đến tận chỗ trọ”. Chiêu quen thuộc của đội quân “cò” mồi là giới thiệu biết chỗ trọ giá rẻ, rộng rãi, gần địa điểm thi, nhưng khi đến tận nơi nhiều phụ huynh mới biết là hoàn toàn ngược lại.
Chị Gấm quê Hưng Yên có con thi Trường Đại học KHTN cho biết, hai mẹ con vừa xuống xe được bác xe ôm “tốt bụng” nói quen với chủ nhà có nhiều phòng trọ giá rẻ dưới Hà Đông. Mừng quá mẹ con chị liền lên xe theo ông ấy, nhưng khi đến nơi thấy quá thất vọng. “Phòng cấp 4 rộng 10m2, mái lợp ngói pro rất nóng, đã có 2 người ở đấy rồi, đã vậy sau mỗi trận mưa phòng lại ngập lênh láng. Vừa lắc đầu từ chối không ở phòng này, ông ấy đã quay ra xin 100.000đ xe ôm và 50.000đ phí tìm nhà trọ hộ, ức quá chẳng biết làm sao tôi đành phải đưa”, chị Gấm bức xúc nói.
Không chỉ cánh xe ôm mà cả chủ những quán nước ven đường và lực lượng trung gian tìm nhà trọ thuê cũng gia nhập đội quân hùng hậu này. Trong vai một người anh đưa em lên thi cần tìm nhà trọ ở gần trường Đại học KHXH&NV, chủ một quán trà đá cạnh trường đon đả giới thiệu, ngay trong ngõ 336 có phòng trọ chỉ với 80.000đ/người/ngày, điện nước tính gộp, phòng đẹp, yên tĩnh. Khi đến tận nơi mới biết phòng rộng 15m2, nhưng đã có 3 người ở, mà chỉ có một chiếc giường nhỏ cho hai người nằm. Ra về, bà chủ quán không quên xin 20.000đ công dẫn đi xem phòng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phương thức hoạt động của cò mồi là móc nối với các chủ nhà trọ, cứ dẫn được một người vào ở trọ, họ sẽ được chủ nhà chia hoa hồng từ 20.000đ đến 50.000đ. Đồng thời, nhiều bác tài “tốt bụng” còn chở lòng vòng sĩ tử đi hết phòng trọ này đến phòng trọ khác, ngoài việc tính tiền xe ôm, họ cũng không quên đòi phụ huynh tiền phí chở tìm phòng trọ.
Để tránh bị cò mồi “móc túi”, các bậc phụ huynh hãy tham khảo lực lượng sinh viên tình nguyện để được tư vấn chỉ dẫn tìm phòng trọ và tuyến đường đi. Hiện nay, KTX các trường có nhiều phòng dành cho sĩ tử với giá rẻ, phụ huynh hãy liên hệ với Ban quản lý KTX để được hướng dẫn đăng ký vào KTX ở
Theo CAND
Cuộc chiến giành giật khách ở bến xe Hà Nội
Xe vừa lăn bánh vào bến, một nhóm người chạy hồng hộc đuổi theo, bu quanh cửa xe, nhốn nháo, chỉ trỏ, khách xuống thì lôi kéo, nài nỉ, những cô gái thì bị khoác vai bá cổ để dụ dỗ đi xe ôm, taxi... là cảnh không còn xa lạ ở các bến xe tại Hà Nội.
Gần 10 năm sống, làm việc và học tập tại Hà Nội, chứng kiến bao sự đổi thay của phố phường, Phạm Văn Việt (quê Nam Trực - Nam Định) bảo, "chỉ có cảnh ở bến xe thì bao năm nay vẫn vậy".
Cứ thấy xe lăn bánh vào bến, là một nhóm người chạy hồng hộc đuổi theo. Họ bu quanh cửa xe, nhốn nháo, chỉ trỏ và tiếp đến là gọi hành khách bằng những cái tên rất mới: áo trắng của tôi, tóc dài nhé, cô bé đeo ba lô...
Rồi khi xuống xe, vượt qua nhóm xe ôm này cũng là một giai đoạn vất vả. Vì hành khách đã từ chối, nhưng tài xế taxi hoặc xe ôm vẫn cố bám theo, nài nỉ. Những người trông có vẻ mới ở quê ra lần đầu thì dễ dàng bị cánh xe ôm lôi kéo xềnh xệch. Các cô gái thì bị khoác vai bá cổ khiến nhiều cô bực mình đến phát khóc.
Lại có những cụ già đang vào bến đón xe về quê thì đã bị cánh phụ xe của những xe đang lăn bánh khỏi bến kéo tót lên xe, trông nguy hiểm đến phát sợ.
Thế nhưng, với người Việt Nam mình thì những chuyện như vậy sẽ dễ dàng được bỏ qua, hoặc chỉ cần rời khỏi bến xe là người ta có thể quên ngay, nhưng với người nước ngoài, khi gặp phải cảnh này liệu họ có dễ dàng quên như trường hợp của một vị khách Tây mà Việt mới chứng kiến cách đây ít hôm?
Việt kể: "Hôm đó, có mặt ở bến xe Giáp bát để đón xe đi công tác, mình đã chứng kiến cảnh một người khách Tây bị 3, 4 phụ xe lôi kéo đến mức người khách này phát cáu lên, phải to tiếng với cánh phụ xe khiến nhiều người có mặt phải đứng ra can ngăn".
Đầu đuôi câu chuyện là, vị khách Tây này muốn bắt xe về Sầm Sơn - Thanh Hóa để đi du lịch, nhưng vốn tiếng Việt lại không nhiều, nên khi thấy một phụ xe ra nói sẽ dẫn đến xe Sầm Sơn thì vị khách này lập tức đi theo.
Lên xe, đi từ đầu xe đến cuối xe nhưng thấy đã hết ghế ngồi, nên vị khách Tây đành đi ngược lại định xuống xe để tìm xe khác. Nhưng lúc này cửa xe đã đóng, vị khách nhờ lái xe mở cửa hộ, nhưng không được sự đồng ý của lái xe, nên cánh cửa vẫn đóng im ỉm.
Khoảng 5 phút sau, thì phụ xe phía dưới lại tìm thêm được một khách đi xe. Thế là cánh cửa mở ra. Vị khách nước ngoài lúc này vội vàng lao ra khỏi cửa thì bị người phụ xe túm lấy tay kéo lại, và đẩy lên xe. Nhưng vì vị khách này cao to hơn, người phụ xe không thể đạt được mục đích của mình, nên to tiếng, chửi bới. Người khách nước ngoài tuy không hiểu người phụ xe nói gì, nhưng thấy anh ta to tiếng lại cứ chỉ tay vào mặt mình nên cũng to tiếng theo, nhưng là nói bằng ngôn ngữ tiếng Anh.
Cuộc khẩu chiến diễn ra tầm 2 phút thì lúc này, khoảng 2, 3 phụ xe ở khu vực lân cận cũng xúm lại, người ùa vào to tiếng, người can ngăn.
Thấy vậy, người khách nước ngoài khua tay ra hiệu không nói nữa rồi vội rảo bước thật nhanh và leo lên một chiếc xe còn nhiều ghế trống đang đậu phía sau.
Chứng kiến cảnh này, không ít người ngồi trên xe ngao ngán, "người Việt mình với nhau đã đành, làm thế với người nước ngoài còn ra thể thống gì nữa".
Theo VietNamNet
Công an Hà Nội bắt, xử lý nhiều đối tượng cò ở bến xe Ngày 18/6, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội đã tiến hành bắt giữ các đối tượng "cò", bắt giữ xe dù, giao Thanh tra giao thông xử lý theo thẩm quyền. Thông tin từ đơn vị này cho biết, qua theo dõi hoạt động cò mồi bắt khách ở khu vực Bến xe Nước ngầm, trong ngày này...