Phong trào luyện chữ đẹp: Lại bệnh thành tích?
Thời gian gần đây, không ít phụ huynh đổ xô cho con đi luyện viết chữ đẹp. Chưa biết tác dụng của việc làm này đến đâu nhưng nhiều trẻ đã phải nhập viện do không chịu được áp lực tâm lý.
Điều quan trọng nhất với trẻ khi tập viết là cầm bút và ngồi viết đúng tư thế
Người bảo cần, người nói không
Chị Hoàng Cẩm Anh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) có cậu con trai mới vào lớp 1 tâm sự, dù mới là năm học đầu tiên nhưng hàng ngày con trai chị phải tập viết khá nhiều. Cháu không chỉ tập viết ở lớp mà buổi tối nào khi về nhà, cũng phải luyện viết thêm 1 trang vở nữa. Thời gian đầu khi viết bút chì, mỗi khi viết sai hay viết xấu, con trai chị Cẩm Anh lại tẩy đi viết lại, nhưng nay do đã viết bút mực nên khi viết bị lỗi cu cậu rất lo sợ thậm chí nhiều lần còn định xé vở: “Hầu như tối nào cháu cũng phải cặm cụi viết đến khuya nên hết kêu mỏi tay lại đau cổ. Tôi bảo con không cần viết nữa thì cháu khăng khăng viết hết vì sợ cô phạt. Cháu còn muốn đi luyện chữ thêm vì “các bạn trong lớp đã đi học hết, chữ đẹp nên toàn được cô khen”. “Chắc sẽ phải đăng ký cho con đi luyện chữ” – chị Cẩm Anh than phiền.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, một tuần 3 buổi, sau khi đón con ở trường về, chị Đào Thị Phương ở khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân lại tất tả đưa cô con gái đang học lớp 2 đến trung tâm luyện viết chữ. Chị Phương cho biết, so với các bạn trong lớp, con gái chị chỉ đứng ở tốp giữa, chữ viết tuy rõ ràng nhưng chưa đẹp nên ảnh hưởng đến thi đua chung của lớp, bị cô phàn nàn suốt. “Tôi chỉ sợ nếu không được luyện chữ sớm, con sẽ viết cẩu thả rồi hỏng chữ nên đã đăng ký cho cháu luyện chữ thêm ở trung tâm. Cháu không thích nhưng không dám trái lời mẹ nên miễn cưỡng đi học. Thôi thì được chữ nào hay chữ đấy” – chị Phương lo lắng.
Video đang HOT
Đối lập với quan điểm trên, một số phụ huynh lại cho rằng việc cho con luyện chữ đẹp là không cần thiết. Họ khẳng định, đối với trẻ, điều quan trọng nhất là cách cầm bút và tư thế ngồi viết đúng đắn, còn chữ đẹp hay xấu là thuộc về… năng khiếu của từng em. “Vợ chồng tôi chỉ yêu cầu con viết chữ rõ ràng, sạch sẽ là được, còn chữ có đẹp đến mấy mà viết quá chậm cũng không ổn. Theo tôi, bản chất của các cuộc thi viết chữ đẹp là tốt song vấn đề nằm ở chỗ nó có biểu hiện bệnh chạy theo thành tích của một số trường. Hiện tượng học sinh xé vở khi viết sai, viết lỗi là hệ quả của căn bệnh đó”- anh Lê Trung Thắng ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa bày tỏ quan điểm.
Không nên làm khổ trẻ
Thông thường, vào cuối năm học, các phòng giáo dục sẽ tổ chức thi vở sạch chữ đẹp tại các trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – một giáo viên Tiểu học quận Ba Đình đã nghỉ hưu cho rằng, để tìm được “ gà nòi”, ngay từ đầu năm lớp 1, giáo viên chọn ra khoảng 3, 4 em có nét chữ đẹp để tập trung rèn. Do vở sạch chữ đẹp là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua của giáo viên và nhà trường nên nhiều thầy, cô đã phải tìm mọi cách để đạt được khiến cả cô và trò đều mệt nhoài. Để khắc phục tình trạng này, mỗi thầy cô cần hiểu rằng mục tiêu chính của môn Tập viết là thanh toán chữ xấu chứ không phải yêu cầu tất cả các em đều viết chữ đẹp. Do vậy, học sinh chỉ cần viết chữ đúng chính tả, ngữ nghĩa, đủ nét, đủ dấu là được. Nhà trường và phụ huynh chỉ nên coi viết chữ đẹp là một hoạt động ngoại khóa, khuyến khích học đối với những em có năng khiếu.
Cũng theo bà Hòa, không ai có quyền ép trẻ phải luyện chữ và các thầy cô cũng không đủ sức làm việc đó. Có một thực tế đáng buồn là không ít phụ huynh nhận thức về điều này không đầy đủ nên đã tìm mọi biện pháp bắt con phải ra sức luyện viết chữ đẹp. Điều này trở thành phản tác dụng bởi nếu bị o ép quá trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực, không muốn đến trường.
Còn theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E, việc phải luyện viết chữ thường xuyên, trong thời gian dài sẽ khiến mắt trẻ quá tải, ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực, dẫn đến cận thị, loạn thị. Bên cạnh đó, nếu ngồi không đúng tư thế, trẻ sẽ có nguy cơ bị đau cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến xương, đặc biệt là cột sống. Do vậy, với những trẻ chưa vào lớp 1, phụ huynh nên cho trẻ vừa học vừa chơi, nhận biết con chữ, con vật bằng những dụng cụ hoạt hình. Việc rèn chữ cho trẻ phải dựa trên khả năng của từng em chứ không nên gượng ép. Bởi với trẻ dưới 6 tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện chữ nhuần nhuyễn theo các ô ly là rất khó khăn. Còn với trẻ đã đi học, việc phải luyện viết ngoài giờ sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, sợ đi học. Khi bị ép quá, trẻ thường biểu hiện căng thẳng, toát mồ hôi, đau bụng và ngủ mơ, lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.
Do đó, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ, các bậc cha mẹ và nhà trường không nên ép con đi học luyện chữ đẹp, kẻo “lợi bất, cập hại”.
Theo ANTD
Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên - Kỳ 2: Để không lãng phí tài năng
Nếu bồi dưỡng tốt và có chính sách ưu đãi hợp lý, những học sinh năng khiếu sẽ có điều kiện phát huy hết tài năng.
Kết nối với chương trình bậc ĐH
Tính đến nay, nước ta đã thực hiện mô hình trường chuyên gần 50 năm, tuy nhiên vấn đề phát triển tài năng của những học sinh (HS) này vẫn đang bỏ ngỏ. Nói như lời PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), đào tạo HS chuyên trong 3 năm THPT mà không có cơ chế phát triển tài năng thì đúng thật quá lãng phí.
PGS Cương cho rằng: "Nếu một HS chuyên toán sau khi thi vào ĐH cùng chuyên ngành, rồi cũng học chương trình bình thường như những người khác, khoảng 4 năm lấy bằng thì quá lãng phí. Đáng lý ra, ở trường ĐH, các em phải được học riêng, học vượt vì đã có nền tảng sẵn từ phổ thông. Điều đáng buồn là HS sẽ phải học lại những kiến thức mà trước đó, các em đã được học chuyên sâu ở phổ thông. Nếu như vậy, không khác gì các em đang bỏ thời gian ôn tập chứ không phải học ĐH. Thay vì thế có thể dành thời gian đó học lên cao hoặc nghiên cứu".
Nhận thấy điều này, cách đây 2 năm, ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất với Bộ cho thí điểm tuyển HS Trường THPT Năng khiếu TP.HCM (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) sau khi tốt nghiệp THPT được vào các hệ đào tạo của ĐH này. Tuy nhiên, đề án này không được Bộ thông qua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do để ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra đề xuất này là hầu như tất cả HS của Trường THPT Năng khiếu đều đậu ĐH trong các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Chẳng hạn, trong mùa tuyển sinh rồi, trường có 269 HS dự thi ĐH và tất cả đều trúng tuyển. Đáng nói, điểm trung bình thi ĐH của HS trường này là 21,6 điểm. Trong khi đó điểm chuẩn nhiều ngành của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM thấp hơn rất nhiều so với điểm bình quân trên.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết: "Nếu Bộ chấp thuận phương án tuyển thẳng này của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ không công bằng với các trường chuyên trong cả nước. Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến khích ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội có thể làm đề án tổng thể về phương án tuyến sinh riêng của mình (trong đó có thể tuyển thẳng HS chuyên, năng khiếu). Nhưng đến nay, Bộ chưa nhận được đề án từ hai trường trên".
Tìm chính sách ưu đãi thích hợp
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần xây dựng bộ khung chuẩn để từ đó có thể căn cứ xét tuyển HS chuyên, năng khiếu vào ĐH. Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM), nói: "Không thể tuyển hết HS chuyên, năng khiếu vào ĐH nhưng chúng ta có thể áp dụng một số tiêu chí để xét chọn. Chẳng hạn như: hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, các môn thuộc khối thi vào ngành, trường mà HS muốn vào phải đạt trung bình môn trên 9... Đối với một số trường đặc thù như: y dược, hàng không, quân sự..., HS chuyên muốn vào phải trải qua kỳ thi ĐH bình thường".
HS Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hiện nay Bộ đang có dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn HS giỏi cấp quốc gia. Trong đó HS tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ tổ chức cũng được tuyển thẳng vào các trường ĐH theo nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, điều này chưa thể thay đổi được gì vì hằng năm chỉ được thêm vài chục HS được tuyển thẳng vào ĐH. Số lượng này không đáng kể.
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề xuất cần có những bàn thảo để xây dựng cơ chế tuyển thẳng vào ĐH cho HS chuyên, năng khiếu. "Nếu như một năm, chúng ta tuyển được vài ngàn HS này vào ĐH, học vượt, có bằng tiến sĩ ở tuổi 24, 25 thì còn gì bằng. Lứa nhân tài này sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước", ông Hùng quả quyết.
Theo nhiều chuyên gia, cần có một tổ chức chịu trách nhiệm bàn luận giải pháp đưa phương án phù hợp, giúp phát triển tài năng đúng nghĩa. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: "Hiện nay, giữa trường chuyên, năng khiếu và trường ĐH chưa có nhiều gặp gỡ để bàn thảo, nhằm đưa ra hướng phát triển tốt nhất cho HS chuyên". Đáp ứng lại mong muốn này, ông Bùi Văn Ga cho biết: "Bộ hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích điều này. Nếu có mô hình nào tuyển thẳng HS giỏi, chuyên, năng khiếu vào ĐH mà đảm bảo tính công bằng, khoa học, Bộ sẽ ủng hộ".
Tìm một cơ chế thích hợp để nuôi dưỡng và phát triển tài năng là điều cần phải đặt ra chứ để như thực trạng hiện nay, sau 3 năm THPT chuyên, HS chỉ nhằm vào mục đích thi đậu ĐH là không đáng.
Theo người lao động
ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất thi ĐH 5 môn PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa,PGĐ ĐHQG TP.HCM, nhấn mạnh: dự thảo đề án đổi mới tuyển sinh ĐH đưa ra những biện pháp để đánh giá thí sinh toàn diện hơn, đánh giá năng lực toàn diện để học ĐH chứ không phải chỉ kiểm tra kiến thức phổ thông. Sáng 28/11, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức hội thảo "Xây dựng đề án đổi...