Phòng tránh đuối nước bằng chủ động dạy kỹ năng bơi lội
Mỗi dịp mùa hè đến cũng là thời điểm số vụ tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng. Những vụ tai nạn thương tâm có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, thiếu kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích ở trẻ em.
Thực trạng này là tiếng chuông cảnh báo về nạn đuối nước ở trẻ em với các cấp, ngành địa phương và gia đình.
Còn nhiều nguy cơ đuối nước
Chỉ cần gõ cụm từ “đuối nước ở Nghệ An”, công cụ tìm kiếm Google đã hiển thị hàng loạt vụ việc thương tâm. Chỉ trong 1 tháng qua, tại Nghệ An đã có trên 10 trường hợp tử vong do đuối nước, chủ yếu là các em học sinh. Điều đáng nói, so với các năm trước, những con số đáng báo động này không hề suy giảm.
Mới đây, do thời tiết nắng nóng, cuối buổi chiều ngày 23/6, nhiều người lớn và trẻ em đã ra sông Lam, đoạn qua xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để tắm. Do sơ sẩy, 3 em học sinh Nguyễn Thế Hoàng (13 tuổi), Nguyễn Quang Thông (18 tuổi) và Nguyễn Gia Tiến (18 tuổi) đều trú ở xã Thanh Tường đã bị đuối nước tử vong.
Một buổi dạy phương pháp cấp cứu cho người bị đuối nước.
Thương tâm hơn, vào khoảng 8 giờ 25-6, tại địa bàn xóm 3 xã Đại Sơn – Đô Lương đã xảy ra vụ đuối nước. Nạn nhân là cháu Lê Anh Công sinh năm 2012, cháu đi xuống ao vớt cá mà không có sự trông coi của người lớn và bị đuối nước dẫn đến tử vong. Những vụ việc thương tâm trên phần lớn do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn.
Một vấn đề đặt ra là, sau 9 tháng được nhà trường quản lý, học sinh an toàn hơn trước tai nạn đuối nước. Vậy tại sao những vụ việc chủ yếu lại xảy ra vào mỗi dịp hè? Đây là câu hỏi mà mỗi phụ huynh và cả nhà trường, các tổ chức có trách nhiệm với các em phải suy nghĩ.
Video đang HOT
Ngoài lý do các bậc bố mẹ vì công việc mà thiếu quản lý con cái thì có một thực tế là: thời gian chính khóa trong chương trình giáo dục đang “bóp nghẹt” những buổi ngoại khóa, trải nghiệm thực tế của học sinh. Điều quan trọng để phòng tránh đuối nước cho học sinh là dạy các em phải biết bơi thì phần lớn các nhà trường chưa thể thực hiện, bởi vậy, các em đang rất thiếu kỹ năng sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
Thời gian nghỉ hè là thời gian trải nghiệm thực tế đối với trẻ em, học sinh, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn. Thiếu sân chơi cộng với thời tiết nắng nóng dễ dẫn các em đến với sông hồ và nguy cơ đuối nước luôn rình rập ở đây. Tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu các nhóm học sinh vẫn chọn hồ đập làm điểm đến để vui chơi, liên hoan chia tay cuối năm mà không xin phép nhà trường cũng như gia đình.
Những vụ đuối nước thương tâm đã cho thấy: Thực tế khác quá xa với những điều các học sinh được biết. Năm nào cũng vậy, khi được bàn giao chịu trách nhiệm chính đối với trẻ em và học sinh trong mỗi dịp hè, các cấp Đoàn đều không khỏi lo lắng, bởi những hoạt động cấp tốc trong một thời gian ngắn không thể giúp hoàn thiện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình của các em.
Chủ động nhiều biện pháp phòng chống đuối nước
Cũng phải thấy rằng, từ nhà trường cho đến xã hội đang thiếu cơ sở hạ tầng để dạy bơi cho học sinh. Đặc biệt ở các huyện, điều này lại càng ít được quan tâm.
Chứng kiến từng đoàn học sinh kéo nhau về trung tâm vui chơi do một cá nhân xây dựng ở huyện Yên Thành để đá bóng, thỏa thích bơi lội mới biết những sân chơi an toàn trong hè là nhu cầu bức thiết như thế nào đối với các em. Những vụ việc đuối nước thương tâm chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều khi có những trung tâm như thế này, dù mô hình này vẫn chưa phổ biến tại các địa phương cấp huyện.
Em Tô Thị Phương Mai, học sinh huyện Yên Thành bộc bạch: “Chúng cháu rất vui khi được đến trung tâm vui chơi giải trí để chơi, vừa bổ ích, vừa an toàn”. Chia sẻ của anh Trần Trọng Phong – Chủ Trung tâm vui chơi giải trí Phong Liên, huyện Yên Thành: “Quan điểm của tôi, không chỉ ở Yên Thành mà các huyện lẻ khác nên có cơ chế ủng hộ, tạo điều kiện để xây dựng các điểm vui chơi cho các cháu, vừa đảm bảo an toàn, vừa bổ ích, nhất là trong dịp nghỉ hè”.
Còn ở TP Vinh, với đặc thù riêng, TP Vinh cũng tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước rất cần được cảnh báo. Các bể bơi là một trong các điểm đến thu hút người dân trong đó có nhiều trẻ em đến giải nhiệt trong mùa hè.
Theo thống kê, hiện nay ở thành phố Vinh có khoảng 11 bể bơi cố định và 3 bể bơi di động. Việc học bơi là rất cần thiết tuy nhiên nếu phụ huynh hoặc hướng dẫn viên lơ là, thiếu sự giám sát cũng dẫn đến nguy cơ đuối nước. Tai nạn dễ xảy ra từ tình huống chuột rút hay các sự cố đột ngột của cơ thể.
Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã rà soát các điểm đen có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ và tiến hành cắm biển báo nguy hiểm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền rộng rãi về các biện pháp phòng, chống đuối nước đến trẻ em và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Riêng TP Vinh đã cắm 86 biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Tổ chức dạy và hướng dẫn kỹ năng bơi, cách bảo vệ an toàn cho các em học sinh ngay tại trường học và các bể bơi. Hỗ trợ áo phao tại các điểm dạy bơi, thành lập các tổ thanh niên tự quản, tham gia tuần tra theo dõi và phát hiện các vụ việc để kịp thời xử lý.
Thực tế cho thấy, nguy cơ tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra tại ao hồ sông suối hay bể bơi mà có thể xẩy ra ngay trong nhà với các tình huống ít ai ngờ tới. Vì thế, ngoài việc trang bị cho các em những kỹ năng kiến thức phòng, tránh và ứng phó tình huống về tai nạn đuối nước, điều quan trọng nhất đó là rất cần sự quản lý giám sát của gia đình, cộng đồng, để mùa hè của con trẻ thực sự an toàn và bổ ích.
Một người chết đuối tại bãi tắm tự phát
Chiều 28-6, tại khu vực hạ lưu đập Bara Đô Lương (tỉnh Nghệ An) xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Khi đang tắm cùng 2 con gái và 1 cháu nhỏ ở đập, anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1977) trú tại xã Đông Sơn bị sẩy chân xuống hố cát sâu và tử vong. Trước khi bị đuối nước, anh Toàn cùng 3 cháu nhỏ tắm tại đập Bara, trong đó có 2 cháu gái là con của anh Toàn (1 cháu học lớp 6 và 1 cháu học lớp 1). Trong quá trình tắm, anh Toàn và 3 cháu nhỏ bị sẩy chân chới với tại một hố hút cát sâu hơn 2m, đường kính khoảng 10m. Lúc đó, anh Toàn bị chìm xuống trước. Mọi người từ xa nhìn thấy liền nhảy xuống cứu 3 cháu nhỏ, còn anh Toàn đã chìm sâu xuống dưới nước. Một lúc sau, người dân mới vớt được thi thể anh Toàn.
Điều đáng báo động là tại bãi tắm tự phát dưới thân đập Bara mỗi ngày có hàng trăm người đến tắm. Tuy nhiên nhiều người không biết bơi và cũng không mặc áo phao, nguy cơ đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người dân cần thận trọng khi đi tắm ở các bãi tắm tự phát – MT
Minh Tâm
Theo CAND
Giải pháp nào phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em?
Hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra gần đây trên cả nước đã thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ thiếu kỹ năng mềm về phòng chống đuối nước và bơi lội. Cùng với nhiều giải pháp song hành thì đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất trong trường học sẽ là "chiếc phao" hữu hiệu nhằm hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay.
Thầy Nguyễn Sĩ Thương dạy bơi cho các em học sinh.
Kỳ nghỉ hè 2019 mới bắt đầu nhưng trên cả nước đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Mới đây, vào sáng 30-5, một nhóm gồm 15 em học sinh Trường THCS Trung Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) tổ chức dã ngoại tại khu vực đập Trại Xanh (xã Bắc Thành, Yên Thành) đã không may bị đuối nước khiến 5 em học sinh tử vong. Trước đó không lâu, ngày 25-5, nhóm 6 nữ sinh lớp 6 ở xã Quang Kim (H. Bát Xát, Lào Cai) rủ nhau đi tắm suối, thì có tới 4 em tử vong do đuối nước. Hai ngày trước đó (ngày 23-5), sau lễ tổng kết năm học, 8 học sinh tại xã Thanh Thạch (H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) rủ nhau tắm sông và 3 em trong số đó chẳng may thiệt mạng do trượt chân, đuối nước...
Nói về nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm, nhiều chuyên gia giáo dục thể chất cho rằng, có thể không phải vì các em không biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng do không được trang bị kỹ năng mềm trong phòng tránh đuối nước. Đơn cử như vụ đuối nước ngày 23-3 tại Hòa Bình khiến 8 em học sinh tiểu học và THCS Hữu Nghị (P.Thịnh Lang, TP.Hòa Bình) tử vong, đáng nói ở chỗ, tất cả 8 em học sinh đều biết bơi và thường xuyên hoạt động thể thao. Thế nhưng, khi gặp vùng nước nguy hiểm, các em lại thiếu kỹ năng mềm trong xử lý tình huống. Thầy Nguyễn Sĩ Thương, giáo viên thể dục Trường THCS Kim Đồng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, một nguyên nhân khác dẫn đến việc ngày càng có nhiều vụ đuối nước thương tâm chủ yếu xảy ra tại các vùng nông thôn, ngoại thành là bởi những địa bàn này có nhiều sông ngòi, các em có nhiều điều kiện tiếp xúc với nước, tuy nhiên do không có người hướng dẫn, tập bơi, kỹ năng phòng tránh cơ bản nên rất dễ gặp tai nạn mỗi khi xuống nước... Ngoài ra theo thầy Thương, người biết bơi nhưng chưa chắc đã cứu được người bị đuối nước, thậm chí còn trở thành nạn nhân, bởi do không được trang bị kiến thức cứu đuối cơ bản. Lấy ví dụ, khi người bị đuối nước, họ thường tìm mọi cách để ngóc đầu lên, và khi có người đến cứu, họ thường ôm chặt. Nếu chỉ một người bị đuối nước thì người biết bơi có thể cứu được, nhưng khi nhiều người cùng một lúc bị đuối nước mà "nhảy vào" thì rất dễ xảy ra tình trạng đuối nước "tập thể". Vì thế, khi phát hiện có người bị đuối nước, phải nhanh chóng tìm người hỗ trợ, nếu cảm thấy cứu được thì phải chủ động tìm các biện pháp như kiếm những vật dài (cây, dây thừng) vứt ra cho người đuối nước để họ cầm nắm và kéo vào; khi nhảy xuống nước cứu người thì phải am hiểu cách cứu để đảm bảo an toàn cho mình và người được cứu. Đơn cử, khi bị người đuối nước ôm chặt thì phải nín thở thật sâu và lặn xuống dưới để người bị đuối nước thả ra, sau đó tìm cách vòng ra phía sau lưng rồi choàng tay vào cổ và kéo nạn nhân vào. Nếu có nhiều người bị đuối nước cùng lúc thì phải tìm cách tách họ ra, sau đó cứu từng người một chứ đừng bao giờ cứu chung cả nhóm.
Theo bà Lê Thị Bích Thuận - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, năm 2016, đã có gần 50 hồ bơi được mở để dạy bơi cho hơn 17 ngàn học sinh theo học; năm 2017, ngành GD-ĐT TP đã trực tiếp vận hành 57 bể bơi trong trường, với tổng số 27 ngàn học sinh được dạy bơi; năm 2018 con số này là gần 30 ngàn em. Cũng theo bà Thuận, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học khuyến khích phụ huynh có điều kiện cho con mình học bơi ở các bể bơi dịch vụ tại các khách sạn, các trung tâm thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hóa... để việc dạy học được mở rộng và tăng số lượng học sinh biết bơi. Đặc biệt, trong hè 2018, Sở GD-ĐT phối hợp với Tổ chức AOG, Trung tâm người điếc tại Đà Nẵng tổ chức dạy kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước cho các trẻ em khiếm thích. Việc làm này đã giúp các em phòng tránh những rủi ro khi bản thân sinh ra đã thiệt thòi hơn nhiều bạn cùng trang lứa.
Việc đào tạo một học sinh biết bơi và duy trì, nâng cao kỹ năng bơi cho học sinh có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu không duy trì thường xuyên tập luyện thì kỹ năng bơi đã học được sẽ dần mất đi. Vì thế, ngành GD-ĐT TP thường xuyên động viên phụ huynh học sinh tiếp tục cho con em đi bơi tại các bể bơi dịch vụ để nâng cao kỹ năng; đồng thời xây dựng kế hoạch để đưa môn bơi thành một môn thể thao tự chọn trong nhà trường để góp phần tích cực trong việc duy trì, nâng cao kỹ năng bơi cho học sinh. "Kỹ năng bơi là một kỹ năng cơ bản của kỹ năng phòng, trách đuối nước. Rất nhiều người nhầm lẫn chỉ cần biết bơi là không đuối nước. Chính vì thế, song song với dạy kỹ năng bơi, ngành GD-ĐT TP cũng hết sức chú trọng kỹ năng phòng, tránh đuối nước, dạy cho các em biết cách xử lý các tình huống, biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi bản thân và người khác gặp nguy hiểm... Hơn nữa, một người biết bơi không phải là một người biết cứu đuối nước. Rất nhiều trường hợp kỹ năng bơi rất tốt nhưng phải thiệt mạng khi cứu người. Chính vì thế, trong quá trình dạy học bơi, kỹ năng phòng, tránh đuối nước, ngành GD-ĐT TP cũng hết sức lưu ý dạy kỹ năng cứu đuối nước cho học sinh", bà Thuận cho biết thêm.
D.HÙNG
Theo CAND
Nghệ An phát động toàn dân tập bơi, phòng chống đuối nước Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Nghệ An về phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước trẻ em. Ngày 26/5, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND huyện Yên Thành tổ chức Lễ...