Phòng, Sở Giáo dục giới thiệu ‘áo lót’: Có trong sáng không?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đơn vị quản lý giáo dục hãy làm tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục, đừng làm những chuyện mất thì giờ.
Liên quan đến sự việc, công văn tiếp thị áo lót nữ sinh tại huyện Cần Đước, chiều 23/7, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cần Đước tỉnh Long An) cho biết, bà đang làm tường trình sự việc gửi UBND huyện.
Trước đó, bà Xuân xác nhận, Phòng GD&ĐT đã ra Văn bản mang số 1026/PGDĐT ngày 18/7/2019 nhằm giới thiệu “áo lá kháng khuẩn” đến các trường THCS do ông Đặng Minh Tấn, Phó Trưởng phòng ký.
Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng: “Lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Cần Đước ký văn bản này dựa trên sự giới thiệu của sở GD&ĐT tỉnh Long An”.
Theo bà Xuân, nội dung công văn chỉ là thông tin về sản phẩm chứ không bắt buộc các học sinh mua.
“Tôi cũng thừa nhận, việc giới thiệu sản phẩm này (áo lót cho nữ sinh – PV) là hơi nhạy cảm. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cần Đước nói.
Còn ông Phạm Văn Thở, Chánh văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Long An thừa nhận, đơn vị này đã ra văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc phối hợp, hỗ trợ công ty dệt may Nguyên Dung để giới thiệu dòng sản phẩm “áo lá kháng khuẩn”. Việc thực hiện hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh.
“Nhưng trước phản ứng của dư luận, Sở nhận thấy việc ban hành văn bản này là còn khiếm khuyết.
Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản về sau. Đồng thời thông báo việc ngừng hỗ trợ doanh nghiệp bán sản phẩm đến các đơn vị trực thuộc”, ông Phạm Văn Thở nói.
Video đang HOT
Văn bản ‘tiếp thị’ áo lót của Phòng GD&ĐT huyện Cần Đước. Ảnh: NĐT
Đây không phải lần đầu các cơ quan, đơn vị quản lý, giảng dạy được cho rằng tiếp thị hộ doanh nghiệp hoặc gợi ý các sản phẩm liên quan tới học sinh. Đã từng có lời giới thiệu từ các đơn vị quản lý giáo dục địa phương về việc mua sữa, bút bi…
Bình luận về thực trạng này, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Phòng, Sở GD có nhiều việc để làm chứ không cần thiết phải đi giới thiệu một sản phẩm cho doanh nghiệp không liên quan đến việc giáo dục.
“Tôi nghĩ rằng các đơn vị quản lý giáo dục không nên mất thì giờ vào những chuyện đó, không nên làm như vậy.
Trong khi đó, còn bao nhiêu vấn đề về giáo dục, cần phải rèn luyện cho thầy cô kỹ năng giảng dạy cho học sinh thật tốt, học tiếng Anh cho tốt, áp dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục như thế nào?
Chúng ta cần phải tập trung vào các hoạt động thiên về việc nâng cao chất lượng giáo dục nhiều hơn. Những chuyện nhỏ nhỏ như vậy, các đơn vị nên bỏ qua”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Sau việc tiếp thị, giới thiệu các sản phẩm tới phụ huynh, học sinh, vị PGS.TS thẳng thắn nhận xét rằng: “Tôi chỉ sợ đằng sau việc này có một vấn đề gì đó.
Cứ nói tôi không có ý gì nhưng thực ra nhiều khi đằng sau lại là chuyện mờ ám. Vì thế, trong ngành giáo dục đừng làm những gì khiến người ta liên tưởng đến việc khác. Kể cả khi mình không có tư lợi gì nhưng để người ta nghĩ như vậy cũng không hay.
Như vậy, cái gì liên quan đến chất lượng, giáo dục của mình thì mình hãy làm tốt hơn. Còn những chuyện kia thì hãy để xã hội làm. Ngành giáo dục tham gia dễ gây phản cảm và dễ khiến người khác liên tưởng đến một động cơ không được trong sáng”.
Theo vị chuyên gia, từ những chuyện nhỏ nhưng nếu không được ngăn cản kịp thời thì sẽ dẫn đến những chuyện khác lớn hơn. Từ đó, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành giáo dục nói chung.
Về việc Phòng GD&ĐT huyện Cần Đước, Sở GD&ĐT Long An thừa nhận nhạy cảm, “còn khiếm khuyết”, xin rút kinh nghiệm, vị chuyên gia đánh giá: “Có thể ít ra người ta cũng đã nhận thấy vấn đề để rút kinh nghiệm, chúng ta cũng nên hoan nghênh. Đó cũng là bài học, từ nay về sau đừng làm những chuyện mất thì giờ như vậy”.
Hoàng Trang
Theo baodatviet
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ em dân tộc thiểu số
Xác định việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học bán trú là một nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, cùng với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, các trường có học sinh bán trú trên địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đặc biệt chú trọng đến khâu bảo đảm ATVSTP trong các bữa ăn của trẻ.
Huyện Trạm Tấu nâng cao chất lượng bữa ăn cho các học sinh trường bán trú. Ảnh: Xuân Việt
Bảo đảm nguồn gốc xuất xứ
Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và trung học cơ sở (THCS) xã Túc Đán (huyện Trạm Tấu) hiện nay có 26 lớp với 899 học sinh, trong đó có 833 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Với lượng lớn học sinh ăn 3 bữa nên để bảo đảm ATVSTP trong bữa ăn hàng ngày ở trường, việc bố trí nhân sự là điều mà nhà trường ưu tiên. Trước mắt, nhà trường đã sắp xếp 9 nhân viên dinh dưỡng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc.
Bên cạnh đó, nhà trường đã quy hoạch khu vực nhà bếp theo mô hình một chiều với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống, khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt để bảo đảm ATVSTP. Chưa kể, vào đầu năm học, Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu và Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã đến kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bếp ăn bảo đảm ATVSTP; tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ cho 100% nhân viên nhà bếp.
Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán Nguyễn Thị Minh chia sẻ, muốn các em học tốt, trước hết phải cho các em có sức khỏe và thể lực tốt. Bởi vậy, việc chăm sóc các em qua bữa ăn là điều rất quan trọng. Theo đó, trường đã triển khai xây dựng khu vực sơ chế, chế biến, chia thức ăn bảo đảm nguyên tắc một chiều; nhân viên dinh dưỡng được kiểm tra, khám sức khỏe và tập huấn về công tác bảo đảm ATVSTP định kỳ. Bên cạnh đó, khâu nhập nguyên liệu, thực phẩm vào hàng ngày cho các bếp ăn ở trường cũng phải là các doanh nghiệp, cơ sở có uy tín, bảo đảm về chất lượng và có sự kiểm soát chặt chẽ.
Nhân viên dinh dưỡng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán Thào Thị Bầu cũng cho hay, để có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho bếp ăn bán trú, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Túc Đán đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với những địa chỉ tin cậy, bảo đảm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, hàng ngày, khi thực phẩm được mang vào trường, Ban giám hiệu, nhân viên y tế và Trưởng ban thanh tra sẽ trực tiếp kiểm tra thực phẩm, bảo đảm độ tươi ngon. Trong quá trình chế biến, các nhân viên nhà bếp tiếp tục kiểm tra, nếu thực phẩm có vấn đề sẽ báo cáo lên Ban giám hiệu.
Phối hợp đồng bộ
Trong năm qua, công tác bảo đảm ATVSTP đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là công tác thanh kiểm tra, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý ATVSTP ở vùng cao, vùng nông thôn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền về ATVSTP, đặc biệt, cần tập trung tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thay đổi nhận thức và hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng; công khai những cơ sở sản xuất vi phạm, giới thiệu những cơ sở sản xuất ATVSTP trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Nhấn mạnh việc bảo đảm ATVSTP trong các bếp ăn tập thể, nhất là các trường học bán trú là một nhiệm vụ quan trọng, ông Lương Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Yên Bái cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và các em học sinh. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu Đỗ Văn Khanh cũng cho hay, để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, giúp trẻ phát triển toàn diện, song song với việc đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn, các trường học cần tăng cường kiểm soát đầu vào các loại thực phẩm, bảo đảm các thực phẩm đưa vào nhà trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất với những bếp ăn trong trường học, từ đó kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm, bảo đảm bữa ăn an toàn cho trẻ, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho các em.
Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện tốt việc bảo đảm ATVSTP trong trường bán trú, tránh nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh, các cấp, các ngành, các tổ chức cần quan tâm hơn đến việc đầu tư về cơ sở vật chất; thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho các cán bộ đảm nhận công tác dinh dưỡng trong các nhà trường. Cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh học sinh cần phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát, đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Diệp Anh
Theo bienphong.com
Xóa bỏ hình thức đào tạo 'không chính quy' trên văn bằng, các trường đại học buộc phải tự nâng cao thương hiệu Quy định "bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau" sẽ buộc các trường ĐH phải nâng cao chất lượng đào tạo đầu ra cho thị trường lao động. Mới đây, Luật giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 có quy định "văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm...