Phòng giáo dục là nơi ‘chứa’ hiệu trưởng bị kỷ luật, hết nhiệm kỳ?
Một giáo viên tại Hà Nội nói vui: “Nhà giáo chúng tôi vẫn gọi phòng giáo dục là trạm trung chuyển hiệu trưởng. Hiệu trưởng bị kỷ luật cũng được chuyển lên. Hiệu trưởng làm hết hai nhiệm kỳ, không thể thêm được nữa thì cũng lên phòng, chờ 1-2 năm rồi xin làm hiệu trưởng ở trường khác”.
Ngoài tăng lương, giáo viên cũng cần được tự chủ về chuyên môn. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Phòng giáo dục là “trạm trung chuyển hiệu trưởng”?
Một sự trùng hợp, rất nhiều vụ việc khi hiệu trưởng có sai phạm, bị dư luận, phụ huynh phản ứng, đa phần đều được “lên chức”, tức là được điều chuyển là phòng giáo dục.
Một giáo viên tại Hà Nội nói vui rằng: “Nhà giáo chúng tôi vẫn gọi phòng giáo dục là trạm trung chuyển hiệu trưởng. Hiệu trưởng bị kỷ luật cũng được chuyển lên. Hiệu trưởng làm hết hai nhiệm kỳ, không thể thêm được nữa thì cũng lên phòng, chờ 1-2 năm rồi xin làm hiệu trưởng ở trường khác”.
Chính vì thế, khi ý tưởng xóa bỏ phòng giáo dục của một thầy giáo được đăng tải trên báo chí, đã nhận được sự quan tâm của dư luận, với nhiều ý kiến tranh luận.
Không ít người ủng hộ đề xuất này, coi đó là giải pháp để tinh giản biên chế trong ngành giáo dục. Nhưng cũng nhiều người cho rằng rất khó triển khai. Bởi ngành giáo dục hiện nay chưa được tự chủ về nhân sự, biên chế trong giáo dục hiện đang do Bộ Nội vụ nắm giữ.
Hơn nữa, một đề xuất làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng nghìn người, cần hết sức thận trọng khi đưa ra. Như ý kiến của bạn đọc Nguyễn Quang (Đại học Luật Hà Nội) gửi đến Lao Động: “Một đề xuất không tồi, nhưng xin hỏi sau khi giải tán Phòng giáo dục, hàng ngàn công chức đang làm việc ở đó sẽ đi về đâu?”.
Cán bộ phòng giáo dục dự giờ quá nhiều
Video đang HOT
“Không ở đâu có thể dễ dàng vào dự giờ của giáo viên như ở Việt Nam. Tôi nghĩ nên cho giáo viên quyền từ chối những người vào dự giờ của mình, từ chối những người can thiệp vào bài giảng của mình và từ chối cả những cuộc thi mà mình không muốn tham gia. Lúc ấy giáo viên sẽ có nhiều thời gian và điều kiện để làm tốt bài giảng. Muốn làm được như vậy, nên dẹp bớt những vị trí tạo áp lực thêm cho giáo viên” – TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhân câu chuyện “tiền đâu để tăng lương giáo viên” và có nên giải tán phòng giáo dục các quận/huyện .
TS Hương cho rằng, giáo viên hiện nay không được tự do giảng bài cho học sinh, mà bài giảng luôn bị áp đặt từ các cấp trên xuống.
“Bản thân tôi đưa ra một suy nghĩ: Liệu có cần thiết phải có những vị trí tạo ra những bài giảng áp đặt như thế cho giáo viên hay không? Giáo viên nếu không được tự chủ về chuyên môn, phải làm theo nhưng khuôn có sẵn, dù có tăng lương họ vẫn ức chế như vậy.
Vì thế cần rà soát trong cả ngành giáo dục, xem vị trí nào thực sự không cần thiết thì cần phải dẹp bỏ. Nhất là những vị trí chuyên tạo ra bài giảng áp đặt, tạo áp lực dự giờ cho giáo viên. Lúc đó chúng ta sẽ có một khoản kinh phí để dành cho việc tăng lương, động viên các nhà giáo” – TS Vũ Thu Hương kiến nghị.
Theo Laodong.vn
Giải tán phòng giáo dục, trung tâm GDTX: Sáng kiến hay nhưng khó thực hiện
Thời gian gần đây, dư luận "sôi sục" trước hiến kế của một nhà giáo (thầy giáo Bùi Nam): Giải tán Phòng Giáo dục ở các quận, huyện trên cả nước; Giải tán các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề; Mỗi xã, phường chỉ nên có một hiệu trưởng...
Một phòng GDĐT (ảnh minh hoạ). Ảnh: T.L
Thời gian gần đây, dư luận "sôi sục" trước hiến kế của một nhà giáo (thầy giáo Bùi Nam): Giải tán Phòng Giáo dục ở các quận, huyện trên cả nước; Giải tán các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề; Mỗi xã, phường chỉ nên có một hiệu trưởng...
"Sáng kiến hay"
Kèm theo đề xuất trên là những phân tích khá thuyết phục, như: Các hiệu trưởng đã đủ chức năng, quyền hạn, và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của mình và của giáo viên nên phòng giáo dục đã không còn phù hợp... Các trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng nhưng ngân sách phải tốn một nguồn ngân sách quá lớn để nuôi bộ máy cồng kềnh, lãng phí... Trừ trường trung học phổ thông, mỗi địa bàn xã thường có khoảng từ 3 - 4 đơn vị trường học gồm 1 trường mầm non, 1 - 2 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở (nếu có 3 trường có 3 hiệu trưởng, từ 3 - 6 phó hiệu trưởng) là quá nhiều...
Giáo sư Chu Hảo nói: Sáng kiến quá hay! Việc giải tán phòng giáo dục quận, huyện là sáng kiến quá hay. Hệ thống quá cồng kềnh, nếu giản lược lại thì rất tốt. Thứ hai, vai trò của các phòng giáo dục quận, huyện làm cản trở rất nhiều việc triển khai các chương trình cải cách giáo dục. Về mặt tổ chức, càng đơn giản các đầu mối bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Và thường thì các lực lượng bảo thủ trong việc tiến hành các cải cách thì nằm ở khâu trung gian rất nhiều.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng, nếu làm được thì quá tốt. Nếu thấy tổ chức cồng kềnh mà giảm bớt đi được, mà vẫn giữ được sự thông suốt từ trên xuống thì nên ủng hộ. Hệ thống các phòng giáo dục quận, huyện trên toàn quốc hiện nay thật cồng kềnh khủng khiếp. Vấn đề là những người đó sẽ giải tán đi đâu? Về mặt tổ chức, còn nhiều cơ chế đáng bỏ, bởi bộ máy cứ phình ra, tốn một khoản quá lớn để chi trả tiền lương. Theo tôi biết, ở Mỹ không có Bộ Giáo dục, mà giao về các bang, các bang trực tiếp lo về chuyện giáo dục, và đó là thuần túy quản lý nhà nước, vì nhà trường được toàn quyền quyết định trong mô hình nền giáo dục tự trị.
Từ phía giáo viên, cũng nhiều ý kiến không đồng tình với cách làm việc của tổ chức phòng GD-ĐT. "Phòng thường tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều hoạt động, thanh kiểm tra, đặt ra các khoản thu làm các trường mệt mỏi. Nhiều cán bộ phòng GD quan liêu, tiêu cực, gây bức xúc cho giáo viên. Đây chính là nguyên nhân của đề xuất nên bỏ cấp quản lý này" - thầy Hoàng Biên - giáo viên ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) - . Cô Kim Tân - giáo viên ở Hà Tĩnh - nói: "Biết rằng để bỏ cấp quản lý phòng giáo dục là rất khó, vì phải có giải pháp thay thế, nếu không các trường cũng sẽ "mạnh ai nấy làm". Tuy nhiên, những kết quả bất cập, yếu kém, tiêu cực trong quản lý của cấp trung gian này làm giáo viên, nhà trường bức xúc. Đề xuất táo bạo nói trên là dịp để ngành giáo dục nhìn lại, và tự chấn chỉnh".
Nhưng khó khả thi
GS-VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc và tham gia công tác quản lý giáo dục, đi nhiều nước trên thế giới, ông khá ngạc nhiên trước đề xuất này. Theo GS Phạm Minh Hạc, điểm đầu tiên ông muốn nhấn mạnh và phản đối đó là đề xuất xoá bỏ các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề. Ở nước ta mới chỉ phát triển vào cuối những năm 1980. Lúc đó, có khoảng hơn 300 trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề. Đến nay, số lượng trung tâm còn tồn tại ít hơn bởi nhiều lý do khác nhau. Gần đây, vấn đề phân luồng học sinh và hướng nghiệp dạy nghề đã được chú ý lại nhiều hơn, chính thức đưa mạnh mẽ hơn vào trong các trường phổ thông.
Về đề xuất mỗi xã chỉ có một hiệu trưởng, GS Hạc cho rằng: Hiện nay, tính ở các cấp thì có khoảng 40.000 trường, mỗi trường có một hiệu trưởng. Ngoài thời gian làm công tác lãnh đạo trường thì hiệu trưởng cũng phải làm công tác chuyên môn, giảng dạy. Một đơn vị ở miền xuôi hay thành phố lớn thì công tác quản lý có phần thuận lợi hơn so với miền núi, biên giới, hải đảo... Ở những vùng khó khăn, có những trường có tới 4, 5 điểm trường lẻ, có những điểm trường cách trường trung tâm 10-20km đường đồi núi rất khó khăn, trách nhiệm của hiệu trưởng vô cùng lớn lao, nếu dồn lại cho 1 người quản lý các cấp thì khối công việc quá lớn.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT cho hay: "Quản lý giáo dục rất phức tạp không chỉ thực hiện chủ trương lớn mà còn có những việc rất cụ thể như là giờ dạy, giáo dục và dạy học trong trường, ngoài trường, kết hợp với xã hội, gia đình. Quản lý cũng phải chia đến cấp huyện, cấp xã. Vì thế, không thể giải thể, cắt giảm cấp quản lý giáo dục ở huyện, xã được".
Một số cán bộ Sở GD-ĐT tại các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh đều cho rằng, nếu không còn Phòng GD-ĐT, thì cơ quan Sở GD-ĐT sẽ quá tải, không kham nổi công việc. "Phòng GD-ĐT là phòng chuyên môn cấp huyện, có chức năng quản lý, tham mưu về chính sách giáo dục - đào tạo trên địa bàn cấp huyện, đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Đề xuất bỏ cấp quản lý này cần dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn phù hợp", một cán bộ Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay. Nghệ An là vùng có diện tích rộng, dân số đông (trên 3 triệu người), con số các trường học từ cấp mầm non đến THPT lên đến hàng nghìn. Từ trước đến nay, Sở GDĐT chỉ quản lý các trường THPT (hơn 70 trường) đến các trường cao đẳng. Nay nếu phải "ôm" thêm nhiệm vụ của cấp phòng, thì sẽ quá tải, hoặc phải tăng biên chế, bộ máy, thành ra mục tiêu giảm biên chế khó thành hiện thực. "Đây là đề xuất quá mới, chúng tôi phải suy nghĩ, cân nhắc thêm trước khi trả lời chính thức" - một lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, .
"Số biên chế công chức, viên chức ở các Phòng GDĐT hiện nay không nhiều, và thường không được bố trí đủ, nên các phòng phải sử dụng giáo viên biệt phái. Khối lượng công việc của các phòng GD-ĐT cũng lớn, nay chuyển giao về cho sở, thì tất yếu phải chuyển cán bộ phòng về, hoặc tuyển thêm người" - một cán bộ Sở GDĐT Hà Tĩnh cho hay.
Giao quyền tự chủ về nhân sự cho ngành giáo dục
Nhận xét về những tồn tại trong tinh giản biên chế, GS Phạm Minh Hạc cho rằng giảm biên chế chỉ phù hợp với các công việc văn phòng, viên chức ở cấp phường. Hiện nay, một phường, phòng có mấy chục biên chế thì quá nhiều. Còn trong ngành biên chế trong giáo dục hiện đang do Bộ Nội vụ phụ trách nên xảy ra thực trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu do không phải ngành trực tiếp quản lý chuyên môn nên sắp xếp nhân sự chưa hợp lý. GS Hạc đề nghị phải giao quyền tự chủ về nhân sự cho ngành giáo dục.
Nhìn từ phương diện một nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục, một nguyên lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng các đề xuất của thầy Bùi Nam không thể giải quyết được vấn đề cơ bản. Vấn đề của chúng ta là sự nghiệp giáo dục cần được chuyển thành "sự nghiệp của quần chúng". Đã có nhà trường thì phải có cơ quan quản lý chứ không thể để nhà trường "tự tung, tự tác" được.
Chúng ta nên ưu tiên đào tạo giáo dục phổ thông, tức là đào tạo từ cấp mầm non đến hết THCS. Cần bao nhiêu biên chế, đầu tư như thế nào thì nhà nước phải ưu tiên, làm cho "tới nơi tới chốn" vì đây là lứa tuổi rất quan trọng, là thế hệ vàng của đất nước. Còn đối với giáo dục từ THPT trở lên nên đưa sang hoạt động theo quy luật thị trường, xã hội hoá giáo dục.
Mặt khác, các đơn vị cũng cần phải tự nhìn nhận, phải tinh giản những bộ phần cồng kềnh, không cần thiết, không phục vụ trực tiếp cho việc giáo dục, những cá nhân làm việc không hiệu quả.
Đồng quan điểm với GS Phạm Minh Hạc, vị này cũng nhấn mạnh việc phát triển giáo dục phải gắn với khởi nghiệp. "Không phải giải tán các trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề đi mà cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa về giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho các em. Đâu phải em nào học xong THCS cũng sẽ học lên THPT hay đại học? Chúng ta cũng không thể bỏ các em học hết lớp 9 không qua đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đã bước chân vào môi trường lao động được. Như vậy, làm sao chúng ta có chất lượng lao động tốt trong thời đại mới?" - vị này phân tích.
Nhà nghiên cứu giáo dục Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE: Làm gì cũng phải có cơ sở, nền tảng nghiên cứu
Theo tôi, khi đưa ra một nhận định ảnh hưởng bao nhiêu con người, ảnh hưởng đến cả nền giáo dục, thì không thể cứ thích là nói. Vấn đề là họ đưa ra sáng kiến đó trên cơ sở nào. Người đưa ra sáng kiến đó có lập luận theo cơ sở khoa học không, có chứng minh được điều gì không, có cứ liệu nào không? Còn nếu không, cứ nói khơi khơi, thì thử hình dung sự thể sẽ ra sao? Sẽ có người nói "giải thể Bộ GDĐT đi", hoặc không cần nhà trường, học sinh tự học ở nhà, chẳng lẽ cứ chạy theo những ý kiến đó? Hiện nay có nhiều ý kiến, đề xuất không bình thường, không nên vội vàng bình luận. Chúng ta nên đưa ra cơ sở khoa học và lập luận khi đưa ra các đề xuất.
Theo Tinmoi24.vn
Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện: Các giáo viên như 'mở cửa trong bụng' Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện của thầy giáo Bùi Nam đang nhận được sự quan tâm lớn trong ngành giáo dục. Nhiều giáo viên đã lên tiếng ủng hộ đề xuất trên. Đề xuất giải tán phòng giáo dục quận/huyện: Các giáo viên như "mở cửa trong bụng". Ảnh minh họa Đảng và Nhà nước đã đưa ra chủ trương...