Phòng giáo dục giới thiệu “người lạ” vào trường học bán nồi cơm điện
Nhiều giáo viên bức xúc khi những nhân viên bán hàng của các công ty lạ được Phòng giáo dục ký giới thiệu vào trường học bán nồi cơm điện, bếp, chảo, máy sinh tố…
Sản phẩm nồi cơm điện của doanh nghiệp vào tận trường học bán
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Vào trường học bán bếp điện
Mới đây, nhiều giáo viên ở các trường học mầm non đến THCS ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bức xúc phản ánh tình trạng nhân viên kinh doanh của các doanh nghiệp mượn danh phòng giáo dục vào trường để quảng bá, tiếp thị hàng hóa đến đông đảo giáo viên cùng chương trình khuyến mãi bán hàng.
Theo chị T. – giáo viên dạy mầm non ở Long Mỹ, giữa tháng 4, có người giới thiệu là nhân viên Công ty Cổ phần truyền thông kinh doanh – pháp luật, trụ sở đặt tại Hà Nội, xin vào trường truyền đạt kỹ năng sử dụng năng lượng tiết kiệm, kết hợp tri ân, tặng quà và giảm căng thẳng cho giáo viên. Nhân viên đưa ra giấy giới thiệu trong đó ghi tên nhân viên: “CTV… Cán bộ công ty được cử đến của quý cơ quan để liên hệ truyền thông, phân phối và giao lưu chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng điện mà vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết cho các thiết bị sinh hoạt của cơ quan, gia đình các cán bộ nhân viên. Giới thiệu chường trình tặng quà và tạo chương trình giải trí giúp giảm căng thẳng mệt mỏi cho giáo viên trong nhà trường”.
Giấy giới thiệu của doanh nghiệp bán hàng có bảo lãnh của Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Long Mỹ
Điều kỳ lạ là góc dưới của Giấy giới thiệu nhân viên của doanh nghiệp có những dòng giới thiệu bằng chữ viết tay của Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Long Mỹ, cùng con dấu của phòng. Trưởng phòng GD- ĐT thị xã Long Mỹ chỉ đạo: “Hiệu trưởng các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã Long Mỹ tạo điều kiện, giúp cho công ty thực hiện tốt chương trình”.
Có được sự bảo lãnh từ lãnh đạo cao nhất của Phòng GD-ĐT nên các chương trình tiếp thị, bán hàng nhanh chóng được tổ chức. Tuy nhiên, thay vì “truyền đạt kỹ năng”, “giới thiệu chương trình sử dụng điện tiết kiệm” thì buổi làm việc bị biến thành chợ khi nhân viên rao bán rất nhiều các sản phẩm điện gia dụng với nhiều “khuyến mãi” hấp dẫn.
Video đang HOT
Một giáo viên tiểu học xin giấu tên cho biết: “Họ đem ra nào là chảo, máy xay sinh tố, nồi cơm điện rao bán trên hai triệu đồng. Ngoài ra ho còn nói khách hàng sẽ được nhận một cái thẻ tri ân, rồi chương trình mua một tặng một. Nhiều người thấy vậy cũng ráng mua dù không biết rõ xuất sứ của những đồ gia dụng này thế nào”.
Nhiều giáo viên mua hàng về sử dụng chưa được bao lâu đã trục trặc, hư hỏng và không biết kêu ai. “Một phần nhẹ dạ cả tin cứ nghĩ ở mà người ta được giới thiệu lại thì chắc là uy tín, đủ điều kiện mình mới mua hang nhiều; không ngờ mua trúng hàng dỏm”, cô N.T- giáo viên mầm non cho biết.
Thực tế, tình trạng bán hàng tràn vào trường học đã diễn ra khá phổ biến, nhưng rất ít giáo viên dám lên tiếng vì sợ đụng chạm. Phải chăng lãnh đạo phòng GD-ĐT đã vô tình tiếp tay cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị và bán sản phẩm nơi trường học trực thuộc mình quản lý.
Lỡ rồi, không biết phải làm sao
Chiều ngày 15.5, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Trắng, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Long Mỹ, Hậu Giang cho biết, ông nghĩ việc nhân viên Công ty Cổ phần truyền thông kinh doanh – pháp luật đến xin vào đường các trường quảng cáo cũng giống như người ta hay đi quảng cáo sách, phần mềm dạy học, đề thi, bán bút viết, tăm xỉa răng… nên mới phê vào giấy giới thiệu. “Họ đến phòng xin phép, qua xem menu sản phẩm, mình thấy cũng chỉ là cho vô trường quảng cáo bán hàng vậy thôi, giáo viên thích thì mua chứ đâu bắt buộc. Hơn nữa nhiều phòng GD- ĐT khác trước đó cũng đã cho phép nễn cũng nghĩ nó bình thường”, ông Trắng phân bua.
Tuy nhiên, ông Trắng thừa nhận bất ngờ và bối rối, khi nhận được phản ánh của giáo viên bức xúc về việc để cho các nhân viên doanh nghiệp bán hàng không liên quan đến ngành giáo dục đến các trường bán hàng là không phù hợp; thậm chí là nhiều người phản ảnh chất lượng sản phẩm bán không như quảng cáo… Còn Phòng GD-ĐT lại tiếp tay doanh nhân viên bán hàng tạo niềm tin với giáo viên bằng việc ghi bảo lãnh vào giấy giới thiệu của của doanh nghiệp… “Đến lúc này, tôi mới sáng ra, mai mốt tốt nhất tôi không giới thiệu nữa. Bây giờ thì rút kinh nghiệm thôi chứ không biết làm sao rút lại việc này”, ông Trắng nói.
Không cho phép vào trường bán nồi cơm, soong chảoChiều tối 15.5, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Hoài Thuý Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết chưa nghe phản ánh về vụ việc trên, ngay sau đó Giám đốc Sở GD – ĐT Hậu Giang đã gọi điện cho lãnh đạo Phòng GD – ĐT T.X. Long Mỹ để xác minh.Sau khi xác minh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tôi đã yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT TX.Long Mỹ có văn bản báo cáo vụ việc này, đồng thời ngay ngày mai (hôm nay 16.5- PV) có văn bản gửi các trường để đính chính lại nêu rõ là không cho phép vào trường giới thiệu, bán các sản phẩm như đã xảy ra trước đó”.
Theo thanhnien.vn
Ngay cả quyền cho học sinh lưu ban, giáo viên cũng không còn
Giáo viên chúng tôi đã bị tước hết quyền một cách vô hình, ngay cả quyền được cho học sinh lưu ban cũng không có.
Đọc bài Đến khi nào tôi mới được cho học sinh lưu ban? của tác giả Ngọc Liên, tôi như thấy bóng dáng của tôi và đồng nghiệp của tôi trong đó.
Theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc không để học sinh lưu ban trong một thời gian dài chính là căn bệnh thành tích.
Vào đầu năm học, Ban giám hiệu đưa ra những chỉ tiêu bao gồm những con số biết nói. Ví dụ như lớp 35 học sinh thì chỉ có một học sinh được xếp loại yếu, còn lại giáo viên nào để quá hai em yếu thì đã không hoàn thành chỉ tiêu đăng kí của nhà trường với Phòng Giao dục.
Mà một giáo viên không hoàn thành chỉ tiêu sẽ kéo theo các bộ môn khác và các giáo viên khác liên quan, phá vỡ chỉ tiêu của toàn trường. Tôi không hiểu quy định phi lí này từ đâu ra và bây giờ nó trở nên nghiễm nhiên như vậy?
Với những quy định trên, giáo viên chúng tôi như rơi vào "ma trận" của những con số đầu năm cấp trên đưa xuống. Khổ nỗi thực tế giảng dạy không như mơ ước.
Trăn trở và băn khoăn nhiều nhất là những giáo viên làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy lớp 9 - lớp cuối cấp. Năm nào cũng có những học sinh không đủ điều kiện về học lực lẫn hạnh kiểm, thế mà giáo viên bộ môn "không dám" hay nói cách khác không có quyền cho em học sinh đó thiếu điểm, thiếu phẩy.
Chúng tôi cân nhắc, trăn trở, suy nghĩ, hỏi ý kiến của đồng nghiệp, rồi cuối cùng phải chịu lực bất tòng tâm.
Thời điểm này, gần kết thúc học kì 2, nỗi băn khoăn, trăn trở lo lắng của chúng tôi càng rõ ràng nhưng biết làm thế nào bây giờ?
Đồng nghiệp của tôi hay đùa "giáo viên chúng ta như những người chiến sĩ bị đẩy ra ngoài mặt trận mà không có bất kì vũ khí nào trong tay cả. Chỉ đứng chờ và chịu chết".
Quả đúng như vậy, hầu như giáo viên chúng tôi đã bị tước hết quyền một cách vô hình, ngay cả quyền được cho học sinh lưu ban cũng không có. Thật chua chát.
Trong nhiều năm qua, ở nơi tôi công tác, tìm tên một học sinh lưu ban như việc "mò kim đáy bể" vì không có năm nào có học sinh lưu ban cả. Cao nhất chỉ có học sinh rèn luyện trong hè và thi lại. Mà thi lại thì chắc chắn 100% lên lớp.
Hiểu được điều đó, hầu hết giáo viên sẽ "lánh nặng tìm nhẹ". Ngay từ đầu họ "nương tay" với học sinh yếu kém để tránh "ôm rơm nặng bụng" trong việc ôn thi lại, ra đề thi lại, chấm thi lại rồi tìm học bạ vào điểm.
Thế là cái sai nọ nối tiếp cái sai kia, cuối cùng nạn nhân tội nghiệp nhất vẫn là những học sinh yếu, kém. Các em không có cơ hội để nghe lại kiến thức cũ, rèn thêm bản thân, không biết mình yếu kém ở đâu để sửa chữa kịp thời. Và thế là các em trượt dài trong bể kiến thức.
Đó là hệ lụy trực tiếp, còn kéo theo cả một hệ lụy lâu dài và khó mà thay đổi nữa là những thế hệ học sinh sau thấy thực tế không học vẫn được lên lớp như thường như vậy nên có những suy nghĩ rất lệch lạc và đáng sợ: không học và thậm chí quậy phá mà vẫn nghiễm nhiên tốt nghiệp.
Thực tế cho thấy những năm trở lại đây, số học sinh cuối cấp suy đồi về đạo đức, nhụt ý chí phấn đấu, phai nhạt lí tưởng sống, ích kỉ trong các mối quan hệ với bạn bè, vô lễ với thầy cô, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, với xã hội... càng nhiều. Có ai lường trước được hậu quả lâu dài về sau. Một thực tế đáng buồn!
Trong thời điểm nước rút, các buổi họp Hội đồng, họp Công đoàn, họp Tổ, một điệp khúc mà giáo viên nghe và thuộc nằm lòng là "đối chiếu, rà soát lại chỉ tiêu đầu năm quý thầy cô giáo nhé" và không quên câu "Điểm số nằm trong tay quý thầy cô".
Lòng giáo viên chúng tôi buồn rười rượi, không ai bảo ai và tự khắc biết mình phải làm gì.
Chưa kể đến việc giáo viên chủ nhiệm các lớp phải làm trước một bước "em xem lại điểm cho những học sinh yếu của chị với nhé. Cố gắng hết sức hạn chế số học sinh thi lại".
Năm nay, tôi dạy hai khối lớp vừa lớp 9 vừa lớp 6, hiện tại sĩ số của lớp 6 là 40 tròn, trong đó có 5 học sinh chắc chắn rơi vào trường hợp thi lại vì sức học quá yếu nhưng như thế tôi đã "vượt chỉ tiêu" đến 4 học sinh so với đăng kí đầu năm.
Rồi tôi không biết nói làm sao với giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường.
Còn đối với lớp 9, tôi sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng vì đây là thời điểm quan trọng với các em.
Giáo dục mang nhiệm vụ thiên liêng và cao cả, đó là tạo ra những con người có ích cho xã hội ngay từ những ngày đầu, giúp cho con người có lẽ sống đẹp, biết sống có ích, sống có ý nghĩa.
Như vậy mỗi một cá nhân phải biết nhận ra điểm yếu, điểm mạnh của mình để khắc phục và phát triển. Cá nhân không làm được thì giáo dục sẽ thay họ làm điều đó.
Thế nhưng giáo dục bây giờ còn đang làm đúng nhiệm vụ của mình nữa hay không khi bệnh thành tích đã ăn sâu vào tiềm thức của nhũng người quản lí giáo dục???
Theo tuoitre.vn
Quảng Bình: Hiệu ứng tích cực từ hội thi Bậc học giáo dục mầm non tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức thành công hội thi "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm" cho thấy hiện nay tại các trường học mầm non của tỉnh Quảng Bình, các cơ sở đã có sự quan tâm vượt bậc, chỉ đạo sâu sát với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả,...