Phòng GD-ĐT thiếu nhân lực nhưng GV không muốn chuyển về
Nếu đồng ý chuyển về phòng GD công tác, nhiều chế độ dành cho giáo viên (GV) đứng lớp sẽ bị cắt. Chênh lệch về thu nhập khá lớn khiến nhiều GV không “mặn mà” khi được điều chuyển về Phòng GD công tác, thậm chí có chuyên viên còn làm đơn xin… trở về trường.
Theo định biên, Phòng GD-ĐT Quỳ Châu (Nghệ An) có 18 người, thế nhưng hiện tại chỉ có 15 cán bộ. Suốt mấy năm qua, Phòng không điều chuyển thêm được cán bộ nào, đã thế, một số cán bộ còn xin chuyển đi khiến Phòng luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Lý giải cho tình trạng này, cô Võ Thị Lộc – Trưởng phòng GD&ĐT Quỳ Châu cho biết: Sở dĩ có tình trạng này là do chênh lệch về chế độ giữa cán bộ quản lý, GV giảng dạy tại trường và chuyên viên làm việc tại Phòng. Trên cùng một địa bàn, nếu dạy tại trường thì GV được hưởng 140% lương (bao gồm 70% thu hút và 70% đứng lớp), đó là chưa kể phụ cấp thâm niên… Trong khi đó nếu về Phòng thì không được hưởng các chế độ ấy”. Cũng bởi chênh lệch về chế độ mà theo cô Lộc thì “có năn nỉ cũng không mấy ai về”.
Cô Trần Thị Lê – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Tiến (xã Châu Tiến, Quỳ Châu), người từ chối về Phòng GD công tác đã thẳng thắn: “Ngoài những lý do về hoàn cảnh gia đình thì chế độ đãi ngộ thấp khiến cho không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác nếu được chọn cũng từ chối. Cần phải có nền tảng kinh tế ổn định thì chúng tôi mới có thể yên tâm công tác bởi vì ngoài công việc chúng tôi còn có gia đình, con cái nữa”.
Còn cô Bùi Thị Ngọc, sau gần 13 năm làm chuyên viên của Phòng GD huyện Quỳ Châu, mới chuyển về làm Hiệu phó trường Tiểu học xã Châu Thắng, tâm sự: “Khi lên Phòng thì chỉ được hưởng mức lương cơ bản theo ngạch, bậc mà không hề có khoản phụ cấp nào. Trong khi đó, GV ở trường, đặc biệt là các trường ở khu vực 135, ngoài lương còn được hưởng 70% đứng lớp đối với GV Tiểu học; các khoản phụ cấp thâm niên, phụ cấp vùng. Năm 1988, tôi được đề bạt làm hiệu phó, năm 1994 làm hiệu trưởng.
Năm 1999, tôi thì được điều về làm chuyên viên tại Phòng. Tính năm công tác cũng được 28 năm 9 tháng, nhưng khi từ Phòng chuyển lại về trường thì chỉ được tính 16 năm 2 tháng thâm niên, còn 12 năm 7 tháng làm việc tại Phòng coi như không. Đây thực sự là điều chúng tôi cảm thấy bị thiệt thòi vì những năm tháng cống hiến của mình không được ghi nhận. Chính điều này đã khiến không mấy GV hào hứng khi được điều chuyển về phòng công tác. Còn những người đang công tác tại Phòng lại muốn được chuyển về các trường”.
Phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp và các chế độ khác bị cắt nên nhiều giáo viên không muốn về các Phòng GD-ĐT công tác.
Ông Nguyễn Tất Tây, Trưởng phòng GD huyện Đô Lương cho biết: “Thời gian qua đã có 2 trường hợp xin chuyển đi, hiện nay cũng đang có một số đơn xin chuyển nhưng Phòng chưa đồng ý. Sự chênh lệch về chế độ là điều thực tế. Thậm chí một trường nằm ngay sát cạnh Phòng GD, nhưng chế độ của hiệu trưởng, GV công tác ở trường bao giờ cũng cao gấp đôi chuyên viên làm việc tại phòng. Chính điều này đã khiến anh em nhiều lúc cũng mất động lực làm việc”.
Video đang HOT
Việc cắt phụ cấp đứng lớp là điều dễ hiểu vì số GV khi được điều chuyển về các Phòng GD không còn trực tiếp đứng lớp. Thế nhưng, nếu dạy ở trường, các thầy cô sẽ được tính phụ cấp thâm niên, khi lên đến phòng, khoản này bị cắt mặc dù họ vốn là GV. Trong khi đó, các danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân vẫn được xét cấp cho cán bộ, chuyên viên các phòng GD. Điều này vô hình trung khiến cho các GV được điều chuyển về Phòng công tác cảm thấy thiệt thòi và giá trị bản thân không được đánh giá đúng.
“Dù là GV, không trực tiếp đứng lớp nhưng công tác trực tiếp trong ngành giáo dục nhưng lại bị cắt phụ cấp thâm niên thì quá thiệt thòi cho chúng tôi. Tại sao không tính phụ cấp thâm niên nhưng lại không chuyển từ ngạch viên chức sang ngạch công chứng ủy ban để đảm bảo quyền lợi cho họ?”, một cán bộ cho biết.
Thậm chí nhiều chuyên viên đang công tác tại các Phòng GD-ĐT cũng xin chuyển lại về các trường để được hưởng mức thu nhập cao hơn.
Về vấn đề này, theo ông Trần Văn Kỷ, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An thì Sở và Phòng biết từ lâu bởi tình trạng này không phải mới diễn ra. Những cán bộ khi điều chuyển về làm việc tại các Phòng, Sở thường phải đạt yêu cầu cao về trình độ quản lý cũng như chuyên môn, thế nhưng chế độ chi trả cho họ thì lại giảm sút so với lúc đang công tác tại trường. Nhất là từ thời điểm bắt đầu có quyết định về phụ cấp ưu đãi cho giáo viên năm 2004 và khi Nghị định 54 về phụ cấp thâm niên cho GV ra đời năm 2011.
Ssự chênh lệch khi còn công tác tại trường so với khi được điều chuyển về Phòng, Sở được thể hiện rõ ràng, với mức bình quân 45% tổng lương người đó được nhận trong tháng. Đối với những người có thâm niên công tác trên 20 năm, hoặc công tác tại các vùng khó khăn thì sự chênh lệch đó càng lớn, thậm chí gấp đôi lương chuyên viên khi làm việc tại Phòng, Sở. Chính điều này khiến cho không mấy ai “mặn mà” khi được nhận nhiệm vụ điều chuyển.
“Từ một cán bộ quản lý, GV (viên chức) muốn chuyển về làm chuyên viên phòng, sở (công chức) thì thủ tục hồ sơ phải lần lượt qua Phòng GD-ĐT chuyển lên Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, sau đó trình ra Bộ Nội vụ xem xét. Nếu Bộ Nội vụ đồng ý thì sẽ có công văn chuyển về cho Sở Nội vụ. Sở Nội vụ sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định điều chuyển. Lý thuyết là vậy nhưng quy trình này diễn ra khá lâu, có thể lên đến 2, 3 năm nên không mấy cán bộ có đủ sự kiên nhẫn để chờ đợi”, ông Kỷ cho biết thêm.
Hoàng Lam
Theo dân trí
Lương GV có thể lên 6 - 7 triệu đồng
Lẽ ra hơn một tuần trước, giáo viên đã đuợc hưởng phụ cấp thâm niên. Nhưng họ chưa có được niềm vui đó.
Theo thông tư liên tịch của các bộ liên quan hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/NĐ - CP, thông tư này có hiệu lực thi hành từ 20/2/2012. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương cho biết việc thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên đang chờ hướng dẫn của trung ương.
Lương giáo viên có thể đạt 6 - 7 triệu đồng
Cô Nguyễn N.H là giáo viên trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội và đã có 34 năm đứng lớp. Hiện tại cô N.H hưởng lương hệ số 4,98 - hệ số cao nhất trong thang bảng lương giáo viên. Nhưng tính cả hệ số đứng lớp (30%), lương của cô mỗi tháng được hơn 4,5 triệu đồng (đã trừ các khoản bảo hiểm). Nếu chính sách phụ cấp thâm niên được thực thi, mỗi tháng cô N.H sẽ được lĩnh gần 7 triệu đồng.
"Tôi chỉ còn mấy tháng nữa là về hưu. Dạo chưa có thông tin gì về phụ cấp thâm niên, khi cô kế toán ở trường tính giúp, lương hưu của tôi khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng, tôi buồn quá. Tôi hy vọng phụ cấp thâm niên sẽ khiến lương hưu đỡ hẻo", cô N.H chia sẻ.
Số giáo viên có thâm niên công tác lâu năm như cô N.H không nhiều. Ở nhiều trường phổ thông, lực lượng giáo viên trẻ về tuổi nghề vẫn là đa số. "Số giáo viên mới vào nghề 10 - 15 năm khá nhiều, có mức lương khoảng từ 3 triệu đến 3,5 triệu (kể cả 30% phụ cấp đứng lớp).
Với chính sách thâm niên, mỗi thầy cô này được thêm khoảng 700 - 800 nghìn đồng/ tháng, nếu tính toán chi li thì không ăn thua nhưng ai cũng nhận thức được giá trị của chính sách thâm niên là ở chỗ giáo viên càng cao niên càng được hưởng lợi. Và như vậy các thầy cô ai cũng yên tâm rồi cũng sẽ đến lượt mình nếu còn ở lại trong ngành", thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng , Hà Nội nhận xét.
Tuy nhiên, những tính toán trên mới chỉ là việc "đếm cua trong lỗ" vì cho đến thời điểm này, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ở Hà Nội chưa hề được nhận một hướng dẫn thực hiện chế độ thâm niên nào.
Giáo viên là nghề cao quý, và ở nhiều nơi, phụ cấp thâm niên đang được thầy cô chờ đợi
Dài cổ chờ thông tư
Tin vui nhà giáo sẽ có chế độ phụ cấp thâm niên đã loang ra trên diện rộng từ khoảng hơn 2 năm nay. Dịp 20/11/2010, trả lời phỏng vấn, ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT cho biết ngay trong tháng 11 năm đó, Bộ sẽ hoàn tất hồ sơ để trình Chính phủ dự thảo nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Hơn bảy tháng sau, tức ngày 4/7/2011 nghị định này mới được ban hành. Từ bấy đến nay, giáo viên vẫn dài cổ chờ phụ cấp thâm niên vì các địa phương phải chờ hướng dẫn của các bộ liên quan, còn các Sở thì phải chờ chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Trao đổi với PV chiều 28/2, bà Trần Minh Trang, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hôm qua Sở mới nhận được thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 54 của liên Bộ GD & ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB & XH (ký ngày 31/12/2011) do UBND thành phố chuyển về. Vì thế Hà Nội chưa thể trả lời câu hỏi thời điểm nào giáo viên Hà Nội sẽ bắt đầu được nhận phụ cấp thâm niên!
Dù thông tư hướng dẫn ký từ cách đây gần hai tháng nhưng cách đây khoảng chục ngày, thông tư mới được đẩy lên trang web của Bộ GD&ĐT. Nhiều địa phương khác như Cao Bằng, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình... khi được hỏi đều cho biết là họ vẫn chờ... thông tư hướng dẫn chính thức theo đường công văn. Song nói chung lãnh đạo các Sở GD&ĐT đều lạc quan dù các hướng dẫn có chậm trễ.
"Đã có chính sách rồi, sớm muộn gì cũng sẽ được lĩnh. Chi trả muộn thì các thầy cô vẫn được truy lĩnh từ 1/5/2011", ông Trịnh Hữu Khang, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết.
Nhưng cũng có những nơi đã linh động giải quyết để giáo viên được lĩnh tạm ứng tiền phụ cấp thâm niên. Ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết, Hà Nam đã trả tiền chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên từ tháng 1/2012: "Xác định đây là vấn đề an sinh và trước sau gì ngân sách nhà nước cũng phải chi, nên tỉnh Hà Nam cho phép các cơ sở giáo dục tạm tính theo tinh thần nghị định 54, trên cơ sở đó chi tạm ứng. Bao giờ có thông tư hướng dẫn của liên bộ, tỉnh sẽ ra quyết định chính thức".
Trao đổi với PV, ông Trần Kim Tự, Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 54 đến với các địa phương sớm hay muộn không gây khó khăn cho các tỉnh/ thành khi triển khai nghị định. "Nghị định 54 là nghị định được xem có nội dung cụ thể nhất về đối tượng được chi trả phụ cấp. Tôi được biết các địa phương đều đã làm sẵn dự toán, chỉ chờ khi thông tư có hiệu lực là chi", ông Tự cho biết.
Trước thắc mắc của nhiều giáo viên về thời điểm và đối tượng được chi trả phụ cấp thâm niên, ông Trần Kim Tự giải thích: Thời điểm nhà giáo được chi trả phụ cấp thâm niên được tính từ 1/5/2011. Do đó nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 1/5/2011 sẽ không được tính hưởng phụ cấp. Nhà giáo nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 1/5/2011 đến 20/2/2012 (thời điểm thông tư liên bộ có hiệu lực) vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên. Cũng theo ông Tự, để giúp giáo viên nghỉ hưu trước ngày 1/5/2011 bớt thiệt thòi, năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ soạn thảo một văn bản trình Chính phủ về việc trợ cấp cho các nhà giáo không được hưởng phụ cấp thâm niên.
Theo TPO
TPHCM: Hàng trăm giáo viên mầm non nghỉ việc do thu nhập thấp Từ đầu năm học 2011 đến nay đã có 422 giáo viên, quản lý và nhân viên ngành mầm non nghỉ việc do thu nhập quá thấp, công việc quá tải. Thành phố đang thiếu nhân lực ngành mầm non một cách trầm trọng. Những khó khăn trong giáo dục mầm non hiện nay được Sở GD-ĐT TPHCM đề cập trong buổi làm...