Phòng chống tội phạm trên sông, Kỳ 1: Gian nan đánh án
Nước từ trên thượng nguồn dòng sông Đà ầm ầm đổ vào sông Hồng rồi hợp lưu tạo thành ngã ba nổi tiếng. Giữa những lớp sóng và lau lách, CSGT đường thủy trong vai những ngư dân trên chiếc thuyền đánh cá kín đáo ẩn mình. Hàng chục con rắn hổ mang chúa, hổ mang phì chuẩn bị vượt sông để thành “đặc sản” đã bị CSGT đường thủy bắt giữ.
Chuyên án “hổ mang chúa”
Chỉ cần một doi đất nhỏ trên sông cũng có thể là nơi tội phạm lẩn trốn
Đầu năm 2009, hoạt động mua bán trái phép động vật quý hiếm rộ lên trên địa bàn Hà Nội. Những bộ xương hổ hoặc các loại thú rừng là món hàng “hot”, quý hiếm trên thị trường chợ đen để phục vụ cho các lò nấu cao. Những chuyên án “đánh hổ trên taxi” hoặc “tê tê đi xe khách” của Phòng Cảnh sát môi trường lần lượt lôi ra ánh sáng các đường dây buôn bán động vật quý hiếm. Sau những đợt truy quét mạnh của lực lượng công an, hoạt động mua bán trái phép động vật hoang dã tạm lắng xuống. Bị “đánh” rát ở trên bộ, các đối tượng “buôn thú” đã chuyển hướng vận chuyển hàng trên sông, ở những nơi vắng vẻ. Một trong những nơi được bọn tội phạm lựa chọn chính là khu vực ngã ba sông Hồng trên địa phận các huyện Phúc Thọ, Ba Vì và Sơn Tây.
Nói về tính chất, đặc điểm của tội phạm đường sông, Thượng tá Nguyễn Văn Cương-Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội nhận định, tội phạm hoạt động trên các tuyến sông lại có những nét rất riêng. Sự ranh ma, tinh vi trong các thủ đoạn cất giấu hàng hóa, tang vật và chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện có khi còn “ác liệt” hơn so với tội phạm trên bộ. Chuyên án “hổ mang chúa” với gần 100kg rắn hổ mang chúa, hổ mang phì được Phòng CSGT đường thủy triệt phá cách đây không lâu được xem là ví dụ. Thời điểm đó vào giữa tháng 9, mực nước sông Hồng đang ở trong ngưỡng báo động cấp 2. Cả một đoạn sông rộng chảy qua địa phận xã Vân Phúc, Phúc Thọ, được góp sức bởi mưa lớn trong mấy ngày liền khiến sông Hồng gầm réo cuồn cuộn một màu nâu đỏ ào ào chảy về phía hạ lưu.
Giữa lúc trời đang mưa như trút nước, lốc xoáy gào thét cuộn tung từng đám bọt lẫn cùng rác, cành cây mục trên thượng nguồn trôi về, trên đê vắng bỗng xuất hiện một người đàn ông trạc 40 tuổi đi chiếc xe máy có ba thùng carton rất to được buộc chắc chắn phía sau, lao nhanh xuống bến đò. Do nước sông mênh mông ngập trắng lưng bờ đê cùng với mưa lớn nên chủ đò khuyên người khách chờ cho mưa ngớt rồi hãy qua sông. Tuy nhiên, người khách này nhất quyết phải qua sông bằng được dù có tốn kém thế nào. Khi chiếc thuyền chầm chậm chuyển hướng, các trinh sát của Phòng CSGT đường thủy từ bụi lau lách cạnh đó ập tới. Hoảng hốt, người khách lạ định ném số thùng hàng, rút thanh kiếm gắn ở xe máy và lao mình xuống dòng nước đang chảy xiết thì bị 2 trinh sát đang ngâm mình dưới nước nhảy vọt lên thuyền khống chế.
Tầm nã giữa lau lách
Gần 100kg rắn hổ mang chúa bị CSGT đường thủy phát hiện bắt giữ
Trung tá Đỗ Thế Dự-Đội phó Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và điều tra, xử lý TNGT-Phòng CSGT đường thủy CATP tâm sự, hoạt động của bọn tội phạm buôn bán vận chuyển động vật hoang dã hết sức manh động, tinh vi và khó phát hiện. Sau nhiều ngày theo dõi mật phục, ăn bụi nằm bờ, dầm mình dưới sông nước, các trinh sát mới phát hiện bắt giữ được đối tượng Nguyễn Hữu Thiết ở Vĩnh Phúc.
Còn Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa-Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và điều tra, xử lý TNGT nhận định: “Để một chuyên án “đánh” tội phạm mua bán, vận chuyển động vật quý hiếm trên sông thành công thì ngoài khâu chuẩn bị phải rất cụ thể, đánh án gian nan vất vả thì việc truy bắt các đối tượng tội phạm trốn lệnh truy nã cũng không kém phần cam go”. Trong suốt hàng chục năm làm CSGT đường thủy, Trung tá Nghĩa đã cùng với cán bộ chiến sỹ của đơn vị bắt giữ rất nhiều đối tượng trốn lệnh truy nã. Một trong số đó khiến anh nhớ mãi là đối tượng Nguyễn Lê Mạnh ở Thường Tín, Hà Nội vào cuối năm 2010.
Sinh năm 1983 nhưng Nguyễn Lê Mạnh có “thâm niên” trốn lệnh truy nã của CAQ Ba Đình, Hà Nội tới 4 năm. Sau khi lừa đảo hàng loạt các cô gái trẻ để lấy tài sản, Mạnh vào TP Hồ Chí Minh ẩn náu. Trốn ở TP Hồ Chí Minh được 3 năm, Mạnh lại “nhảy” tàu ngược ra Hà Nội rồi trốn chui trốn lủi ở nhiều nơi trước khi chọn bờ sông Hồng trên huyện Ba Vì để “định cư”. Giữa bụi lau lách um tùm mọc cao quá đầu người, Mạnh dựng một chiếc lều nhỏ chỉ vừa đủ chỗ ngả lưng. Trên lều y chất hàng thùng mì tôm và nến.
Cứ thế, ngày y nhai mì tôm sống rồi uống nước sông để ngủ, đêm lần mò đi trộm cắp tài sản. Những tưởng lau lách và sự vắng vẻ của bờ sông giúp cho Nguyễn Lê Mạnh có thể trốn tránh được sự phát hiện của cơ quan công an nhưng chỉ sau vài tháng, y đã bị các trinh sát của Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và điều tra, xử lý TNGT phát hiện bắt giữ. Ngoài đối tượng Mạnh, các đối tượng trốn lệnh truy nã khác như Nguyễn Văn Thường ở Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội và Lê Đình Tân ở Chương Mỹ, Hà Nội cũng chọn khu vực vắng vẻ ngoài bờ sông Hồng trên Phúc Thọ, Phúc Xá để dựng lều lẩn trốn đã bị CSGT đường thủy phát hiện bắt giữ hoặc vận động ra đầu thú.
Còn nữa
Theo ANTD