Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả: Đã đến lúc nhiều tỉnh, thành cho học sinh đi học?
Nhiều tỉnh, thành thuộc diện khá an toàn nhưng vẫn cho học sinh nghỉ học. Việc 22 triệu học sinh không đến trường gây ra những hệ lụy không nhỏ về đời sống, kinh tế.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, với diễn tiến thuận lợi như hiện nay, nhiều tỉnh nên tính phương án tổ chức cho học sinh đến trường.
“Chống giặc thì nên lựa chọn phương án ít tồi tệ hơn”
GS Hồ Ngọc Đại khi trao đổi về vấn đề này đã nhắc đến chỉ thị “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dịch vừa bùng phát ở Trung Quốc và có hai trường hợp người Trung Quốc mang virus này sang Việt Nam.
Theo GS Đại, so sánh dịch với giặc là từ rất đắt, qua đó huy động tổng thể nguồn lực trong xã hội để giành chiến thắng. Thừa nhận trường thực nghiệm của ông cũng lao đao vì cán bộ, giáo viên và học sinh nghỉ học, GS Đại cho rằng khi đã chống giặc thì phải chấp nhận có hy sinh, mất mát. Tuy nhiên, “điều quan trọng là trong cuộc chiến này cần phải lựa chọn phương án thiệt hại ít tồi tệ hơn”.
Trong ngành giáo dục, để phòng dịch bệnh, tính đến ngày 15/2, toàn bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước đã cho học sinh nghỉ học, trong đó có 56 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2; 7 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học đến ngày 22 và 23/2.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Khi mới công bố dịch, do chưa kiểm soát được nguồn gây bệnh, chưa dự được diễn tiến của dịch thì việc cẩn trọng cho học sinh nghỉ học là cần thiết và dễ hiểu. Gần đây, chúng ta đã kiểm soát được nguồn gây bệnh, đã cách ly những trường hợp nghi nhiễm và đặc biệt là kết quả điều trị rất tích cực.
“Chúng ta có 90 triệu dân mà mới chỉ 16 người nhiễm virus corona chủng mới, trong đó 7 trường hợp đã khỏi bệnh, các trường hợp khác có kết quả điều trị rất khả quan. Điều đó cho thấy công tác phòng, chống dịch của chúng ta mang lại kết quả tốt. Trong điều kiện như hiện nay, việc nhiều tỉnh, thành vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học là hơi thái quá”, GS Thuyết nói.
Theo GS Thuyết, chúng ta cũng cần tham khảo cách làm hay của bạn bè. Ví như Bộ trưởng Giáo dục Singapore khẳng định nước này chưa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học, dù tỷ lệ nhiễm virus corona trên số dân ở nước này cao hơn ở Việt Nam.
Lý do là việc nghỉ học sẽ làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của gia đình, phụ huynh phải nghỉ việc chăm sóc con và việc học sinh ở nhà cũng có nguy cơ nhiễm virus vì tiếp xúc với người lớn. Và, đặc biệt là Singapore đã biến thách thức dịch thành cơ hội để đào tạo, hướng dẫn các học sinh cách chủ động phòng, chống dịch.
Tuy chưa phát hiện nghi vấn nào ở trường học nhưng các lớp học vẫn đươc khử trùng sạch sẽ
Học sinh nhiều nơi không nhất thiết phải nghỉ học
Ở giác độ kinh tế, PGS, TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng 22 triệu học sinh nghỉ học không đơn giản là vấn đề xã hội hay giáo dục mà còn là vấn đề kinh tế rất nghiêm túc, nghiêm trọng.
Video đang HOT
Vì, học sinh, giáo viên và đặc biệt là phụ huynh học sinh đã làm cho chuỗi cung ứng, dịch vụ bị đứt, gãy. “Đơn giản như việc cho học sinh nghỉ học thì sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dịch vụ, lao động, việc làm. Khi học sinh nghỉ học , nhiều phụ huynh phải ở nhà trông con, những người giúp việc có thể cũng mất việc ngắn hạn và gây ra những “bi kịch về thu nhập”, ông Thiên nói. Theo ông, Singapore kinh tế rất mạnh nhưng họ rất thận trọng, giảm thiểu tác động xấu đến kinh tế do dịch gây nên.
Nội lực kinh tế của ta rất yếu. Khu vực xuất khẩu lớn, đóng góp thuế xuất nhập khẩu và thu nhập doanh nghiệp nhiều là FDI cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều nữ công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất nghỉ việc trông con vì trường học đóng cửa.
Mặt khác, về mặt tâm lý, theo GS Thuyết, nếu cho nghỉ học lâu có thể làm cho học sinh chuyển sang tâm thế mới là thích nghỉ học hoặc tâm lý trì trệ. “Đó là một thiệt thòi và cần tính toán kỹ. Ngay cả người lớn nghỉ Tết quá lâu cũng phải mất vài ngày để bắt nhịp công việc”, GS Thuyết phân tích.
Về ý kiến có thể cho học sinh nghỉ học hết tháng 3, sau đó học bù vào dịp nghỉ hè, GS Thuyết không đồng tình: Việc nghỉ học 3 tháng hè đã được tính toán khoa học. Ở ta, mùa hè rất nóng, khổ cho học sinh và nếu học cũng khó tiếp thu.
GS Thuyết bày tỏ quan ngại về việc một số địa phương quá lo trách nhiệm trong phòng, chống dịch nên trì hoãn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu để lựa chọn bộ SGK mới cho địa phương mình, ảnh hưởng tới lộ trình triển khai và chất lượng đào tạo trong năm học tới.
WHO và Trung Quốc cũng xác định virus corona chủng mới khó phát triển được ở những nơi nắng nóng. Miền Trung và miền Nam nước ta có điều kiện khí hậu không thuận lợi cho loại virus này phát triển. “Với tình hình khả quan như hiện nay, tuy chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không nhất thiết tỉnh nào cũng cho học sinh nghỉ học”, GS Thuyết bày tỏ.
Theo vị Giáo sư này, Bộ Y tế và Bộ GD – ĐT cần có văn bản hướng dẫn cách phòng, chống dịch và tổ chức cho học sinh đến trường. Trong đó có việc trang bị máy đo thân nhiệt; dung dịch rửa tay; hướng dẫn quy cách phun thuốc diệt khuẩn ở mỗi trường; trang bị sổ tay và tập huấn, hướng dẫn phòng dịch cho giáo viên, học sinh…
Ngay như việc sử dụng khẩu trang đúng cách và giặt, tiêu hủy khẩu trang đã qua sử dụng cũng rất quan trọng và cần được hướng dẫn cụ thể. Bởi mỗi khẩu trang đã qua sử dụng cũng có thể là một ổ virus, vi khuẩn gây bệnh.
Cho rằng chính quyền một số địa phương ở những vùng an toàn vừa qua đã “hơi quá”, “hơi cực đoan” khi cho học sinh đồng loạt nghỉ học dài ngày, GS Thuyết đề nghị chính quyền địa phương cần huy động các lực lượng trên địa bàn để kiểm soát, phân loại và cách ly nguồn, nguy cơ gây dịch để học sinh thực sự được an toàn khi đến trường.
“Theo tôi, các địa phương cần quy định phụ huynh chỉ đưa con đến cổng trường, không vào trường, lớp học. Khi đưa đón con, phụ huynh bắt buộc phải đeo khẩu trang, vì người lớn đi lại, tiếp xúc nhiều, có thể mang mầm bệnh lây nhiễm cho học sinh”. Ông đề nghị các phương tiện truyền thông cũng đừng nói quá, gây sợ hãi “bóng ma” Covid-19 .
Đồng tình với quan điểm cần rà soát, đánh giá và tổ chức cho học sinh đến trường ở những vùng an toàn để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có, PGS Trần Đình Thiên cho rằng “chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Một trong số đó là khôi phục sản suất, tái cơ cấu kinh tế luôn và ngay để chặn đà suy giảm kinh tế có thể khiến GDP năm nay chỉ tăng 5-5,5%”.
Đ. Ha
Theo baophapluat
Bộ Sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại: Chuyện dài chưa hồi kết
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cùng các cộng sự đã dành nhiều tâm huyết cho bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Và câu chuyện tương lai của bộ sách này vẫn là chuyện dài chưa hồi kết...
Bộ sách giáo khoa đang có nhiều ý kiến trái chiều
Đề nghị thẩm định theo "một cách khác"
Sự việc gây nhiều tranh cãi khi ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) cho biết 3 cuốn sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (gồm Toán, Tiếng Việt và Đạo đức) không vượt qua vòng thẩm định đầu tiên. Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào thay mặt Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về kết quả thẩm định.
Ngày 25/9/2019, Bộ GD-ĐT gửi công văn phản hồi PGS Nguyễn Kế Hào, trong đó nêu tập thể tác giả mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện và đề nghị thẩm định lại, nhưng GS Hồ Ngọc Đại từ chối...
Ngày 3/1/2020, Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào cùng các cộng sự. TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, trong 49 bản thảo SGK được gửi tới thẩm định, có 38 bản thảo được Hội đồng quốc gia đánh giá Đạt, 11 bản thảo được đánh giá "Không đạt".
Theo quy định trong Thông tư 33, những bản thảo SGK "Không đạt" có thể sửa chữa, nộp thẩm định lại như thẩm định lần đầu. Thực tế hiện nay, phần lớn bản mẫu này đã được tác giả chỉnh sửa và gửi Bộ GD-ĐT thẩm định lại. Một số bản mẫu, tác giả muốn bảo lưu kết quả của mình nên không đề nghị thẩm định lại.
PGS.TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán nêu nguyên tắc không thể thay thế, khi quốc gia có một chương trình GDPT mới là cùng với đó phải có SGK được viết theo các yêu cầu của chương trình đó. Bộ sách này dứt khoát phải được thẩm định trước khi đưa vào triển khai trong các nhà trường. Những SGK dùng cho chương trình cũ sẽ không còn hiệu lực.
"Có một tiêu chuẩn rất quan trọng mà cả Bộ GD-ĐT và tất cả tác giả SGK phải tuân theo là SGK phải đáp ứng chương trình GDPT, cả về nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Cấu trúc SGK là cấu trúc chung của chương trình. Nhưng bản mẫu SGK của GS Hồ Ngọc Đại có cấu trúc được viết từ thời Liên Xô (cũ), làm đảo lộn cấu trúc của chương trình GDPT mới.
Hầu hết các phần nội dung trong sách Toán 1 của thầy được lấy từ lớp trên xuống, những yếu tố đại số được đưa xuống rất sớm", Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán lớp 1 nói. Ông cho rằng, học trò lớp 1 không cần thiết học những nội dung nặng nề của lớp trên và việc học Toán đối với trẻ lớp 1 nên được diễn ra một cách tự nhiên, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.
GS Hồ Ngọc Đại tại buổi đối thoại với Bộ GD-ĐT ngày 3/1
Còn GS.TS Mai Ngọc Chừ, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt; PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá tốt tư tưởng và đóng góp của tài liệu Công nghệ giáo dục trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, giống các ý kiến ở trên, hai chuyên gia đều cho rằng, sách cần được chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, bởi chương trình là "pháp lệnh", SGK là tài liệu cụ thể hóa chương trình.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào thì cho rằng nên tiếp tục sử dụng tài liệu này như trong chương trình GDPT mới, nên thẩm định sách Công nghệ giáo dục theo "một cách khác", PGS.TS Nguyễn Kế Hào đề nghị Bộ GD-ĐT chú trọng đánh giá của thực tiễn trong việc thẩm định các bản mẫu SGK.
Đối thoại bất thành
"Các ý kiến của Hội đồng thẩm định và đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đều kiến nghị GS Đại điều chỉnh lại sách Công nghệ giáo dục để phù hợp với chương trình GDPT mới và có thể tham gia giảng dạy trong các nhà trường phổ thông. Điều này rất tốt cho ngành Giáo dục vì thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK cần huy động các nguồn lực để làm sách và cần nhiều SGK hay cho học sinh.
Bộ GD-ĐT cũng rất mong muốn với cùng một công thức, một quy trình, một cách thẩm định SGK như đã làm với các cuốn sách khác, sách Công nghệ Giáo dục sẽ có cách phù hợp để đưa vào giảng dạy trong các trường học; không phải năm nay thì có thể là những năm sau", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, quan điểm của GS Đại và Hội đồng thẩm định quốc gia về SGK mới không gặp nhau. Theo GS Đại, mục đích duy nhất của ông là sách Công nghệ giáo dục được sử dụng trong năm học mới. GS Đại cũng cho rằng SGK được biên soạn theo chương trình mới "là sản phẩm dịch vụ, đặt tiền rồi làm", chứ không phải công trình khoa học có tuổi đời hơn 40 năm như sách Công nghệ giáo dục. Vì thế, GS Đại bảo lưu quan điểm sẽ không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì trong bộ sách Công nghệ giáo dục.
Còn PGS Nguyễn Kế Hào (đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục) cho rằng sách của GS Đại đã đi vào đời sống hơn 40 năm cần được thẩm định theo cách khác (được hiểu là không giống cách Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT tiến hành). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc... không cần sửa chữa.
Về phía Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, ý kiến cho rằng sách của GS Đại không phù hợp với chương trình mới chứ không phải chất lượng kém. Nguyên tắc là Chương trình nào thì sách đó; người làm sách cần xem xét mục tiêu, kết quả cần đạt của chương trình rồi xây dựng nội dung cho sách.
Khi có một chương trình mới thì cần những bộ SGK mới, không thể lấy lý do có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục. Còn theo GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Việt, cho rằng SGK cần được thẩm định theo tiêu chí chung. Nếu có ngoại lệ cho sách của GS Đại thì sẽ không công bằng cho các tác giả khác.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ trân trọng những đóng góp của GS Đại cho giáo dục, đồng thời mong muốn GS Đại và cộng sự điều chỉnh bộ sách Công nghệ giáo dục phù hợp với Chương trình mới để Hội đồng thẩm định lại và áp dụng vào các năm học sau. Ông Độ cũng mong bộ SGK của GS Đại được sử dụng trong nhà trường, nhưng về việc linh hoạt hay có ngoại lệ thì Bộ GD-ĐT không thể giải quyết và cũng không thể có một cách thẩm định khác.
Tuy nhiên, GS Đại cũng như PGS Hào đã không đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Độ và vẫn từ chối đề nghị chỉnh sửa bộ sách. Như vậy là "luận chiến" sửa hay không sửa, ngoại lệ hay không ngoại lệ, sử dụng hay không sử dụng đối với bộ SGK Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì vẫn không có hồi kết. Câu chuyện không chỉ gói lại trong "nhóm" làm SGK này với "nhóm" làm SGK khác, mà sâu xa hơn có lẽ chính là quan điểm phát triển "ý tưởng triết học" cho nền giáo dục, chí ít là ở bậc phổ thông.
Trong khi đó, GS Hồ Ngọc Đại phản biện: "Ở đây là 2 tư duy hoàn toàn khác nhau. Một tư duy bằng khái niệm, một tư duy bằng kinh nghiệm." Vì vậy, ông không chỉnh sửa thêm bất cứ điều gì, "chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là nội dung, còn sách Công nghệ giáo dục là lý tưởng, mà lý tưởng thì không thay đổi".
Theo GS Ngô Bảo Châu, người từng học bộ sách này từ 40 năm trước thì nếu bỏ bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại, không được giảng dạy trong các nhà trường nữa thì thật đáng tiếc. Cùng với đó, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, họ sẽ tiếp tục cho con cháu họ học ở trường thực nghiệm của GS Đại để học chương trình này. Trẻ con học được thì không có gì là khó cả...
Nguyễn Mỹ
Theo baophapluat
Hé lộ bộ sách giáo khoa gây tranh cãi nhất hiện nay Bộ sách giáo khoa (SGK) công nghệ giáo dục đang là tâm điểm của dư luận sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại trực tiếp với GS. Hồ Ngọc Đại và PGS. TS. Nguyễn Kế Hào. Để rộng đường dư luận, VietTimes gửi đến bạn đọc thông tin về bộ SGK công nghệ giáo...