Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, trung thực
GD&TĐ – Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc sáng nay (21/5) với lãnh đạo tỉnh Hải Dương – địa phương đầu tiên Phó Thủ tướng đến kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng báo cáo Phó Thủ tướng
Cùng dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ.
Về phía tỉnh Hải Dương có ông Nguyễn Mạnh Hiển – Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Quế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Quyết tâm làm để bớt sức ép cho thí sinh
Mỗi Nghị quyết ra đều có chương trình hành động và chọn khâu đột phá. Bộ GD&ĐT chọn khâu thi là đột phá, nhưng không có nghĩa từ đó đến nay Bộ GD&ĐT chỉ làm thi cử. Vừa qua, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học tự chủ là bước thay đổi cách mạng…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nhắc lại Nghị quyết Trung ương là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đổi mới giáo dục từ mẫu giáo đến tiến sĩ. Đổi mới căn bản toàn diện không có nghĩa là những gì trước đây mình xóa hết đi, nhưng đây cũng không phải sửa chữa nhỏ, mà phải làm căn bản.
Phó Thủ tướng nhận định: Yêu cầu lớn nhất và về lâu dài đối với thi cử là việc tác động đến chương trình, nội dung giảng dạy, phương pháp dạy. Ví dụ, thi kiểu học thuộc lòng thì người học cũng học thuộc lòng, ra đề thi mang tính logic suy luận thì người học học kiểu suy luận. Người thầy giáo phải dạy dần những cái này, không thể ngủ dậy trong sáng mai mà có thể thay đổi được.
Thi cử đang là vấn đề xã hội quan tâm nhất và bức xúc nhất. Kỳ thi lần này đặt ra để nhằm đổi mới phương pháp, cải cách chương trình sách giáo khoa, nhưng cũng để khắc phục bất cập mà có hai vấn đề lớn nhất là làm sao bớt nhiêu khê cho xã hội, và tinh thần của Chính phủ chỉ đạo là dù có khó cho ngành Giáo dục, nhưng bớt nhiêu khê, bớt khó cho dân thì vẫn phải làm. Và, điều quan trọng nữa là phải đảm bảo trung thực.
Về tổ chức thi THPT quốc gia 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Thứ nhất, phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Thứ hai, phải đảm bảo kết quả thật sự trung thực. Đây là yêu cầu chung.
Năm nay thí sinh nào xác định thi ĐH, cao đẳng thì có hai sự lựa chọn: Thi ở cụm thi để xét ĐH và lựa chọn thứ hai là đăng ký tuyển sinh theo phương án tuyển sinh riêng của các trường.
Trước đây thi phổ thông sau đó bắt đầu bước vào kỳ thi ĐH. Thí sinh chưa biết trường lấy bao nhiêu điểm đã phải đăng ký. Bây giờ mình đổi căn bản, các cháu thi hết.
Thi xong có điểm chung tự đánh giá năng lực của mình, lúc ấy sẽ chọn trường tốt nhất. Mục đích là làm sao để các cháu học để thi tốt nghiệp phổ thông không có áp lực và phân luồng tốt ở trên để vào đại học
Địa phương đảm bảo kỳ thi nghiêm túc từ việc trông thi, chấm thi; huy động các lực lượng tham gia như công an, Đoàn thanh niên,… giúp hướng dẫn các cháu vòng ngoài.
Chính phủ muốn đổi mới kỳ thi mạnh hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho nhân dân. Việc gì đổi mới được thì đổi mới mạnh hơn nữa, đúng pháp luật nhưng mà thật thuận lợi cho dân và đảm bảo kết quả để làm đầu vào của ĐH-CĐ. Vừa làm vừa quan sát và rút kinh nghiệm.
“Đổi mới là quá trình liên tục nhưng chắc chắn kỳ thi phải ngày càng bớt nhiêu khê, ngày càng thuận tiện cho dân. Và quan trọng nhất, việc thi cử phải đảm bảo nghiêm túc, trung thực, thuận lợi nhất cho người dân và đúng pháp luật” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.
Video đang HOT
Tín hiệu vui từ con số gần 40% thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương
Qua báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho rằng việc học sinh đăng kí thi đại học ít đi là một tín hiệu vui. Thứ nhất, việc phân luồng học sinh rõ hơn; Thứ hai là học sinh đã có nhận thức đúng đắn rằng không phải vào đại học là con đường lập nghiệp tốt nhất.
Còn Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lương Văn Việt cho biết: Trong số gần 40% học sinh thi tại tỉnh không phải vì học sinh không muốn vào đại học, mà với sức học của các em, có thể xét vào một trường đại học theo quy chế tuyển sinh của Bộ.
Những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia đã được tuyên truyền đến học sinh. Các em và gia đình đều nắm rõ thông tin, hiểu rõ quy chế. Và thi ở đâu hoàn toàn là sự lựa chọn của học sinh, các em không bị bất cứ ai tác động hay chi phối.
Cụm thi địa phương và cụm thi đại học: Cùng một quy chế, quy trình kỹ thuật
Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh tại buổi làm việc khi trả lời câu hỏi liên quan đến độ tin cậy của hai cụm thi.
Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết: Theo quy chế thi, các thí sinh dự thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ dự thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì; các thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp thi tại cụm do các Sở GD&ĐT chủ trì.
Hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa các cụm thi này, thể hiện rất rõ là thành phần tham gia đều có cả các trường ĐH và các Sở GD&ĐT. Cả hai cụm thi đều diễn ra trong khuôn khổ của một quy chế, một quy trình kỹ thuật giống nhau.
Nhìn lại những kỳ thi đã qua có thể thấy kết quả kỳ thi THPT ngày càng được ghi nhận sự tin cậy, xét cả về phương diện dư luận xã hội và phương diện khoa học (qua phân tích phổ điểm các môn thi kỳ thi THPT).
Việc phối hợp giữa trường ĐH và các Sở GD&ĐT được quy định rất rõ trong quy chế. Theo đó, đối với các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, mỗi điểm thi phải có ít nhất 3 cán bộ của trường ĐH, có thể làm lãnh đạo hội đồng thi, có thể làm cán bộ coi thi, có thể làm giám sát. Căn cứ vào điều kiện tình hình cụ thể sẽ xác định rõ số lượng này.
Để đảm bảo tính công bằng giữa các cụm thi, theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, giải pháp mang tính chất căn bản và vững chắc phải là giải pháp từ nội sinh của ngành Giáo dục và những người tham gia kỳ thi: Bằng trách nhiệm của nhà giáo, bằng cơ chế quản lý để làm sao mỗi nhà giáo thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình.
“Phải phấn đấu làm sao để thi ở TPHCM hay thi ở Hải Dương đều nghiêm túc như nhau, để đến một lúc nào đó, không phải thực hiện hình thức thi như thế này nữa mà chỉ cần chỉ thi ở địa phương” – Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Cam kết trước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Hải Dương không bao giờ chạy theo thành tích, không chỉ trong giáo dục mà ở tất cả các lĩnh vực….
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại Hải Dương: Tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 20.635 thí sinh; trong đó, số thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì: 12.495 (chiếm 60,55% tổng số thí sinh đăng ký dự thi); Số thí sinh dự thi tại cụm do Sở GD&ĐT chủ trì: 8.140 (chiếm 39,45% tổng số thí sinh đăng ký dự thi).
Số thí sinh đăng ký thi môn tự chọn: Hóa học: 10.069; Vật lý: 9.544; Địa lý: 8.823; Sinh học: 3.637; Lịch sử: 2.390.
Trong số thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì có: Số thí sinh ĐKDT để xét tuyển sinh ĐH, CĐ: 1.624 (7,87% tổng số thí sinh ĐKDT); Số thí sinh ĐKDT để xét tốt nghiệp và tuyển sinh: 10.873 (52,68% tổng số ĐKDT).
Số liệu tại cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang: Số thí sinh ĐKDT: 8140; Số phòng thi: 276 (xếp 30 thí sinh một phòng thi); Số điểm thi: 12;
Điểm thi có số thí sinh ĐKDT nhiều nhất: THPT chuyên Nguyễn Trãi với 953 thí sinh; 32 phòng thi; THPT Chí Linh với 823 thí sinh; 28 phòng thi.
Điểm thi có số thí sinh ĐKDT ít nhất: THPT Hưng Đạo với 461 thí sinh, 16 phòng thi; THPT Đường An với 487 thí sinh, 16 phòng thi;
Cán bộ coi thi và giám sát thi: 355, trong đó đơn vị phối hợp có 44;
Cán bộ chấm thi: 120, trong đó đơn vị phối hợp có 3.
Theo đánh giá chung của UBND tỉnh Hải Dương, công tác chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại địa phương đã được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, hiệu quả theo đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đến thời điểm này, Hải Dương đã xây dựng xong phương án tổ chức thi, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ coi thi, chấm thi; tư vấn, định hướng giúp học sinh lựa chọn môn thi, cụm thi, ôn tập phù hợp, đảm bảo đúng năng lực, nguyện vọng của các em cơ bản đã được hoàn thành.
Theo GD&TĐ
Vụ 5 triệu yen: 'Chờ tiền nơi ấy'... đến bao giờ?
Điều cuối cùng, dù pháp luật có quy định theo hướng nào, cũng xin các nhà làm luật hãy luôn tạo không gian đủ rộng để dung dưỡng lòng trung thực.
Sau một năm nhặt được 5 triệu yen, với diễn biến kịch tính khi xuất hiện "người đàn bà phút 89", ngày 12/5, đôi vợ chồng buôn bán ve chai, chị Hồng, anh Vương, đã nhận được câu trả lời chính thức của Công an quận Tân Bình (TP.HCM): vụ việc cần thêm thời gian, chưa biết là bao lâu, để xác minh, để điều tra. Đồng nghĩa, hai tấm lòng lương thiện lại phải tiếp tục một cuộc sống ồn ào, thị phi và chờ đợi.
Luật pháp: Thiếu không gian cho lòng trung thực?
Một vụ việc đời thường tưởng chừng đơn giản nhưng lại tạo nên một làn sóng những bất đồng về quan điểm trong việc áp dụng pháp luật. Việc xem xét 5 triệu yen dưới tư cách là gì ảnh hưởng quyết định đến cách ứng xử của cơ quan công lực. Nó ảnh hưởng đến việc Chị Hồng có được quyền hưởng số tiền vô tình phát hiện không và nếu có thì với giá trị bao nhiêu. Đồng thời, nó còn quyết định thẩm quyền của cơ quan có trách nhiệm giải quyết vụ việc.
Tôi cho rằng, nguyên căn của sự bất đồng là do quy định của pháp luật dân sự Việt Nam vẫn còn những mơ hồ, thiếu thống nhất và chưa bao quát. Đến hiện tại, vẫn thiếu những căn cứ để phân biệt thế nào là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu với vật bị người khác đánh rơi, bỏ quên.
Trong khi đó, cách xử lý của hai trường hợp này là hoàn toàn khác nhau. Đối với trường hợp 1, sau thời hạn thông báo rộng rãi tìm chủ sở hữu theo luật định, tài sản đó sẽ thuộc về người phát hiện được nếu là động sản, và sẽ thuộc về Nhà nước nếu là bất động sản.
Đối với vật bị bỏ quên, đánh rơi thì sau một năm kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát thông báo tìm kiếm chủ sở hữu vẫn không xác định được chủ sở hữu, tài sản này sẽ thuộc về người phát hiện nếu nó có giá trị từ 10 tháng lương tối thiểu trở xuống; nếu giá trị tài sản trên 10 tháng lương tối thiểu thì người phát hiện được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% giá trị tài sản vượt mức 10 tháng lương tối thiểu, phần còn lại thuộc về Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí bảo quản tài sản (đối với động sản).
Một nguyên nhân cộng hưởng nữa là do thói quen trong cách áp dụng pháp luật ở ta quá cứng nhắc và lệ thuộc vào câu chữ luật định, thay vì khai thác tinh thần của pháp luật để ứng xử, hành động trong trường hợp luật không bao quát nổi đời sống hay mơ hồ như vụ việc này.
Điều này dẫn đến hệ quả đã từng có quan điểm cho rằng, vì 5 triệu yen là tiền chứ không phải vật, nên phải áp dụng quy chế đối với việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Nghĩa là buộc chị Hồng phải chiếm hữu số tiền này liên tục, công khai trong suốt 10 năm thì mới được xác lập quyền sở hữu.
Chị Hồng hoàn toàn không phải là người chiếm hữu tài sản. Do vậy áp dụng quan điểm này sẽ tước đoạt quyền mà chị Hồng đáng lẽ được hưởng.
Từ những gì nói ở trên, tôi cho rằng, pháp luật hiện hành vẫn chưa có đầy đủ không gian cho sự trung thực và tôn vinh sự lương thiện - điều cốt lõi mà luật pháp cần bảo vệ.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người bán ve chai tại quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: An Nhơn/ VnExpress
"Quả bóng" lòng trung thực
Đứng trước một vụ việc không có gì phức tạp, nhưng các cơ quan công quyền lại "đá bóng trách nhiệm" cho nhau. Ai cũng có lý lẽ của mình.
Mặc dù hoạt động đúng thẩm quyền là nguyên tắc nhưng phải cân nhắc cẩn trọng mọi quy định trước khi tiến hành. Với cách làm như vừa qua, sự lương thiện bỗng dưng trở thành gánh nặng cho bộ máy công lực.
Rồi cuối cùng, cũng có cơ quan nhận trách nhiệm về mình. Nhưng, cách giải quyết của cơ quan này dường như chưa thể hiện được sự hợp lý, tận tâm cần có. Bởi lẽ theo quy định pháp luật, chỉ cần sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu thì cơ quan công an phải thông báo về kết quả xác định chủ sở hữu và tiến hành chuyển giao tài sản theo quy định.
Dù trước khi hết thời hạn vài ngày, có người đứng ra tự nhận mình là chủ sở hữu là bà Ngọt, nhưng đến thời điểm hiện nay (đã hết thời hạn luật định), người này vẫn không chứng minh được mình là chủ sở hữu hay có liên quan đến chủ sở hữu, đồng nghĩa việc xác định định chủ sở hữu là không thực hiện được. Trong trường hợp đó, bà Ngọt cũng không có tư cách yêu cầu xác minh chủ sở hữu số tiền, và sự xuất hiện của bà không thể làm căn cứ để kéo dài vụ việc.
Cách ứng xử mơ hồ theo công văn ngày 12/05/2015 liệu có nguy cơ tạo một tiền lệ xấu: sẽ xuất hiện hàng loạt những kẻ nhận bừa, nhận bậy để phá rối lòng trung thực khi có vụ việc tương tự xảy ra?
Ngẫm về đạo lý đời thường
"Nhặt được của rơi, trả người đánh mất" - một sự răn dạy của cha ông tự ngàn xưa đã trở thành một cách ứng xử mang tính đạo đức luân lý, nhưng ngày nay không ít người Việt vô tình hay cố ý "lãng quên".
Hành xử của 2 vợ chồng chị Hồng như một điểm sáng giữa một xã hội không ít nhiễu nhương hiện tại. Nhưng biết bao phiền phức, thị phi lại ập đến.
Lướt qua truyền thông, mỗi bài báo về vụ việc có tới vài trăm, vài nghìn bình luận. Có người cảm thương, có người nói chị Hồng dại, có người chê trách cơ quan công quyền, phê phán pháp luật. Song đọng chung lại sau những câu chữ sâu cay đấy có gì đó lắm nỗi niềm. Rồi sẽ còn bao nhiêu người tiếp giữ niềm tin vào những điều tốt đẹp, bao nhiêu người nhặt được của rơi sẽ mang đến nhờ Nhà nước trả người đánh mất?
Tạo không gian dung dưỡng lòng trung thực
Một chuyện đời nhỏ nhưng mang trong nó là niềm tin và giá trị của con người về lòng trung thực và lương thiện. Vì vậy, vụ việc này cần được giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ tối đa quyền lợi của người có lòng trung thực. Bằng cách, cần lập tức áp dụng quy định hiện hành theo quy chế đối với người nhặt vật bị đánh rơi, bỏ quên để trao lại cho chị Hồng giá trị tài sản mà chị phải được hưởng.
Đồng thời, về lâu dài, các cơ quan hữu trách cần phải nghiên cứu sửa đổi những quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành theo hướng: (1) thống nhất cách hiểu đối với thuật ngữ vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu và vật đánh rơi, bỏ quên; (2) thống nhất cách xử lý trong cả 2 trường hợp theo hướng trao cho người phát hiện tài sản toàn bộ tài sản do họ phát hiện được, nhặt được; đối với những tài sản là bất động sản hoặc di tích lịch sử, văn hóa mà chỉ có nhà nước mới có thể là chủ sở hữu thì người phát hiện vật đó được thưởng một khoản tiền theo quy định pháp luật.
Điều cuối cùng, dù pháp luật có quy định theo hướng nào, cũng xin các nhà làm luật hãy luôn tạo không gian đủ rộng để dung dưỡng lòng trung thực. Đừng mải mê chống lại cái xấu mà quên đi nhiệm vụ song hành của pháp luật là nuôi dưỡng sự lương thiện và tốt đẹp.
Lưu Minh Sang (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Theo VietNamNet
"Tỷ phú ve chai" và cái giá của lòng trung thực Chị ve chai nhặt được 5 triệu yên, đem đến nộp công an và suốt 1 năm qua sống trong rắc rối. Đó có phải là cái giá của lòng trung thực? Suốt mấy ngày nay, cư dân mạng đã hồi hộp sống cùng câu chuyện của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng - người mua ve chai, tạm trú tại Q.Tân Bình (TP.HCM),...