Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD – ĐT
Ngày 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì Phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Nhấn mạnh thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực, chuyển biến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước những yêu cầu phát triển trong tình hình mới, phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học với ý nghĩa đây là một thiết chế công cộng có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương. “Có như vậy, học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Phó Thủ tướng, ngoài những điểm còn cần thống nhất, cập nhật, các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như “Năm điều Bác Hồ dạy”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”… phải duy trì, phát huy và nếu cần sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành Giáo dục đi ngược lại tinh thần này cần phải kiên quyết loại bỏ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hóa để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức Cuộc thi “Em yêu trường em”, phản ánh người tốt việc tốt từ các học sinh bằng clip, hình ảnh; phát động phong trào cô trò cùng học… “Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 – 2021, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội. Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục đạo đức lối sống từng bước được đổi mới. Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được rà soát, tinh giản những nội dung mới, khó, trùng lặp, chưa thật sự cần thiết đối với học sinh, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn…
Video đang HOT
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Nổi lên là nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực. Mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ. Việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá chưa thực sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở mức hình thức. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao. Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc đạo đức, lối sống. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội…
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống. Bộ tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó gắn trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao vai trò nêu gương của ban giám hiệu và giáo viên, đặc biệt là vai trò của chủ nhiệm lớp…
Hạnh Quỳnh
Theo TTXVN
Quán triệt lại tinh thần 'dạy người' trong trường học
Đây là ý kiến được các thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đồng tình trong phiên họp chiều 26/7 về công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải duy trì, phát huy các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống như "Năm điều Bác Hồ dạy", "Thi đua dạy tốt, học tốt", "Tất cả vì học sinh thân yêu"... Ảnh: VGP/Đình Nam
Đang trực tiếp làm việc trong trường phổ thông, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa cho biết ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dạy người nhưng chưa được các trường thực hiện thường xuyên và coi trọng mà "chỉ như cơn mưa rào, ào lên một lúc".
Dạy đạo đức đang "cài theo" các môn học khác
Hiện nay, việc dạy đạo đức đang được lồng ghép trong các môn học, nhất là các môn xã hội trong khi phải coi đây là nền tảng của mọi môn học chứ không phải "cài theo", "cõng cùng".
Trong khi đó, giáo viên, nhà trường đang chịu áp lực về thi cử, vì vậy, nếu không thay đổi cách đánh giá học sinh thì giáo dục đạo đức sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn thiếu định hướng, động lực, trách nhiệm trong giáo dục đạo đức học sinh.
"Công tác dạy đạo đức, lối sống cho học sinh hiện đang ở tình trạng tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm", cô Nhiếp cho biết.
Từ chia sẻ trên, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đang có sự lúng túng trong công tác dạy người cho học sinh phổ thông. "Thay vì đề ra rất nhiều mục tiêu trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nên chăng cần cô đọng lại một vài mục tiêu để thực hiện, từ đó lan toả ra những yếu tố khác", ông Dương Trung Quốc đề xuất.
Còn GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận lâu nay việc dạy người cho các em học sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải quan tâm thực sự đến khoa học về giáo dục đạo đức, lối sống để tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên tất cả các môn học. Cùng với đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa gia đình với nhà trường khắc phục tình trạng "khoán trắng cho nhà trường", phát động phong trào "thầy trò học cùng nhau"...
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hành vi, thái độ ứng xử của thầy cô giáo với học sinh, GS. Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ suy nghĩ: Giáo dục đạo đức bằng câu chuyện từ các thầy cô giáo chứ không chỉ nói đạo lý.
Cùng quan điểm, GS. Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) khẳng định giáo dục đạo đức cho học sinh cần sự chung tay của tất cả mọi người những trước hết phải làm sao phải "trường ra trường", "thầy ra thầy" thì mới có "trò ra trò".
"Việc dạy người phải bắt đầu từ mỗi thầy cô, phải mẫu mực trong từng giờ lên lớp, từng lời ăn tiếng nói, có ý thức tự học, sáng tạo để có những bài giảng hay, hấp dẫn. Chúng ta sẽ không thể có học trò đạo đức tốt nếu mỗi thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hàng ngày", cô Nguyễn Thị Nhiếp bày tỏ.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Chung tay để "trường ra trường", "thầy ra thầy", "trò ra trò"
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường đã đạt được những kết quả tích cực, chuyển biến từ những việc nhỏ như hát quốc ca khi chào cờ, vệ sinh trường lớp,... Nhưng yêu cầu phát triển trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm...
Theo Phó Thủ tướng, ngoài những điểm còn cần thống nhất, cập nhật thì các khẩu hiệu, phong trào, nếp sinh hoạt truyền thống vẫn đúng như "Năm điều Bác Hồ dạy", "Thi đua dạy tốt, học tốt", "Tất cả vì học sinh thân yêu"... phải duy trì, phát huy và nếu cần thì điều chỉnh cho phù hợp. Các chỉ đạo, phát động, phong trào của ngành giáo dục đi ngược lại tinh thần này thì kiên quyết bỏ.
"Đơn cử như các trường đổi mới lễ khai giảng với tinh thần "vì học sinh thân yêu", giữ gìn vệ sinh trường học, đưa các môn thể thao, võ thuật vào trường học... có chuyển biến trong vài năm gần đây nhưng chưa mạnh mẽ. Năm học tới Bộ GD&ĐT phải siết chặt hơn nữa. Phong trào phải thiết thực, tránh hình thức", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức quản trị trong trường phổ thông, phát huy dân chủ trong trường học với ý nghĩa đây là một thiết chế công cộng có sự tham gia của ban giám hiệu, tập thể giáo viên, cộng đồng, phụ huynh và học sinh, chính quyền địa phương. Có như vậy học sinh mới ở vị trí trung tâm, được dạy dỗ, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo chương trình giáo dục mới.
Phó Thủ tướng "đặt hàng" Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Hệ Tri thức Việt số hoá để huy động giáo viên đóng góp các bài giảng mẫu mực về đạo đức, giáo dục công dân, sao cho thiết thực, sinh động nhất là cấp mầm non, tiểu học; tổ chức cuộc thi "em yêu trường em", phản ánh người tốt việc tốt từ các em học sinh bằng clip, hình ảnh; phát động phong trào cô trò cùng học...
"Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò", Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam
Theo baochinhphu
An Giang cần ưu tiên phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân Ngày 17/7, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương, đánh giá...