Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Không thể hạ chuẩn giáo viên ngoại ngữ
Nhiều vướng mắc và khó khăn đã được các đại biểu đến từ 63 tỉnh thành cả nước bày tỏ qua hội nghị trực tuyến triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được Bộ GD-ĐT tổ chức vào sáng 19/10.
Tham dự hội nghị này ngoài lãnh đạo của Bộ GD-ĐT còn có sự góp mặt của các thành viên đến từ các Sở, UBND tỉnh các thành phố và đại diện của các trường ĐH tham gia việc đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên của đề án. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đến dự và đưa ra ý kiến chỉ đạo.
Chồng chất khó khăn
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mặc dù đề án ngoại ngữ được phê duyệt vào ngày 30/9/2008 nhưng đến tháng 6/2011 mới được cấp kinh phí hoạt động từ chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo. Bộ GD-ĐT đã huy động các nguồn vốn khác nhau để có thể tiến hành các công việc chuẩn bị thiết yếu cho đề án và đã chính thức triển khai chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học trong năm học 2010-2011.
Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, trong quá trình triển khai thì khó khăn trước mắt còn nhiều, nhất là khâu đào tạo và bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên đạt chuẩn nhưng Đề án đã nhận được sự đồng lòng, nhất chí của các Sở GD-ĐT, các trường sư phạm và khoa ngoại ngữ, của đội ngũ giáo viên Tiếng Anh trong cả nước nhiệt tình với nghề với trò, “không sợ khó chỉ sợ không có cơ hội”.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, đơn vị đã có 11 năm dạy chương trình Tiếng Anh tăng cường với thời lượng 6-8 tiết/tuần chia sẻ: “Điều quan trọng nhất hiện nay là chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà chưa cao do mục tiêu dạy và học ngoại ngữ đặt ra chưa rõ ràng, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ còn nhiều hạn chế và đặc biệt phương pháp dạy và học ngoại ngữ còn rất lạc hậu (học ngoại ngữ để đi thi) dẫn đến trình độ sử dụng ngoại ngữ của HS còn rất thấp”.
Đồng với quan điểm này, ông Lương Văn Cầu, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, đánh giá thêm: “Hiện nay còn nhiều học sinh chưa say mê và có ý thức học tập tích cực môn Ngoại ngữ. Do đó, nhiều học sinh mặc dù đã được học tiếng Anh ở trường nhiều năm nhưng vẫn không nắm được vốn kiến thức ngôn ngữ cơ bản và hầu như không sử dụng được tiếng Anh trong những tình huống giao tiếp thông thường. Nhiều học sinh nhất là ở cấp THPT chưa nhận thức được vai trò của ngoại ngữ trong học tập và công việc sau này, phần lớn có tâm lý học để qua được các kì thi, chưa chú ý học, luyện tập để phát triển khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ”.
Cùng chia sẻ khó khăn trong vấn đề triển khai đề án, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng kiến nghị: “Bộ GD-ĐT và các bộ ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn công tác tuyển dung, định mức biên chế giáo viên tiểu học để đảm bảo đủ số lượng và trình độ giáo viên tiếng Anh tiểu học khi tiến hành triển khai dạy đại trà trong những năm tới”.
Liên quan đến chất lượng đào tạo chuẩn hóa đội ngũ, giáo viên đại diện Trường ĐH Hà Nội góp ý: “Cần phải có chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên ngành ngoại ngữ bởi do đặc thù công việc, việc soạn bài, giảng dạy của nhóm giáo viên này thường mất nhiều thời gian, công sức trong khi thù lao theo giờ giảng dạy không cao do học phí không thể tăng hơn mức quy định. Một trong những giải pháp mà Bộ GD-ĐT có thể tính tới đó tạo ra các học bổng đào tạo nâng cao trình độ tại nước ngoài đi kèm với cam kết làm việc cống hiến cho trường nhưng cơ bản và bền vững nhất vẫn là tăng thù lao giờ dạy thông qua chính sách học phí linh hoạt hơn”.
Video đang HOT
Ngoài vấn đề hỗ trợ chính sách cho giáo viên, ông Trần Minh Cả – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hiến kế thêm: “Chúng ta cần phải tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển hệ thống giáo viên tình nguyện nước ngoài. Thực tế ở Quảng Nam cho thấy, nếu các em được tiếp cận giao tiếp với người nước ngoài thì trình độ tiếng Anh được cải thiện rõ rệt. Ngày cả những lớp có những thầy cô xuất sắc giảng dạy nhưng hiệu quả chưa chắc đã bằng”.
Phải quyết tâm làm!
Sau gần 3 giờ đồng hồ nghe tham luận và đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Vấn đề đặt ra đối với đề án này đó là chúng ta dần chuyển ngoại ngữ từ một môn học trở thành một công cụ để sống, làm việc và hội nhập quốc tế. Chỉ khi chúng ta thay đổi được trạng thái tâm lý này thì kết quả mới có kết quả tốt được”.
“Chúng ta có năng lực tốt về ngoại ngữ nhưng phương pháp dạy và học chưa hợp lý” – Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.
Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người Việt Nam có năng lực tốt về ngoại ngữ nhưng phương pháp và cách dạy học của chúng ta chưa hợp lý. Do đó đề án cần phải quan tâm đến điều này. Đồng thời chúng ta thực hiện đề án trong thời cơ mới, thầy cô giáo giỏi có thể không bao giờ đủ cả nhưng với phương tiện như bây giờ có thể tiếp cận để học ngoại ngữ bất cứ lúc nào và cũng có thể tự kiểm tra đánh giá được.
“Chưa bao giờ học ngoại ngữ rẻ như vậy”- Phó Thủ tưởng nói.
Liên quan đến việc nên dạy ngoại ngữ gì, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phân tích, chúng ta cần phải học các thứ tiếng của các quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới để còn có thể học hỏi và giao lưu. Theo thống kê thì hiện nay có 14 nước có nền kinh thế mạnh nhất thế giới thì có đến 5 nước sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. 5 nước này chiếm tỷ trọng 33% nền kinh tế toàn cầu và dân số chiếm khoảng 24% toàn cầu. Như vậy trước mắt trong vòng 10 năm tới, chúng ta phải tập trung cao độ trong việc học tiếng Anh.
Liên quan đến việc có ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai đề án thì khi đối chiếu với trình độ hiện nay của giáo viên cũng như năng lực HS, SV về năng lực ngoại ngữ còn chưa đáp ứng được thì có nên hạ yêu cầu của đề án xuống hay không, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chúng ta học ngoại ngữ để tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế cũng như học tập thế giới. Điều kiện tham gia như thế nào là do môi trường quyết định. Chính vì thế chúng ta không thể hạ chuẩn được”.
Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải trình bày kế hoạch chi tiết sau đó báo cáo cho Chính phủ, Quốc hội và Ban Bí thư và gửi cho các Bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh thành phố… để cùng phối hợp thực hiện đề án tốt hơn.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu từ nay đến cuối năm 2011 Bộ GD-ĐT cần phải ra được hướng dẫn tuyển dụng biên chế giáo viên tiếng Anh, nghiên cứu để cấp chứng chỉ tạm thời cho các giáo viên đạt yêu cầu. Ngoài ra tiếp tục đẩy mạnh việc giao nhiệm vụ cho cho các trường, các khoa đào tạo Ngoại ngữ. Các trường này giữ vai trò là máy cái đào tạo lại giáo viên để nâng chuẩn lên đạt yêu cầu hoàn thành từng bước hệ thống ngân hàng các câu hỏi thi…
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 diễn ra sáng 19/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện đề án ngoại ngữ vô cùng quan trọng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Bộ GD-ĐT đẩy mạnh giao nhiệm vụ cho các trường, các khoa ngoại ngữ giữ vai trò đào tạo lại, đào tạo mới GV ngoại ngữ. Cho đến nay đã giao cho 8 trường gồm 7 trường CĐ, ĐH và trung tâm SEMEO TPHCM đào tạo nhưng sắp tới nên chọn tiếp các trường ĐH có khoa ngoại ngữ khá tham gia đào tạo giáo viên cho trường mình và các địa phương”. Lê Phương
Theo DT
Hội nghị giao ban 5 thành phố lớn: Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lạm thu, dạy thêm - học thêm
Song song với việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm học 2011-2012, các Sở GD-ĐT cần phải nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm, dạy thêm và học thêm tại địa phương, kiên quyết xử lý các cơ sở giáo dục vi phạm.
Đó là một trong những vấn đề mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh tại hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2011-2012 Cụm thi đua vùng 7 ngành GD-ĐT 5 thành phố gồm Cần Thơ, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội được tổ chức sáng qua 14/10 tại Hà Nội.
Học sinh bỏ học giảm
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 cho biết: Trong năm học 2011-2012, mạng lưới trường lớp học, quy mô học sinh các cấp học, bậc học của ngành GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc TƯ tiếp tục được củng cố và phát triển, mở rộng. Có tổng số 5.757 trường học. Tổng số học sinh từ bậc học mầm non, phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp và Trung tâm GDTX của 5 đơn vị này 3.876.398 HS.
Tình trạng học sinh bỏ học tiếp tục được quan tâm khắc phục, tỷ lệ bỏ học trên địa bàn các Sở đều giảm so với cùng kỳ năm học trước. TP Cần Thơ có học sinh bỏ học cao nhất ở THPT chiếm tới 1,77%, tiếp đó là TPHCM, 0,43%. Về số lượng, dẫn đầu danh sách là TPHCM có 1.800 học sinh bỏ học Cần Thơ: 1.740 học sinh, Hà Nội 1.577 học sinh, ít nhất là Đà Nẵng, chỉ có 54 học sinh.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học được đưa ra là rơi vào các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu kém, không đủ điều kiện lên lớp, sức khỏe, bệnh tật...
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có bước phát triển đáng kể góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục. Địa phương tiêu biểu trong Cụm phải kể đến trong công tác này là Hà Nội, tăng 23 trường chuẩn quốc gia, Hải Phòng 5 trường...
Ông Độ cũng cho biết thêm, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp học và SGK cho năm học mới được chú trọng. Các Sở GD-ĐT đã chủ động thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp học đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ kịp thời năm học mới. Đã có tổng số 61 trường học, 8.448 phòng học mới đưa vào sử dụng trong năm học này.
Công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới. Sở GD-ĐT tại các địa phương trong cụm tiếp tục được kiện toàn, chủ động thực hiện chức năng nhiệm vụ trên cơ sở tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong thời gian qua, các cơ quan này đã tổ chức thực hiện "3 công khai" nhằm thanh - kiểm tra, giám sát có hiệu quả công tác thi tuyển sinh, xây dựng cơ sở vật chất quyết liệt trong công tác quản lý thu chi đặc biệt là thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục. Có nơi đã mạnh dạn kỉ luật hiệu trưởng và giáo viên đã có biểu hiện thu chi không đúng mục đích các khoản thu đầu năm... tiêu biểu là TP Đà Nẵng.
Nóng chuyện lạm thu và dạy thêm học thêm
Một trong những vấn đề được các đơn vị thi đua cụm 7 đặc biệt quan tâm đó chính là vấn đề thu - chi đầu năm học. Trước bản dự thảo về Ban đại diện phụ huynh mà Bộ GD-ĐT đang công bố ý kiên ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM góp ý: "Hiện nay kinh phí rót về các địa phương là tương đương nhau chính vì thế để có thể phát triển thì cần sự góp sức của các phụ huynh. Trong 10 khoản Bộ dự kiến Hội phụ huynh không được phép thu thì nên cân nhắc bỏ 3 khoản đó là đóng góp để phục vụ dạy và học, phát triển cơ sở vật chất".
Theo ông Đạt, với phương thức như hiện nay thì nếu không có sự hỗ trợ từ phía phụ huynh thì một bóng đèn trong phòng học bị cháy thì có khi mất cả tháng trời mới thu được. Vấn đề thu có gây bức xúc hay không vẫn phụ thuộc vào cách thức thực hiện của Ban giám hiệu các trường. Nếu làm minh bạch, công khai thu chi một cách rõ ràng chắc chắn phụ huynh sẽ không phản đối.
Cũng liên quan đến vấn đề lạm thu, tân Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyên Huy Bằng cũng thẳng thắn đánh giá: "Hiện nay vấn đề thu chi đầu năm học được xã hội đặc biệt quan tâm. Chính vì thế khi phát hiện sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm khắc tránh tình trạng một số nơi vẫn còn buông lỏng. Nếu không xử lý mạnh mẽ thì chắc chắn khó xóa bỏ được tình trạng này. Đây là một căn bệnh nếu chúng ta còn "ôm ấp" hoặc "ưu ái" thì chắc chắn sẽ còn nặng hơn".
Khẳng định về chủ trương của Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh thêm, việc Bộ GD-ĐT đưa ra các khoản Hội phụ huynh không được phép thu nhằm chấn chỉnh một số nơi núp sau lưng của Hội này để làm những điều chưa đúng. Bộ không cấm các địa phương nhận đóng góp tự nguyện từ các đơn vị, các nhân thậm chí từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, những khoản đóng góp tự nguyện này Hiệu trưởng phải đứng ra tiếp nhận và có hoạch toán thu chi rõ ràng.
Liên quan đến vấn đề dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Hiển cũng lên tiếng nhắc nhở các Sở: "Hiện nay tình trạng dạy thêm học thêm đang bắt đầu nóng. Việc "nóng" ở đây xuất phát từ nhiều yếu tố chứ không phải là do giảm tải hay cắt bỏ chương trình. Năm học này Bộ GD-ĐT thực hiện giảm tải là bỏ những phần không phù hợp còn về kiến thức thì vẫn giữ nguyên. Chính vì thế các Sở cần quản lý mạnh mẽ về dạy thêm học thêm ngoài nhà trường hơn nữa".
"Ở đây chúng ta đều có con hoặc cháu đi học thêm. Chúng ta biết căn bệnh của nó nên sẽ không khó để giải quyết vấn đề là ở chỗ có quyết tâm hay không" - Thứ trưởng Hiển nói.
Chốt các vấn đề tại Hội nghị, Thứ trưởng Hiển thẳng thắn đề nghị: "Sau hội nghị này các Sở cần nghiêm túc triển khai. Đây là các đơn vị tiên phong trong cả nước nếu chúng ta làm không tốt thì có khi lại trở thành tấm gương xấu để các đơn vị khác noi theo".
Kết thúc hội nghị giao ban, 5 Sở GD-ĐT vùng 7 cũng đã phát động kí giao ước thi đua giữa các thành phố quyết tâm thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2011-2012.
Theo DT
Thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học: Bài toán chưa có lời giải Năm học 2011-2012 là năm thứ 13 Sở GD-ĐT TPHCM triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường tại các trường tiểu học trên địa bàn TP. Tuy nhiên, cho đến nay, bài toán tìm nguồn giáo viên vẫn quá khó giải khiến nhiều trường chưa thể tiếp cận các chương trình này. Năm học 2011-2012 là năm thứ hai thí...