Phó thủ tướng: Ngành sư phạm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất
Sư phạm là một trong những nhóm ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, chiếm 19%, tiếp đến là Môi trường, Pháp luật với 17% sinh viên không có việc làm.
Sáng 6/6, sau phần trả lới chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Phó thủ tướng nói kỳ họp Quốc hội nào giáo dục cũng nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu, cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với ngành.
Loại bỏ giáo viên bạo hành trẻ khỏi ngành giáo dục
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề phổ cập giáo dục mầm non và hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ gây bức xúc thời gian qua, trong đó, có nguyên nhân chất lượng đào tạo giáo viên cần được nâng cao hơn. Hiện, 60% giáo viên ở bậc này có trình độ từ cao đẳng trở lên, trên 30% là trình độ trung cấp.
Ngoài ra, trách nhiệm kiểm tra, cho phép mở trường, nhóm lớp của chính quyền địa phương cũng được xem xét.
Theo đánh giá của Phó thủ tướng, độ bao phủ mầm non, nhất là nhà trẻ còn thấp, 27,7%. Điều khẩn thiết bây giờ là phải phát triển nhanh cơ sở, các trường, chưa có trường thì ưu tiên cụm lớp độc lập nhưng phải đủ điều kiện, đặc biệt ở các khu công nghiệp.
Qua khảo sát, công nhân có thu nhập thấp, một trường mầm non công lập thu học phí trung bình 900.000 đến 1,1 triệu đồng. Cơ sở tư thục lấy nhà riêng để mở lớp sẽ có giá cao hơn một chút. Những cơ sở phải đầu tư ban đầu buộc phải lấy học phí cao, gây khó khăn cho công nhân.
Vì vậy, ngoài trường công lập, rất cần mô hình Nhà nước hỗ trợ một phần địa điểm để mở trường tư, giảm học phí.
Phó thủ tướng nhấn mạnh cần cương quyết đưa mọi trường hợp giáo viên bạo hành trẻ, học sinh ở các cấp học khác ra khỏi ngành giáo dục. Điều này sẽ gây khó khăn cho đời sống cá nhân và gia đình họ, nhưng không thể vì thế mà để lại, gây ảnh hưởng ngành giáo dục.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Quân Minh.
200.000 người thất nghiệp: Chú trọng định hướng nghề
Về câu chuyện 200.000 người có trình độ đại học thất nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải thích. Đó là những người không có việc làm phù hợp, không tìm được việc làm mới có trình độ đại học, chiếm trên 4%.
Ở các quốc gia khác, con số này trung bình là 7%. Con số, tỷ lệ nhất định khi học mà không có việc làm là bình thường trên thế giới. Điều này cũng góp phần thúc đẩy cạnh tranh và sự vươn lên của các cơ sở giáo dục.
Để khắc phục tình trạng trên, theo Phó thủ tướng, công tác hướng nghiệp phải được đẩy mạnh ngay từ cấp THCS.
‘Chúng ta không nên lo sau khi tốt nghiệp THCS các em chưa đủ kiến thức để học nghề vì các em vẫn được dạy văn hóa, kiến thức theo cách của người làm nghề. Ở các nước trên thế giới cũng thực hiện điều này, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh rẽ hướng học nghề hoặc phổ thông; tốt nghiệp phố thông sẽ tiếp tục học nghề hoặc vào đại học theo hướng hàn lâm, nghiên cứu’, ông Vũ Đức Đam nói.
Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đại học cần chú trọng tự chủ đại học và tăng cường kiểm định, xếp hạng đại học.
Video đang HOT
Nhóm ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm 2017, Bộ GD&ĐT khảo sát các trường có đầu vào 27 điểm. Sau 12 tháng ra trường, 96% học sinh có việc làm.
Nhóm trường đầu vào 24-27 điểm, tỷ lệ này là 92%. Nhóm trường từ 20-24 điểm có tỷ lệ 84%. Nhóm trường từ 15,5 đến 20 điểm là 89%. Nhìn chung, học sinh có việc làm xấp xỉ 90%. Tuy nhiên, cũng theo khảo sát, 19% sinh viên tốt nghiệp đại học làm công việc không xứng đáng.
Phó thủ tướng lưu ý hai nhóm ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là: Đào tạo khoa học giáo dục, giáo viên và Dịch vụ, chiếm 19%. Đứng thứ hai là ngành Môi trường và Pháp luật với 17%, nhóm Văn hóa – Thể thao 16%.
Bốn nhóm ngành trên đều có điểm đầu vào từ 20-24 điểm. Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay cần lưu ý điều này.
Tự chủ giáo dục đại học
Về chất lượng đào tạo phổ thông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành giáo dục khiêm tốn tự nhận xếp hạng dưới 50 nhưng thật ra nhiều tổ chức đánh giá cao, ở vị trí 20-30 như PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế – PV).
Nói về kỳ thi THPT quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại chuyện một đại biểu ví chuyển đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm ở một số môn với học sinh như là việc ‘xức dầu vào người gây ho’.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy kỳ thi đổi mới thi trong 3 năm qua cơ bản tốt, ổn định, chỉ chú trọng cải tiến khâu ra đề và chỉnh sửa kỹ thuật.
Giáo dục đại học không xuất sắc, xếp ở vị trí 80. Đáng lưu ý, từ 3 năm trở lại đây, ngành giáo dục quyết tâm tự chủ và đổi mới, đặt mục tiêu từ năm nay trở đi, cứ ba năm có ít nhất một trường nằm trong top 1.000 trường trên thế giới.
Các chỉ số nghiên cứu tốt lên nhiều so với nước ta. Một giáo viên châu Á trong giai đoạn 2011-2015 trung bình công bố 4,5 bài trên trên các tạp chí Scopus, thì ở Việt Nam được 0,14 bài, bằng 1/32 so với trung bình giảng viên châu Á.
Danh sách 10 trường có nhiều công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí ISI bao gồm: Viện Hàn lâm Khoa học Hàn lâm Công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Duy Tân.
Lộ trình đổi mới
Trình bày vấn đề cuối cùng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lại câu hỏi hóc búa của đại biểu: ‘Lộ trình của Nghị quyết 29 đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục sẽ kéo dài bao nhiêu năm? Có tiếp tục đổi mới hay không? Hiện nay đứng ở đâu?’.
Ông Đam nói, có 8 hạng mục trong nhiệm vụ của Nghị quyết 29 là đổi mới: Hệ thống, khung trình độ, chương trình và sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy gắn với giáo viên, kiểm định đánh giá và thi cử, cơ sở vật chất, quản lý nhà nước, quản trị cơ sở giáo dục.
Mức độ đánh giá đổi mới đến đâu trước hết phải sửa luật pháp, sau đó là chương trình đề án và nhiều công việc cụ thể.
Đến giờ này, việc đổi mới đã đạt được một số yêu cầu: Ban hành khung hệ thống, khung trình độ, đang xây dựng chương trình – sách giáo khoa, đổi mới một bước công tác kiểm định, tự chủ đại học và tới đây sắp sửa luật.
Yêu cầu khi sửa đổi luật là khắc phục điểm yếu nhồi nhét kiến thức, không khuyến khích sáng tạo cá nhân của học sinh và giáo viên; hệ thống học không liên thông học suốt đời; cơ sở giáo dục nặng chỉ đạo hành chính, mệnh lệnh, thiếu quyền của tập thể học sinh, giáo viên và cộng đồng.
Theo tiin.vn
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "200.000 cử nhân thất nghiệp là bình thường"
Về con số 200.000 người có trình độ đại học thất nghiệp, Phó thủ tướng cho biết, tính ra tỉ lệ thì con số này ở Việt Nam chỉ chiếm 4% tổng số người có trình độ đại học. Trong khi đó, trên thế giới con số trung bình này là 7%.
Tham gia giải trình sáng ngày 6/6 trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng việc có nhiều câu hỏi, ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm là điều rất mừng đối với ngành giáo dục. Kết lại, Phó thủ tướng chọn 5 vấn đề để làm rõ.
Tỉ lệ cử nhân thất nghiệp của Việt Nam thấp so với thế giới
Về con số 200.000 người có trình độ đại học thất nghiệp được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm chất vấn, Phó thủ tướng cho biết, tính ra tỉ lệ thì con số này ở Việt Nam chỉ chiếm 4% tổng số người có trình độ đại học.
Trong khi đó, trên thế giới con số trung bình này là 7%. Chính vì vậy, đây cũng là thực trạng bình thường và chúng ta không nên nghĩ rằng, cứ học đại học xong là phải có việc 100%. Việc một tỉ lệ nhất định người dù học tất cả các bậc nhưng không có việc là chuyện bình thường ở thế giới, chính điều đó sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh, vươn lên của các cơ sở giáo dục.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia giải trình trong phiên chất vấn Quốc hội sáng ngày 6/6.
"Để khắc phục tình trạng này, có rất nhiều việc phải làm, tôi đề nghị Quốc hội, nhân dân ủng hộ đồng tình giải pháp đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở. Đừng lo học xong trung học sang học nghề thì sẽ không đủ kiến thức bởi cả thế giới người ta làm vậy. Trong quá trình dạy nghề không có nghĩa là chúng ta không dạy tiếp văn hóa, kiến thức, chỉ có điều dạy theo cách của người làm nghề", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai, phải nâng cao chất lượng của giáo dục đại học. Muốn vậy, nhất định phải đẩy mạnh tự chủ đại học, tăng cường kiểm định và xếp hạng đại học.
Thứ ba, chúng ta nên công khai về công tác phân tích qua tình hình tuyển sinh những năm vừa rồi để có định hướng cho các cháu học ngành nghề nào thì tương lai việc làm tốt hơn.
"Báo cáo Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục tiến hành khảo sát năm 2017, các trường có điểm đầu vào trên 27 điểm thì tỷ lệ sinh viên ra trường sau 12 tháng có việc làm (tính từ năm 2016 đổ lại) là 96%. Nhóm trường 24-27 điểm, tỷ lệ sinh viên có việc là 92%; nhóm trường từ 20-24 điểm là 84%; nhóm trường từ 15,5-20 điểm là 89%. Tỉ lệ chung lại các sinh viên ra trường trong 12 tháng từ 2016-2017 khảo sát có việc làm là xấp xỉ 90%, chỉ 11,3% không kiếm được việc làm.
Đương nhiên, những việc làm này không hẳn là đúng trình độ đại học vì khảo sát cũng cho thấy, 19% số các cháu tốt nghiệp đại học nhưng ra trường làm công việc không xứng đáng với bậc học", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho hay, trong các nhóm ngành đào tạo thì nhóm ngành khoa học, giáo dục và giáo viên có tỷ lệ ra trường không tìm được việc làm cao nhất (19%). Nhóm thứ hai, nhóm liên quan đến các dịch vụ xã hội tỉ lệ không kiếm được việc làm cũng là 19%. Nhóm thứ ba về môi trường, tỉ lệ không kiếm được việc làm là 17%. Nhóm thứ 4 về pháp luật, tỉ lệ thất nghiệp là 17%. Nhóm ngành học về văn hóa, thể thao xếp cuối với tỉ lệ 16% thất nghiệp.
Giáo dục đại học có tín hiệu đáng mừng
Vấn đề thứ ba về chất lượng đào tạo, có nhiều ý kiến đánh giá cao chất lượng giáo dục Việt Nam. Vấn đề này báo chí đã nói rất nhiều. Giáo dục phổ thông, chúng ta khiêm tốn tự nhận là xếp hạng dưới 50 nhưng thực tế, như PISA chúng ta đứng khoảng 20-30. Nếu một ngành nào đó đứng dưới 20 thì đã là rất tốt so với mặt bằng chung kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Chúng ta chỉ có 2 chỉ số đứng dưới 50, gồm chỉ số đổi mới sáng tạo và chỉ số chất lượng giáo dục phổ thông.
Còn giáo dục đại học, chúng ta đứng khoảng thứ 80 trong khu vực. Nhưng một điều đáng mừng là trong 3 năm trở lại đây chúng ta đã quyết tâm đẩy mạnh tự chủ đổi mới giáo dục đại học. Mục tiêu 3-5 năm sẽ có ít nhất 1 trường nằm trong top 1000 của thế giới. Việc kiên trì mấy năm vừa rồi làm bắt đầu có kết quả, các chỉ số nghiên cứu của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, dù so với thế giới chúng ta còn khiêm tốn. Tính ra, giai đoạn 2011-2015, một giảng viên châu Á công bố 4,5 bài trên các tạp chí Scopus thì ở Việt Nam mới được 0,14 bài/ giảng viên (tức chỉ bằng 1/32 so với trung bình giảng viên ở các nước châu Á). Trường cao nhất đạt 0,7 bài/ giảng viên là trường ĐH Tôn Đức Thắng. Theo công bố vừa rồi có 10 đơn vị ở Việt Nam công bố nhiều nhất trên các tạp chí ISI.
Theo Phó thủ tướng, ba năm vừa qua, bằng tự chủ, bằng đẩy mạnh nghiên cứu chúng ta đã đạt kết quả rất đáng khích lệ. Các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục cũng đánh giá rất cao nỗ lực của giáo dục đại học trong thời gian vừa qua.
Kiên quyết đưa giáo viên bạo hành học sinh ra khỏi ngành
Về vấn đề phổ cập mầm non và những tiêu cực, Phó thủ tướng cho biết đây là vấn đề bức xúc của xã hội. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân liên quan đến đào tạo giáo viên mầm non. Hiện nay, có khoảng trên 60% giáo viên mầm non đã được học cao đẳng trở lên và còn gần 40% đã học trung cấp. Thời gian học trung cấp cũng 2 năm, nên việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm rất quan trọng.
Đồng thời, trách nhiệm liên quan đến công tác cho mở trường mở lớp của chính quyền địa phương (bao gồm tất cả các cán bộ quản lý, theo dõi giáo dục cả nước). Nhưng điều quan trọng nhất theo tôi là độ bao phủ của mầm non, nhất là bậc nhà trẻ còn rất thấp (27,7%), Như một đại biểu đã nói, tại sao một số trường không nhận trẻ dưới 3 tháng tuổi dù luật đã quy định, thực ra có nhiều lý do nhưng lý do chính rất đơn giản - nếu độ bao phủ đó không phải là 27,7% mà là 90% thì đương nhiên sẽ có nhiều trường nhận đủ các cháu từ mức khó đến mức dễ. Còn thông thường, các cơ sở giáo dục có xu hướng chọn đối tượng dễ hơn.
Vì thế, theo Phó thủ tướng, điều khẩn thiết là phát triển trường, nếu chưa có trường thì mở các cụm lớp độc lập. Phó thủ tướng mong muốn các địa phương làm tốt hơn, đặc biệt ở khu công nghiệp, nơi mà người dân có thu nhập thấp. Nếu ở đó, trường công đã khó khăn, trường tư đầu tư từ ban đầu lấy phí cao hơn, sẽ khó khăn cho công nhân, do vậy, rất cần Nhà nước đầu tư và hỗ trợ một phần.
Đối với tất cả các giáo viên không chỉ mầm non mà các bậc khác bạo hành học sinh thì phải kiên quyết đưa khỏi ngành giáo dục. Dù biết rằng việc đưa ra khỏi ngành có thể làm đời sống của cá nhân những người đó sau này rất khó khăn nhưng không thể vì thế mà làm ảnh hưởng chung đến ngành giáo dục.
"Đây là thời cơ sửa Luật"
Vấn đề thứ tư, Phó thủ tướng nhắc lại những băn khoăn của các đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khi Bộ GD&ĐT đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Thực tế, đổi mới thi qua 3 năm (2015 - 2017) đến nay còn điều này điều khác nhưng về cơ bản là tốt, sẽ hướng tới cơ bản ổn định chỉ còn hoàn thiện, cải tiến khâu ra đề.
"Năm nay, Thủ tướng không phải ra chỉ thị riêng về thi nhưng không có nghĩa công tác chuẩn bị thi như mọi năm không được tăng cường. Tôi mong các địa phương làm tốt để kỳ thi diễn ra thành công tốt đẹp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Phó thủ tướng giải đáp một câu hỏi mà ông cho rằng, rất "hóc búa" của một đại biểu từ ban đầu là: "Chúng ta đã đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29, vậy lộ trình cụ thể là bao nhiêu năm, có tiếp tục đổi mới không và hiện nay chúng ta đang đứng ở đâu?".
"Đây là câu hỏi rất khó, nhưng tôi tạm thời báo cáo thế này: Nghị quyết 29 có rất nhiều đề xuất, nhiệm vụ nhưng theo giác độ của ngành giáo dục, tôi tạm chia làm 8 đầu mục: Đổi mới hệ thống, khung trình độ, chương trình SGK, phương pháp giảng dạy - gắn với giáo viên, phương pháp kiểm định đánh giá thi cử, cơ sở vật chất, quản lý nhà nước, quản trị các cơ sở giáo dục. Mức độ đánh giá đổi mới đến đâu trước hết là đổi mới Luật pháp, sau đó là các chương trình đề án, làm rất nhiều công việc. Đến giờ phút này, chúng ta đã đạt yêu cầu là ban hành khung trình độ, đổi mới SGK, từng bước thực hiện đổi mới kiểm định, tự chủ đại học, THPT và đặc biệt, chúng ta sắp đưa vào 2 Luật.
Nhân đây tôi đề nghị chúng ta không nên giới hạn một số ít điểm vì đây là thời cơ sửa Luật. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Có nhiều yêu cầu nhưng có 3 yêu cầu đáng chú ý cần sửa vào Luật. Bao gồm: Khắc phục điểm yếu cố hữu của giáo dục phổ thông và đại học - nặng về nhồi nhét kiến thức, không khuyến khích sáng tạo cho học sinh và giáo viên; Hệ thống giáo dục của chúng ta là không giáo dục suốt đời dẫn đến câu chuyện chạy theo bằng cấp vì không chú trọng đến học tập người lớn; Các cơ sở giáo dục nặng về chỉ đạo hành chính không khuyến khích tự chủ, quản lý giáo dục bậc phổ thông nặng mệnh lệnh do Chính quyền cấp quận, cấp phường và ban giám hiệu nhưng thiếu các thành phần cơ bản (tập thể giáo viên, tập thể học sinh, tập thể phụ huynh và cộng đồng)".
"Lần này chúng ta phải đưa vào đổi mới, tôi mạnh dạn nói rằng nếu sửa được những điểm này cùng Luật công chức, viên chức thì việc đổi mới của chúng ta sẽ thực hiện thành công", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết lại.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Bỏ chính sách miễn học phí, sinh viên sư phạm mừng hay lo? SV sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ...