Phó thủ tướng: Đầu tư khoa học phát triển năng lực quốc gia
Tại hội nghị “ Khoa học cơ bản và xã hội” sáng 7/7 ở Bình Định, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khoa học công nghệ đang làm được điều kỳ diệu tưởng chỉ có trong chuyện cổ tích.
Sáng 7/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hàng trăm nhà khoa học dự lễ kỷ niệm 50 năm Hội “Gặp gỡ Moriond” – sự kiện đánh dấu ngày đầu tiên các nhà vật lý trẻ gặp gỡ tại Moriond (Pháp) năm 1966, do GS Trần Thanh Vân khởi xướng.
Cùng ngày, Phó thủ tướng dự lễ khai mạc hội nghị quốc tế “ Khoa học cơ bản và xã hội” tại TP Quy Nhơn, Bình Định.
Tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng cảm kích trước nhiệt huyết của GS Trần Thanh Vân, người có nhiều cống hiến to lớn vì sự phát triển khoa học Việt Nam.
Hội “Gặp gỡ Moriond” do GS Vân khởi xướng 50 năm trước, đã mở ra sự kết nối, tạo động lực cho nhiều nhà khoa học quốc tế đóng góp những thành tựu nổi bật cho thế giới.
Khoa học cơ bản tạo nền tảng năng lực quốc gia
Hội “Gặp gỡ Việt Nam” không chỉ thu hút sự quan tâm của những nhà khoa học nghiên cứu chuyên nghiệp, mà còn thu hút sự tham gia đông đảo của người yêu khoa học.
Mạng lưới liên kết bền vững giữa Hội “Gặp gỡ Việt Nam” với các cơ sở đào tạo tạo nên môi trường nghiên cứu sống động, góp phần phát huy những giá trị vô giá, chất xám của các nhà khoa học thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.
UNESSCO đã xác định, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là động lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các giáo sư đoạt giải Nobel tại Trung tâm Khoa học quốc tế và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại TP Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng.
Video đang HOT
“Khoa học công nghệ là động lực vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững, giúp Việt Nam vươn lên để thu hẹp với khoảng cách các nước phát triển. Chính phủ Việt Nam luôn giữ quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng cần được chú trọng và đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho năng lực quốc gia”, Phó thủ tướng nói.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ không ngừng đầu tư cho khoa học cơ bản, như giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh trao cho các nhà khoa học nghiên cứu đề tài gắn với thực tiễn cuộc sống. Bộ Khoa học và Công nghệ có giải thưởng Tạ Quang Bửu – phần thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực khoa học cơ bản, cùng nhiều hoạt động khơi dậy niềm đam mê khoa học trong giới trẻ.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, thay đổi thế giới, đang làm những điều kỳ diệu tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Không có khoa học cơ bản, không thể có những công nghệ như vậy. Ví dụ hệ thống định vị toàn cầu GPS, dịch vụ này không thể có nếu không có thuyết tương đối của Einstein.
GS Ngô Bảo Châu (bên phải) cùng hơn 250 nhà khoa học trong nước, quốc tế dự Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” tại TP Quy Nhơn sáng 7/7. Ảnh: M.Hoàng.
Trách nhiệm nhà khoa học kiến tạo hòa bình
Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, từ việc đảm bảo an ninh lương thực, tiến bộ y học duy trì sự sống, bảo vệ môi trường giữ cho Trái đất xanh, tất cả đều dựa trên phát minh bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học cơ bản.
Thành tựu khoa học là di sản chung của nhân loại, tham gia làm giàu cho di sản ấy là vinh dự và trách nhiệm của tất cả mọi quốc gia.
Thế giới đang trước nhiều thách thức như xung đột, chiến tranh, môi trường bị tàn phá, các nhà khoa học và công trình khoa học có vai trò quan trọng trong kiến tạo hòa bình, giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, đe dọa đến sự phát triển bền vững, tương lai hành tinh này.
Ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” là chủ đề ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn. Các nhà khoa học cùng thảo luận, khẳng định về vai trò, ý nghĩa của khoa học cơ bản và tác động của khoa học cơ bản đối với xã hội.
Dịp này, các nhà khoa học làm cho xã hội hiểu hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học, những cống hiến thầm lặng của các nhà khoa học ngày đêm làm việc trong phòng thí nghiệm, hoặc ngoài thực địa, để mang đến cho nhân loại những tri thức mới; giúp hiểu biết về các quy luật của tự nhiên, xã hội.
Từ đó, chúng ta giải quyết được những thách thức của nhân loại như đói nghèo, bệnh dịch, năng lượng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.
Hội “Gặp gỡ Việt Nam” đã chọn TP Quy Nhơn để xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) – điểm hẹn lý tưởng của các nhà khoa học.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân còn đề xuất ý tưởng phát triển nơi đây thành khu đô thị khoa học. Sau khi hoàn thành, khu đô thị khoa học sẽ là địa điểm lý tưởng để khích lệ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khám phá, phát minh của giới khoa học Việt Nam và của các nước trên thế giới.
Từ nay đến cuối năm, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” tổ chức 12 hội thảo khoa học và ba lớp học chuyên đề về vật lý với sự tham gia của hơn 1.600 nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Trong khuôn khổ của “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12, từ tháng 6 đến cuối năm nay, 12 hội nghị khoa học quốc tế và ba lớp học vật lý chuyên đề quốc tế diễn ra, quy tụ hơn 1.600 nhà khoa học.
Tâm điểm của chuỗi chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” là hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 tại Trung tâm Khoa học quốc tế và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn.
Cùng với các chương trình hội nghị chính thức, “Gặp gỡ Việt Nam” lần này có 4 buổi nói chuyện khoa học đại chúng dành cho người yêu khoa học tại Bình Định và Hà Nội.
Theo Zing
Áp dụng khoa học công nghệ để nâng năng suất, sản lượng
Trong các ngày 1 và 2.7, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) Lại Xuân Môn và đoàn công tác đã thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Giang.
Trong 2 ngày làm việc, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã có buổi tiếp, trao đổi một số vấn đề về nông nghiệp, ND, nông thôn với Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải; thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Lục Nam; tìm hiểu mô hình trồng vải thiều GlobalGAP, trồng cam đường của hội viên, ND trên địa bàn huyện Lục Ngạn...
"Mắt bão" trong ngành nông nghiệp
Trao đổi với Chủ tịch Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải đã thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung lĩnh vực nông nghiệp, ND, nông thôn nói riêng của địa phương trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có bước tăng trưởng tích cực. Mặc dù nông nghiệp chỉ đạt mức tăng trưởng 3% nhưng vẫn cao hơn so với các địa phương khác và cao hơn mức bình quân tăng trưởng âm của toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2016.
Chủ tịch Lại Xuân Môn (thứ 2 phải) trao đổi với nhóm ND sản xuất, xuất khẩu vải thiều thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Ảnh: Nguyễn Công
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải khẳng định, năm nay ND Bắc Giang được mùa vụ lúa đông xuân; về sản xuất vải thiều, tuy sản lượng giảm nhưng bù lại giá bán bình quân cao hơn năm 2015. Vì vậy, thu nhập của ND trồng vải cũng như tổng giá trị cây vải thiều mang lại không thấp hơn năm 2015. Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ trong và ngoài nước hơn 100.000 tấn vải thiều. Tình hình thị trường khả quan nên vấn đề tiêu thụ 50.000 tấn vải thiều còn lại khá thuận lợi. Trước băn khoăn của Chủ tịch Lại Xuân Môn về thông tin thương nhân Trung Quốc ép giá, ông Bùi Văn Hải khẳng định: "Vấn đề tiêu thụ vải thiều 2 năm nay khá thuận lợi do địa phương và các bộ, ngành làm tốt công tác thị trường. Từ đầu vụ vải đến nay không có hiện tượng thương nhân Trung Quốc ép giá bà con trong thu mua vải thiều; giá thu mua của họ cũng cao hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với giá thị trường" - ông Hải khẳng định.
"Sản xuất nông nghiệp bền vững là phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm. Vì vậy, những ND giỏi phải là người đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản thích ứng với môi trường cạnh tranh thời hội nhập...". Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn
Chủ tịch Lại Xuân Môn cho rằng, nông nghiệp Bắc Giang là "mắt bão" trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016 do biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi, hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ tịch đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp, ND; chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Hội ND tỉnh Bắc Giang hoạt động có hiệu quả, thể hiện vai trò trung tâm nòng cốt trong phong trào ND...
Nông dân giỏi phải đi đầu
Tại huyện Lục Ngạn, Chủ tịch Lại Xuân Môn đã có buổi trao đổi tình hình nông nghiệp, ND, nông thôn, nhất là tình hình tiêu thụ vải thiều trên địa bàn với Bí thư Huyện ủy Thân Văn Khánh, Phó Bí thư Huyện ủy La Văn Nam. Ông Thân Văn Khánh cho biết, trọng tâm phát triển kinh tế của huyện Lục Ngạn vẫn là nông nghiệp, trong đó tiềm năng là phát triển vùng cây ăn quả tập trung. Toàn huyện hiện có tới hơn 25.000ha cây ăn quả, trong đó 17.000ha là vải thiều, còn lại là bưởi Diễn, cam Vinh, cam đường Canh... Nếu như năm 2015, cây vải thiều mang lại giá trị hơn 1.600 tỷ đồng thì năm 2016 ước đạt 1.770 tỷ đồng. "Đó là chưa kể mỗi vụ nông dân thu hàng ngàn tấn mật ong hoa vải, nhãn và chưa kể giá trị kinh tế từ các ngành dịch vụ đi kèm" - ông Khánh khẳng định.
Chủ tịch Lại Xuân Môn chia sẻ với lãnh đạo huyện Lục Ngạn về những bước phát triển, nhất là trong nông nghiệp của địa phương trong những năm gần đây và cho rằng chiến lược phát triển nông nghiệp của Lục Ngạn là phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế. Chủ tịch Lại Xuân Môn và đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN đã tới thăm, khảo sát tình hình tiêu thụ sản phẩm của nhóm ND sản xuất và xuất khẩu vải thiều ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn). Nhóm có 23 hộ trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 10ha. Báo cáo với đoàn, ông Giáp Văn Thành - nhóm trưởng cho biết, sản lượng vải thiều GlobalGAP của nhóm năm 2016 là 100 tấn. Mặc dù sản lượng vải xuất khẩu của nhóm mới đạt 10 tấn, nhưng việc tiêu thụ nội địa cũng rất thuận lợi bởi các doanh nghiệp uy tín đến thu mua. Giá vải thu mua tại vườn là 19.000 đồng/kg. "Tuy giá bán không cao so với vải sản xuất thông thường nhưng do chi phí giảm về vật tư phân bón, công chăm sóc nên lợi nhuận của người trồng vải thiều GlobalGAP vẫn đảm bảo" - ông Thành nói.
Cũng tại xã Hồng Giang, Chủ tịch Lại Xuân Môn còn tới thăm mô hình trồng cam áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao của hộ anh Bùi Đức Long. Trao đổi với ND giỏi - nơi đoàn tới thăm, Chủ tịch Lại Xuân Môn chia sẻ những thành công, đánh giá cao nỗ lực tìm tòi, mạnh dạn đầu tư của nông dân giỏi trong việc xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến. "Sản xuất nông nghiệp bền vững là phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản, thực phẩm. Vì vậy, những ND giỏi phải là người đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản thích ứng với môi trường cạnh tranh thời hội nhập..." - Chủ tịch Lại Xuân Môn lưu ý.
Theo Danviet
Đề tài 'giời ơi' hết đất sống? Tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Bộ Khoa học Công nghệ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhiều đề tài nghiên cứu chưa ứng dụng thực tế, còn đắp chiếu, bỏ ngăn kéo. Bắt đầu từ hôm qua (15/2), Thông tư liên tịch giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính quy định khoán chi...