Phó thủ tướng: ‘Bỏ biên chế giáo viên chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT’
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 15/6, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định việc bỏ biên chế giáo viên mới chỉ là đề xuất của Bộ GD&ĐT chứ chưa quyết định.
Gần đây, ý kiến bỏ biên chế trong ngành giáo dục nhận được sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là cộng đồng giáo viên. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề cập vấn đề gây tranh cãi này.
Tại phiên chất vấn ngày 15/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) một lần nữa nhắc đến việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng đang khiến nhiều người hoang mang, dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải trình trước đó.
Bà mong muốn Phó thủ tướng cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này để trấn an tinh thần cử tri ngành giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đặt câu hỏi về vấn đề bỏ biên chế giáo viên. Ảnh cắt từ clip.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Kim Bé, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Bộ GD&ĐT đề xuất bỏ biên chế và ký hợp đồng với viên chức nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện để đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ cho người dân.
Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan chủ trương, pháp luật như luật công chức, viên chức và chính sách đối với viên chức, người lao động, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Theo mong muốn, công chức trở thành những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền. Viên chức hoạt động trong cơ quan sự nghiệp và thực hiện theo chế độ hợp đồng.
“Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, còn đề xuất của Bộ GD&ĐT mới chỉ là ý kiến đề xuất chứ chưa phải quyết định”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.
Ông cho biết thêm Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để trình tại Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10.
Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 9/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định nên thiếu động lực phát triển, dẫn đến chất lượng giáo dục không cao.
Bộ GD&ĐT đặt ra vấn đề nghiên cứu, đề xuất thí điểm việc chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động, trước hết, thí điểm ở trường đại học và một số trường THPT có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, theo Nghị quyết 29, bộ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu mới.
Video đang HOT
Theo Zing
Vì sao Mỹ chưa hoàn toàn bỏ biên chế giáo viên?
Trong số 50 bang tại Mỹ, chỉ 4 bang bỏ cơ chế giáo viên, 9 bang yêu cầu thử thách 4-5 năm, 32 bang thử thách trong 3 năm và 5 bang thử thách trong 2 năm hoặc ít hơn.
Tùy theo luật giáo dục của từng bang mà điều kiện cấp biên chế giáo viên ở Mỹ khác nhau. Tuy nhiên, đa số giáo viên chỉ cần có chứng chỉ hành nghề và vượt qua khoảng thời gian hợp đồng thử thách.
Trong số 50 bang của Mỹ, 9 bang yêu cầu thời gian thử thách 4-5 năm, 32 bang thử thách trong 3 năm và 5 bang thử thách trong 2 năm hoặc ít hơn. Chỉ 4 bang xóa bỏ biên chế.
Kate (trái) luôn nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình trong suốt hành trình đòi thay đổi luật biên chế giáo viên tại bang California. Ảnh: Students Matter.
Ngày càng nhiều người cho rằng biên chế là rào cản học sinh nghèo tiếp cận giáo viên tốt. Họ giải thích quy trình vào biên chế dễ dàng song thủ tục sa thải lại rườm rà và khó khăn. Tuy nhiên, thời gian giải quyết có thể lên đến 10 năm và tiêu tốn khoảng 450.000 USD.
Bên cạnh đó, lý do để sa thải một giáo viên trong biên chế chỉ gói gọn trong một số lỗi như mất tư cách pháp lý, vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, có những hành vi không chuyên nghiệp, gian lận hoặc lơ là trách nhiệm.
Khi chuyện giảm nhân sự xảy ra, những giáo viên mới thường là những người bị loại. Khảo sát trên 50 bang của Mỹ cho thấy 20 bang xem xét yếu tố thâm niên cùng các yếu tố khác; 10 bang chỉ xem xét yếu tố thâm niên; 18 bang chuyển quyền quyết định cho trường và chỉ 2 bang không xem xét năm công tác.
Gần đây, người dân tại một số bang như California, New York và Minnesota đã đâm đơn kiện lên tòa án và đòi xóa biên chế trong ngành giáo dục.
Vụ kiện lịch sử gây chấn động luật biên chế giáo viên
Mở đầu cho chuỗi kiện tụng luật biên chế giáo viên gây chấn động nước Mỹ là vụ kiện của 9 học sinh đến từ các trường công lập khác nhau trên khắp bang California.
Với niềm tin mọi đứa trẻ trên khắp nước Mỹ đều xứng đáng được hưởng một nền giáo dục chất lượng với những giáo viên giỏi, sau một thời gian vận động, tháng 5/2012, Kate, Brandon, Julia, Daniella, Elizabeth, Beatriz, Herschel, Clara Grace và Raylene đã đệ đơn lên Tòa án bang California và cáo buộc một số luật của bang liên quan chính sách biên chế dành cho giáo viên vi phạm Hiến pháp bang California.
Vụ kiện xác định 5 đạo luật khiến biên chế cho giáo viên gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các cấp có liên quan cũng như khiến nhiều học sinh nghèo và học sinh thuộc nhóm người thiểu số phải học cùng những giáo viên kém chất lượng.
Sự hiện diện của những giáo viên thiếu năng lực đồng nghĩa việc học sinh bị từ chối quyền hiến định của họ đối với một nền giáo dục có chất lượng.
Thu nhập trong tương lai của những học sinh phải học giáo viên chất lượng kém ít hơn bạn bè khoảng 250.000 USD. Ảnh: Kevin Garrison .
Theo Bộ luật Giáo dục bang California, mọi giáo viên đều có thể vào biên chế sau 2 năm làm hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều giáo viên có thể vào biên chế khi chưa đủ thời gian 2 năm thử thách.
Nguyên nhân đến từ quy định xét biên chế cho giáo viên được thực hiện vào tháng 3, thời điểm trước khi nhiều giáo viên kết thúc thời gian dạy hợp đồng năm thứ 2.
Các luật sư đại diện cho 9 học sinh cho rằng quy trình cấp biên chế cho giáo viên quá dễ trong khi sa thải là điều gần như không thể.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho liên đoàn giáo viên tại Vergara lập luận rằng biên chế không đồng nghĩa việc làm ổn định đến hết đời. Giáo viên vẫn có thể bị sa thải vì một số lý do nhất định và đúng quy trình.
Bên nguyên thông tin trên thực tế, những giáo viên chất lượng kém sẽ được luân chuyển từ trường này sang trường khác. Mỗi năm, chỉ khoảng 2 giáo viên bị sa thải vì không đạt yêu cầu. Điều này khiến quyền của các giáo viên trong biên chế vượt xa quyền của các công chức khác tại bang.
Hơn nữa, California là một trong 10 bang chỉ xem xét yếu tố thâm niên khi cần giảm nhân sự trong ngành giáo dục.
"Giáo viên mới sẽ phải ra đi dù dạy giỏi ra sao trong khi giáo viên kém nhưng thâm niên cao lại được giữ lại. Logic của quy định này là không thể chấp nhận", đoàn luật sư đại diện cho 9 học sinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dựa trên một nghiên cứu được tiến hành trong 4 năm, tiến sĩ Thomas Kane xác nhận học sinh học với giáo viên kém hơn 5% so với tiêu chuẩn khiến chúng bị thụt lùi 9,54 tháng trong một năm học so với bạn bè. Tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp và thu nhập tương lai của chúng cũng thấp hơn.
Ngoài ra, tiến sĩ David Berliner chứng thực rằng 1%-3% giáo viên ở bang California chưa đủ tiêu chuẩn. Kết quả kiểm tra cho thấy số lượng giáo viên chất lượng khoảng 275.000 người. Trong khi đó, giáo viên kém chất lượng là 2.750 - 8.250 người.
Trong cơn bão tranh cãi, Jesse Rothstein và David Berliner, 2 chuyên gia trong ngành giáo dục, nhận định 2 năm chưa đủ để ra quyết định biên chế. Thay vào đó, họ đề xuất kéo dài thời gian thử thách lên thành từ 3 đến 5 năm nhằm thỏa mãn lợi ích của cả giáo viên lẫn học sinh.
Ngày 10/6/2014, sau 2 phiên xử kéo dài 2 tháng, thẩm phán Rolf M.Treu của Tòa án Cấp cao bang California phán quyết những đạo luật mà 9 học sinh đâm đơn kiện đều vi hiến. Chúng gây ra sự bất bình đẳng "gây sốc lương tâm".
Ngay sau quyết định của tòa sơ thẩm, giới truyền thông nhận xét đây là quyết định mang tính bước ngoặt có thể ảnh hưởng cuộc tranh luận tập trung vào biên chế trong cả nước.
Các quan chức đến từ hiệp hội giáo viên chỉ trích phán quyết và cho rằng bên nguyên đơn không đủ chứng cứ để chứng minh các đạo luật này gây hại cho học sinh và phán quyết của tòa sơ thẩm vi phạm một số chức năng lập pháp vốn có.
Vụ kiện tại bang California kéo theo một loạt sự kiện tương tự tại bang New York (tháng 7/2014) và bang Minnesota (tháng 4/2016).
Tuy nhiên, ngày 14/4/2016, toà phúc thẩm đã đảo ngược quyết định của tòa sơ thẩm và cho rằng các đạo luật bị kiện không vi phạm Hiến pháp bang California.
Bên nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án Tối cao bang California xem lại quyết định của tòa phúc thẩm và khôi phục quyết định của tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao bang California đã từ chối xem xét lại vụ việc.
Xóa biên chế là lợi bất cập hại
Trước làn sóng đòi bỏ biên chế giáo viên tại Mỹ, Erwin Chemerinsky, Hiệu trường trường Luật Berkeley thuộc Đại học California, nhận định xóa cơ chế này sẽ gây khó khăn cho những trường học có nguồn lực yếu. Giáo viên giỏi sẽ đổ xô về những ngôi trường tốt hơn và gây ra tình trạng mất cân bằng, đẩy mạnh tình trạng phân chia theo chủng tộc.
Trong khi đó, GS Pedro A. Noguera, chuyên gia giáo dục tại Đại học New Yorrk, cho rằng: "Biên chế bảo vệ giáo viên khỏi những sự cố đáng tiếc. Chấm dứt biên chế chỉ làm cho mọi chuyện trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là chuyện khắc phục những sai sót trong một cơ quan công quyền quan trọng".
Đồng tình với quan điểm này, Lily Eskelsen Garcia, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ (NEA), khẳng định những chính sách như biên chế bảo vệ giáo viên khỏi sự nhũng nhiễu của cấp quản trị. Nó ngăn việc giáo viên giỏi bị sa thải bởi những lý do không minh bạch như bất đồng về tôn giáo, chính trị hay xã hội.
Hơn nữa, những khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao thường không thu hút giáo viên. Vì vậy, duy trì giáo viên ở những ngôi trường này là ưu tiên cao nhất.
Ngoài ra, nhiều giáo viên cho rằng biên chế bảo vệ họ trong những thời kỳ khó khăn về tài chính. Lương của giáo viên có thâm niên luôn cao hơn giáo viên mới. Do đó, nếu tình hình tài chính eo hẹp và không có biên chế bảo vệ, nhà trường có thể sa thải những người có thâm niên để tiết kiệm chi phí.
"Bỏ biên chế giáo viên chỉ gây hại chứ không cải thiện kết quả học tập của học sinh", Liên đoàn Giáo viên bang California tuyên bố.
Tổ chức này giải thích đối với giáo viên hợp đồng, nhà trường có thể đuổi việc họ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trước đó, trường cũng phải thành lập hội đồng xem xét. Một buổi điều trần trước khi sa thải không phải không công bằng cho học sinh.
Bên cạnh đó, học sinh cần một lực lượng lao động ổn định, có kinh nghiệm giảng dạy.
GS Diane Ravitch, chuyên gia giáo dục tại Đại học New York, thông tin không bằng chứng nào cho thấy trẻ đạt thành tích cao hơn nếu học giáo viên không trong biên chế hay học giáo viên trong biên chế sẽ bị điểm thấp.
Theo Zing
Bỏ biên chế giáo viên: Cần áp dụng với hiệu trưởng để công bằng Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, bỏ biên chế giáo viên không vi phạm luật nhưng phải điều chỉnh để phù hợp và công bằng. Vấn đề này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Trao đổi với Zing.vn xung quanh vấn đề Bộ trưởng GD&ĐT nói sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên, luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công...