Phó giáo sư, tiến sĩ đầu tiên của người Hà Nhì
Phó giáo sư, tiến sĩ đầu tiên của người Hà Nhì là chị Lý Phường Duyên, giảng viên Học viện Tài chính – Hà Nội.
Biết chị tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận chức danh giáo sư, phó Giáo sư năm 2015 tại Hà Nội (11/2015), nhưng đến bây giờ tôi mới có dịp tiếp xúc với chị để nhìn lại những năm tháng miệt mài học tập, nghiên cứu và vinh dự được gia nhập vào “làng giáo sư Việt Nam”. Chị là phó giáo sư – tiến sĩ Lý Phương Duyên, dân tộc Hà Nhì, giảng viên Học viện Tài chính – Hà Nội.
Sinh ra trong gia đình nhà giáo nghèo ở xã Mù Cả, huyện Tuần Giáo (sau này chuyển về thị xã Lai Châu), nên tuổi thơ của 5 chị em Lý Phương Duyên rất vất vả, thiếu thốn. Trong những năm học tiểu học, mặc dù điều kiện trường lớp, sách giáo khoa đều thiếu thốn, khó khăn, nhưng cô học trò Lý Phương Duyên luôn vươn lên, dẫn đầu lớp về thành tích học tập.
Học giỏi đều tất cả các môn, nhưng Phương Duyên đặc biệt say mê các môn học tự nhiên. Lên cấp hai, Duyên được chọn vào lớp chuyên Toán của Trường THCS Chi Luông, thị xã Lai Châu.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lý Phương Duyên. Ảnh: Tin Tức.
“Tôi vẫn nhớ như in những đêm loay hoay tìm cách giải các bài toán khó, không tìm ra kết quả, vậy là một mình tay cầm sách, tay xách đèn măng xông xăm xăm đến nhà thầy giáo để nhờ thầy hướng dẫn”, chị Lý Phương Duyên xúc động kể lại.
Khi Lý Phương Duyên bước chân vào Học viện Tài chính Hà Nội cũng là lúc cuộc sống gia đình chị càng gặp nhiều khó khăn. Cùng một lúc, bố mẹ chị phải nuôi 3 con học đại học, chăm sóc 2 con đang học phổ thông…
Hiểu được hoàn cảnh gia đình mình, 3 chị em Duyên bảo nhau cùng quyết tâm học thật tốt để không phụ công lao vất vả của bố mẹ. Suốt những năm học đại học, Phương Duyên tiết kiệm, dành dụm từng đồng của bố mẹ gửi xuống để đi học tiếng Anh.
Ở trường, hễ có khóa học, buổi ngoại khóa nào về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc là Duyên đăng ký tham gia ngay. Là lớp phó phụ trách học tập, nhưng Phương Duyên rất hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động của đoàn trường.
Video đang HOT
Năm thứ ba đại học, Lý Phương Duyên tham gia Hội thi sinh viên thanh lịch và giành được giải Nhất. Bốn năm học đại học, chị đều đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, chị được trường giữ lại làm giảng viên của khoa Thuế và Hải quan – Học viện Tài chính.
Để có đủ kiến thức truyền thụ cho sinh viên, Lý Phương Duyên luôn cầu thị học hỏi các đồng nghiệp, không ngừng tìm tòi, tự nghiên cứu để làm giàu hành trang kiến thức cho bản thân. Thời kỳ nuôi con nhỏ, chị quyết tâm học cao học và bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ năm 2000. Sau đó, chị để con ở nhà cho chồng và gửi gắm cho bố mẹ trông nom để sang Hà Lan nghiên cứu đề tài “Quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế” – một đề tài mới mẻ, hấp dẫn, nhưng ngốn không ít thời gian, tâm huyết và trí tuệ của chị.
Cuối năm 2007, sau khi về nước, Lý Phương Duyên nhận được sự giúp đỡ tận tình của các thầy, cô giáo và đồng nghiệp, chị tiếp tục mở rộng đề tài nghiên cứu. Cũng trong thời gian này, chị sinh đứa con thứ hai. Khó khăn vất vả trăm bề, song với ý chí và nghị lực vươn lên không ngừng, ngày 31/3/2010, trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ bao gồm các giáo sư đầu ngành, Lý Phương Duyên tự tin trình bày bản luận án tiến sĩ đầy sức thuyết phục của mình và được 6/7 thành viên trong hội đồng cho điểm xuất sắc và trở thành nữ tiến sĩ dân tộc Hà Nhì đầu tiên của Việt Nam năm 36 tuổi.
Năm 2015, chị gửi bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Ngày 12/11/2015, Tiến sĩ Lý Phương Duyên vinh dự được Hội đồng Giáo sư Nhà nước trao quyết định công nhận chức danh Phó Giáo sư khi vừa tròn 41 tuổi.
Theo Sông Lam/Tin Tức
Nữ thiên tài Vật lý nói không với Facebook, smartphone
Sabrina chế tạo máy bay khi mới 14 tuổi, tốt nghiệp MIT với điểm số tối đa. Cô là nghiên cứu sinh tại Harvard, được dự đoán sẽ kế nghiệp hai nhà Vật lý vĩ đại Einstein và Hawking.
Bên cạnh việc tìm hiểu bản chất của vũ trụ và chế tạo các thiết bị mới, những thiên tài tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) còn phải xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho máy bay được phát minh ở Mỹ.
Vì thế, khi Sabrina Gonzalez Pasterski bước vào văn phòng trường trong buổi sáng tháng 1 để xin giấy chứng nhận cho chiếc máy bay một động cơ do cô cải tiến, mọi chuyện đều diễn ra bình thường. Điều đặc biệt duy nhất nằm ở việc Sabrina chỉ là cô bé 14 tuổi với mái tóc rối, cặp mắt to và bay thử một mình.
Sabrina Pasterski, 22 tuổi, hiện là nghiên cứu sinh tại Harvard. Ảnh: Nextshark.
"Tôi không thể tin được. Cô bé là con gái và còn quá trẻ" - Peggy Udden (thư ký điều hành tại MIT) nhớ lại.
Đương nhiên, MIT có rất nhiều nữ thiên tài, gần 50% sinh viên hệ đại học của họ thuộc phái đẹp. Nhưng Sabrina có nét gì đó rất độc đáo khiến Peggy Udden không chỉ hỗ trợ cô trong quá trình phê duyệt, mà còn giúp cô nhận được sự chú ý từ các giáo sư.
Sau 8 năm, Sabrina Pasterski (22 tuổi) đã tốt nghiệp MIT và đang là nghiên cứu sinh tại Harvard. Nữ thiên tài thu hút sự quan tâm của cộng đồng Vật lý trên toàn thế giới.
Hiện tại, Sabrina tìm hiểu những vấn đề Vật lý khó khăn, phức tạp nhất, tương tự như cách Stephen Hawking và Albert Einstein bắt đầu sự nghiệp khoa học. Cô nghiên cứu sâu về hố đen, bản chất của trọng lực, không - thời gian.
Cô tập trung khám phá "lực hấp dẫn lượng tử" để giải thích hiện tượng trọng lực trong cơ học lượng tử. Những phát hiện mới trong lĩnh vực này có thể thay đổi đáng kể sự hiểu biết của con người về cách vũ trụ vận hành.
Nhà Vật lý trẻ cũng gây chú ý với những thiên tài đang làm việc tại NASA. Jeff Bezos - người sáng lập công ty thương mại điện tử Amazon và công ty hàng không vũ trụ Blue Origin - chào đón Sabrina gia nhập đội ngũ nghiên cứu bất cứ khi nào cô sẵn sàng.
Nhiều người không đam mê Vật lý hoặc đọc các tạp chí khoa học sẽ ít biết đến Sabrina Pasterski. Cô thuộc thế hệ người Mỹ gốc Cuba đầu tiên. Sabrina sinh ra và lớn lên tại một vùng ngoại ô thành phố Chicago.
Nhà khoa học trẻ không có tài khoản Facebook, LinkedIn hay Instagram, thậm chí không dùng điện thoại cảm ứng.
Tuy nhiên, cô thường xuyên cập nhật các thành tựu của bản thân trên trang web PhysicsGirl, bao gồm kỹ năng "phát hiện nét tao nhã trong đống hỗn độn".
Sabrina tự lái chiếc máy bay do cô chế tạo năm 14 tuổi. Ảnh: Nextshark.
Sabrina Pasterski nổi bật trong thế hệ nhà Vật lý trẻ ở Mỹ. Danh tiếng của cô lan truyền rộng rãi giữa các sinh viên, giáo sư, chuyên gia trong ngành. Nữ thiên tài cũng nhận hàng trăm nghìn USD do Quỹ Hertz, Smith và Quỹ Khoa học Quốc gia tài trợ.
Sabrina cho biết, cô luôn sẵn sàng với những thách thức mới. "Tôi thường xuyên nỗ lực nhằm mở rộng giới hạn của bản thân. Điều đó dẫn tôi đến với Vật lý" - cô nói.
Mặc dù có bản lý lịch ấn tượng, trong lần ứng tuyển đầu tiên, Sabrina vẫn phải nằm trong danh sách chờ của MIT. Giáo sư Allen Haggerty và Earll Murman rất kinh ngạc. Thông qua Udden, họ được xem đoạn video ghi lại quá trình Sabrina chế tạo máy bay.
"Chúng tôi đã há hốc mồm khi xem clip. Tài năng của cô bé vượt ra ngoài mọi bảng xếp hạng" - Haggerty nói.
Nhờ vậy, hai vị giáo sư bị thuyết phục và quyết định nhận nữ sinh tài năng này. Cuối cùng, Sabrina tốt nghiệp MIT với số điểm trung bình tối đa - 5.00.
Cô là con duy nhất trong gia đình, có vài người bạn thân và chưa từng có bạn trai, uống đồ uống có cồn hay hút thuốc lá. "Tôi muốn bản thân luôn tỉnh táo, hiểu rõ những gì mình nên hay không nên làm" - cô nói.
Các nhà cố vấn tin Sabrina Pasterski sẽ nổi danh trong giới Vật lý. Hiện tại, cô có nền tảng tốt.
Lời hứa của Bezos là sự đảm bảo chắc chắn. Trong khi đó, phần lớn sinh viên ngành khoa học tại Mỹ vẫn phải đối mặt với tương lai ảm đạm sau khi tốt nghiệp.
Theo khảo sát cộng đồng mới nhất của Cục Điều tra Dân số Mỹ, chỉ khoảng 26% tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngành khoa học tìm được công việc đúng chuyên ngành. Gần 30% tiến sĩ Vật lý và Hóa học thất nghiệp.
"Vật lý rất thú vị. Nó không giống như những công việc văn phòng thông thường. Khi mệt mỏi, bạn có thể nghỉ ngơi. Nhưng khi không ngủ, bạn dồn hết tâm trí để nghiên cứu nó" - Sabrina chia sẻ.
Theo Zing
Tìm hiểu nơi giáo sư Ngô Bảo Châu giảng dạy Khoa Toán thuộc Đại học Chicago, Mỹ - nơi giáo sư Ngô Bảo Châu giảng dạy - là cái nôi đào tạo tiến sĩ Toán học tại nước này. Đại học Chicago là trường tư thục danh tiếng tại bang Illinois, Mỹ. Nhiều năm liền, trường nằm trong danh sách đại học hàng đầu thế giới. Trong bảng xếp hạng năm 2015 của...