Phó Chủ tịch TPHCM nói về vướng mắc việc y tế tư nhân tham gia chống dịch
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố cần sự chung sức từ các nguồn lực xã hội, nhưng vấn đề đặt lên hàng đầu là bảo vệ quyền lợi người dân.
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 16/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, việc hệ thống y tế tư nhân cùng tham gia phòng, chống Covid-19 sẽ giúp áp lực lên hệ thống y tế công lập được giảm tải. Tuy nhiên, trong thực tế, việc huy động nguồn lực này tham gia công cuộc phòng, chống dịch còn những vướng mắc nhất định.
“Chúng ta cần làm cả 2 chiều là huy động, tạo sự chung sức từ nguồn lực xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân. Trong đó, bảo vệ quyền lợi người dân là quan trọng nhất”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại họp báo.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin thêm, đến thời điểm hiện tại, nguyên tắc trong điều trị Covid-19 là người dân được bảo hiểm chi trả. Thành phố có thể nghiên cứu theo hướng người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn, với mức độ nâng cao hơn cần trả thêm phí chênh lệnh so với những điều kiện cơ bản.
Với phương án này, thành phố sẽ tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng, chống Covid-19. Về mặt còn lại, những nguyên tắc cơ bản trong điều trị vẫn tuân thủ đúng quy định Nhà nước.
Tại buổi họp báo diễn ra sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, những hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn đã và đang đóng góp tích cực trong những phần việc cụ thể liên quan đến phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, trong thực tế, việc cơ sở y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch vẫn còn những vướng mắc nhất định.
Ông Dương Anh Đức cho biết, y tế là một ngành cần kỹ càng trong chuyên môn và phải tuân thủ những quy định về giá cả để bảo vệ quyền lợi người dân. Trong trường hợp đưa ra những gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe không hợp lý, hoặc các đơn vị không đảm bảo năng lực điều trị, quyền lợi của người dân sẽ chịu ảnh hưởng.
Video đang HOT
“Thành phố rất hoan nghênh nếu các cơ sở y tế tư nhân đưa ra các gói chăm sóc sức khỏe, nhưng cần tuân thủ quy định của ngành y và pháp luật. Mọi thông tin đến người dân cần được công khai, minh bạch, rõ ràng”, ông Dương Anh Đức nhìn nhận.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu thời gian tới, Sở Y tế cần quan tâm đến vấn đề này và có hướng dẫn cụ thể để thành phố huy động tốt nhất các nguồn lực y tế tư nhân và công lập trên địa bàn.
Phó Chủ tịch TPHCM: Sau 15/8 số F0 vẫn rất lớn, dự báo 3.000 ca mỗi ngày
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã có dấu hiệu đi ngang, có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, xu hướng giảm này chưa bền vững, số ca tử vong do Covid-19 vẫn ở mức cao.
Sáng 13/8, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Buổi họp diễn ra trong bối cảnh thành phố đã có một số điểm sáng về tình hình dịch Covid-19, số ca mắc mới mỗi ngày có chiều hướng giảm nhưng vẫn có diễn biến phức tạp.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, thời gian qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn đã có dấu hiệu đi ngang, có xu hướng giảm. Tuy nhiên, xu hướng giảm này chưa bền vững, số ca tử vong do Covid-19 vẫn ở mức cao.
Số ca tử vong vẫn ở mức cao
"Thời gian qua, số ca tử vong tại thành phố ở mức rất cao, nhìn chung, tình hình phức tạp có thể kéo dài. Thành phố cần tập trung những biện pháp thật sự mạnh mẽ để kéo giảm số ca F0 có nguy cơ trở nặng", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh đây là điều rất quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, trong 7 ngày qua, thành phố ghi nhận trung bình 3.678 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày. Số ca nhiễm được phát hiện chủ yếu trong khu phong tỏa.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại buổi họp báo.
Lãnh đạo thành phố cho biết, biện pháp giãn cách xã hội vẫn là điều quan trọng nhất trong thời gian tới, đặc biệt đối với những khu vực cách ly, phong tỏa. Để kéo giảm được số ca mắc mới trong khu phong tỏa, thành phố cần thực hiện nghiêm việc cách ly giữa nhà với nhà.
"Nếu trong khu cách ly, phong tỏa có một gia đình có F0, chúng ta cần thực hiện quyết liệt việc nhà cách ly với nhà. Các gia đình có F0 cần thực hiện đầy đủ các biện pháp để hạn chế việc phát sinh tiếp các F0 khác trong gia đình", Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.
Các khu phong tỏa cần thực hiện việc xét nghiệm một cách khoa học, sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Nếu làm tốt vấn đề này, số lượng F0 trong khu phong tỏa sẽ được giảm mạnh thời gian tới.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM tiếp tục lưu ý việc toàn địa bàn cần triển khai, phát huy tốt mô hình tự quản vùng xanh. Trong đó, mỗi người dân là một chiến sĩ để vùng xanh có thể mở rộng ra trên phạm vi toàn địa bàn.
Dự kiến sau 15/8, số lượng F0 vẫn ở mức 3.000 ca mỗi ngày
"Dự kiến sau ngày 15/8, số lượng F0 trên địa bàn vẫn rất lớn, ở mức 3.000 ca mỗi ngày. Nếu không quyết liệt, mạnh mẽ chống dịch, chúng ta sẽ khó giữ vững thành quả đạt được, thậm chí xấu đi nếu không đồng lòng thực hiện các biện pháp", Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận.
Ông Dương Anh Đức cho biết, TPHCM sắp kết thúc đợt thứ 2 áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng với các biện pháp tăng cường, lãnh đạo thành phố đã tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình để chuẩn bị cho giai đoạn tới.
Đối với mục tiêu kiểm soát được dịch trước ngày 15/9 mà Nghị quyết 86 của Chính phủ đề ra, TPHCM sẽ xây dựng những kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch trong giai đoạn tới. Trong đó, kế hoạch của thành phố sẽ chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là từ 15/8 đến cuối tháng 8, giai đoạn 2 là từ cuối tháng 8 đến hết 15/9.
TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch nhằm đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước 15/9.
Trong đó, giải pháp tiêm vắc xin Covid-19 bao phủ cho người dân vẫn là trọng tâm trong chiến lược phòng, chống dịch của địa bàn thời gian tới. Bên cạnh đó, các tầng điều trị sẽ được sắp xếp, bố trí khoa học.
"Thành phố đã nâng cấp năng lực các bệnh viện tầng 2, tầng 3 trong tháp điều trị 5 tầng. Ngành y cũng huy động nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng nhằm giảm bớt áp lực cho các tầng trên cùng", ông Dương Anh Đức chia sẻ.
Trong công tác điều trị, thành phố sẽ củng cố khả năng cung cấp oxy cho các trường hợp nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức tư vấn sức khỏe cho các F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà cũng được tăng cường.
Sau khi chuyển chiến lược sang tập trung điều trị, giảm số ca F0 nặng và hạn chế số trường hợp tử vong, diễn biến dịch Covid-19 tại thành phố đã có những điểm sáng ban đầu. Số ca mắc mới những ngày gần đây đã có xu hướng giảm so với hồi cuối tháng 7.
Bên cạnh đó, số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện cũng gia tăng đáng kể. Tổng số trường hợp mắc Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện từ đầu năm đến nay là gần 60.000 người.
TPHCM ngày 11/8: Thành phố chính thức kiến nghị tiêm vắc xin có thu phí Ngày 11/8, Việt Nam ghi nhận 8.766 ca nhiễm mới, trong đó TPHCM có 3.416 trường hợp. Bí thư TPHCM: Chúng ta không đơn độc, phải tiếp tục chiến đấu để phòng dịch Sau hơn 2 tháng dồn sức, nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, TPHCM đã làm được nhiều việc, tạo nên những chuyển biến quan trọng....