Phó Chủ tịch nước đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Ngày 31/7, bà Nguyễn Thị Doan đã đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 – 96%.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, tốn kém.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại hội nghị ngày 31/7.
Đề nghị này được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu lên tại hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội.
Lý do của đề nghị này, theo Phó Chủ tịch nước, là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 – 96%. “Chỉ duy nhất 1 năm khi thực hiện cuộc vận động “2 không” là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 – 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu “thắt” thì phải thắt khâu quản lý, “thắt” quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này” – Phó Chủ tịch nước.
Một lý do nữa cũng được nêu ra, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng cho thí sinh cũng như tốn kém tiền của xã hội. “Hai kỳ thi quá gần nhau vừa khổ cho gia đình vừa khổ cho nhà trường” – Phó Chủ tịch nước nhìn nhận.
Video đang HOT
PGS Văn Như Cương: Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay.
Quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục. PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội – cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và giao về cho các sở. “Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay: thi cùng ngày, cùng đề, cùng biểu điểm” – PGS Văn Như Cương đặt vấn đề.
Theo PGS Văn Như Cương, thi cử lạc hậu là điều khiến học sinh, phụ huynh khổ sở vì không đánh giá được thực chất. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng học lệch học tủ, học thêm. “Không thể chấp nhận học ròng rã 12 năm trời lại chỉ được đánh giá bằng bài thi 3 tiếng, nên giảm tải kỳ thi” – PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Theo NLD
Hai thủ khoa trong hẻm sâu, đường làng
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cả hai gương mặt thủ khoa của ĐH Đà Nẵng năm nay đều là tấm gương đáng quý.
Một thủ khoa vốn là học sinh của ngôi trường vùng ven thuộc dạng khó khăn bậc nhất Đà Nẵng. Còn thủ khoa kia lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh sống rất chật vật.
Con trai của người tạp vụ
Trần Nhật Hoàng - thủ khoa khối A trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Đỗ thủ khoa trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) năm nay là cậu học trò Trần Nhật Hoàng (lớp 12A2 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng). Ngôi nhà của Hoàng trong hẻm sâu mấy hôm nay đông người đến chia vui với cậu học trò nghèo học giỏi. Cha Hoàng là công nhân lao động phổ thông, mẹ làm tạp vụ ở một trường gần nhà. Mỗi tháng thu nhập của cả gia đình chưa tới 5 triệu đồng nên chi tiêu rất chắt bóp. Hiểu được hoàn cảnh gia đình nên nhiều năm qua Hoàng luôn phấn đấu để trở thành niềm tự hào của cha mẹ.
Hằng ngày, ngoài giờ đến lớp Hoàng làm mọi công việc trong nhà như một người phụ nữ đảm đang. Mỗi tháng được nhà trường phụ cấp 260.000 đồng, Hoàng để dành tiền đi xe buýt, còn lại Hoàng tự đạp xe đi học để tiết kiệm. Chị Nguyễn Thị Tuyết - mẹ Hoàng, cho biết chưa bao giờ anh chị phải phiền lòng vì con trai. "Nó tiết kiệm lắm, tôi thấy dép cũ bảo dẫn đi mua nhưng Hoàng không chịu. Ba năm nay mang mãi một đôi dép, còn tiền để dành dụm mua sách đọc" - chị Tuyết kể.
Đam mê trở thành kỹ sư công nghệ thông tin đến với Hoàng khi xem một chương trình truyền hình. Ngặt nỗi nhà không có tiền mua máy tính nên vào mỗi giờ học vi tính ở trường Hoàng thường đến rất sớm và về rất trễ. Thương Hoàng hiếu học, một người bà con đã tặng lại một máy tính cũ để Hoàng thực hành. Trong đợt tuyển sinh vừa rồi Hoàng thi vào ngành công nghệ thông tin và đỗ thủ khoa với 27 điểm (toán 9,25; lý 8; hóa 9,5).
Hoàng cũng đăng ký dự thi khối B vào ĐH Y dược (ĐH Huế) nhưng phần vì sợ cha mẹ tốn tiền, phần thấy khối A thi tốt nên Hoàng không tới dự thi. Trong những ngày chờ giấy báo dự thi, Hoàng ráo riết đến các trung tâm gia sư tìm mối dạy thêm kiếm tiền mua sách vở vào ghế giảng đường.
Thủ khoa trường làng
Thủ khoa khối A Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng Lê Khánh Vi luôn được người cha và cũng là người thầy đồng hành trên con đường học tập.
Hai hôm nay, tin nữ sinh Lê Khánh Vi đỗ thủ khoa trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) khiến cả xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng xôn xao, bởi đã từ rất lâu ngôi trường nằm cách xa trung tâm TP mới lại có một thủ khoa với số điểm 26,5. Thầy Võ Trinh, hiệu trưởng trường THPT Ông Ích Khiêm, xúc động nói: "Trường vốn ở vùng ven, thuộc dạng khó khăn bậc nhất của TP, điểm đầu vào thấp lại có thủ khoa. Niềm vui này sẽ khích lệ nhiều học sinh khác không ngừng cố gắng vươn lên".
Có ba là giáo viên dạy toán cấp III, từ nhỏ Vi đã có niềm say mê học toán. Liên tục nhiều năm liền Vi đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp TP. "Em được học toán với ba, nhiều lần ngồi nghe ba giảng bài cho các học sinh khác nên em mê toán hơn tất cả các môn khác" - Vi kể về sở thích học toán.
Chia sẻ bí quyết học giỏi, Vi cho biết ngoài giờ lên lớp em tự học là chính. "Việc học của em cũng giống như việc ăn, cứ tới giờ em lại tập trung vào học, còn khi vui chơi cũng hết mình. Em ngủ rất sớm và dậy sớm chứ không gò bó mình phải thức khuya học bài, phải làm hết khối lượng bài tập này nọ" - Vi thật thà. Ngoài ra, Vi còn tập trung vào việc giải các loại đề, kể cả các đề không nằm trong chương trình thi, để có kinh nghiệm gỡ rối khi gặp đề lạ. Vi cho biết không bất ngờ với điểm thi nhưng lại thấy bất ngờ khi mình là thủ khoa.
Theo Tuoitre
Việt Nam giành huy chương Vàng Olympic Hóa học Bộ GD-ĐT cho biết, đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế năm 2013 đã xuất sắc giành một Huy chương vàng và ba Huy chương bạc. Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế năm 2013 (IChO2013) tại Liên bang Nga trong thời gian từ 15-24/7 gồm 4 học sinh...