Phim về nhân vật lịch sử: Làm sao để vừa hay vừa đúng?
Trên thế giới, phim về nhân vật lịch sử, người nổi tiếng đã và đang là đề tài ăn khách được các hãng phim khai thác triệt để. Còn ở Việt Nam, dường như giới nghề vẫn còn e ngại nên mảnh đất rộng lớn và màu mỡ ấy vẫn rất ít người dám “canh tác”.
“Trạng Quỳnh” thành công khi xây dựng bối cảnh và nhân vật đều hợp lý, hấp dẫn
Từ chi phí đầu tư cao, bối cảnh, tạo hình nhân vật, trang phục, lời thoại, thiết kế mỹ thuật, kỹ xảo, hậu kỳ… tất cả đã tạo nên “bài toán” khó cho phim nhân vật lịch sử. Thêm vào đó, một số bộ phim đi trước không đạt được thành công như mong muốn cũng khiến các nhà sản xuất đặt dấu hỏi lớn về “khẩu vị” của khán giả hiện nay.
Vừa làm vừa… run
Làm phim về các nhân vật có thật trong lịch sử không phải là chuyện “ngày một ngày hai”, có lẽ vì vậy mà nhiều nhà sản xuất vẫn chưa dám “dấn thân”, dù cho đây là một đề tài có sức hút lớn. Hầu hết các bộ phim cổ trang nói chung và phim về nhân vật lịch sử nói riêng đều cần kinh phí rất cao để dàn dựng bối cảnh, trang phục sao cho phải vừa đẹp vừa đúng. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã từng nói: “Để làm một bộ phim cổ trang cho ra chất, không thể đầu tư dưới 1 triệu USD – tức hơn 23 tỉ đồng, dù toàn bộ ê kíp chúng tôi đã hết sức “liệu cơm gắp mắm”! Đã thế, phim cổ trang còn có nhiều rủi ro hơn các phim hiện đại khác vì phim chiếu ra hay bị “soi”, từ trang phục, bối cảnh, lời thoại…”.
Để thổi “hồn” cho bộ phim, diễn viên chính là một yếu tố quan trọng và quyết định. Đã có phim “vấp” phải nhiều ý kiến trái chiều, khi khán giả luôn mang diễn viên ra so sánh với nguyên mẫu. Như phim Phượng Khấu vừa công chiếu mới đây, nếu như phần phục trang được khen ngợi hết lời thì ngược lại diễn xuất bị chê “tơi tả”. Khán giả đã phản ứng dữ dội vì cho rằng NSƯT Thành Lộc không phù hợp nhân vật vua Thiệu Trị khi thiếu thần thái, hay tính cách của Hồng Đào khi thủ vai Thái hậu Từ Dụ không hề phù hợp… Ngoài ra, khoảng cách lịch sử đã khiến cho việc phục dựng bối cảnh của nhiều phim khó khăn, thành ra bị chê là giả khi sử dụng quá nhiều kỹ xảo, không chân thật, gây khó chịu cho người xem…
Dù vậy, các nhà làm phim Việt vẫn cố gắng, nỗ lực “vượt khó” để cho ra mắt các bộ phim nhân vật lịch sử mới. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết, khi làm Trạng Quỳnh, ngoài việc chú trọng xây dựng nhân vật chính thì anh và ê kíp đã tập trung đầu tư cho bối cảnh cổ trang mới lạ của phim. “Người xem hầu hết đều biết về nhân vật này nhưng phim có những tuyến nhân vật mới, những yếu tố mới khiến khán giả hứng thú hơn khi ra rạp. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng mô phỏng lại những yếu tố mang tính lịch sử như ngày đi thi trạng nguyên hay tái hiện lại bầu không gian phong kiến…”, anh chia sẻ.
Nỗ lực, cố gắng vượt khó là thế nhưng số bộ phim thành công với dòng phim này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khát vọng “ra khơi”
Thời gian gần đây nhiều dự án phim về nhân vật lịch sử đã được công bố, sự “liều mình” của các nhà làm phim được cho là tia sáng đầy hy vọng cho một dòng phim “khó nhằn”. Bởi lẽ, theo đuổi hành trình này là những cái tên đã từng làm “nên chuyện” cho nền điện ảnh Việt, những con người đầy nhiệt huyết và sự đam mê.
Khi một loạt dự án về phim nhân vật lịch sử, nổi tiếng được công bố, không ít người khấp khởi hy vọng phải chăng đã đến lúc Việt Nam có những tác phẩm cổ trang xuất sắc, xứng tầm như các nước bạn? Có thể kể đến: Em và Trịnh kể về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Nguyễn Quang Dũng dàn dựng; Trưng Vương kể về lịch sử oai hùng của Hai Bà Trưng do Trương Ngọc Ánh và Janet Ngô đầu tư sản xuất; Quỳnh Hoa nhất dạ kể về nhân vật Thái hậu Dương Văn Nga do Thanh Hằng sản xuất và làm diễn viên chính; Lê Nhật Lan kể về Công chúa An Tư, con gái út của vua Trần Thái Tông do Ngô Thanh Vân đầu tư sản xuất…
Cùng với những hy vọng thì tranh cãi bao giờ cũng xuất hiện khi những dự án được công bố. Tuy nhiên, các đạo diễn cho rằng không vì thế mà họ từ bỏ hay không mạnh dạn bắt tay thử sức với thể loại này. Họ mong muốn sẽ góp phần tạo nên một dòng phim về nhân vật có thật trong lịch sử lớn mạnh hơn để các thế hệ đạo diễn trẻ sau đó sẽ làm tốt, hoàn thành các dự án ngày một chỉn chu hơn.
Với dự án Em và Trịnh, nhiều khán giả cho rằng Avin Lu, diễn viên chính đảm nhận vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ có phảng phất nét lãng mạn nhưng gương mặt không giống cố nhạc sĩ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết anh đã đặt nhiều thử thách vào nhân vật lần này: “Để hiểu được thế giới nội tâm của Trịnh Công Sơn, Avin Lu phải chuyển lên Đà Lạt sống một mình 2 tháng trời. Chàng trai trẻ phải học cách sống chậm lại, trải nghiệm cảm giác cô đơn, chuyên tâm nghiên cứu vai diễn, tập đàn, tập hát, viết nhạc, tập nói giọng Huế, tập viết thư và ký cho bằng được chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…”. Và anh hy vọng khán giả sẽ thấy một Avin Lu khác trên phim chứ không phải những tranh cãi ban đầu về ngoại hình.
Không chỉ mang tính giải trí, phim về nhân vật lịch sử còn mang tính chất giáo dục, đặc biệt mang sử Việt Nam đến với mọi người một cách thiết thực. Nhà sản xuất phim Janet Ngô, người đã bỏ thời gian dài tới 4 năm chỉ để chuẩn bị cho ngày bấm máy bộ phim Trưng Vương cho biết: “Tôi làm phim vì nhiều lý do, trong đó mong muốn mang văn hóa lịch sử Việt Nam ra thế giới để nhiều người biết về sử Việt Nam rất oai hùng”.
Sự thật là dòng phim về nhân vật lịch sử của chúng ta đang rất yếu, trong khi đó kho tàng lịch sử đất nước lại vô cùng đồ sộ và hấp dẫn, đường rộng nhưng cũng lắm “chông gai”, nếu ta cứ né tránh mãi thì chẳng bao giờ đủ bản lĩnh để vượt lên. Hy vọng rằng, những dự án trong thời gian tới sẽ đưa dòng phim “khó nhằn” này bước sang một trang mới đầy tươi sáng.
5 phim cổ trang Việt có trang phục đẹp mắt: 'Mỹ nhân kế' gây tranh cãi vì quá hở hang nhưng bao năm nhìn lại vẫn là đỉnh cao!
Bên cạnh nội dung và diễn xuất của dàn diễn viên, những bộ trang phục có thiết kế cầu kỳ, đẹp mắt chính là một yếu tố giúp các tác phẩm cổ trang Việt Nam ghi điểm trong lòng khán giả.
Tuy còn thua kém phim hiện đại nhưng dòng phim cổ trang Việt Nam vẫn gây ấn tượng với khán giả bằng những dự án được đầu tư chỉnh chu về trang phục lẫn nội dung. Từ đó giúp khán giả Việt có cái nhìn khác về nền điện ảnh và lịch sử nước nhà. Dưới đây là những tác phẩm cổ trang có trang phục đẹp nhất, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả Việt.
1. Thiên mệnh anh hùng
Thiên mệnh anh hùng là một trong những bộ phim thuộc đề tài dã sử tạo được nhiều tiếng vang nhất điện ảnh Việt Nam. Phim được đầu tư tỉ mỉ về bối cảnh, võ thuật cũng như trang phục của các nhân vật. Nhiều khán giả nhận xét đây là bộ phim cổ trang Việt Nam khiến khán giả đã mắt.
Trong phim, mỗi diễn viên đều có tạo hình phù hợp với nhân vật. Midu đảm nhận vai Hoa Xuân - nữ kiếm thủ tài giỏi và xinh đẹp. Trang phục cô mặc trong phim là áo yếm - đây là trang phục tứ thân cổ truyền vừa giản dị vừa toát lên được nét đoan trang, nền nã của thiếu nữ thời xưa.
Midu hiện lên vẻ đoan trang, nền nã của phụ nữ thời xưa.
Còn Vân Trang đảm nhận nhân vật Tuyên Từ Thái hậu, cô khoác lên mình những bộ trang phục với tông màu vàng lộng lẫy, quyền uy. Tuy nhiên, vào thời điểm phim được ra mắt, trang phục của nhân vật này bị chỉ trích giống với trang phục của các Hoàng hậu Trung Hoa.
Trang phục hoàng hậu của Vân Trang uy quyền, lông lẫy.
2. Mỹ nhân kế
Phải nói rằng Mỹ nhân kế chính là bộ phim sở hữu nhiều gương mặt nhan sắc đình đám nhất showbiz Việt. Phim do Thanh Hằng và Tăng Thanh Hà đảm nhận vai nữ chính.
Dàn diễn viên của Mỹ nhân kế.
Lấy bối cảnh tửu điếm với các kỹ nữ nên tạo hình trong Mỹ nhân kế cũng vô cùng gợi cảm. Giống với Thiên mệnh anh hùng, phim lấy áo yếm làm trang phục chủ đạo cho các nhân vật. Tạo hình của ngọc nữ Tăng Thanh Hà là áo yếm, váy đụp truyền thống nhưng được cách tân hiện đại. Còn về Thanh Hằng, cô diện lên mình những bộ cánh mạnh mẽ với thiết kế áo yếm khoét sâu, váy xẻ tà khoe trọn thân hình quyến rũ.
Tăng Thanh Hà khoác lên những bộ trang phục màu trắng nhã nhặn.
Đối lập Thanh Hằng diện màu nóng rực rỡ, thể hiện cá tính mạnh mẽ.
3. Tấm Cám: Chuyện chưa kể
Tấm Cám: Chuyện chưa kể là bộ phim có cốt truyện, nhân vật từ truyện cổ tích dân gian. Phim lấy bối cảnh nước Đại Việt nên về trang phục của các nhân vật đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sao phù hợp với triều đại lúc bấy giờ và không bị gán mác giống Trung Hoa.
Bộ triều phục của nhân vật Thái tử (Isaac) khi lên ngôi vị hoàng đế được đánh giá cao. Hoàng bào có họa tiết, màu sắc và hoa văn rồng vàng ở trước ngực và hai vai. Mũ đội đầu cũng được chế tác tỉ mỉ dựa trên hiện vật mũ Xung Thiên triều Nguyễn. Điều này có thể thấy sự chỉnh chu của đoàn làm phim khi tham khảo rất kỹ triều phục của hoàng đế triều Lê và triểu Nguyễn.
Ngoài ra, các nhân vật khác trong phim của Ngô Thanh Vân, Hạ Vi, Ninh Dương Lan Ngọc đều khoác áo đối khâm bên ngoài, bên trong chủ yếu là áo tứ thân. Mấn đội đầu nhiều chi tiết trang trí tinh xảo.
4. Phượng Khấu
Phượng Khấu được xem là bộ phim cổ trang cung đấu đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù phim gặp không ít ý kiến trái chiều về diễn xuất, kỹ xảo nhưng không thể phủ nhận trang phục của phim khiến khán giả không thể rời mắt. Trang phục của các nhân vật trong phim sử dụng cổ phục chuẩn xác nhất triều đại họ Nguyễn ngày xưa.
Trang phục hoàng bào của Hoàng đế Thiệu Trị (NSƯT Thành Lộc) được nhận mưa lời khen từ khán giả. Ngoài ra, trang phục các phi tần trong Phượng Khấu sử dụng chủ yếu là dạng áo ngũ thân, áo tất với kiểu dáng và hoa văn tương đối chuẩn xác của triều Nguyễn. Được biết, tổng kinh phí đầu tư cho phần trang phục của phim lên đến 5 tỷ đồng.
Hoàng đế Thiệu Trị
Trang phục của các phi tần khác
5. Quỳnh Hoa nhất dạ
Tuy chưa lên sóng nhưng Quỳnh Hoa nhất dạ do Thanh Hằng đóng vai chính và là nhà sản xuất nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Những hình ảnh đầu tiên về trang phục khi được công bố khiến khán giả Việt trầm trồ khen ngợi về sự hoành tráng và kỳ công của đoàn làm phim. Trong số đó, chiếc áo giao lĩnh màu trắng viền hồng được nhiều người yêu thích hơn cả.
Thế nhưng, dự án này cũng gặp nhiều tranh cãi khi những trang phục trong phim có hơi hướng giống với Mãn Thanh (Trung Quốc). Nhà thiết kế phục trang của Quỳnh Hoa nhất dạ cũng đã lên tiếng và tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người.
Quỳnh Hoa nhất dạ dự kiến khởi quay và công chiếu vào năm 2021.
Quá trình làm trang phục của Quỳnh Hoa nhất dạ
Đạo diễn nói gì khi Avin Lu bị chê không hợp đóng vai Trịnh Công Sơn? Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết Avin Lu là "viên ngọc còn ẩn trong đá". Anh tin tưởng nam diễn viên sẽ tái hiện thành công hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tối 10/11, ê-kíp sản xuất bộ phim Em và Trịnh công bố diễn viên Avin Lu sẽ đảm nhận vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đoàn phim...