Phim ‘Ròm’ thu hơn 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu
Trong ngày 25/9, bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy đạt con số doanh thu khả quan tại phòng vé khi chính thức ra mắt khán giả Việt Nam.
Theo nhà phát hành, Ròm bán được hơn 100.000 vé và cán mốc doanh thu 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu 25/9. Đây là bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy kể về cuộc đời nhân vật “cò đề” tên Ròm ( Trần Anh Khoa) tại một khu chung cư sắp bị giải tỏa.
Doanh thu trong ngày 25/9 của Ròm hoàn toàn vượt trội so với các tác phẩm khác. Bộ phim nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các cụm rạp chiếu phim với số lượng suất chiếu đông đảo giữa bối cảnh không có phim bom tấn nước ngoài ra mắt cùng thời điểm.
Phim Ròm thu hơn 10 tỷ đồng trong ngày khởi chiếu 25/9. Ảnh: CJ.
Anh Nguyễn Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD – nhận định: “Đây là tín hiệu đáng mừng dành cho phim độc lập nói riêng và thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung. Khán giả rõ ràng vẫn có nhu cầu ra rạp xem phim, và nhà rạp cần những bộ phim có thể gây nhiều sự tò mò cho công chúng”.
“Thông thường, thời điểm tháng 9, tháng 10 hàng năm bị coi là mùa thấp điểm đối với phim chiếu rạp. Khi khán giả Việt còn chưa thực sự lấy lại thói quen ra rạp, thành tích của Ròm là rất đáng khích lệ”, anh nói thêm.
Ròm là tác phẩm lận đận của điện ảnh Việt. Được phát triển từ phim ngắn 16:30 (2012), bộ phim sau đó giành giải New Currents tại Liên hoan phim Busan 2019. Song, do tham dự sự kiện khi chưa được cấp phép trình chiếu tại quê hương, đoàn phim bị phạt 40 triệu đồng.
Sau khi chỉnh sửa một số tình tiết theo yêu cầu của Cục Điện ảnh, Ròm được phép ra mắt khán giả và đặt lịch khởi chiếu từ 31/7. Song, làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 khiến kế hoạch đổ bể và phim bị hoãn chiếu tới 25/9.
Trên mạng xã hội, Ròm hiện nhận nhiều lời khen chê trái ngược. Sau buổi công chiếu hôm 23/9, phim được nhiều người nổi tiếng và báo chí ủng hộ nhờ câu chuyện gai góc và kỹ thuật làm phim chất lượng. Đa số cho rằng hành trình 8 năm của Ròm đã có cái kết viên mãn.
Tuy nhiên, một bộ phận khán giả hiện tỏ ra không hài lòng với nội dung bộ phim, đặc biệt là trước cái kết bị cho là còn chơi vơi.
Trailer Ròm
Trước doanh thu ngày khởi chiếu hơn 10 tỷ đồng của Ròm, một số người trong giới nhận định với Zing bộ phim hoàn toàn có khả năng cán mốc 20 tỷ đồng sau ba ngày đầu trình chiếu. Trước đó, tác phẩm được cho đã tiêu tốn hơn 11,5 tỷ đồng để thực hiện.
'Ròm': Phim hiện thực xã hội lưng chừng cảm xúc
Là một tác phẩm ý nghĩa và đậm tính nghệ thuật, liệu "Ròm" có thực sự xuất sắc như nhiều người mong đợi?
Ròm là bộ phim điện ảnh khá đặc biệt khi chiến thắng hạng mục New Currents tại LHP Busan 2019 nhưng lại không được cấp phép chiếu tại quê nhà. Sau một loạt chỉnh sửa, phim cuối cùng mới được ra rạp và trở thành niềm hy vọng giải cứu phòng vé dịp hậu Covid.
Trailer phim
Nhân vật chính của Ròm là cậu nhóc bán giấy dò cùng tên do Trần Anh Khoa thủ vai. Tuy nhiên, công việc chính của Ròm lại là ghi đề và cho người dân ở khu chung cư nghèo một con số để "đổi đời". Từ việc được cả xóm tin tưởng vì may mắn giúp một người trúng đề, cậu dần "mất thiêng" và bị mọi người xua đuổi.
Không những thế, Ròm bọn bị một đứa nhóc khác là Phúc (Nguyễn Phan Anh Tú) cạnh tranh địa bàn. Cuộc đời của cậu bé cứ thế gắn liền với những lần chạy thục mạng và khao khát tìm được gia đình.
Khi nghèo và lô đề trở thành một vòng lẩn quẩn không hồi kết
Đề là một cách chơi cờ bạc tự phát khi người chơi sẽ "mua" hai con số rồi đưa cho người ghi, những người này lại chuyển lại cho nhà cái. Con số trúng được tính theo hai số đuôi của giải đặc biệt xổ số mỗi ngày vào lúc bốn giờ rưỡi chiều.
Kết nối cả một bộ máy đồ sồ này chính là những đứa bé bán giấy dò như Ròm. Chúng phải liên tục dụ dỗ thêm nhiều người chơi bằng những con số do mình "được báo mộng" để rồi chiều nào cũng phải vắt chân lên cổ chạy chỉ để đổi lấy vài chục nghìn ít ỏi.
Phải dành một lời khen cho Trần Thanh Huy khi đã khéo léo chọn bối cảnh phim là những con phố nghèo nàn, những xóm lao động chật chội, dòng kênh nước đen đầy rác hay những căn nhà xập xệ chỉ vài miếng tôn.
Những thứ ấy mang đến cảm giác rõ rệt rằng du có chạy nhanh đến đâu và bao xa đi chăng nữa, Ròm vẫn không thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Khu chung cư chính của phim được chắp vá bởi những căn phòng tồi tàn, sát nhau tới mức ngột ngạt, cửa có cũng như không.
Các dãy nhà được thông với nhau trên không bằng những tấm ván gỗ để đám trẻ con dễ dàng leo trèo, di chuyển để phát giấy dò mỗi ngày. Nhiêu đó thôi cũng đủ thấy họ nghiện số đề với ước mơ đổi đời ra sao.
Tất cả đều cầm cố nhà cửa, thậm chí vay mượn xã hội đen với tâm niệm chỉ cần trúng sẽ gỡ được tất cả. Họ mê man tới mức lố bịch, tin vào mọi hình ảnh "bất thường" để quy ra được con số tương ứng. Nhưng rồi lô đề và cái nghèo cứ như một vòng tròn lẩn quẩn chẳng thể thoát ra.
Ở Ròm, khán giả cảm nhận rõ rệt gánh nặng của việc thiếu tiền. Nghèo tất nảy sinh lừa lọc và bạo lực. Tay đại ca giang hồ do Wowy thủ vai thì có đủ mọi chiêu trò để biến một người trở thành con nợ. Những đứa trẻ đánh nhau tới sứt đầu mẻ trán, suýt nữa là mất mạng chỉ nhằm tranh nhau ghi một con số đề. Một ổ bánh mì, một chai nước rẻ mạc đối với chúng lại là món quà vô giá mà không phải ngày nào cũng có.
Phim có nhiều góc quay đẹp và đậm chất điện ảnh. Nhiều khung hình mang ý nghĩa riêng về mặt phối cảnh. Yếu tố hài hước và kịch tính xuất hiện vừa phải thông qua màn "tìm số" của người dân hay những pha rượt đuổi, đánh nhau triền miên của đám trẻ bán giấy dò.
Nội dung ôm đồm, rời rạc
Với phần thông điệp ấn tượng, Ròm lại sở hữu một kịch bản khá ôm đồm và rời rạc. Phim có rất nhiều tuyến nhân vật cả chính lẫn phụ nhưng điểm chung là đều xuất hiện rồi biến mất mà không có lời giải thích hay cái kết cụ thể. Đơn cử như bà Ghi (Cát Phượng) xuất hiện như ân nhân của Ròm với câu chuyện riêng cũng lắm bi kịch nhưng cũng chẳng đi đến đâu.
Các nhân vật cứ lâu lâu lại hé lộ một mảnh ký ức chắp vá nhưng chẳng ăn nhập gì nhau. Số phận của từng người đến cuối cùng vẫn không có một lời giải đáp cụ thể. Họ cứ thế đen xen vào nhau để tạo ra những câu chuyện không đầu, không cuối. Kể cả Ròm cũng chẳng tìm được lối thoát cho cuộc đời mình.
Phim đặt ra rất nhiều vấn đề và mâu thuẫn nhưng chẳng giải quyết bất cứ thứ gì. Có lẽ, đạo diễn Trần Thanh Huy muốn hàm ý rằng cái khổ của cậu nhóc sẽ cứ thế lặp đi lặp lại. Song, cách giải quyết vụng về đã vô tình khiến bộ phim trở nên lưng chừng về mặt cảm xúc.
Diễn xuất ấn tượng của Trần Anh Khoa
Có lẽ, Ròm sẽ không ấn tượng như thế nếu thiếu màn trình diễn xuất sắc của Trần Anh Khoa. Cậu bé bán giấy dò ốm tong teo với ánh mắt luôn tỏa sáng.
Nơi ở của Ròm chỉ là một cái gác xép áp mái được người dân thưởng cho vì giúp họ trúng đề. Nơi đó treo đầy những con số để cậu nhóc "tiên đoán" vận mệnh. Nó nghèo đến mức phải uống nước và tắm ở vòi phun trên đường Nguyễn Huệ.
Ấy vậy mà ở Ròm luôn toát ra năng lượng lạc quan vào cuộc sống. Khuôn miệng của nó cười thật tươi mỗi khi được người ta cho vài đồng bạc lẻ hay chút ít đồ ăn qua ngày. Vài trăm nghìn đối với cậu nhóc là cả một gia tài đồ sộ.
Nó thích vẽ dù chẳng đẹp để không quên đi nhiệm vụ tìm ba mẹ từ nhiều năm trước. Khán giả dễ dàng nhận ra đằng sau cái vẻ hung tợn tranh giành địa bàn, Ròm vẫn chỉ là một đứa trẻ thèm vòng tay cha mẹ hay có ước mơ như các bạn đồng trang lứa.
Dàn diễn viên còn lại như Cát Phượng, Mai Trần hay Nguyễn Phan Anh Tú cũng khá tròn vai. Có chăng là họ không có đủ nguyên liệu để thể hiện hết cảm xúc của nhân vật. "Lão Đại" Wowy có màn lấn sân điện ảnh ở mức vừa phải, không xuất sắc nhưng cũng chẳng tệ.
Nhìn chung, Ròm là một tác phẩm ý nghĩa và đậm tính nghệ thuật. Tuy nhiên, phim vẫn còn điểm yếu trong không kịch bản và chưa thật sự xuất sắc như nhiều người mong đợi.
Câu chuyện đẫm nước mắt đằng sau những thước phim dữ dội và chân thật của 'Ròm' Phim "Ròm" tiếp tục tung clip hậu trường về hành trình thực hiện bộ phim, kể về những phân đoạn đánh nhau chân thật và dữ dội đầy nước mắt. Phải viết hơn 17 dàn ý, 12 cuốn kịch bản, đi rất nhiều hội chợ trong suốt khoảng thời gian 2013 - 2015 để kêu gọi đầu tư, nhưng đạo diễn Trần Thanh...