Phim mới của đạo diễn bị tố ấu dâm đứng đầu phòng vé tại Pháp
Bất chấp chiến dịch kêu gọi tẩy chay, tác phẩm mới của đạo diễn Roman Polanski vẫn đứng đầu phòng vé tại quê ông.
Roman Polanski – Ảnh: Getty
Trong lịch sử, chưa từng có đạo diễn còn sống nào vấp phải nhiều phản đối như Roman Polanski. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ông bị cảnh sát Mỹ truy tố tội ấu dâm và phải bỏ trốn để tránh bị kết án nhưng mọi hành động của ông vẫn thu hút chú ý từ công chúng và giới truyền thông.
Mặc dù vậy, trong giới làm phim, Polanski luôn là một cái tên được kính trọng do sở hữu tài năng tuyệt vời. Đây cũng chính là lý do tại sao mãi đến gần đây khi phong trào #MeToo bắt đầu lan rộng, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ – đơn vị tổ chức giải Oscar – mới loại ông ra khỏi danh sách thành viên.
Theo Hollywood Reporter, phim mới nhất của Polanski là An Officer and a Spy đã có tuần mở màn ấn tượng tại thị trường nội địa. 501.000 vé đã được bán ra tại 545 rạp trên khắp nước Pháp. Đây là tuần mở màn tốt nhất của vị đạo diễn này trong 15 năm qua. Năm 2003, phim The Pianist đã đạt 1,8 triệu vé nhưng phim gần nhất là Based on a True Story (2017) chỉ bán được 110.000 vé.
Lấy bối cảnh thời Đệ tam Cộng hòa tại Pháp, An Officer and a Spy dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 2013 của nhà văn Robert Harris kể về một câu chuyện có thật. Sau khi được bổ nhiệm làm trưởng phòng tình báo của quân đội vào năm 1895, thám tử Georges Picquart phát hiện ra rằng các bằng chứng từng được sử dụng để kết tội Alfred Dreyfus – một sĩ quan bị lưu đày về tội để lộ những tài liệu bí mật của Pháp cho người Đức – là không đúng. Picquart đã mạo hiểm sự nghiệp và cuộc sống của mình, đấu tranh trong một thập kỷ để phơi bày sự thật và giải phóng Dreyfus khỏi nhà tù Đảo Quỷ đáng sợ.
Công chiếu và tranh tài tại LHP Venice 2019, An Officer and a Spy đã chiến thắng giải Grand Jury – giải quan trọng thứ nhì chỉ sau Gold Lion.
Ngày 8.11, nữ diễn viên Valentine Monnier đã tiết lộ với tờ Le Parisien rằng Polanski đã làm nhục cô vào năm 1975 tại Thụy Sĩ. Câu chuyện này sau đó đã được chứng thực bởi nhiều nguồn.
Gần như ngay lập tức, ARP (Hội diễn viên, nhà sản xuất và đạo diễn Pháp) đã đình chỉ Polanski và các nhóm hội nữ quyền cũng kêu gọi tẩy chay phim. Những lời buộc tội mới nhắm tới Polanski đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi ở Pháp – nơi mà ngành công nghiệp điện ảnh từ lâu đã cho rằng người ta nên tách đời tư của một đạo diễn ra khỏi sự nghiệp của họ.
Chính phủ Pháp chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào nhưng Bộ trưởng Bình đẳng Marlene Schiappa công khai nói rằng cô sẽ không đi xem An Officer and a Spy. Tuyên bố này được hưởng ứng bởi Sibeth Ndiaye – người phát ngôn của tổng thống Emmanuel Macron.
Bộ trưởng Văn hóa Franck Riester nói rằng những hành động trong quá khứ của Polanski nên được tính đến: “Bất kể một tác phẩm nghệ thuật có hay đến mấy cũng không thể bào chữa cho những sai lầm có thể có của tác giả. Tài năng không phải là một tình huống giảm nhẹ; thiên tài, không phải là một sự bảo đảm để tránh bị trừng phạt”.
Tuy nhiên, thủ tướng Edouard Philippe cho biết ông sẽ đi xem phim cùng các con của mình bởi nó khắc họa một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Pháp.
Theo motthegioi
Phong trào #MeToo lại rực lửa: Ảnh hậu Pháp tố đạo diễn nổi tiếng quấy rối tình dục khi mới 12 tuổi
Tuyên bố chấn động của Adèle Haenel đã khiến phong trào #MeToo ở Pháp càng thêm sôi sục.
Truyền thông thế giới bàng hoàng khi nữ diễn viên người Pháp đình đám Adèle Haenel chia sẻ việc mình bị quấy rối tình dục khi chỉ mới 12 tuổi. Người có hành vi đáng ghê tởm này với cô chính là Christophe Ruggia - đạo diễn nổi tiếng từng giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Đạo diễn Pháp.
Adèle Haenel
Theo tờ Mediapart, Ruggia đã quấy rối Adèle Haenel khi cô tham gia bộ phim điện ảnh Les Diables (tạm dịch: Quỷ Dữ) năm 2001. Vị đạo diễn có nhiều hành vi vượt quá giới hạn như hôn hít, sờ soạng cơ thể Haenel trong thời gian quay phim và cả quá trình quảng bá. Sự việc còn tiếp diễn đến tận năm Haenel 15 tuổi. Tờ Mediapart cũng công khai những bằng chứng đã thu thập được trong hơn nửa năm qua, với hàng loạt cuộc phỏng vấn với 30 người trong cuộc, bao gồm một số thư từ Ruggia gửi cho Haenel.
Christophe Ruggia
Một cảnh trong Les Diables - phim đầu tay của Adèle Haenel
Ngay khi thông tin được đăng tải trên báo chí, Christophe Ruggia đã bị khai trừ khỏi Hiệp hội Đạo diễn Pháp. Tuy nhiên, Christophe Ruggia lên tiếng phủ nhận tội danh này và cho biết mình chỉ ngưỡng mộ tài năng và tình yêu điện ảnh của Haenel chứ không có hành vi quấy rối.
Adèle Haenel (bên trái) trong phim Portrait of a Lady on Fire
Adèle Haenel là diễn viên cực kì nổi tiếng tại Châu Âu. Cô đã 6 lần được đề cử César Awards (Oscar của Pháp) và hai lần giành chiến thắng. Năm 2019 này, cô có tác phẩm Portrait of a Lady on Fire được giải Queer Palm (phim có đề tài LGBT xuất sắc nhất) và giải Kịch bản hay nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72.
Vụ việc của Adèle Haenel đã hâm nóng lại phong trào #MeToo ở Pháp nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Theo helino
42 phim ứng cử tranh giải hạng mục Phim hay nhất tại Oscar Nổi bật là những phim đã đạt được giải thưởng lớn tại các LHP quốc tế như 'Joker' sau chiến thắng tại LHP Venice hay 'Parasite' của Hàn Quốc sau chiến thắng tại Cannes. Dịp cuối năm cũng là lúc các nhà sản xuất, các hãng phim bước vào cuộc đua cho các giải thưởng điện ảnh quan trọng, đặc biệt là giải...