Philippines “tố” Trung Quốc mở rộng hoạt động xây đắp đảo trên Biển Đông
Philippines ngày 21/1 tố cáo Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động xây đắp đảo trên các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi đó, Washington tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế trong các xung đột lãnh thổ.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang tiến hành xây đắp trái phép. (Ảnh: tiexue.net)
Mỹ và Philippines hôm qua 21/1 đã kết thúc cuộc đối thoại chiến lược kéo dài 2 ngày tại thủ đô Manila của Philippines, tái khẳng định mối quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng giữa hai nước đồng minh lâu năm này.
Trong cuộc đối thoại này, 2 bên cũng đề cập đến vấn đề Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động xây đắp đảo trên các vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino ngày 21/1 tuyên bố: “Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục là mối lo ngại lớn trong bối cảnh có nhiều thông báo về việc nước này mở rộng bồi đắp đảo”. Ông Batino từ chối chi tiết hóa các hoạt động này và chỉ mô tả chúng “rất nghiêm trọng” và “đang mở rộng”.
AFP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia cho hay quy mô hoạt động bồi đắp của Trung Quốc là “cực lớn” và vi phạm thỏa thuận không xây dựng cấu trúc mới trên Biển Đông của các nước trong khu vực.
Video đang HOT
“Đây không phải là hành động có lợi để tìm cách giải quyết tranh chấp. Đây rõ ràng không phải là hành động kiềm chế như trong thỏa thuận”, Thứ trưởng Garcia nhấn mạnh.
Về phía Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết Washington đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc kiềm chế không gây căng thẳng.
Ông Russel nói rằng tranh chấp trên biển Đông là “mối lo ngại lớn” và cương quyết bày tỏ: “Chúng tôi tin rằng các nước lớn không có quyền bắt nạt nước nhỏ”.
Trợ lý Ngoại trưởng cũng nói rằng dù “có nhiều lợi ích trong mối quan hệ ổn định, lành mạnh và mang tính xây dựng với Trung Quốc”, nhưng Washington vẫn luôn lo ngại về các hành vi gây căng thẳng và gây lo ngại về ý đồ của Bắc Kinh.
Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương David Shear cho biết Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Philippines. Mỹ đã cung cấp cho Manila 300 triệu USD hỗ trợ quân sự kể từ năm 2001 đến nay và sẽ cung cấp thêm 40 triệu USD trong năm 2015.
Từ tháng 5 năm ngoái, Philippines tố cáo Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép ở một loạt các bãi đá ở Trường Sa, thậm chí Bắc Kinh còn xây dựng đường băng tại đây. Trong khi đó, báo chí Trung Quốc công khai lý do bồi đắp đảo là để hỗ trợ hoạt động của radar và thu thập tin tình báo quân sự trên biển.
Thoa Phạm
Theo Dantri/AFP
Mỹ bác đề xuất của Triều Tiên về nối lại đàm phán hạt nhân
Mỹ ngày 21/1 đã bác bỏ đề xuất nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân do Triều Tiên đưa ra hồi đầu tuần, đồng thời tuyên bố chỉ đồng ý nếu nước này tuân thủ các cam kết trước đó.
Một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. (Ảnh: AFP)
Washington Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki ngày 21/1 tuyên bố rằng: "Mỹ cũng như các đối tác khác trong cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn giữ nguyên lập trường sẽ chỉ nối lại đàm phán khi Bình Nhưỡng tuân thủ các cam kết trước đó, trong đó có tuyên bố chung đạt được tháng 9/2005".
Phát ngôn viên Psaki cũng chỉ trích điều kiện của Triều Tiên với nội dung sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân trong tương lai nếu Mỹ đồng ý chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong năm nay.
Trước đó, trong cuộc đàm phán không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên kéo dài trong 2 ngày 18-19/1 tại Singapore, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho đã tiếp tục kêu gọi Mỹ ngừng tiến hành cuộc tập trận thường niên với Hàn Quốc. Ông Ri cho rằng động thái này "chỉ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".
Ông Ri đề xuất tái khởi động đàm phán 6 bên và khẳng định "đây là lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra đề xuất này mà không kèm điều kiện tiên quyết".
Các cuộc đàm phán 6 bên nêu trên được khởi động tại thủ đô Bắc Kinh vào tháng 8/2003, với sự tham gia của Mỹ, Nga, Trung, Nhật và 2 nước trên bán đảo Triều Tiên.
Trong tuyên bố chung đạt được giữa các bên vào năm 2005, Bình Nhưỡng chấp thuận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và các lợi ích về mặt ngoại giao, an ninh.
Tuy nhiên, hồi tháng 4/2009, Triều Tiên quyết định rút lui khỏi cuộc đàm phán để phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 12/2008 lên án vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Thoa Phạm
Theo Dantri/Washington Times
Bắt đầu vòng đàm phán mới về hạt nhân của Iran Ngày 18/1 đại diện của Iran và nhóm P5 1 đã bắt đầu vòng đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Tehran ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Vòng đàm phán chỉ diễn ra trong ngày 18/1 tại Geneva, Thuỵ Sỹ và bắt đầu từ việc tổng kết các kết quả đạt được từ các cuộc gặp song phương trong hai...