Phiên sáng 12/8: Thị trường rung lắc, cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hút dòng tiền
Mặc dù mở cửa khá thuận lợi nhưng áp lực bán gia tăng khiến thị trường trở nên rung lắc và quay đầu điều chỉnh. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn giao dịch tích cực với hàng loạt mã quen thuộc giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động như ITA, SCR, KBC, DXG
Căng thằng Mỹ Trung trở lại đã phần nào tác động khá tiêu cực lên hệ thống tài chính toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Các chỉ số chung của đều để mất điểm, trong đó VN-Index giảm gần 17 điểm, tương ứng giảm 1,7% và lùi về dưới mốc 975 điểm.
Bên cạnh đó, áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đè nặng lên tâm lý toàn thị trường khi liên tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng qua từng phiên. Tính trong 7 phiên đầu tiên của tháng 8, khối này đã bán ròng tới 1.313 tỷ đồng, trong đó riêng tuần vừa qua bán ròng gần 1.040 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, sau 2 tuần điều chỉnh, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm, nhóm bluechips sẽ tiếp tục gặp khó nhất là trong tuần tới hợp đồng phái sinh tháng 8 sẽ đáo hạn. Tuy vậy, nếu tình hình thế giới không có gì xấu thì nguy cơ giảm sâu cũng ít xảy ra.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 12/8, thị trường nhanh chóng khởi sắc trở lại nhờ sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, lực cầu khá thận trọng khiến thị trường thiếu động lực để bật cao. Chỉ số VN-Index chỉ đi lên và chưa thể tiếp cận mốc 980 điểm đã bị đẩy lùi trở lại.
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, khi áp lực bán gia tăng khiến sắc đỏ dần chiếm ưu thế, trong đó nhiều mã trong nhóm Vn30 cũng quay đầu điều chỉnh khiến thị trường trở nên rung lắc và lùi về dưới mốc tham chiếu.
Bên cạnh các mã lớn giao dịch giảm nhẹ như VHM, VNM, VRE…, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tạo sức ép cho thị trường, đáng kể VCB giảm 1% xuống 77.700 đồng/CP.
Điểm nhấn thị trường trong phiên sáng nay vẫn là các cổ phiếu vừa và nhỏ. Lực cầu sôi động giúp nhiều mã thị trường quen thuộc giao dịch khởi sắc với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị như ITA, SCR, KBC, DXG… hay HAR tiếp tục bảo toàn sắc tím.
Sau hơn 30 phút lình xình dưới mốc tham chiếu, thị trường đã đảo chiều hồi phục. Tuy nhiên, sự phân hóa của thị trường, trong khi thiếu trụ đỡ mạnh khiến VN-Index chỉ tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 142 mã tăng và 141 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 1,49 điểm ( 0,15%) lên 975,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,09 triệu đơn vị, giá trị 1.792,75 tỷ đồng, tăng hơn 19,5% về lượng và 7,95% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (9/8).
Giao dịch thỏa thuận đạt 29,9 triệu đơn vị, giá trị 518,2 tỷ đồng, trong đó, FPT thỏa thuận 3,77 triệu đơn vị, giá trị 204,21 tỷ đồng; HNG thỏa thuận 7,72 triệu đơn vị, giá trị 138,97 tỷ đồng.
Nhóm VN30 là trụ đỡ chính của thị trường khi có 18 mã tăng, trong đó điển hình một số mã như GAS tăng 1,38% lên 102.700 đồng/CP, HPG tăng 3,03% lên 23.800 đồng/CP, FPT tăng 2,35% lên 52.300 đồng/CP, các mã VHM, VIC, MSN… cũng khởi sắc.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa, cụ thể VCB, CTG, BID, EIB, HDB đều giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm trên dưới 1%, trong khi TCB, STB, VPB chỉ đủ xanh nhạt.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu ITA tăng 3,45% lên 3.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 6,52 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE; các mã SCR, KBC, DXG, HAG, PVD… cũng khởi sắc với thanh khoản tích cực. Trong đó, HAR giữ mức giá trần 3.560 đồng/CP và còn dư mua trần 298.100 cổ phiếu.
Đáng chú ý, cổ phiếu GAB có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 14.200 đồng/CP với khối lượng dư mua trần 425.640 đơn vị, trong khi bên bán vắng bóng.
Tương tự, trên sàn HNX, sau diễn biến rung lắc giữa phiên cũng đã giao dịch khởi sắc trở lại.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng nhẹ 0,09 điểm ( 0,09%) lên 102,87 điểm, thanh khoản đạt xấp xỉ phiên sáng cuối tuần trước (9/7) với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,56 triệu đơn vị, giá trị 160,35 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp thêm 3,47 triệu đơn vị, giá trị 32,32 tỷ đồng.
Một số mã bluechip hỗ trợ cho nhịp hồi phục của thị trường như VCS tăng 1,1% lên 86.500 đồng/CP, SHB tăng 1,6% lên 6.500 đồng/CP, PVI, PVS, PVB…
Trái lại, VCG quay đầu đi xuống sau 2 phiên giữ giá cuối tuần trước, với mức giảm 1,1% xuống 26.200 đồng/CP; ngoài ra, DGC, TNG, PHP… cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường.
Trên sàn HNX, chỉ có 2 mã thị trường giao dịch trên 1 triệu đơn vị là PVS khớp 2,81 triệu đơn vị và HUT khớp 1,47 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cả 2 mã này đều chịu áp lực bán mạnh sau phiên tăng trần cuối tuần trước, trong đó PVX lùi về mức giá sàn 1.200 đồng/CP, còn HUT đứng tại mức giá tham chiếu.
Trên UPCoM, sau nhịp hồi giữa phiên, UPCoM-Index đã đảo chiều giảm và chốt phiên trong sắc đỏ.
Video đang HOT
Cụ thể, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,71%) xuống 58,02 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,53 triệu đơn vị, giá trị 115,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,11 triệu đơn vị, giá trị hơn 213 tỷ đồng. Trong đó, riêng SIP thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 198 tỷ đồng.
Cổ phiếu GVR vẫn giao dịch trong sắc đỏ khi giảm 1,2% xuống 16.400 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất, đạt 811.500 đơn vị.
Trong khi đó, BSR tăng 2% lên 10.200 đồng/CP và đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với 748.900 cổ phiếu được giao dịch thành công.
T.Thúy
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Nhóm bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục tạo sóng?
Trong khi thị trường giảm mạnh, thì nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp lại liên tục tạo đỉnh mới. Liệu sóng tăng của nhóm cổ phiếu này có tiếp tục được duy trì trong tuần tới? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua theo chân chứng khoán quốc tế giảm mạnh do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Theo các ông, liệu những yếu tố này có tiếp tục tác động đến thị trường trong tuần tới?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Thị trường có thể sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề về địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ còn diễn biến rất phức tạp và leo thang. Điều này sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư ngắn hạn rất thận trọng và sẽ rất hạn chế tham gia.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Bất chấp làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương đang lan rộng, qua đó tạo ra một "tấm nệm" cho nền kinh tế, thì những thông tin về thương mại Mỹ - Trung và sự biến động của đồng nhân dân tệ đang khiến giới đầu tư "đứng ngồi không yên".
ADVERTISEMENT
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua những phiên sụt mạnh trong thời gian gần đây, giá trái phiếu tăng cao khiến lợi suất giảm sâu, những tài sản an toàn như vàng và yên Nhật tăng giá mạnh. Các yếu tố này sẽ tiếp tục chi phối diễn biến của thị trường trong nước trong tuần tới, nếu thị trường thế giới không có diễn biến gì quá xấu thì thị trường trong nước cũng ít có nguy cơ giảm sâu.
Ông Ngô Quốc Hưng
Trong khi đó, yếu tố đáng chú ý đối với thị trường trong nước lúc này là hoạt động bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp tục lan sang tuần thứ 2. Tổng giá trị bán ròng 2 tuần vừa qua khoảng 1.500 tỷ đồng, 2/3 trong số này là ở tuần vừa qua, mức bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm.
Quỹ ETF nội, sau 7 tháng liên tục huy động được chứng chỉ quỹ thì kể từ đầu tháng 8 tới nay cũng bị rút ròng. Theo thống kê, đã có hơn 15 triệu chứng chỉ quỹ đã bị rút, tương ứng với khoảng 220 tỷ đồng.
Việc ETF nội bị rút ròng có thể khiến thị trường gặp khó, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bluechips, đó có thể là nguyên nhân khiến dòng tiền đang có sự dịch chuyển từ nhóm bluechips sang nhóm midcap và smallcap trong 2 tuần vừa qua.
Tuần qua, thanh khoản thị trường đã được đẩy lên mức cao nhất trong 4 tuần, với sự trồi sụt của chỉ số chung thì mức độ biến động của thị trường đang gia tăng, là yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý. Nhìn chung, sau 2 tuần điều chỉnh, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm, nhóm bluechips sẽ tiếp tục gặp khó nhất là trong tuần tới hợp đồng phái sinh tháng 8 sẽ đáo hạn. Tuy vậy, nếu tình hình thế giới không có gì xấu thì nguy cơ giảm sâu cũng ít xảy ra.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Trong tuần qua, gần như hệ thống tài chính toàn cầu đều bị ảnh hưởng do cuộc thương chiến giữa Mỹ - Trung căng thẳng trở lại. Việt Nam dĩ nhiên cũng không ngoại lệ khi mà kinh tế trong nước có mối quan hệ lớn nhất với cả hai cường quốc này.
Về bản chất, khi cả hai còn kéo dài bất đồng thì Việt Nam càng bị ảnh hưởng và khó khăn nhiều hơn do hoạt động xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất với cả hai nước. Một trong những yếu tố lo ngại nhất chính là tình hình tỷ giá khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để đối phó với Mỹ.
Tỷ giá nếu không ổn định sẽ tác động trực tiếp đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, mà nếu xét theo lịch sử, đồng VND khá yếu và dễ bị mất giá mỗi khi kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng.
Sự bán ròng của khối ngoại lên đến cả ngàn tỷ chỉ trong 1 tuần qua rõ ràng là điểm cần lưu tâm và theo dõi. Hơn 1/2 số doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II, vì vậy yếu tố bất ngờ không còn nhiều.
Đợt mất điểm vừa qua đã kéo nhiều cổ phiếu bluechip xuống vùng giá thấp hơn, vì vậy thuận lợi cho cả hai chiều mua bán. Thị trường sẽ tích lũy quanh vùng 960 - 990 có thể trong 1 - 2 tuần và tôi cho rằng, với cách di chuyển này, sẽ thuận lợi cho các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Thương chiến chưa có hồi kết mà cuộc chiến tiền tệ để ngay bên thềm thì khó có gì tốt đẹp giữa 2 cuộc chiến cùng lúc. Tuy vậy, về ngắn hạn, thị trường vẫn có sự phục hồi tuần qua sau khi chạm hỗ trợ 960 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh
Hiện vùng kháng cự ngắn hạn khá gần ở mức quanh 980 là thử thách đầu tiên. Do đó, nếu không có thông tin nào mới tích cực hơn, thì tuần tới sẽ là một tuần khó khăn cho TTCK.
Việc hạ lãi suất hiện nay của các ngân hàng trung ương không làm giới đầu tư quốc tế yên lòng do họ lo sợ suy thoái, núi nợ tăng và tiền được đẩy ra quá nhiều, nên họ đổ mạnh tiền vào vàng và trái phiếu chính phủ, đẩy lợi suất về âm. Hiện có 1/4 tài sản dạng này theo thống kê của Bloomberg có lợi suất âm. Điều này tác động xấu đến chứng khoán quốc tế, từ đó tác động tiêu cực đến TTCK Việt Nam trong bối cảnh thị trường trong nước không có nhiều đột phá.
Nỗ lực phục hồi của thị trường sau 2 phiên giảm mạnh đầu tuần không dễ dàng khi lực cung giá cao luôn chực chờ, trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cổ phiếu và nhóm ngành thay nhau tăng giá, thiết lập mức cao mới, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Theo các ông, đà tăng của nhóm cổ phiếu này có tiếp tục được duy trì?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn được xem là nhóm cổ phiếu mạnh nhất trong giai đoạn qua, nên tôi đánh giá nhóm cổ phiếu này vẫn có thể sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tỷ suất sinh lợi kỳ vọng không còn cao, khi nhóm cổ phiếu này đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Ông Nguyễn Thế Minh
Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có cơ hội tham gia lướt sóng ở nhóm cổ phiếu này, nhưng các nhà đầu tư trung hạn nên hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Mặc dù thị trường có sự điều chỉnh trong 2 tuần vừa qua, nhưng một số nhóm cổ phiếu hoặc các cổ phiếu riêng biệt vẫn hút được dòng tiền khá tốt, thậm chí có những cổ phiếu đã vượt đỉnh và thiết lập mức cao mới trong năm. Điều đó cho thấy, thị trường có sự phân hóa và dòng tiền vẫn tìm kiếm cơ hội ở những trường hợp cụ thể, có tiềm năng tăng trưởng, đó là dấu hiệu tích cực cho thị trường chung, dòng tiền vẫn nằm trong thị trường mà không bị rút ra.
Tuy vậy, đối với một số nhóm cổ phiếu đã có mức tăng nóng trong thời gian vừa qua thì nhà đầu tư cũng nên thận trọng, bởi không có cổ phiếu nào có thể tăng mãi được. Đối với nhóm này nên chủ động chốt dần và không mở thêm vị thế mới. Dòng tiền năm nay không còn dồi dào như năm ngoái, do vậy vòng quay đối với mỗi nhóm cổ phiếu cũng sẽ ngắn hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Trong 2 tháng gần nhất, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã tạo nên hiện tượng sốt giá tương tự như dòng cổ phiếu ngân hàng và dệt may năm ngoái, có điều năm nay nhiều nhóm cổ phiếu nhỏ, nhưng lợi nhuận đột biến đã dẫn sóng dài hơn.
Đợt giảm của VN-Index gần 40 điểm vừa rồi chỉ làm chậm lại đà tăng của nhóm cổ phiếu này, chứ chưa làm đảo chiều nhiều cổ phiếu.
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Với bối cảnh kinh tế hiện tại, ngành bất động sản khu công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển khi làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ sang Việt Nam nhiều hơn trước đây, đẩy giá thuê cao hơn và tạo một tình trạng khan hiếm cục bộ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cần biết rằng, quỹ đất để phát triển bất động sản khu công nghiệp còn khá dồi dào và dư địa bổ sung thêm còn rất lớn, vì vậy những cơn sốt giá thuê sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Điểm tích cực ở đây là những doanh nghiệp nào còn quỹ đất lớn, chi phí đền bù rẻ và ít vay ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi so với các doanh nghiệp còn lại. Nhiều cổ phiếu ngành này sẽ đạt cao trào tăng trưởng lợi nhuận trong quý III và IV năm nay, vì vậy cơn sóng này sẽ còn kéo dài một thời gian nữa. Với các nhà đầu tư đón đầu xu thế, thì vẫn có nhiều cổ phiếu chất lượng ngành này có thể nắm giữ dài hạn được.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Theo quan sát nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp cũng bắt đầu có dấu hiệu tiêu cực ở một số mã sau quá trình tăng mạnh.
Khác với 1 - 2 năm trước, thị trường tăng chung ở nhiều nhóm ngành, nhiều mã còn năm nay chủ yếu là từng nhóm như nhóm ngân hàng, rồi đến bất động sản công nghiệp. Do đó có, khả năng nhóm này sắp đi vào giai đoạn thoái trào sẽ nhường cho một nhóm khác nhận được dòng tiền tiếp theo.
Như vậy, các nhà đầu tư mạo hiểm, thích lướt sóng vẫn có thể kiếm được lợi nhuận tốt nếu vào ra nhịp nhàng ở từng con sóng ngành.
Vậy theo các ông, chiến lược phòng thủ có nên tiếp tục được duy trì với một tỷ trọng cổ phiếu thấp, tập trung vào các cơ hội nổi bật ở giai đoạn hiện tại?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Tôi cho rằng, các nhà đầu tư ngắn hạn nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải là 45% và nên tập trung vào các cổ phiếu có "catalyst". Tôi cho rằng, nhà đầu tư nên chú ý đến việc lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn này.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Như đã phân tích ở trên, mức độ biến động của thị trường đang gia tăng. Nhà đầu tư nên dùng đến các kênh phòng ngừa để tránh biến động trên thị trường. Dòng tiền vẫn đang dịch chuyển từ nhóm bluechips sang nhóm midcap và smallcap, do vậy có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu thấp tập trung vào các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: sản xuất phân phối điện, nước, logistics, dược phẩm,...hoặc nhóm cổ phiếu midcap vẫn thu hút được dòng tiền như: bán lẻ, công nghệ...
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nhìn bối cảnh vĩ mô năm nay thì có thể yên tâm phần nào thị trường vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng. Nếu xem xét trọng tâm là nhóm cổ phiếu ngân hàng và top cổ phiếu lớn đầu ngành, thì tôi cho rằng, định giá vẫn khá hấp dẫn.
Thật ra thời điểm hiện tại là lúc thị trường đang dao động mạnh trước các đợt biến động của thị trường thế giới, vì vậy chiến lược giao dịch ngắn và chốt lãi theo từng đợt sóng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho nhà đầu tư.
Một số cổ phiếu chất lượng thuộc các nhóm ngành bán lẻ, bất động sản, ngân hàng và vài cổ phiếu lớn thuộc VN30 vẫn nên ưu tiên nắm giữ. Dĩ nhiên, để đạt được lợi nhuận cao nhà đầu tư cần nắm rõ từng doanh nghiệp và có chiến thuật mua bán hợp lý mới có thể đạt hiệu quả cao.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Theo tôi, điều này sẽ tùy vào chiến lược của nhà đầu tư để có thể lựa chọn danh mục đầu tư cho phù hợp. Nếu nhà đầu tư kinh doanh theo sóng như thoát nhóm ngân hàng rồi chuyển qua bất động sản khu công nghiệp, rồi và chuẩn bị chuyển sang sóng tiếp theo, thì việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn phù hợp. Tương tự, với các cổ phiếu nhóm pennies stock, thường đi ngược thị trường hoặc ít bị ảnh hưởng trong giai đoạn thị trường xấu.
Còn nhà đầu tư chỉ tập trung nhóm bluechips hoặc các cổ phiếu mà mình yêu thích, nhưng không đi theo xu hướng nhóm ngành ở hiện tại, thì cần giữ tiền mặt nhiều hơn trong giai đoạn này để có thể tận dụng mua được giá rẻ hơn ở thời điểm tốt hơn.
Hoang Anh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Giao dịch mạnh bluechip, khối ngoại trở lại mua ròng gần 60 tỷ đồng trong phiên 31/7 Sau phiên bán ròng mạnh hôm qua (30/7), nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng trong phiên cuối cùng của tháng 7 với giá trị gần 60 tỷ đồng. Trong đó, danh mục mua bán của khối này chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip. Trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào 22,57 triệu đơn vị, giá trị...