Phía sau câu chuyện xúc động về người phụ nữ cưới vợ mới cho con rể cũ
Mới đây, một đám cưới ‘có một không hai’ diễn ra tại huyện Quốc Oai, Hà Nội đã khiến nhiều người không khỏi xúc động bởi câu chuyện ý nghĩa đằng sau đó.
Những ngày gần đây, mọi người rầm rộ chia sẻ câu chuyện về một đám cưới đặc biệt diễn ra vào ngày 3/9. Theo đó, chú rể Nguyễn Văn Lịch (33 tuổi) được mẹ vợ cũ là bà Lê Thị Sáu (59 tuổi) tác hợp để cưới vợ mới, giữ lại sống chung nhà.
Đám cưới có một không hai này khiến nhiều người rơi nước mắt xúc động và không khỏi tò mò về mối quan hệ giữa mẹ vợ, chàng rể.
Cổ tích ngoài đời thật
Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, chúng tôi tìm đến xã xóm Đá Thâm, thôn Viên Nam, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội với mong muốn được lắng nghe nhiều hơn câu chuyện phía sau.
Hỏi thăm về gia đình bà Sáu, những người hàng xóm tại đây ai cũng biết và thán phục trước đám cưới trên.
“Đám cưới của anh Lịch và chị Dung – người vợ mới diễn ra vào ngày 3/9. Đến hôm nay, chúng tôi vẫn cứ ngỡ là mơ, đây thực sự là câu chuyện cổ tích ngoài đời thật, khi đích thân mẹ vợ đứng ra lo liệu cưới vợ mới cho con rể. Ngày anh Lịch cùng bà Sáu đi đón dâu, gần như cả làng chúng tôi đến xem, có cả cụ đã 90 rồi vẫn thốt lên chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy”- chị Thúy sinh sống gần nhà bà Sáu cho hay.
Con đường chỉ lác đác xe qua lại, câu chuyện chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng xe máy, bà Sáu và anh Lịch đi ngang qua. Thấy bà Sáu, chị Dung liền gọi to và giới thiệu chúng tôi.
Theo chân hai mẹ con về không gian diễn ra đám cưới đặc biệt là một cơ ngơi khang trang, rộng gần 2.000m2 do một tay bà Sáu gây dựng sau mấy chục năm một mình nuôi con.
Dẫn chúng tôi vào nhà, bà Sáu cho hay: “Vừa qua, gia đình tôi có tổ chức 50 mâm cỗ, cưới vợ mới cho con rể Lịch. Trong lễ cưới, tôi cùng bố mẹ đẻ của Lịch đại diện cho nhà trai, mang lễ cưới vợ mới cho con”.
Ngôi nhà của Bà Sáu, nơi diễn ra đám cưới đặc biệt ngày 3/9
“Tôi không có lý do gì để đuổi Lịch ra khỏi nhà”
Câu chuyện của gia đình bà Sáu bắt đầu từ cách đây hơn 10 năm, khi anh Nguyễn Văn Lịch (33 tuổi) quen biết chị Nguyễn Thị Hương (con gái bà Sáu). Rất nhanh sau đó, cả hai tiến tới hôn nhân.
Bà Sáu tâm sự, số bà vất vả, chồng mất từ khi con còn nhỏ. Một mình bà gồng gánh nuôi hai người con gái lớn khôn, chính vì vậy khi con gái lấy chồng, bà rất mong có một người chịu ở rể, để bà được quây quần bên con cháu tuổi xế chiều.
Khi anh Lịch đến ngỏ lời kết duyên cùng chị Hương, bà Sáu thẳng thắn chia sẻ: “Nhà bác chỉ có 2 người con gái, con gái cả đã đi lấy chồng. Giờ cháu có chịu ở rể để chăm lo cho con gái bác, cũng như bác được không?”.
Anh Lịch không suy nghĩ gì nhiều, ngay lập tức đồng ý lời đề nghị của mẹ vợ tương lai. Nhà anh Lịch quê ở Yên Trung, huyện Thạch Thất – cách nhà bà Sáu khoảng 15km. Khi đề cập chuyện ở rể với bố mẹ đẻ, anh Lịch nhận được sự đồng ý.
“Mình nghĩ ở đâu cũng được. Nhà mình có hai anh em trai, mình là em. Sau khi nói chuyện về việc mình sẽ ở rể, bố mẹ mình cũng ủng hộ quyết định của con”- anh Lịch nói.
Video đang HOT
Bà Sáu cùng con rể ngồi trò chuyện
Những năm đầu, cuộc sống hôn nhân đôi vợ chồng trẻ trôi qua bình yên, hạnh phúc. Cả hai có với nhau 2 bé, 1 trai 1 gái , năm nay đã 9 tuổi và 6 tuổi.
Tuy nhiên, cách đây khoảng 3 năm, khi chị Hương bắt đầu học nghề spa, quan điểm sống của chị dần thay đổi. Hai vợ chồng xảy ra nhiều mẫu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân khiến “cơm chẳng lành, canh không ngọt”. Khi ấy, anh Lịch vẫn một lòng một dạ muốn vợ chồng hàn gắn, bỏ qua tất cả để tiếp tục hôn nhân.
Nhìn thấy tình cảm hai con rạn nứt, bà Sáu cũng ra sức hòa giải, khuyên can con gái nhưng chị Hương một mực đòi ly hôn. Chị đơn phương nộp đơn lên tòa, thấy vậy bà lại xin tòa cho gia đình thêm thời gian để về hòa giải.
“Khi con gái tôi nộp đơn lên tòa, tôi đến xin tòa thêm thời gian để hàn gắn hạnh phúc cho hai con. Mọi người đều ngạc nhiên khi chưa bao giờ thấy cảnh mẹ vợ phải đi xin hoãn ly hôn cho con như thế này”- bà Sáu chia sẻ.
Bà Lê Thị Sáu chia sẻ về câu chuyện cưới vợ mới cho con rể
Trong thời gian đó, chị Hương chủ động sống ly thân với chồng trong chính ngôi nhà. Một thời gian sau, chị dọn ra khỏi nhà cách đó khoảng 10km, để lại 2 đứa con. Thi thoảng chị về đón con đi chơi, mỗi lần về, chị chỉ vào nhà vài phút để đón con, không ăn cơm, cũng không ở lại.
Cách đây 9 tháng, anh chị chính thức ly hôn. Những ngày tháng sau đó, anh Lịch “gà trống nuôi con”, không ít lần anh phải bật khóc trong đêm vì thương xót cho cuộc hôn nhân, các con còn bé, mẹ phải lo lắng suy nghĩ nhiều,… và những khó khăn sau này.
Theo bà Sáu, sau ly hôn, nhiều lần chị Hương nói với bà về chuyện anh Lịch ở lại không phù hợp. Tuy nhiên bà Sáu luôn giữ quan điểm: “Không có lý do gì để đuổi Lịch ra khỏi nhà, bởi sống chung hơn chục năm, hai mẹ con chưa từng xảy ra to tiếng, mâu thuẫn. Hơn nữa chàng rể Lịch chịu khó làm ăn, chăm sóc bà và nuôi nấng 2 đứa cháu mình.”
Hơn chục năm chung sống cùng nhà, hai mẹ con chưa từng một lần xảy ra mâu thuẫn hay to tiếng với nhau
Coi con rể như con ruột của mình
Hơn chục năm chung sống, bà Sáu đã coi anh Lịch như người con ruột. Bà Sáu nói với anh Lịch: “Nếu mẹ không đuổi thì con không phải đi đâu hết”.
Trong mắt bà, anh Lịch chẳng có điểm gì chê. Khi các cháu ngày một lớn, tuổi bà ngày một cao, bà liên tục thúc giục con rể đi tìm hạnh phúc mới. Đồng thời, bà cũng đi hết làng trên, xóm dưới, hễ gặp ai lại giới thiệu và tìm người phù hợp cho con rể của mình.
“Lịch còn trẻ quá, nhìn nó quần quật làm việc ngày đêm, chăm lo cho bà cháu mà tôi không khỏi xót xa. Nhiều khi nó ốm, mình lại là mẹ vợ, đưa viên thuốc cho nó còn ngại, nên lúc nào cũng động viên con đi tìm hạnh phúc mới, về ở cùng với mẹ. Tôi cũng thông báo ý định ấy cho con gái của mình”- bà Sáu nói.
Biết mẹ vợ lo lắng cho tương lai của mình nhưng thời gian đầu, anh Lịch nghe xong chỉ mỉm cười rồi cho qua.
Từ ngày con gái ra khỏi nhà, anh Lịch luôn là người chăm sóc cho bà Sáu và các con
Nhiều tháng trôi qua, anh Lịch tình cờ gặp được chị Dung. Anh Lịch cho biết, chị Dung có 1 người con riêng và cũng đã trải qua nhiều chuyện đau buồn. Khi quen chị, anh cũng chia sẻ về cuộc sống của mình. Sau một thời gian dài tìm hiểu, anh Lịch và chị Dung mạnh dạn mở lòng để đón nhận tình cảm của nhau.
Người đầu tiên anh Lịch xin phép được bắt đầu mối quan hệ mới chính là mẹ vợ. Nhớ lại giây phút ấy, bà Sáu kể: “Thú thực lúc ấy khi nghe con nói, tôi vui buồn lẫn lộn. Bởi con đã chịu nhiều vất vả, sợ rằng gặp một người không tốt. Nhưng sau nhiều lần Lịch dẫn Dung về, nhìn cách Dung đối xử với mình, với Lịch và các cháu, tôi yên tâm ủng hộ con hết lòng và mong con thật hạnh phúc”.
Nói về người con dâu mới, bà cho hay: “Sau này tôi chưa biết thế nào, nhưng trước mắt thấy cháu hiền hậu, chu đáo. Mỗi lần xuống nhà, Dung đều tắm gội, nấu cơm, chăm sóc bọn trẻ như mẹ đẻ. Bọn trẻ con rất quý và quấn quýt với con bé. Chúng gọi luôn là mẹ Dung. Nhất là con bé thứ hai, từ ngày có mẹ Dung là nó không ngủ với bà nữa.”.
Mẹ vợ cưới vợ mới cho con rể cũ
Mới đây, ngày 3/9, đám cưới được tổ chức ngay tại không gian nhà của bà Sáu. Đám cưới diễn ra suôn sẻ và nhận được những lời chúc mừng, khen ngợi, ủng hộ hôn nhân mới của 2 người trẻ cùng chung hoàn cảnh muốn nương tựa vào nhau.
Bà cho biết, cả xã này và cả nhà gái ở Lương Sơn, Hòa Bình đều nói rằng đây là “chuyện lạ có thật”.
Bà Sáu cùng mẹ ruột của anh Lịch trong ngày cưới của 2 con
Coi Lịch là con trai, bà chuẩn bị phòng cưới cho con như trai tân lấy vợ. Toàn bộ giường chiếu, chăn ga gối đệm, tủ quần áo, bà đều sắm đồ mới tinh. Tại lễ cưới, bà cũng lên trao cho các con một cặp nhẫn vàng.
“Tôi chỉ làm 50 mâm, chỉ có toàn họ hàng, con cháu trong nhà và nhà gái, không mời làng xóm vì sợ mang tiếng vì phong bì mừng. Đến giờ mọi người vẫn trách tôi vi không mời ai cả”- bà Sáu thật thà chia sẻ.
Bà Sáu trao quà cưới cho 2 con
Nói về đám cưới của Lịch, bà Sáu rưng rưng kể về cô cháu gái 6 tuổi. “Khi thấy bố chuẩn bị có hạnh phúc mới, cô bé chạy đến hỏi han rồi nói: “Bố ơi, bố lấy vợ mới đừng bỏ rơi con nhé, đừng bắt con nghỉ học,…”. Lịch hai mắt đỏ hoe, ôm chầm lấy đứa con bé bỏng: “Không, bố vẫn là bố của con, con vẫn được đi học bình thường, nhận tình yêu thương từ bố và mẹ mới”. Nghe những lời đó tôi không cầm được nước mắt”- bà Sáu kể lại.
Cô dâu mới dắt tay con gái riêng của anh Lịch vào nhà
Trước ngày lễ cưới diễn ra, bà Sáu cũng dặn con gái mình nên về để cơm nước, lo lắng cho chồng cũ. Tuy nhiên bà cũng không quên nhấn mạnh “về thì phải vui vẻ, không thì thôi”.
Khi được hỏi nếu con gái lấy chồng và muốn về đây sống, bà sẽ tính sao, bà Sáu không chần chừ cho biết: “Tôi đã chuẩn bị phương án cho việc này, tôi sẽ không cho Hương về đây vì hai bên sẽ va chạm nhau rất khó xử. Nếu sau này Hương lấy chồng mới, tôi cũng sẽ lo cho con. Tôi cũng đã chuẩn bị cho Hương nơi ở, tuy nhiên không phải ở đây”.
Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, anh Lịch ngồi đối diện bà Sáu luôn trầm lặng. Nhưng khi được hỏi, anh chia sẻ rất rành mạch: “Tôi rất xúc động khi có một người mẹ như mẹ Sáu. Mẹ Sáu như là mẹ đẻ thứ 2 của tôi, tôi sẽ phụng dưỡng mẹ chu đáo để không phụ lòng mẹ chăm lo cho mình”.
Những ngày tháng tới, bà Sáu sẽ coi con riêng của chị Dung như cháu ruột mình, giống như chị coi các cháu ngoại của bà như con đẻ. Cả 3 người cùng chung sống vui vẻ, hòa thuận, để chăm lo cho 3 đứa trẻ một cuộc sống đủ đầy nhất.
Chồng khiến mẹ vợ bật khóc nghẹn ngào, tôi rất khó xử trong kỳ nghỉ lễ
Nhìn thái độ của con rể khi về thăm nhà vợ, mẹ tôi đã rơi nước mắt. Tôi cố gắng giúp anh xích lại gần hơn với bên ngoại nhưng không hề dễ dàng.
Mỗi khi có kỳ nghỉ lễ, trong khi các gia đình khác háo hức với chuyến về thăm bố mẹ hai bên, tôi lại đối mặt với vô số áp lực.
Nguyên nhân xuất phát từ thái độ của chồng với nhà vợ. Nhiều người bảo cách ứng xử của anh là không tôn trọng gia đình bên ngoại. Tuy nhiên, tôi thông cảm, vì anh chưa thật sự trưởng thành trong lối suy nghĩ.
Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm ngoái là lần đầu tiên vợ chồng tôi về nhà ngoại. Chúng tôi đã bàn bạc từ trước, hàng ngày sống cùng nhà nội, đến các kỳ nghỉ lễ dài sẽ về ăn bữa cơm với bố mẹ vợ.
Chồng chưa có sự gắn bó với nhà vợ khiến tôi không khỏi chạnh lòng (Ảnh minh họa: IT)
Lần đầu hai vợ chồng về nhà nghỉ lễ với bố mẹ khiến tôi rất háo hức. Chồng tôi không phản đối kế hoạch về quê. Tuy nhiên, dường như anh không muốn rời gia đình để nghỉ lễ ở một nơi khác.
Biết tin vợ chồng tôi về nhà, bố mẹ tôi đặt mua một con gà ngon để làm lẩu. Ô tô vừa dừng ngoài sân, bố mẹ bỏ hết mọi việc ra chào đón. Chồng tôi chào hỏi rồi vào trong phòng khách ngồi "ôm" điện thoại. Khi bố tôi hỏi, anh lễ phép đáp lại nhưng không mở lời để tiếp tục duy trì câu chuyện.
Mặc dù bố mẹ nói cười vui vẻ, tôi nghĩ các cụ có đánh giá riêng khi nhìn thái độ của con rể.
Sau bữa trưa, anh kêu ca với tôi muốn đi uống cà phê và về thành phố sớm. Tôi động viên anh ở lại với bố mẹ một đêm vì ông bà rất mong ngóng các con. Tôi nói mãi, anh mới đồng ý ở lại.
Có con rể về thăm nhưng gia đình tôi trầm lắng không khác ngày thường. Mọi dự định làm món ăn ngon, cả nhà hàn huyên của tôi bỗng nhiên tan tành.
Nhìn thái độ của con rể, mẹ cầm tay tôi rồi bật khóc trong phòng ngủ. Bà không hiểu lý do vì sao con rể có vẻ coi thường nhà vợ như vậy. Kinh tế của gia đình tôi không mấy khá giả nhưng đã xác định cưới nhau phải có trách nhiệm với cả hai bên.
Mẹ khóc vì thương tôi, lo về lâu dài sẽ khổ do có người chồng khó chiều. 2 ngày một đêm ở với bố mẹ, tôi không cảm thấy vui vẻ như tưởng tượng.
Khi bố mẹ đã đi ngủ, tôi hỏi lý do, chồng bảo anh chưa quen với việc ở nhà người khác như thế này. Từ bé, anh chỉ quen ở nhà với bố mẹ đẻ. Ngoài ra, về quê không khí yên ắng, khác với sự ồn ào mà chồng tôi đã quen suốt nhiều năm qua.
Anh đề nghị tôi nếu về thăm bố mẹ chỉ ở lại trong ngày, không ngủ qua đêm, do không biết nói chuyện gì vì khoảng cách thế hệ.
Tôi chạnh lòng khi nghe chồng nói vậy. Vì sao anh không đặt bản thân vào địa vị của vợ? Anh quen ở với bố mẹ, còn tôi phải đến nhà chồng để bắt đầu cuộc sống mới sẽ khó khăn thế nào?
Sau một đêm ngủ ở nhà, vợ chồng tôi chào bố mẹ trở lại thành phố. Vì thương con gái, bố mẹ chuẩn bị nhiều món quà quê dân dã. Tôi vui bao nhiêu, chồng lại giữ gương mặt u ám.
Xe vừa ra khỏi cổng, nhìn cánh tay vẫy theo của bố mẹ ở cuối con đường, nước mắt tôi cứ muốn trào ra. Tôi phải cố kìm nén mãi mới không bật khóc. Chồng tôi có lẽ không hiểu được cảm xúc nghẹn ngào của vợ lúc đó.
Trở về thành phố, anh vui vẻ lạ thường, khác xa với thái độ khi ở nhà vợ. Nhiều người quen bảo chồng tôi coi thường bên ngoại là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng vợ.
Bây giờ, mỗi khi có dịp nghỉ lễ kéo dài, tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Nếu không đưa chồng về quê, bố mẹ sẽ cảm thấy cô đơn, trong khi chồng không thích về nhà vợ.
Cho đến nay đã một năm trôi qua, mỗi lần về quê vợ, chồng tôi vẫn nhấp nhổm, muốn ra ngoài ăn trưa hoặc sớm quay lại thành phố. Tôi cố gắng kiên trì làm cầu nối để chồng có tình cảm nhiều hơn với bên ngoại nhưng chưa biết bao giờ có kết quả.
Mất điện thoại mượn mẹ vợ dùng tạm, nhìn bà lưu tên con rể trong máy mắt tôi cay xè Điện thoại của vợ hết pin, tôi mượn điện thoại của mẹ vợ, thử bấm vào số điện thoại của tôi xem có ai nhặt được không để xin lại. Tôi lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc khi mẹ mất sớm, bố cưới vợ hai. Những tưởng được bù đắp hơi ấm của tình mẹ, nhưng tôi đã nhầm. Bà...