Phía Bắc: Hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành Kinh tế đã giảm
Hôm nay 11/4 là ngày kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại địa phương. Thống kê sơ bộ hồ sơ đăng ký dự thi của nhiều trường THPT cho thấy số lượng hồ sơ khối ngành Kinh tế đã giảm so với năm trước.
Theo nhận định của nhiều cán bộ tuyển sinh, hiện vẫn có nhiều học sinh quan tâm và đăng ký vào khối ngành Kinh tế nhưng không còn tình trạng rầm rộ như các năm trước. Các em tỏ ra khá thận trọng trong việc lựa chọn trường chứ không hời hợt, đăng ký theo cảm tính hay theo phong trào.
Tại điểm thu nhận hồ sơ Phòng Giáo dục Đống Đa (Hà Nội) năm nay, lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) của thí sinh giảm hơn so với năm trước một chút. Bà Phạm Thị Hạnh, cán bộ thu nhận hồ sơ cho biết: “Hồ sơ của thí sinh năm nay không tập trung vào khối Kinh tế nhiều như các năm trước mà rải ra nhiều khối ngành như Kỹ thuật, Y dược, Sư phạm”.
Ông Phạm Văn Sắc – Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Thái (huyện Đan Phượng) cho biết: “Thay đổi lớn nhất trong xu hướng chọn ngành năm nay của học sinh trong trường là sự giảm mạnh hồ sơ khối ngành Kinh tế. Nhà trường đã nhận được khoảng 900 hồ sơ ĐKDT của 512 học sinh lớp 12, trong số này, học sinh tập trung chủ yếu chuyên ngành công nghệ, kỹ thuật như giao thông, cơ khí, xây dựng, một số chọn CĐ Y, CĐ nghề; nhiều nhất là hồ sơ thi vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội”.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại điểm nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT TPHCM. (Ảnh: Lê Phương)
Thông tin từ nhiều trường như THPT Đào Duy Từ, Phạm Hồng Thái, Việt Đức, Trần Phú, Nguyễn Trãi…, lượng hồ sơ nộp vào khối trường Kinh tế cũng đã giảm so với năm trước.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Đức Chiến – cán bộ thu nhận hồ sơ tuyển sinh Phòng Giáo dục Quận Cầu giấy cho biết: “Phòng đã nhận được hơn 500 bộ hồ sơ, ít hơn năm trước khoảng 300 bộ. Do là điểm thu nhận hồ sơ của thí sinh tự do nên xu hướng chọn nghề của các em rải rác nhiều trường. Tuy nhiên, so với năm trước lượng hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Thương mại nhiều nhất thì năm nay đã giảm hẳn, các em lựa chọn sang khối ngành khác nhiều hơn”.
Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q. Thanh Xuân, Hà Nội), cán bộ thu nhận hồ sơ ĐKDT của trường cho biết, số lượng hồ sơ khối A vẫn đông nhất với 450 bộ, tiếp đến là khối D1 với 349 bộ. Đặc biệt, lượng hồ sơ khối A1 tăng hơn so với năm trước là 146 bộ sau đó là đến khối B, khối C vẫn ít nhất chỉ có 16 bộ.
Cô Trần Thị Kim Liên – cán bộ phụ trách hồ sơ tuyển sinh của Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Năm nay tình trạng học sinh ĐKDT theo cảm tính đã giảm, các em đã biết chọn trường, chọn nghề theo đúng năng lực và sở trường. Nhiều em học lực trung bình đã lựa chọn thi CĐ, hoặc là đi học trường nghề. Điều này sẽ tạo hiệu ứng xã hội khá tốt, giảm bớt hồ sơ ảo, tiết kiệm được chi phí cho xã hội”.
Nhận định về ngành nghề thời gian tới, PGS. TS Phạm Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD-ĐT cho biết, khối ngành Nông lâm, kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ vẫn có xu hướng hút nhiều nhân lực. Sinh viên tốt nghiệp các ngành thuộc các lĩnh vực này nếu đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập cao, được trọng dụng.
Thí sinh vẫn còn 10 ngày nữa để nộp hồ sơ ĐKDT tại các trường ĐH, CĐ, thời gian bắt đầu từ ngày 12 đến ngày 22/4/2013.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Trường học thành nơi... nuôi gà vịt: Chính quyền lên tiếng
Ngày 5/4, đại diện lãnh đạo UBND xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao, Kiên Giang) cho biết, điểm trường Bầu Dừa bị "bỏ hoang" là do có quá ít học sinh và thừa nhận xã chưa quản lý chặt cơ sở vật chất của điểm trường này.
Trong buổi làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Tấn Phát - Trưởng phòng Giáo dục huyện Gò Quao cho biết, sau khi báo Dân trí đăng bài "Trường học thành nơi... nuôi gà vịt" phản ánh điểm trường Bầu Dừa thuộc Trường Tiểu học Thủy Liễu 1 (ấp Châu Thành, xã Thủy Liễu) bị "bỏ hoang" khoảng 3 năm và người dân tận dụng để làm nơi nuôi nhốt gà vịt, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang có chỉ đạo ngành giáo dục huyện làm rõ tình trạng trên.
Ngay sau đó, Phòng Giáo dục đã yêu cầu Ban giám hiệu Trường Tiểu học Thủy Liễu 1 có báo cáo về điểm trường này. Ông Bùi Thanh Diệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủy Liễu 1- cho biết, điểm trường Bầu Dừa được đưa vào sử dụng từ năm học 2004 - 2005, có 3 lớp với 25 học sinh (HS). Tuy nhiên qua các năm học sau, số HS lại ít dần, nhiều năm mở lớp nhưng phải ghép hai trình độ 3 2, do đó không đảm bảo tỷ lệ HS trên lớp và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các lớp này.
Vì thế, vào cuối năm học 2010 - 2011, nhà trường tiến hành họp phụ huynh, có đại diện chính quyền địa phương tham dự, thống nhất xóa điểm Bầu Dừa và cho con em đến điểm trường chính để tiếp tục học. Ngày 24/7/2011, nhà trường lập biên bản bàn giao cơ sở vật chất cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.
Theo ông Nguyễn Tấn Phát, thông thường, sau khi bàn giao cơ sở vật chất cho địa phương thì địa phương sẽ xem xét chuyển công năng sử dụng như làm trụ sở ấp, làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của địa phương. Tuy nhiên, rất có thể xã Thủy Liễu chưa bố trí được công năng của điểm Bầu Dừa nên đóng cửa từ đó đến nay. "Sau khi bàn giao cho địa phương thì ngành giáo dục không còn liên quan nữa mà trách nhiệm quản lý, sử dụng điểm trường là do địa phương", ông Phát nêu rõ.
Cũng theo ông Phát, có một "sơ suất" ở đây là sau khi bàn giao, nhà trường đã không gỡ bảng tên trường xuống dẫn đến khi tình trạng xảy ra như báo Dân trí phản ánh đã gây "hiểu lầm" cho ngành giáo dục địa phương trong việc "bỏ hoang" điểm trường này.
Ông Phát cho biết thêm, tại huyện Gò Quao có rất nhiều điểm lẻ của các trường Tiểu học tại các xã bị xóa từ năm 2009 đến nay do không đảm cho công tác dạy và học. Sau khi xóa, nhiều điểm trường đã được quản lý, sử dụng rất tốt góp phần vào sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư tại địa bàn.
Đại diện lãnh đạo địa phương cho biết sẽ khắc phục tình trạng chưa tốt tại điểm trường Bầu Dừa.
Trong khi đó, khi làm việc với PV Dân trí, đại diện lãnh đạo xã Thủy Liễu cho biết, sau khi bài báo đăng, địa phương đã cho kiểm tra lại và thấy tình trạng đúng như báo Dân trí đã phản ánh.
Theo bà Thị Phương Hồng - phó Chủ tịch UBND xã Thủy Liễu, sau khi nhận bàn giao điểm trường, xã đã giao cho ấp trông coi. Tuy nhiên, địa phương cũng không thể ngày đêm theo dõi được, do đó có thể người dân tưởng đã bỏ hoang nên tận dụng để nuôi chứa gà vịt. Bà Hồng cũng thừa nhận để xảy ra những hình ảnh không đẹp mắt, một phần là do địa phương chưa quản lý chặt chẽ, một phần cũng do ý thức của người dân chưa tốt.
Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 5/4, bà phó Chủ tịch UBND xã Thị Phương Hồng cho hay, địa phương sẽ có hướng khắc phục tình trạng này để đảm bảo điểm trường Bầu Dừa được quản lý tốt hơn.
Huỳnh Hải
Theo Dan tri
Sĩ tử háo hức tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh Đây là chương trình thường niên của Đội sinh viên tình nguyện đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhằm giải đáp những thắc mắc của "đàn em" trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ngày 24/3, chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh Hành trang sĩ tử lần thứ 3 đã được tổ chức với sự...