Phê phán việc dạy thêm có động cơ vụ lợi
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học – Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh những vấn đề mà dư luận quan tâm trước thông tin Bộ chuẩn bị siết chặt hơn việc dạy thêm học thêm.
Phát triển tràn lan do buông lỏng quản lý
Thưa ông, dù Bộ GD-ĐT đã có quy định về dạy thêm học thêm (DTHT) nhưng việc DTHT vẫn diễn ra tràn lan ở tất cả các cấp học, ngay từ lớp 1. Bộ GD-ĐT có ý kiến gì về thực trạng này?
DTHT là một hiện tượng xã hội không phải của riêng VN mà của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Bản chất của việc DTHT là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu thực sự của cha mẹ học sinh (HS) muốn nâng cao kết quả học tập của con em mình. Các trường phổ thông tổ chức DTHT nhằm: củng cố kiến thức, kỹ năng cho HS; phụ đạo HS học lực yếu kém; bồi dưỡng HS khá giỏi; ôn tập để thi vào ĐH-CĐ… Cũng có những cha mẹ HS muốn kết hợp với việc nhờ thầy cô giáo dạy thêm quản lý con cái họ trong lúc họ bận công việc. Ở rất nhiều tỉnh nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhà trường và giáo viên dạy thêm không thu tiền của HS; có nơi còn hỗ trợ HS về sách bút và các điều kiện khác để các em học tập tốt hơn. Nói một cách công bằng thì có rất nhiều thầy cô giáo trên cả nước vẫn âm thầm kèm cặp dạy dỗ HS một cách tận tình không chỉ bó hẹp trong khoảng thời gian lên lớp, không vụ lợi.
Điều đáng phê phán trong hoạt động dạy thêm là có một bộ phận giáo viên xuất phát từ động cơ vụ lợi, bằng nhiều cách khác nhau bắt ép HS học thêm gây bức xúc đối với xã hội. Hiện tượng này làm tăng gánh nặng kinh tế cho một số gia đình; gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của HS; làm quan hệ đạo đức thầy – trò bị méo mó và nghiêm trọng hơn là làm giảm lòng tin của người dân đối với ngành giáo dục.
HS sau giờ học thêm ở một trường THPT tại Q.3, TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một số nơi DTHT phát triển tràn lan còn do buông lỏng quản lý, đặc biệt là việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định DTHT của một số cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương chưa được chú trọng, chưa được triển khai quyết liệt; sự phối hợp giữa các ban ngành, cơ quan có chức năng còn hạn chế, chưa kịp thời ngăn chặn, xử phạt nghiêm minh các cơ sở, cá nhân vi phạm. Ở một số trường học, nhà trường chưa tập trung vào việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ năng lực của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế việc phải DTHT.
Xử lý người đứng đầu đơn vị
Thưa ông, từ khi có quy định về quản lý DTHT đã có địa phương nào xử lý, kỷ luật giáo viên hoặc nhà trường tổ chức dạy thêm tràn lan chưa? Bộ GD-ĐT có trực tiếp yêu cầu xử lý trường hợp nào không?
Video đang HOT
Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định DTHT, tất cả các tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về DTHT để quản lý hoạt động dạy thêm trên địa bàn. Nhiều địa phương đã tích cực đi đầu trong việc triển khai, kiểm tra, đôn đốc các nhà trường, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc quy định, đồng thời xử lý kịp thời, thích đáng các trường hợp vi phạm.
Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra về thực hiện quy định; căn cứ kết quả thanh tra, Bộ đã trực tiếp yêu cầu các địa phương, đơn vị xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Trong thời gian tới, sau khi quy định mới về DTHT được ban hành, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, các trường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm; đặc biệt sẽ xử lý vi phạm đối với cả người đứng đầu cơ quan theo quy định về chế độ trách nhiệm.
Có ý kiến cho rằng, việc thanh kiểm tra, đặc biệt là hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường trong Dự thảo quy định quản lý DTHT lần này gần như không khả thi. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Việc quản lý, thanh tra, kiểm tra DTHT trong quy định trước đây cũng như trong dự thảo lần này đều yêu cầu có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý giáo dục với các ban ngành của địa phương dưới sự quản lý, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt, có phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT với các ngành khác thì nơi đó hoạt động DTHT phát huy được tác dụng tốt của nó và được xã hội ủng hộ. Nơi nào việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chỉ mới dừng lại trên văn bản thì dù quy định có chặt chẽ đến mấy, ở nơi đó DTHT vẫn dễ dàng bị biến tướng, thương mại hóa, gây bức xúc cho xã hội.
Bộ GD-ĐT có đề xuất gì với Chính phủ về việc cải thiện đồng lương để giáo viên có thể sống được bằng lương, không cố tình vi phạm quy định về DTHT?
Phấn đấu để người giáo viên sống được bằng lương là mong muốn của giáo viên và của ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế nước ta còn khó khăn, mong muốn đó chắc chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Trong lộ trình cải cách chế độ tiền lương của nhà nước, ngành GD-ĐT đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải tiến chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với giáo viên.
Nhiều biện pháp để giảm DTHT PV Thanh Niên cho rằng vấn đề mấu chốt để người học không có nhu cầu học thêm nhiều như hiện nay là HS được học 2 buổi/ngày; chương trình học không quá nặng; đổi mới thi cử, kiểm tra, không sính thành tích… Ông Vũ Đình Chuẩn khẳng định: “Bên cạnh các quy định về DTHT, ngành GD-ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy học, khắc phục DTHT tràn lan như: Rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, dành thời lượng phụ đạo tại lớp đối với HS có học lực yếu kém. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học của HS; đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho HS. Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định DTHT, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc HS học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để HS được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn ở trường; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện…
Theo TNO
Dạy thêm vẫn là thu nhập chính
Dạy thêm - học thêm là một nhu cầu có thật nên dù Bộ GD-ĐT có quy định quản lý theo chiều hướng hạn chế, nhưng trên thực tế việc này vẫn diễn ra công khai.
Đăng ký trước một năm
Chúng tôi tới lớp dạy thêm môn vật lý của thầy L.D.Đ - giáo viên Trường THPT Gia Định trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Trừ thứ hai và thứ sáu không có lớp học, các ngày còn lại trong tuần thầy dạy mỗi ngày từ 1 - 3 ca, riêng thứ bảy, chủ nhật dạy cả ngày. Học sinh (HS) học 2 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng 90 phút, học phí khoảng 1,5 triệu đồng/3 tháng/HS. Lớp học của thầy từ 40 - 50 HS, mỗi tháng thu nhập từ việc dạy thêm cũng hơn 50 triệu đồng. Tuy vậy, vào học lớp của thầy cũng không dễ. Thông thường chỉ HS nào theo học từ lớp 10 mới có cơ hội học chuyển tiếp lên, còn HS mới xin học giữa chừng thì rất khó.
Thu nhập của tôi như vậy là ít chứ có giáo viên chỉ cần vài năm dạy thêm đã mua biệt thự trong nội thành
Một giáo viên dạy thêm
HS tại TP.HCM đều biết đến lớp dạy thêm ở Q.Phú Nhuận của giáo viên một trường THPT chuyên. Để được vào những lớp của thầy, ngay từ đầu năm lớp 8, phụ huynh đã phải đăng ký để có chỗ học cho con em khi vào lớp 9. Thầy dạy thêm chuyên nghiệp đến nỗi tạo riêng một website để thông báo thời khóa biểu cho từng năm học.
Cũng là giáo viên của một trường THPT chuyên tại TP.HCM nhưng thầy N.H dạy từng nhóm tối đa 10 HS theo yêu cầu. Đây chủ yếu là những HS con em gia đình khá giả và như lời thầy thì có em nhà giàu "không thể tưởng tượng". Phụ huynh tự đứng ra tổ chức lớp, tìm địa điểm phù hợp, tự thu học phí, thầy chỉ việc đến dạy và cuối tháng nhận thù lao. "Nói chung thu nhập cao hơn gấp nhiều lần lương giáo viên. Thu nhập của tôi như vậy là ít chứ có giáo viên chỉ cần vài năm dạy thêm đã mua biệt thự trong nội thành", thầy H. thông tin.
Có cả trợ giảng
Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm tới lớp dạy thêm tiếng Anh của thầy N.C.D đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Lớp học là phòng khách của gia đình và khoảng sân trước nhà. Khi giảng bài, thầy thường đứng sát cổng và dạy 2 lớp cùng một lúc. Có ngày, HS đông quá, thầy quản không nổi thì nhờ một "trợ giảng" tên Lan quản lý lớp nhỏ bên trong. Do vậy mà tiếng giảng bằng micro bên ngoài của thầy hòa cùng với lời giảng của cô Lan bên trong nhiều khi tạo thành tạp âm, HS rất khó phân biệt. HS học 2 buổi/tuần, mỗi buổi 90 phút, tùy từng khối lớp, học phí dao động từ 130.000 đến 150.000 đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng khoảng 10 lớp, mỗi lớp khoảng 50 HS. Với mức học phí như trên, hằng tháng thầy thu nhập khoảng 75 triệu đồng.
Khi đề nghị nhận định một cách khách quan về việc dạy thêm - học thêm, thầy N.H cho biết: "Từ khung chương trình của Bộ GD-ĐT, hiện nay trường nào cũng tổ chức soạn giáo án có khối lượng bài tập gấp 10 lần sách giáo khoa. Vì vậy, để giải quyết hết khối lượng bài tập, HS phải tìm thầy cô hướng dẫn cho mình cách làm bài. Bên cạnh đó, lý do quan trọng hơn cả là nếu chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa thì HS khó có thể đậu ĐH vì khoảng cách giữa đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh ĐH như một trời một vực. Thế nên HS chỉ còn cách là đi học thêm".
Lớp học thêm tiếng Anh tại nhà một giáo viên ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: M.L
Do đó, bao năm qua việc dạy thêm-học thêm bị xã hội lên án nhưng chưa khi nào giải quyết được một cách triệt để. Ông Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), từng chia sẻ với báo chí về vấn đề này rằng: "Nếu nói đó là hệ lụy của chương trình học hiện nay quá nặng thì chưa đủ mà cốt lõi của vấn đề này nằm ở chỗ chế độ thi cử, tuyển sinh cũng như kế hoạch phân luồng HS ở bậc học phổ thông chưa tốt. Vì vậy, hầu hết HS đều có tâm lý tốt nghiệp THPT là phải vào ĐH trong khi lối vào bậc học này vô cùng nhỏ hẹp. Thế nên việc dạy thêm - học thêm sẽ còn tiếp tục diễn ra".
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm quản lý việc DT của giáo viên. Một hiệu trưởng khẳng định: "Đây là nhiệm vụ bất khả thi vì mỗi trường có hàng trăm giáo viên mà địa bàn cư trú khác nhau, có người tổ chức dạy tại nhà, có người thuê địa điểm, có người đến nhà HS... hiệu trưởng nào kiểm tra cho xuể. Trong khi đó luật Viên chức cho phép người lao động được làm thêm ngoài giờ hành chính những việc thuộc chuyên môn của mình. Thế nên, nhà nước cấm cũng rất khó". Có hiệu trưởng còn cho biết thêm: "Dù xã hội không đồng tình nhưng nhu cầu HS vẫn nhiều và thu nhập của việc làm này không hề thấp. Chi bằng, hãy coi đó là một nghề. Cũng như ngành y, bác sĩ được mở phòng khám tư thì đến lúc nhà nước cũng có quy định cụ thể về việc mở lớp học thêm. Quyền quản lý, giám sát thuộc các địa phương từ cấp phường, xã trở lên. Nếu địa điểm nào tổ chức lớp dạy không có phép thì xử lý".
6 điểm mới trong Dự thảo quy định quản lý dạy thêm - học thêm Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GD Trung học Bộ GD-ĐT, cho biết Dự thảo quy định quản lý dạy thêm - học thêm sắp ban hành có 6 điểm mới: 1. Không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước những nội dung mà giờ chính khóa sẽ dạy. 2. Quy định thời lượng dạy thêm cho một HS/tuần, số tiết/ buổi học và thời gian của mỗi tiết học đối với từng cấp học. 3. Đối với dạy thêm - học thêm trong nhà trường: - HS muốn học thêm phải tự viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ HS (hoặc người giám hộ) có con em xin học thêm phải trực tiếp ký, ghi nội dung cam kết với
nhà trường. - Nhà trường phải phân loại HS theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ HS (không tổ chức lớp dạy thêm - học thêm theo các lớp học chính khóa). - Giáo viên muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm, nhà trường xét duyệt danh sách, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu dạy thêm phù hợp với trình độ HS. 4. Đối với dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm phải ký cam kết với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt điểm dạy thêm - học thêm về thực hiện đúng các quy định dạy thêm - học thêm và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm - học thêm; phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng của địa phương (xã, phường, thị trấn) và tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước khi thực hiện dạy thêm về: giấy phép dạy thêm - học thêm, danh sách người dạy thêm, danh sách người học, nội dung, chương trình dạy thêm - học thêm, thời khóa biểu, mức thu tiền học thêm. 5. Một số nội dung trước đây giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản quy định thì lần này được quy định thống nhất trên toàn quốc như: quy định tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm trong và ngoài nhà trường; thu và quản lý tiền học thêm; tiêu chuẩn đối với người dạy thêm; thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm... 6. Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm quản lý dạy thêm - học thêm của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, huyện đến xã; các cấp quản lý giáo dục từ sở, phòng GD-ĐT đến các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm - học thêm và của người dạy thêm. Tuệ Nguyễn (ghi)
Theo TNO
Tình yêu dành cho anh Biết là hết hy vọng nhưng người em yêu chưa là chú rể thì em còn có quyền yêu anh. Anh có nhớ mình quen nhau khi nào không? Một ngày thật tình cờ anh nhỉ! Ngày đầu tiên khi em từ bộ phận thu ngân chuyển sang bộ phận lễ tân còn anh thì là khách quen của quán, em thì lay...