Phe Clinton cáo buộc Kremlin “đứng sau giật dây” bầu cử Mỹ
Bê bối rò rỉ email mới nhất của Đảng Dân chủ trong bầu cử Mỹ đã hé lộ nhiều bất ngờ.
“Các tin tặc Nga, với sự hậu thuẫn của điện Kremlin, là nhân tố bí ẩn đứng sau vụ bê bối mới nhất của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ, dẫn tới quyết định từ chức của một chính trị gia”.
Đó là quan điểm một số nhà phân tích, cũng như ban vận động của bà Hillary Clinton đưa ra sau khi hàng loạt thư điện tử của đảng này bị rò rỉ ngay trước thềm Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ, sự kiện mở đường cho vai trò ứng cử viên Tổng thống của bà Clinton.
Tháng trước, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ (DNC) và công ty CrowdStrike cho biết, các tin tặc (có khả năng) đại diện cho 2 cơ quan tình báo Nga đã đột nhập vào các máy chủ của DNC và tiếp cận thông tin nghiên cứu đối thủ cùng thư điện tử của đảng này.
Gần 20.000 email, tài liệu nội bộ của Đảng Dân chủ bị WikiLeaks tung ra, dẫn tới quyết định từ chức của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ (DNC) Debbie Wasserman Schultz và mở ra bê bối phanh phui cách thức hoạt động của Đảng này nhằm “đẩy” Hillary Clinton lên, “dìm” Bernie Sanders xuống.
Ngay sau đó, trưởng ban vận động bầu cử của bà Clinton đã lên tiếng cáo buộc Nga đứng sau vụ rò rỉ nhằm trợ giúp Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump lên làm Tổng thống.
Theo cây viết Michael Crowley của Polico, đây là động thái “trả đũa” của Tổng thống Nga khi bị bà Hillary Clinton, lúc ấy là Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích về kết quả bầu cử.
5 năm trước, khi các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin bùng phát vào tháng 12/2011, ông Putin đã nói rõ, ông cho rằng người đứng sau vụ việc là: Hillary Clinton. “Bà ta nói rằng kết quả thiếu trung thực và không công bằng”, ông Putin phát biểu trước công chúng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những cáo buộc này có thực sự nhằm vào Tổng thống Putin? Hay có mục đích khác?
Dennis Kucinich, chính trị gia Mỹ, người từng 2 lần trở thành ứng viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ cho rằng: việc ban vận động của bà Clinton cáo buộc Nga chỉ là một động thái “tránh né” nhằm chuyển hướng dư luận khỏi bê bối của đảng này.
Theo ông Kucinich, vấn đề không nằm ở chỗ ai mới là người đánh cắp email, mà là những thông tin được tiết lộ. Ông Kucinich cho rằng, DNC đã có những động thái “phản dân chủ”.
“Khái niệm công bằng trong chính trị Mỹ là điều mà rất nhiều người coi trọng, nhưng rõ ràng, DNC thì không”.
Cựu ứng viên của Đảng Dân chủ cho rằng: cáo buộc nhằm vào Nga cho thấy lập trường đối đầu với Moscow của bà Clinton và đó là một tính toán sai lầm trong chính sách đối ngoại của cựu Ngoại trưởng Mỹ.
“Nước Mỹ phải nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga trong các vấn đề an ninh liên quan tới hòa bình thế giới”. Quan điểm chính trị đối đầu gay gắt với Nga cần phải được cân nhắc lại, ông Kucinich nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã đưa vấn đề này ra trao đổi với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề hội nghị ASEAN tại Lào, nhưng không đưa ra cáo buộc nhằm vào ai. Trong khi đó, ngay đầu cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga đã gạt những cáo buộc sang một bên.
Một tin tặc tự nhận là Guccifer 2.0 đã ra mặt và nhận trách nhiệm. Anh ta cũng tuyên bố mình không liên quan tới các cơ quan tình báo của Nga.
Theo Soha News
'Cây gậy' phán quyết Biển Đông sẽ được dùng thế nào tại hội nghị ASEAN
Trong khi Hiệp hội ASEAN tỏ ra thận trọng với phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, các nước đối tác có thể tận dụng tối đa "cây gậy" này.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, người mới nhậm chức được vài tháng, đại diện cho chính quyền mới của Tổng thống Duterte tại hội nghị ASEAN ở Lào 23-26/7 . Ảnh: AP
"Với vai trò là nước chiến thắng sau phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng phản ứng của Philippines tại Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan cuối tuần này là điều không dễ đoán, khi nước này có tổng thống mới", Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Viện phó Viện Luật so sánh, Đại học luật Hà Nội, trao đổi với VnExpress.
Hội nghị của các ngoại trưởng ASEAN (AMM-49), Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 23 (ARF 23) và Hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 6 (EAS FMM - 6) sẽ diễn ra tại Vientiane, Lào, từ ngày 23 đến 26/7.
Theo Tiến sĩ Thắng, khác với cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino, người khởi xướng vụ kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò", tân Tổng thống Rodrigo Duterte đã tỏ thái độ muốn "giảng hòa" với Trung Quốc. Ông Duterte muốn sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài để đàm phán với Bắc Kinh. Tuy nhiên cách tiếp cận của Manila tại AMM 49 và các hội nghị liên quan lần này có thể chịu ảnh hưởng của các nước liên quan, mặc dù không đẩy vấn đề tới mức quá căng thẳng.
Đánh giá về việc ASEAN không ra tuyên bố chung sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines hôm 12/7, ông Thắng cho rằng điều bị coi là "chia rẽ" này cũng có khía cạnh tích cực.
"ASEAN không ngay lập tức phất cao ngọn cờ, đẩy Trung Quốc vào thế phải tuân thủ phán quyết, để Bắc Kinh có thời gian điều chỉnh. Đây có thể xem là thái độ tích cực chứ không hẳn thụ động nhằm làm dịu tình hình", ông Thắng nói.
Chuyên gia của Đại học Luật nhắc lại trong chiến lược của Trung Quốc Biển Đông được coi là lợi ích cốt lõi, Bắc Kinh muốn xây dựng lại trật tự khu vực theo cách họ muốn. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiến ở mức nào thì họ sẽ phải "nhìn ngó" phản ứng của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, để không đến mức dẫn tới đối đầu. Nếu Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch quân sự hóa ở Biển Đông, Mỹ sẽ can thiệp mạnh hơn, có nhiều chuyến tàu và máy bay tuần tra, điều đó có thể dẫn tới khủng hoảng an ninh trong khu vực.
"Tại các hội nghị này của ASEAN, các cường quốc chắc chắn sẽ gây sức ép lớn với Bắc Kinh, bởi trước đây Mỹ, Nhật chưa có cơ sở pháp lý để can thiệp vào tình hình Biển Đông", ông Thắng nói.
Với góc nhìn thận trọng hơn, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an, lưu ý Philippines có thể tận dụng phán quyết của Tòa trọng tài để thảo luận với Trung Quốc nhằm mang lại các lợi ích của riêng Manila. ASEAN vẫn ra được Tuyên bố chung nhưng chưa chắc đã nhắc tới việc thúc giục thực thi phán quyết của Tòa trọng tài.
Theo ông Cương, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác quan tâm đến hòa bình ở khu vực sẽ đề nghị các bên liên quan tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, tôn trọng tự do hàng hải.
"Hoạt động của Trung Quốc ngày càng phức tạp, tuy nhiên mức độ Bắc Kinh dấn lên ở mức nào, thì họ vẫn phải dò xét phản ứng của Mỹ và các nước lớn", ông Cương nói.
Đánh giá về ý nghĩa của phán quyết ngày 12/7, thiếu tướng Cương cho rằng phán quyết đã tạo ra cơ sở pháp lý để Việt Nam, Philippines và các nước thuộc ASEAN cùng có tranh chấp "có thêm chiếc gậy" để đấu tranh với Trung Quốc. Quyết định này của Tòa mang ý chí, nguyện vọng của cả cộng động quốc tế, dù có phản đối nhưng Bắc Kinh cũng phải tính đến "liều lượng", không thể quay lưng lại với cộng đồng quốc tế để "muốn làm gì thì làm".
Nói về vai trò của ASEAN, Tiến sĩ Thắng nhận định mặc dù có những thời điểm Hiệp hội chưa tạo ra được những bước chuyển lớn nhưng thực tế các nước vẫn phải vận dụng biện pháp ngoại giao là chính hậu phán quyết của Tòa trọng tài.
"Nhiều người cho rằng ASEAN không làm được gì, phủ nhận vai trò của ASEAN nhưng tôi nghĩ tiếng nói khu vực có ý nghĩa rất quan trọng. Việt Nam nên thúc đẩy các biện pháp ngoại giao trong khuôn khổ ASEAN, tham vấn để cùng các nước xây dựng tiếng nói chung", ông Thắng nhận định.
Việt Anh
Theo VNE
Căng thẳng Biển Đông phủ bóng lên hội nghị ASEAN tại Lào Các chuyên gia cho rằng ASEAN khó lòng ra được tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài, nhưng ít nhất sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông. Hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày 14/6 tại Côn Minh, Trung Quốc. Ảnh: AFP Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và...