Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao
Những năm gần đây, các địa phương ven biển của tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung, đáp ứng yêu cầu nuôi trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) từng bước được đầu tư cơ sở hạ tầng.
Khu NTTS tập trung của xã Hoằng Phong, với hơn 300 ha, 160 hộ tham gia NTTS và đã có nhiều hộ chuyển từ mô hình nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi tôm công nghiệp thâm canh. Trong đó, thông qua Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa”, vốn vay WB, khu NTTS tập trung của xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) được triển khai các tiểu dự án xây dựng trạm biến áp, đường dây trung thế, hạ thế cho vùng nuôi xã Hoằng Phong, gồm 2 trạm biến áp, mỗi trạm có công suất 160KVA; hơn 8,5km đường dây trung, hạ thế; với diện tích 137 ha… Ngoài diện tích dự án đầu tư, một số hộ đã đầu tư xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghiệp, với nguồn vốn từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha, bao gồm: Bạt, hệ thống ống cấp thoát nước, hệ thống điện, máy quạt nước… Với sự đầu tư bài bản cùng với ứng dụng công nghệ cao, doanh thu bình quân đạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/ha/vụ.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng NTTS hơn 120 tỷ đồng, như: Khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa); vùng NTTS Đông – Phong – Ngọc (Hà Trung); cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc) và đưa vào sử dụng 2 vùng NTTS an toàn tập trung tại các xã Nga Tân (Nga Sơn), Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), với diện tích 300 ha. Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA đầu tư dự án nguồn lợi thủy sản ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đầu tư 10 vùng NTTS nước lợ tại các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương)… Với sự đầu tư cơ sở hạ tầng vùng NTTS tập trung, các địa phương ven biển của tỉnh đã phát triển được 500 ha nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình nuôi tôm công nghiệp thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi trong nhà bạt, nuôi công nghệ biofloc… đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, đã có một số cơ sở đang áp dụng nuôi tôm bằng hình thức bể nổi, khung sắt. Đây là mô hình được đánh giá có hiệu quả cao, áp dụng cho nuôi trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay điều kiện hạ tầng NTTS nước mặn, lợ phần lớn chỉ đáp ứng cho hình thức nuôi tôm quảng canh, do hệ thống cấp thoát nước chung nhau, hệ thống giao thông không thuận lợi, không có điện cho vùng nuôi,… nên gặp khó khăn khi phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Một số diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn, trồng cói kém hiệu quả đã được các địa phương lập dự án chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ nhưng hiện tại thiếu nguồn vốn đầu tư để đầu tư hạ tầng. Hiện các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư hệ thống cấp, thoát nước chính, hệ thống điện, đường giao thông phục vụ nuôi tôm nước lợ cho 4 vùng nuôi với diện tích 1.346 ha, gồm: Vùng NTTS các xã Nga Tiến, Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn), với diện tích 285 ha; vùng NTTS các xã Hoằng Yến, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, Hoằng Châu (Hoằng Hóa), với diện tích 825 ha; vùng NTTS xã Đa Lộc (Hậu Lộc), với diện tích 64 ha; vùng NTTS xã Quảng Trung (Quảng Xương), với diện tích 172 ha.
Xã Hoa Lộc nỗ lực "về đích" nông thôn mới nâng cao
Hoa Lộc là xã vùng màu, nằm về phía Đông của huyện Hậu Lộc. Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hoa Lộc đã về đích NTM (2016) và đến nay đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao.
Thành quả ấy đã, đang tạo ra động lực mạnh mẽ khích lệ, động viên cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hoa Lộc vững tin tiến lên trong giai đoạn mới.
Mô hình cà chua xuất khẩu của gia đình anh Phạm Khắc Tiến, thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc cho hiệu quả kinh tế. Ảnh: Ngọc Anh
Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh và huyện, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hoa Lộc đã chủ động chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM theo các bước, trình tự cụ thể. Tổ chức họp ban chấp hành đảng bộ ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, thành lập ban chỉ đạo; đồng thời xây dựng chương trình hành động thực hiện, phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ban chấp hành, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức phụ trách và hướng dẫn các thôn tổ chức thực hiện. Từ đó căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể từng năm và triển khai đến các đơn vị thực hiện. Thường xuyên giao ban nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để đề án thực sự đi vào cuộc sống.
Bằng các biện pháp tuyên truyền, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể để người dân thấy được vai trò chủ thể của mình và ý nghĩa của chương trình. Bên cạnh đó, xã đã biểu dương những cách làm hay, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM để toàn dân hăng hái tham gia. MTTQ xã, ban công tác mặt trận các thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào thi đua đồng thời tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hội nông dân, hội phụ nữ tổ chức nhiều buổi tập huấn, mở lớp dạy nghề, tổ chức các hội thi chung tay xây dựng NTM. Hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", "Thanh niên làm theo lời Bác" vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu đi đầu trong các phong trào, làm kinh tế giỏi, xung kích trong phong trào bảo vệ môi trường. Hội người cao tuổi với phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", mẫu mực làm gương động viên con cháu tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; thực hiện tốt việc tổ chức tang lễ theo quy ước nếp sống mới và các giá trị văn hóa truyền thống. Từ những cách làm hay, những mô hình điển hình được tuyên truyền kịp thời, đã có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã.
Xác định rõ xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cùng với những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện về hỗ trợ vốn xây dựng NTM, xã đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu các thôn và Nhân dân đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo tiêu chí NTM, như: đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, mương tiêu thoát nước khu dân cư, nhà văn hóa thôn... Bên cạnh đó, xã đã thực hiện chính sách đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn, dự án hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, kêu gọi sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp và đóng góp của Nhân dân.
Với quan điểm xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân để tạo nguồn lực đóng góp của Nhân dân, "Lấy sức dân để lo cho dân", "Nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng NTM" và Nhân dân là người trực tiếp hưởng thụ, trong những năm qua địa phương đã ưu tiên phát triển ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Đưa cây trồng có giá trị thu nhập kinh tế cao, các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thâm canh trồng lúa cánh đồng mẫu lớn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Đưa mô hình máy gặt đập liên hợp, máy làm đất vào trồng trọt, góp phần giảm công sức lao động của người nông dân, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế... Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đời sống của Nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 50 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,8%, bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, đổi mới toàn diện.
Quá trình triển khai xây dựng NTM và duy trì, xây dựng xã NTM nâng cao đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Hoa Lộc. Bộ mặt xã đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Công tác xóa đói, giảm nghèo, chính sách đền ơn, đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng NTM ngày càng được Nhân dân hưởng ứng tích cực, cảnh quan môi trường được cải thiện; trật tự xã hội được đảm bảo, quy chế dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Nguồn vốn huy động đầu tư cho nâng cao cơ sở hạ tầng là rất lớn trong thời gian ngắn, nhưng địa phương đã bám sát quy chế dân chủ huy động đóng góp phù hợp với sức dân, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên và kêu gọi sự ủng hộ của con em xa quê, người hảo tâm, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích nên không xảy ra thắc mắc, không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Xây dựng NTM tuy đã đạt được kết quả nhất định, song, điều kiện kinh tế địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng nhà văn hóa các thôn còn hạn chế. Thời gian xây dựng NTM nâng cao ngắn đã phần nào gây áp lực đến sức đóng góp của người dân...
Ông Trịnh Quốc Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc cho biết: Trước những khó khăn trên, xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã NTM nâng cao, sau đó triển khai sâu rộng đến các chi bộ, cán bộ, đảng viên và người dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Xã cũng giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội vào cuộc phối hợp thực hiện. Cùng với đó là xem xét các chỉ tiêu chưa đạt để có giải pháp đồng bộ, tập trung nguồn lực thực hiện đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu đề ra. Tin tưởng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, trong quý I năm 2021 xã sẽ được công nhận xã NTM nâng cao và đến quý I năm 2022 được công nhận xã NTM kiểu mẫu.
Chính phủ đặt mục tiêu có 500 doanh nghiệp công nghệ cao Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao và 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chương...