Phát triển vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc bằng song ngữ
“Chúng tôi vui lắm vì gần đây các em rất hăng say học tập, có hứng thú khi đến trường, đến lớp!”, thầy giáo Đoàn Minh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) hồ hởi chia sẻ sau thời gian triển khai đề án phát triển vốn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bằng dạy, học tiếng Mông.
Giảng dạy tiếng Mông đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, đặc biệt là việc bảo tồn chữ viết của đồng bào Mông
Bất đồng ngôn ngữ
Pu Nhi là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông. Ở đây, gần như 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Họ cần mẫn, chịu khó song vẫn giữ tập quán sản xuất cũ, quanh năm “vắt vẻo” trên các lưng đồi, sườn núi để làm ra bắp ngô, củ sắn sinh nhai. Pu Nhi vẫn có đến hơn 90% số hộ gia đình thuộc diện nghèo, bởi thế, việc quan tâm đến sự học của con em mình hầu như không có. Với các thầy cô giáo thì học sinh đến trường được đã quý, làm sao để giữ được các em ở trường theo học suốt cả một năm lại càng quý giá hơn.
Sở dĩ cũng bởi do địa hình chia cắt nên ngoài điểm trường trung tâm, Trường Tiểu học (TH) Pu Nhi phải thành lập thêm 4 điểm trường lẻ để thuận tiện cho các em theo học. Ở đây có 337 học sinh thì 100% là con em đồng bào Mông. Ít tiếp cận với thế giới bên ngoài, lúc ở nhà chỉ lên rừng kiếm củi, chăn trâu, làm nương theo bố mẹ, nên hầu hết các em đều thiếu tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là vốn ngôn ngữ tiếng Việt còn hạn chế.
Vì vậy, trong suốt một quá trình khá dài, chất lượng học tập của các em học sinh ở đây vẫn chưa được như mong muốn bởi vốn tiếng Việt của nhiều em vẫn còn rất hạn chế. Nhiều lúc chỉ với một câu hỏi mà giáo viên phải nêu lên nhiều lần nhưng các em vẫn không hiểu, không trả lời được.
“Nhiều em sau khi lên lớp còn đọc chậm và phát âm sai, viết sai chính tả, nhiều học sinh thiếu tự tin trong giao tiếp và trong học tập. Các em không tự tin tương tác cùng các bạn để phấn đấu vượt khó trong học tập. Nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do các em còn ít vốn tiếng Việt nên việc tiếp thu kiến thức thụ động và chóng quên”, thầy Đoàn Minh Cường tâm sự.
Cứ sau mỗi dịp hè thì các thầy cô giáo ở đây lại lo “ngay ngáy” vì nhiều em quên luôn cả việc đọc, viết và làm Toán. Một số em còn hầu như chưa biết và giao tiếp được bằng tiếng Việt. Đối với số học sinh qua mẫu giáo thì việc giao tiếp bằng tiếng Việt của các em còn nhiều khó khăn. Các em chỉ nghe và hiểu được những câu lệnh đơn giản như “Trật tự”, “Ra chơi”, “Vào lớp” hay “Ra về”…
Video đang HOT
Ở trường thì vậy, còn ở gia đình, việc tạo thói quen và bồi dưỡng tiếng Việt của các em hầu như không có bởi đồng bào Mông sống riêng lẻ theo hộ, nhóm hộ tận các rừng sâu. Hãn hữu lắm họ mới có cơ hội giao tiếp với người Kinh. Nhiều gia đình không nói được tiếng Việt hoặc ít sử dụng tiếng Việt nên việc sinh hoạt giao tiếp trong gia đình hầu như bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, khi trẻ ra lớp thường chưa nói và hiểu được tiếng Việt.
Từ việc phát triển vốn tiếng Việt bằng phương pháp dạy tiếng Mông, không còn hiện tượng học sinh nghỉ học và bỏ học giữa chừng. Ảnh: T.G
Hoá giải bất đồng bằng song ngữ
Từ thực tế trên, từ năm học 2013 – 2014, nhà trường chính thức thực hiện đề án dạy tiếng dân tộc Mông cho các em học sinh khối lớp 3, 4, 5 tại điểm trường trung tâm. BGH nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, giao cho các tổ chuyên môn, Tổng phụ trách Đội có trách nhiệm tổ chức các sân chơi trí tuệ, các trò chơi dân gian trong cácbuổi học để các em học sinh có cơ hội giao tiếp với nhau, qua đó nâng cao vốn ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời rèn cho các em tính bạo dạn và tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt.
Tập thể BGH đã cố gắng tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Có thể kể đến, đó là việc đổi mới phương pháp dạy học, tăng thời lượng một số môn học cơ bản như: Toán, Tiếng Việt. Bên cạnh đó còn tăng cường phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng, tổ chức các hình thực học tập như học theo nhóm, đôi bạn cùng tiến, nhiều tiết học kéo dài.
Giáo viên trong trường cũng vận dụng nhiều giải pháp trong việc tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh. Điển hình có thầy giáo Sủng A Nhan, người dân tộc Mông, trực tiếp là người dạy tiếng dân tộc. Do thấu hiểu tính cách, con người và quan niệm sống của đồng bào Mông nên thầy Nhan đã đề xuất với nhà trường tổ chức ngày càng nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức các sân chơi tiếng Việt và dạy học lồng ghép giữa tiếng Mông và tiếng Việt vào trong giao tiếp, dịch các đoạn hội thoại, thơ, văn từ tiếng Mông sang tiếng Việt.
“Trong quá trình giảng dạy các em, tôi còn tổ chức các trò chơi dân gian, biên dịch lời bài hát từ tiếng Việt ra tiếng Mông như các bài: Đi học xa, Em yêu trường em; cho các em hát bằng cả hai thứ tiếng. Sau nhiều lần như thế đã giúp cho các em hứng thú hơn, thích học bài, thích đến trường hơn. Các em đã tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt”, thầy giáo Sủng A Nhan nói.
“Việc thầy giáo Sủng A Nhan thực hiện dạy học môn tiếng dân tộc Mông và áp dụng đổi mới phương pháp dạy học vào quá trình giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giảm thiểu số lượng học sinh bỏ học. Nhiều giáo viên đã thấy được hiệu quả của việc tăng cường tiếng Việt trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục nên đã hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện giải pháp như trong quá trình dạy tiếng Việt cũng dịch các đoạn văn, đoạn thơ, giải nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Mông để học sinh hiểu rõ hơn”, thầy giáo Đoàn Minh Cường nói.
Thầy Cường cũng cho biết thêm, hiện nhiều gia đình đồng bào Mông cũng đã có ý thức sử dụng một phần tiếng Việt trong giao tiếp nên ngày càng nhiều em có được vốn tiếng Việt tốt khi vào lớp, chất lượng học tập cũng tăng lên qua mỗi năm; đặc biệt ở đây không còn hiện tượng học sinh nghỉ học và bỏ học giữa chừng.
Minh Thịnh
Theo GDTĐ
VOV 4 khánh thành phòng đọc thư viện trường tại Hà Giang
VOV4 phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy khánh thành thư viện trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Minh Tân.
Trong những ngày tháng 2 lịch sử, kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2), hướng tới 60 năm ngày thành lập lực lượng BĐBP và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân (3/3), Ban Dân tộc VOV4 - Đài TNVN phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Thanh Thủy tổ chức Lễ khánh thành thư viện trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Minh Tân- huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình, c hính thức đưa điểm thư viện trường THCS bán trú Minh Tân đi vào hoạt động
Minh Tân là xã biên giới vùng cao của huyện Vị Xuyên, mảnh đất chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh biên giới phía bắc của Tổ quốc. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Thông qua chương trình Kết nối 54 của Ban Dân tộc- Đài TNVN, gia đình ông Trần Xuân Đức và Nguyễn Năm- hai người lính trên mặt trận Vị Xuyên năm xưa, đã nhận tài trợ chính cho công trình xây dựng điểm thư viện trường THCS bán trú xã Minh Tân, góp phần đưa ánh sáng tri thức về bản làng, xây dựng văn hóa đọc cho các em học sinh dân tộc thiểu số nơi biên giới.
Ông Trần Xuân Đức bày tỏ: "Là những người lính Hà Tuyên năm xưa, chúng tôi luôn nung nấu ao ước làm điều gì đó cho đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, nay vô cùng xúc động khi ý nguyện của chúng tôi đã được thực hiện. Cảm ơn chương trình Kết nối 54 và CBCS biên phòng đã giúp chúng tôi hoàn thành công trình, đóng góp một phần vào sự nghiệp giáo dục trồng người. Chúng tôi hy vọng nhà trường và các cháu học sinh sẽ sử dụng công trình này hiệu quả, bổ sung và nâng cao kiến thức cho cả thầy và trò, góp phần xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh".
Điểm thư viện trường PTDTBT THCS Minh Tân có diện tích hơn 80m2 được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2018, với tổng kinh phí gần 240 triệu đồng. Phòng thư viện khang trang, sạch đẹp, góp phần tạo môi trường sinh hoạt, rèn luyện và phục vụ tốt cho nhu cầu đọc sách của gầm 500 em học sinh đang học tập tại trường.
Phát biểu tại lễ khánh thành, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người dân địa phương, ông Tạ Đức Toàn, Trưởng Ban Dân tộc VOV4 - Đài TNVN cảm ơn lãnh đạo xã Minh Tân, bà con nhân dân địa phương và đăc biệt sự tham gia góp công sức của CBCS đồn biên phòng CKQT Thanh Thủy đã nhiệt tình hỗ trợ hoàn thành công trình: "Chúng tôi đại diện cho những người làm công tác truyền thông của Đài TNVN bày tỏ sự tri ân, niềm tự hào đối với mảnh đất lịch sử này. Hy vọng tình cảm, trái tim kết nối yêu thương của các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục đến với các miền biên cương của Tổ quốc. Với trách nhiệm của mình, chương trình Kết nối 54 sẽ tiếp tục kêu gọi các tấm lòng thiện nguyện, để các em học sinh khó khăn học giỏi có thêm điều kiện đến trường"- ông Tạ Đức Toàn nhấn mạnh.
Đón nhận phòng thư viện mới khang trang, thầy giáo Đinh Đức Thoại- Hiệu trưởng trường THCS bán trú Minh Tân phấn khởi khi các thầy cô và học sinh sẽ có không gian đọc, nơi để tham khảo nghiên cứu tài liệu, tìm tòi kiến thức mới. Thầy Thoại cũng cho biết, từ lâu nhà trường đã có phương án xây dựng thư viện thân thiện ngoài trời, nhưng số đầu sách còn hạn chế, nay được đầu tư thêm về cơ sở vật chất, chắc chắn sẽ phục vụ tốt việc giảng dạy và học tập ở nhà trường.
Tại buổi lễ, các nhà hảo tâm của Chương trình "Kết nối 54" còn trao tặng 45 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, 10 suất quà cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai (1 triệu đồng/suất); 500 đầu sách các loại, máy vi tính, sách vở, trang thiết bị...với tổng giá trị trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị còn tặng đồn biên phòng Thanh Thủy 2 chiếc máy giặt, 2 bộ máy tính và máy in cho nhà trường, 30 chiếc radio cho bà con nhân dân trên địa bàn. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm chia sẻ khó khăn của các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm đối với học sinh vùng sâu, vùng xa. Qua đó, góp sức cùng địa phương nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; động viên giáo viên và học sinh tích cực thi đua "dạy tốt - học tốt".
Với đồng bào các dân tộc ở Minh Tân- Vị Xuyên, công trình thư viện được hỗ trợ đầu tư đặc biệt có ý nghĩa, góp phần xây dựng và duy trì, phát triển văn hóa đọc cho học sinh vùng núi, đồng thời tri ân mảnh đất địa đầu Tổ quốc- vùng đất đầy khói lửa từ chiến tranh biên giới năm xưa.
Ông Tạ Đức Toàn, Trưởng Ban Dân tộc VOV4 - Đài Tiếng nói Việt Nam trao quà cho các gia đình bị thiệt hại trong cơn giông lốc ngày 17.2 vừa qua.
*Cũng nhân dịp này, Ban Dân tộc VOV4 đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại trong vụ giông lốc vừa qua trên địa bàn xã Minh Tân và xã Thanh Thủy - huyện Vị Xuyên./.
Theo vov
Dạy tiếng Việt cho trẻ - giải pháp nâng cao chất lượng Đắk Lắk là nơi hội tụ của 47 dân tộc anh em cùng sinh sống và có tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 35,44%. Việc dạy và học tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, nâng chất cho dạy và học tiếng Việt được ngành Giáo dục xác định như một giải pháp quan trọng để nâng cao...