Phát triển văn hóa đọc: Nhiều dự án đẹp đến khó tin
Giữa hàng loạt lời “kêu cứu” bởi sự xuống dốc của văn hóa đọc thì những mô hình, dự án điển hình được nhắc đến tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ VHTTDL tổ chức cuối tuần qua lại khiến người nghe hoàn toàn tin tưởng về sức sống và sự tồn tại không thể thay thế của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy xem trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến học của các thư viện
Có thể kể đến những chương trình, dự án đã được triển khai trong thời gian qua như: Sách ơi mở ra, Dự án sách hóa nông thôn, chương trình “ Bán trái cây xây tủ sách”… Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ.
Bứt phá mạnh mẽ
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thuý Ngà, kể từ khi Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều hoạt động đã được triển khai, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức có hiệu quả.
Cụ thể, sau hơn một năm thực hiện Đề án, hoạt động thư viện cả nước đã chuyển mình mạnh mẽ, thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước cũng như nhu cầu đọc sách của nhân dân. Đáng chú ý là sự đổi mới trong phương thức hoạt động, ngoài phục vụ tại chỗ, các thư viện đã triển khai phục vụ lưu động và phục vụ qua không gian mạng; cải cách và đổi mới việc cấp thẻ thư viện bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam…
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện, phát triển các loại hình dịch vụ mới và làm mới những dịch vụ truyền thống, chú trọng các dịch vụ ứng dụng CNTT, dịch vụ hướng đến các đối tượng như thiếu nhi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, phạm nhân… “Việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện đã tạo điều kiện tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, phục vụ học tập suốt đời của nhân dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”…”, bà Ngà nhấn mạnh.
“Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa đọc, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo cụ thể về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện công cộng. Tại Hội thảo phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra phương hướng cho sự phát triển của thư viện trong thời kỳ mới: Ngành Thư viện cần thay đổi nhận thức để thư viện không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu mà còn phải là nơi trao truyền tri thức, thu hút người dân đến với thư viện bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, ứng dụng CNTT để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường liên kết để chia sẻ nguồn dữ liệu số”, Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.
Video đang HOT
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2018 cho các tập thể
Những dự án đẹp đến… khó tin
Không “sung sức” như thời kỳ trước nhưng văn hóa đọc luôn luôn khẳng định vị trí không thể thay thế trong đời sống cộng đồng. Chính bởi vậy mà giữa thời đại 4.0, khi không ít diễn đàn lên tiếng rằng sự phát triển của công nghệ sẽ lấn át và thậm chí làm chết văn hóa đọc truyền thống thì trong cộng đồng vẫn luôn hiện lên những điểm sáng, qua đó bạn đọc hoàn toàn tin tưởng vào sự tồn tại theo một cách riêng của văn hóa đọc thời hiện đại. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực chung tay phát triển văn hóa đọc với nhiều mô hình khác nhau: thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, không gian đọc sách, tủ sách dòng họ… Đến năm 2018, cả nước đã có trên 100 thư viện tư nhân. Điển hình như Thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Thư viện thôn Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội), Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (TP Hồ Chí Minh)…
Nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa nhân văn cũng đã được các tổ chức, cá nhân triển khai như: Sách ơi mở ra, Dự án sách hóa nông thôn, chương trình “Bán trái cây xây tủ sách”… Chắc hẳn sẽ có nhiều người khó tin rằng vẫn còn có rất nhiều cá nhân tâm huyết đến vậy, với tình yêu với sách đã lặn lội khắp mọi vùng miền, dùng tiền túi để tạo dựng những tủ sách, gây dựng và phát triển các mô hình đọc sách trong cộng đồng. “Những chương trình, dự án đó đã tạo ra nhiều điểm sáng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, mở ra nhiều cơ hội cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội để tiếp cận với sách, báo và văn hóa đọc…”, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà.
Nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, cùng với những kết quả đạt được thì vẫn còn đó những khó khăn mà văn hóa đọc đang phải đối diện. Nhiều thư viện cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí hoạt động thiếu thốn. Hiện còn 5 thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở độc lập; khoảng 40% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hằng năm để bổ sung sách báo và tổ chức các hoạt động khác. Thư viện cấp xã, thư viện trường phổ thông chưa được quan tâm.
Hiện đại hóa thư viện đáp ứng yêu cầu cách mạng CN 4.0 còn chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Một số thư viện còn thụ động, thiếu sáng tạo, dẫn đến thu hút bạn đọc còn nhiều hạn chế. “Trong năm 2018, khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, một số địa phương chưa nghiêm túc trong thực hiện yêu cầu và tinh thần của Nghị quyết 19- NQ/TW, chủ trương và triển khai sáp nhập thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các cơ sở văn hóa khác như Bảo tàng, Quản lý di tích, Trung tâm Văn hóa… Việc sáp nhập cơ học này đã dẫn đến nguy cơ xóa sổ thiết chế thư viện ở nhiều nơi”, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đã trao Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc năm 2018 cho 13 tập thể. 6 cá nhân có thành tích tiêu biểu cũng đã được trao thưởng trong dịp này. Đây cũng là lần đầu tiên Giải thưởng Phát triển Văn hóa đọc được Bộ VHTTDL trao tặng cho các cá nhân, tập thể sau khi Bộ trưởng ký quyết định ban hành quy chế giải thưởng.
NGÂN ANH; ảnh: TRẦN HUẤN
Theo baovanhoa
32 triệu lượt bạn đọc đến thư viện trong năm 2018
Sáng 19/12, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Vụ Thư viện.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện báo cáo tại Hội nghị.
Tổng lượt bạn đọc đến thư viện đạt 32 triệu lượt
Bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Năm 2018, Vụ Thư viện đã thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao. Đặc biệt, việc triển khai dự án Luật Thư viện được thực hiện theo đúng tiến độ và quy trình. Bên cạnh đó, hoạt động thư viện đã có những bước chuyển biến lớn, tích cực chủ động, sáng tạo triển khai các dịch vụ mới trong thư viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện từng bước đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân tại địa phương, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Cụ thể: Nhiều thư viện đã sáng kiến, sáng tạo, nhiệt huyết trong việc xây dựng, hình thành thói quen đọc trong cộng đồng, tiêu biểu như: Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Quảng Ninh, Vĩnh Long...; tăng cường cải thiện, mở rộng các dịch vụ thư viện mới - dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác luân chuyển sách báo phục vụ ngoài thư viện - lượng bạn đọc ở một số thư viện đã tăng lên rõ rệt; công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện và xây dựng mới cơ sở vật chất - kỹ thuật của thư viện đã được các địa phương quan tâm;...
Mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì và củng cố, đặc biệt với hoạt động xã hội hóa được đẩy mạnh, số lượng phòng đọc cơ sở, tủ sách thôn, làng bản, ấp, khu dân cư đã tăng lên nhanh chóng với số lượng 17.385 phòng đọc sách, (tăng 3% so với năm 2017). Như vậy, tính đến hết năm 2018, cả nước đã có 21.084 thư viện với 01 thư viện Quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 663 thư viện cấp huyện, 2.970 thư viện xã và 17.385 phòng đọc cơ sở và trên 100 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Với việc nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động thư viện, nhiều địa phương trong cả nước có các chỉ số về hiệu quả hoạt động thư viện cao trong những năm qua được giữ vững như Tp. Hồ Chí Minh (34.725 thẻ), Hà Nội (14.096 thẻ), Đà Nẵng (11.011 thẻ), Đồng Tháp (8.600 thẻ)... Nhiều địa phương đã khẳng định vị thế của mình trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, với số lượng bạn đọc đến thư viện đông, lượt sách báo phục vụ lớn trong đó phải kể đến như Cần Thơ (với 1,5 triệu lượt bạn đọc và 3 triệu lượt sách báo phục vụ), Tp. Hồ Chí Minh (với 1,4 lượt triệu lượt bạn đọc và 4,5 triệu lượt sách báo phục vụ).
Ngoài ra các địa phương cũng đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tăng cường phục vụ người sử dụng thông qua mạng internet như Vĩnh Long (phục vụ 1,5 triệu lượt bạn đọc), Cà Mau (1,7 triệu lượt bạn đọc). Một số thư viện trong năm 2018 đã có những bứt phá lớn trong công tác phục vụ bạn đọc có thể kể đến như Hà Nội, Sơn La, Hà Giang, Đắk Lắk, Vĩnh Long...
Như vậy nhìn tổng thể, trong 2018, hệ thống thư viện công cộng đã đạt được kết quả với những con số đáng khích lệ trong hiệu quả hoạt động của thư viện có thể kể đến như: tổng lượt bạn đọc đến thư viện đạt 32 triệu lượt tăng 06% so với năm 2017; tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện đạt 57 triệu lượt. Với các hoạt động nêu trên, hệ thống thư viện công cộng đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân.
Tập trung trọng tâm trọng điểm cho Luật Thư viện
Phát huy các kết quả đã đạt được, thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2019, Vụ Thư viện sẽ tiếp tục Xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hoàn thiện Dự thảo Luật Thư viện, trình Quốc hội lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thư viện; Xây dựng các Thông tư quy định định mức kinh tế kỹ thuật trong hoạt động thư viện.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" và Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"; Triển khai nội dung các chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Công an.
Ngoài ra, tổ chức một số Hội nghị-Hội thảo, tập huấn như: Hội nghị Tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng: Hội nghị Công bố Luật Thư viện; Tập huấn áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực thư viện (tại hai miền Bắc/Nam); Tập huấn triển khai áp dụng mô hình thư viện phục vụ học tập suốt đời khu vực miền Bắc và miền Nam... Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng của địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách, báo, tài liệu phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước; Triển khai các Đề án của Chính phủ...
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, cố gắng và những thành quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Vụ Thư viện đã đạt được trong năm 2018.
Năm 2019, với một khối lượng công việc khổng lồ, ngoài các nhiệm vụ theo kế hoạch công tác vẫn phải thực hiện, Thứ trưởng đề nghị Vụ tiếp tục tập trung trọng tâm trọng điểm cho Luật Thư viện. Trong đó, Vụ phải tích cực và chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan trong Bộ, với các Ban, Bộ, ngành, cơ quan liên quan để đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, kết quả cuối cùng chính là Luật Thư viện được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng khẳng định sẽ luôn sát sao, đồng hành, ủng hộ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch công tác của Vụ và bày tỏ sự tin tưởng, với sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Vụ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Lan Anh
Theo toquoc
Nhà nghiên cứu đi bán sách rong sau 8 năm du học Nhật Bản Trong khi bạn bè nói "trở về để có thêm động lực ra đi", nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương kiên trì ở lại Việt Nam bán sách. Anh mong muốn thay đổi văn hóa đọc cho người Việt. 6h sáng thứ năm, thành phố uể oải trong gió lạnh đầu mùa, Nguyễn Quốc Vương ra khỏi nhà. Từ ngày đi...