Phạt tiền nếu vi phạm dạy thêm: Chế tài có thật sự cần thiết?
Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục đề cập đến việc “phạt nặng” đối với các vi phạm về dạy thêm nhằm nâng cao tính răn đe để chấn chỉnh. Tuy nhiên, xoay quanh điểm này đã có những ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, trước đây, mới chỉ có xử phạt việc tổ chức lớp độc lập chứ chưa từng đi vào khái niệm dạy thêm. Dự thảo lần này quy định các vi phạm liên quan đến dạy thêm sẽ chịu mức 3 – 30 triệu đồng. Mục đích đưa ra hình thức xử phạt hành chính ở mức cao là nhằm nhắc nhở giáo viên (GV) cần thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17)
Tuy nhiên, theo cô Phạm Thị Yến – hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho rằng, Thông tư 17 về dạy thêm đã có những hình thức xử lý đối GV vi phạm. Theo đó, GV có thể bị cảnh cáo, nhắc nhở… thậm chí là đình chỉ đứng lớp. Chính vì thế, việc xử phạt bằng tiền có nên hay không? Nếu chúng ta xác định phạt nặng để răn đe nhằm chấn chỉnh dạy thêm thì cần phải xem xét lại. Ở đây cần nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khách quan hơn, dạy thêm học thêm là nhu cầu có thật và chúng ta đang xử lý việc dạy thêm mang tính chất ép buộc.
“Tôi nghĩ khi GV bị xử lý kỹ luật do vi phạm về dạy thêm đã là một hình phạt nghiêm khắc rồi. Do đó việc phạt tiền là không nên” – cô Yến nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Văn Hợi – phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, đơn vị tiên phong trong việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm phân tích: “Khi xử phạt hành chính bắt buộc phải quy rõ ràng lỗi vi phạm. Song trên thực tế, việc quy lỗi vi phạm không đơn giản như chúng ta nghĩ. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính cũng không phải là cái gốc để giải quyết vấn đề dạy thêm học thêm”.
Video đang HOT
Phân tích về tình huống hành vi vi phạm, ông Nguyễn Tiến Quang – Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang chia sẻ: “Thực tế trong Thông tư 17, Bộ GD-ĐT đưa quy định, các trường tiểu học không dạy thêm môn văn hóa, trừ bồi dưỡng về văn hóa văn nghê, thể dục thể thao và rèn kỹ năng sống. Hiện nay ở Bắc Giang có biểu hiện các trường tiểu học lách luật đề nghị làm tờ trình xin cấp phép dạy thể dục thể thao và rèn kỹ năng sống, nhưng cấp phép lại dạy thêm văn hóa, dạy thêm trá hình.
Bên cạnh đó, trong Thông tư 17 có quy định, đối với GV đang hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, nhưng được tham gia dạy thêm. Vậy hành vi tổ chức dạy thêm ở nhà có bị xử phạt không?”.
Tại Hội thảo góp ý về Nghị định xử phạt hành chính giáo dục ngày 19/3, ông Đỗ Văn Thông – phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình thẳng thắn cho biết: “Kiểm tra dạy thêm học thêm trên địa bàn là rất khó. Do cơ chế hiện này là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thậm chí là còn phải xin phép nên việc tiếp cận “bắt tận tay” gần như là không có”. Cũng theo ông Thông: “Việc chúng ta cứ lôi nhau ra mà phạt rất khó khăn. Vì thế cần coi trọng tính tuyên truyền, trừ những chỗ khó khăn quá”.
Giải đáp về những băn khoăn này, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh: “Đưa ra mức xử phạt không phải là ngành lúc nào cũng nhắm đến việc xử phạt mà có tính răn đe để mọi người biết đó là lỗi vi phạm, tránh bị xử phạt. Chúng ta nên nhớ, dự thảo Nghị định cũng nêu rất rõ hình thức xử lý vi phạm đó là nhắc nhở sau đó mới tiến đến phạt tiền. Chính vì thế, việc xử phạt chỉ được tiến hành khi mà nhắc nhở vẫn cố tình tái diễn vi phạm”.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Bỏ quy định miễn học phí bậc tiểu học
Trong khi điều 59 của Hiến pháp 1992 quy định "bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí" thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bỏ ý này mà thay bằng câu ở điều 42: "công dân có quyền và nghĩa vụ học tập".
Với việc quy định chung chung như vậy khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng bản dự thảo Hiến pháp mới đang có những bước "thụt lùi" (so với hiến pháp hiện hành)? Với việc sửa đổi này thì liệu việc phổ cập giáo dục tiểu học và THCS có còn khả thi?...
Sự lo lắng của dư luận xã hội không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà quản lý thì dưới Hiến pháp còn có Luật và thông tư hướng dẫn.
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không đề cập đến việc bậc tiểu học được miễn học phí như trước kia.
Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT) Hà Nội cho rằng, đã là Hiến pháp thì phải tổng thể không nên chi tiết quá. Nếu quá chi tiết thì khi soạn thảo các văn bản Luật sẽ nhiều gặp khó khăn bởi sự thay đổi của xã hội, từ điều kiện thực tế... Cụ thể, mình muốn thay đổi Luật để phù hợp với thực tế thì lại vướng "rào cản" quá chi tiết của Hiến pháp. Chính vì thế, việc dự thảo Hiến pháp quy định chung chung như vậy cũng có cái tốt của nó, vấn đề là ở chỗ các văn bản Luật kế tiếp sẽ được điểu chỉnh như thế nào. Hiện tại Luật giáo dục vẫn khẳng định học sinh tiểu học theo học trường công lập được miễn học phí.
Dưới góc độ ở đơn vị cơ sở, cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) phân tích thêm: Hiến pháp năm 1992 quy định "cứng" là bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Những nếu so với hiện tại thì rõ ràng có sự bất cập. Như chúng ta đã biết, ngoài hệ thống trường công thì vẫn còn hệ thống trường tư và gần đây là mô hình các trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao, trường công lập tự chủ tài chính... Vấn đề đặt ra: học sinh tiểu học có được miễn học phí khi theo học các loại hình trường như vậy? Rõ ràng hiện tại là không và chúng ta cũng đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục nên việc quy định cứng là không cần thiết.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ thêm: "Ở các nước phát triển khi đưa quy định vào Hiến pháp thì bắt buộc phải thực hiện. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng như nhau vì thế nếu học sinh tiểu học được miễn học phí ở trường công thì khi theo học ở ngoài hệ thống này vẫn phải được nhà nước hỗ trợ tương ứng để hỗ trợ các em đóng góp học phí. Lâu nay chúng ta tuân thủ Hiến pháp nhưng chưa thể thực hiện được điều này".
Dưới góc độ khác, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiết lộ thêm: "Trước đây Chính phủ có quy định, nếu bậc học nào đó được phổ cập thì cấp học đó được miễn học phí. Chúng ta đã ghi điều này ở trong Hiến pháp nhưng lúc đất nước khó khăn thì thực hiện được nhưng sau này phát triển từ bao cấp sang thị trường thì lại không thực hiện được, nói phải đóng góp rất là nhiều. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của tất cả các văn bản đời sống pháp luật của đất nước thì nên ghi rõ điều đó vào Hiến pháp sửa đổi".
Cũng theo GS.VS Phạm Minh Hạc thì Hiến pháp nếu có sửa đổi, bổ sung thì nên đưa vào quy định: "Tất cả các bậc học phổ cập thì được miễn học phí". Điều này có nghĩa việc miễn học phí không chỉ được thực hiện ở bậc tiểu học mà còn phải tiến tới ở bậc THCS.
Trước vấn đề đặt ra "Hiến pháp có thể không quy định chi tiết nhưng Luật Giáo dục lại quy định thì liệu có sự bất cập gì hay không?", GS.VS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh: "Đúng là dưới Hiến pháp thì còn các văn bản Luật. Tuy nhiên nếu điều này được quy định thẳng vào Hiến pháp thì hay hơn vì nó là tối cao nhất".
Không bàn luận trực diện về bản dự thảo Hiến pháp, lãnh đạo Vụ tiểu học (Bộ GD-ĐT) chỉ khẳng định: "Giáo dục bậc tiểu học có được thành tựu như ngày nay cũng xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi miễn học phí đối với bậc học này".
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Thanh tra ĐH Quốc gia Hà Nội: Hướng xử lý văn bằng thạc sĩ "Bằng cấp được công nhận khi người học có đủ các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Những tiêu chí nào còn thiếu, cơ sở đào tạo cần bổ sung đầy đủ cho người học đến khi đạt yêu cầu" - ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết. Liên quan đến việc, Bộ GD-ĐT có công...