Phạt quỳ: “Cảm thông, nhưng đã đến lúc nói không!”
Đã có nhiều đồng cảm với áp lực của giáo viên, nhưng đến lúc cách phạt “truyền thống” cần chấm dứt để xác lập những giá trị và nền tảng giáo dục văn minh.
Câu chuyện cô giáo Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối đã thu hút dư luận trái chiều. Đáng chú ý là đã có nhiều chia sẻ và đồng cảm với áp lực của giáo viên, phản đối sự thiếu quan tâm của gia đình trong việc giáo dục con cái. Tuy vậy, cũng cần phải thấy rằng nhiều cách dạy trẻ “truyền thống” cần chấm dứt ở thời đại mới, để xác lập những giá trị và nền tảng giáo dục văn minh.
Lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội), nơi xảy ra sự việc cô giáo phạt học sinh quỳ gối. Ảnh: Thúy Nga
Hoàng Thanh Thư (Hà Nội, 22 tuổi): Thầy cô nghiêm khắc, học trò ít “lồi lõm”
Bạn học sinh trong câu chuyện đã biết lợi dụng những vụ việc trên mạng xã hội gần đây về việc giáo viên cư xử không đúng với học sinh và làm rùm beng sự việc. Nếu học sinh nào cũng như thế, thử hỏi giáo viên nào còn dám nghiêm khắc, răn đe con nhà người ta” nữa?
Em sinh năm 1997, cũng được hưởng nền giáo dục được gọi là mới hơn thế hệ bố mẹ trước đây. Qua thời gian đi học, em thấy rằng, càng thầy cô nghiêm khắc, ít nhất hiệu quả thấy ngay đó là chúng em ngoan hơn, ít có thái độ ” lồi lõm” hơn.
Cô giáo viên trong vụ việc cũng sai vì tại sao lại đưa ra hình phạt là bắt học sinh quỳ. Hành động này gây xúc phạm đến cá nhân, nhất là cái tuổi tự ái đang dâng cao.
Còn các gia đình trong câu chuyện cũng cần xem lại mình. Nếu đã đồng ý rồi thì tại sao khi cô giáo thực hiện lại bảo “chỉ nói mồm thế thôi”? Như thế thì tự hỏi trong cách giáo dục khi ở nhà của các cô, các bác là thế nào ạ?
Bà Phạm Mai (Một người nghiên cứu và quan tâm đến giáo dục): Phụ huynh đề xuất trái, sao cô lại thiếu sáng suốt làm theo?
Phụ huynh đề xuất cô làm việc trái quy định, cô nghe theo và thực hiện là sai rồi. Cô giáo nên làm theo quy định của pháp luật và nội quy của nhà trường, để bảo đảm an toàn cho chính mình.
Không lẽ phụ huynh bảo gì cô cũng làm. Cần phải biết cân nhắc cái gì mình có thể làm và cái gì mình không thể làm và biết tránh những việc có thể ảnh hưởng cho bản thân.
Thầy cô muốn giáo dục học sinh thì trước hết cũng phải làm gương cho học sinh về việc tuân thủ pháp luật. Học sinh vi phạm kỷ luật mà cô giáo tự mình đi phá vỡ nội quy của nhà trường và vi phạm quy định của pháp luật thì sao học sinh nghe theo được.
Tình yêu thương của nhà giáo phải đi kèm với hiểu biết về pháp luật cũng như hiểu biết tâm sinh lý trẻ, hiểu biết về các phương pháp sư phạm thì mới có hiệu quả.
Có chắc là bắt quỳ trẻ sẽ ngoan hơn không? Nhiệt tình nhưng cộng với thiếu hiểu biết (về pháp luật) là cô sẽ tự hại mình, trong khi chưa chắc đã giúp cho học sinh ngoan hơn.
Bà Nguyễn Hoàng Lan (Hà Nội): 30 năm trước, bạn tôi đã phản đối phạt quỳ
Bạn tôi học ở một trường phổ thông giữa trung tâm Hà Nội, là học sinh giỏi và là cán bộ lớp. Bố là bộ đội, mẹ là giáo viên, gia đình rất cơ bản. Một lần lớp bạn thấy thầy giáo thể dục lên muộn nên trốn đi chơi, bỏ tiết. Tiết sau, thầy giáo gọi cả lớp xuống sân, bắt quỳ. Bạn ấy đi lấy sổ đầu bài nên xuống muộn, thầy giáo thấy bạn ấy xuống, cũng gọi ra bắt quỳ. Bạn ấy không cãi (tính bạn này ít nói, nói nhỏ nhưng nghịch ngầm), bước đến hàng. Thay vì quỳ theo hàng, bạn ấy ngồi bệt xuống sân, xếp bằng tròn luôn. Thầy giáo tức, bắt đứng lên nhưng bạn ấy không đứng.
Cách đây hơn 30 năm, học sinh đã phản kháng không chấp thuận với hành vi hạ thấp nhân phẩm, nhưng bạn ấy phản kháng đúng theo khuôn khổ được giáo dục. Học sinh bay giờ “cái tôi” cao, dễ bột phát hơn nên đòi hỏi những kỹ năng sư phạm của người thầy cũng phải theo kịp sự thay đổi này.
Ông Đỗ Minh Hoàng (Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, Quận 5, TP.HCM): Phạt quỳ là không phù hợp
Video đang HOT
Chưa thầy cô giáo nào không phạt học sinh, vấn đề là phạt bằng cách nào. Học sinh có hàng chục lỗi vi phạm, nhưng không phải lúc nào cũng phạt. Nhiều lúc, nghe học trò hỗn nhưng vẫn “giả câm, giả điếc” để không mất mạch dạy. Hết giờ thì nhắc lại hoặc sẽ nhắc nhở và phạt sau.
Tôi rất thông cảm với đồng nghiệp, bởi nhà giáo hiện nay rất áp lực, đặc biệt trong lớp có học sinh “cá biệt” hay phụ huynh thiếu quan tâm. Nhưng dù phụ huynh có đề nghị thì việc bắt học sinh quỳ gối là hình thức phạt không phù hợp.
Vấn đề không phải là hình thức mà là kết quả của việc phạt. Sau khi quỳ gối học sinh có hết nghịch hay học bài không? Bắt học sinh quỳ chắc chắn các em sẽ xấu hổ với bạn nhưng cũng không thể làm cho các em xấu hết nghịch và học bài.
Ở đây, cũng cần nhắc đến trách nhiệm của hiệu trưởng. Với giáo viên nếu bị đình chỉ là khoảng thời gian tăm tối. Việc đình chỉ cô giáo thể hiện lãnh đạo yếu kém, đổ hết lỗi cho giáo viên.
Phụ huynh Hoàng Nam (TP.HCM): Đừng để “tay ba” khập khiễng
Cần thông cảm với cô giáo, có lẽ cô cũng “bó tay” trong cách thức giáo dục vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân là sự hợp tác của gia đình trong việc giáo dục con cái.
Để mối quan hệ tay ba “nhà trường, gia đình và xã hội” không bị khập khiễng hay trở nên đối đầu, phụ huynh cần nhận thức vai trò của mình trong việc giáo dục con cái. Còn nhà trường có thêm các chương trình giao lưu phụ huynh với các chuyên đề về phương pháp giáo dục con em…chứ không thể giao phó toàn bộ cho giáo viên; Xã hội cần có môi trường có tính giáo dục và nhân văn hơn.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (hãng luật Giải Phóng, TP.HCM): Tiến dần đến văn minh để cải thiện bất cập của giáo dục
Vụ việc cô giáo phạt học sinh quỳ chưa đủ để cấu thành hành vi làm nhục người khác. Nhưng ở góc độ đạo đức cần phản đối các hành vi bạo hành trẻ em, kể cả về thể chất hay tinh thần.
Các hành vi bạo lực nhất thời là khó tránh khỏi ở bất cứ môi trường giáo dục nào, kể cả các nước văn minh trên thế giới. Vì vậy, từng bước nâng cao ý thức dạy và học, chỉ có trình độ văn minh mới cải thiện được những bất cập của giáo dục.
Nhà báo Vĩnh Hà (báo Tuổi Trẻ TP.HCM): Đã đến lúc khép lại một số cách phạt “truyền thống”
Khi câu chuyện cô giáo được kể trên báo chí, nhiều độc giả gửi bình luận chia sẻ với áp lực của người thầy thời “bùng nổ mạng xã hội”. Trước câu chuyện Trường THCS Tô Hiệu, những hình phạt học sinh tiêu cực ở các trường học khác đã xảy ra: Cho học sinh tát nhau, bắt học sinh ăn thạch, uống nước giẻ lau…
Đây chính là những “hành động kỳ quặc” gây phẫn nộ cho xã hội và tạo nên hội chứng “phản đối giáo viên” mỗi khi nghe tới chuyện giáo viên phạt học sinh, bất kể tình huống cụ thể như thế nào.
Hiện nay nhiệm vụ giáo dục học sinh trở nên nặng nề hơn khi diễn biến tâm lý, lối sống đạo đức học sinh phức tạp do tác động bởi nhiều tiêu cực trong xã hội, do giáo dục gia đình đang bị buông lỏng.
Những hình phạt học sinh theo xu hướng tiêu cực đang chứng tỏ sự bế tắc và đơn độc của các thầy cô giáo. Họ đối diện với các biểu hiện tiêu cực của học sinh lặp đi lặp lại mà không có đủ năng lực, kỹ năng, không được hỗ trợ từ ban giám hiệu, tổ bộ môn, đồng nghiệp và cha mẹ học sinh để có cách ứng xử, uốn nắn học sinh phù hợp. Áp lực công việc, thành tích cũng khiến nhiều giáo viên có hành xử khắc nghiệt, tiêu cực và mất kiểm soát với những học sinh vi phạm.
Dù chia sẻ, nhưng phải thấy rõ rằng thời kỳ “phạt quỳ” học sinh nên khép lại. Có rất nhiều cách dạy trẻ truyền thống như đánh học sinh, phạt quỳ, thậm chí là đuổi học sinh ra ngoài cần chấm dứt ở thời đại mới, dù đó là cách truyền thống ít nhiều hữu hiệu trong việc giáo dục với nhiều học sinh.
Các trường cần đưa chuyên đề trong giao ban giáo viên chủ nhiệm, trong sinh hoạt chuyên môn để chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục học sinh theo hướng “kỷ luật tích cực”.
PGS Mans Svensson – Giám đốc Viên Nghiên cứu Môi trường và An ninh kinh tế (ĐH Lund, Thụy Điển): Tuân thủ quy tắc để tôn trọng lẫn nhau
Việt Nam là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á sớm tham gia công ước quốc tế về quyền trẻ em. Có nhiề việc cần phải thúc đẩy để đảm bảo những quyền này được thực thi. Đảm bảo bình đẳng trong giáo dục tức là đảm bảo mọi học sinh và nhân viên trong nhà trường đều nhận được sự tôn trọng.
Với tư cách là người trưởng thành, chúng ta nên khiến cho các em hiểu rằng bản thân mình cũng xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ giáo viên. Tất nhiên, quyền trẻ em không đồng nghĩa với việc giờ đây giáo viên phải nhún nhường trước học sinh.
Sự bình đẳng giáo dục không chỉ nằm ở sự tôn trọng lẫn nhau mà còn tuân thủ các quy tắc. Chúng ta cần giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc, và nhận thức giá trị tiếng nói của mình. Tất cả các yếu tố này cần kết hợp với nhau, từ đó mới thực hiện thành công quyền trẻ em trong giáo dục.
Theo vietnamnet.vn
Bắt học sinh quỳ : Phụ huynh nói miệng, không ngờ cô làm thật
Là người đề xuất hình thức phạt quỳ, chị Sắn cho rằng, làm như thế con mình vẫn được nghe giảng và chép bài.
Tuy nhiên, chị Loan - người viết đơn tố cáo cô giáo - lại cho đó là hành vi không thể chấp nhận được.
Chị Nguyễn Thị Loan là phụ huynh đã gửi đơn tố cáo đến UBND và Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín về việc cô giáo Lê Thị Quy (giáo viên dạy Toán, chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu) bắt con trai chị phải quỳ trong giờ học.
Không đồng tình với điều này, chị Loan cho biết, đây là hình phạt có tính chất "lăng mạ và sỉ nhục học sinh". Vì vậy, chị không chấp nhận việc giáo viên đưa ra biện pháp xử phạt như thế.
"Cô Quy là giáo viên lâu năm, đáng lẽ phải biết điều nào là sai, điều nào là đúng. Kể cả 5 phụ huynh kia có đồng ý đi chăng nữa nhưng nếu là người hiểu chuyện, cô sẽ không phạm vào luật xâm hại trẻ em. Tôi không chấp nhận hành vi của một cô giáo được đào tạo trong môi trường sư phạm nhưng lại hành xử như thế".
Chị Loan cho rằng, lứa tuổi như con chị đang ở giai đoạn hiếu động, tâm sinh lý thay đổi. Nếu học sinh không nghe, là người có thâm niên, cô giáo phải "vừa dạy, vừa dỗ".
"Nhưng cô giáo lại nói: "Đã phạt các cháu nhưng các cháu vẫn hư nên bắt buộc phải phạt hình thức như vậy". Lời nói đó chứng tỏ cô không có tầm về nghiệp vụ sư phạm", chị Loan nói.
Bản thân chị Loan mong muốn, giáo viên phải phối hợp với nhà trường và gia đình để giáo dục con trẻ. "Chúng tôi rất mong muốn khi cháu như vậy, cô giáo sẽ đi đến từng nhà, hoặc chí ít, nếu không đến được cô sẽ điện thoại cho phụ huynh để phản ánh tình hình học trò.
Từ đó, các bên sẽ phối hợp để tìm cách tháo gỡ. Đó mới là giáo dục trồng người. Nhưng thậm chí chúng tôi đã gọi cho cô rất nhiều cuộc mà cô không nghe máy, nhắn tin cô cũng không trả lời".
Phủ nhận chuyện giáo viên nói gia đình không quan tâm đến con cái, vị phụ huynh này cho biết, duy chỉ có học kỳ I, do quá bận mải nên chị nhờ bà nội đi họp thay giúp.
"Nhưng đến học kỳ II bố cháu có đi họp cho cháu. Gia đình chúng tôi vẫn quan tâm, thậm chí ông bà còn đi học cùng cháu. Chúng tôi biết con cháu nhà mình nghịch ngợm nên buổi sáng dậy ông nội giục cháu đi học.
Cháu học 4 tiết, 5 tiết ông đều nắm được và đến cổng trường chờ cháu tan học. Ăn cơm xong bà lại đưa cháu đi đến lớp. Đó chẳng phải là sự quan tâm hay sao?
Những cơ sự như ngày hôm nay gia đình chúng tôi đều không mong muốn. Nhưng cô giáo rất quá đáng", vị phụ huynh bức xúc.
Chị Loan cho biết, mình không phải là phụ huynh thuộc nhóm những người đồng ý cho cô giáo áp dụng hình phạt này trong lớp.
Chị Dương Thị Sắn cho biết, chị đề xuất hình phạt này chỉ mong con tiến bộ
Là một trong những phụ huynh đồng tình với hình thức phạt này, chị Dương Thị Sắn (phụ huynh học sinh trong bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội) cho biết, ở trên lớp, con chị là một trong những học sinh hay nói chuyện riêng. Vì vậy, cô giáo Quy đã mời chị lên trường để trao đổi trực tiếp.
"Trong buổi gặp mặt cô Quy đã trình bày về tình trạng học tập của cháu. Nghe xong tôi có đề xuất, nếu cháu không chịu nghe lời, cô giáo cứ phạt quỳ trước lớp chứ không cần nói nhiều. Tôi nói ra như thế chỉ để mong cô giáo có hình thức nào đó răn đe, khiến các cháu sợ.
Hình thức phạt quỳ như thế để đứa nọ nhìn gương đứa kia, còn nếu phạt dọn vệ sinh rồi cuối cùng đâu lại hoàn đấy. Tôi nghĩ, phạt quỳ thì con vẫn được nghe giảng và chép bài".
Tuy nhiên, chị Sắn cho biết, mình "Chỉ nói miệng, không ngờ cô giáo làm thật".
Mẹ của một nam sinh khác trong lớp (xin giấu tên) cũng cho hay, trong buổi họp chồng chị cũng đề nghị và cho phép cô giáo "cứ phạt hình thức nào khiến con ngoan hơn và tiến bộ là được".
"Nói thật, con nhà mình ra sao mình biết. Có hư, có nghịch mới mong các cô làm sao rèn giũa cho nó tiến bộ", vị phụ huynh này nói.
Vị phụ huynh này cũng bày tỏ sự thông cảm với cô giáo sau sự việc. "Chắc cô cũng muốn học sinh ngoan lên mới hành xử như vậy. Nếu nói hành động này đúng thì cũng không phải, nhưng đây là do phụ huynh yêu cầu nên cô mới làm vậy.
Khi con bị phạt tôi cũng rất thông cảm cho cô, bởi gặp phải những trường hợp học sinh quá cá biệt bản thân cô cũng khổ tâm lắm. Nếu đặt cương vị mình vào dạy một lớp toàn học sinh cá biệt, nghịch ngợm, đánh nhau thì thực sự rất oải", vị phụ huynh này nói.
Về phía cô Quy, cô cho hay dù rất biết việc này là "sai về chuẩn mực sư phạm", nhưng cô vẫn đồng ý với nhóm phụ huynh này vì "đều là người cùng địa phương" và "xuất phát từ lương tâm người thầy".
Cô Quy khẳng định chỉ làm điều này khi phụ huynh đề nghị và cũng chỉ với những học sinh được bố mẹ "nhờ vả". Nhóm này gồm 5 phụ huynh, trong đó có mẹ của nam sinh quỳ trong bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Có biên bản đồng ý phạt quỳ hay không?
Cô Quy cho biết, việc phụ huynh đề xuất hình thức phạt quỳ có biên bản cụ thể, rõ ràng. Trong buổi làm việc với VietNamNet chiều 13/5, cô Quy đã đưa cho phóng viên xem các tờ giấy viết tay được ghi là "biên bản họp phụ huynh" ghi ngày 19/1; trong đó có chữ ký của 5 phụ huynh.
Tuy nhiên, chị Sắn - một trong 5 phụ huynh có tên trong biên bản trên khẳng định với phóng viên rằng: Mặc dù đồng tình với hình thức này nhưng chị chưa ký bất cứ văn bản nào.
"Chỉ đến hôm kia, cô Quy có đến nhà xin tôi chữ ký vào biên bản về việc công nhận tôi có nói cho học sinh quỳ. Nhưng tôi từ chối vì không chắc những phụ huynh khác có đồng ý hay không mà trong biên bản lại nói 5 phụ huynh đều thống nhất".
Chị Sắn khẳng định, chữ ký trong biên bản không phải của mình, thậm chí cả 5 tên đều có sự sai sót ở phần họ hoặc tên đệm.
Còn phụ huynh Loan cũng khẳng định "không có bất kỳ biên bản nào được ký trong thời điểm tháng 1/2019".
"Nếu không làm sai, tại sao cô phải đi xin?" - Chị Loan gay gắt cho rằng cô đã không trung thực với cấp trên và phụ huynh, và đây là điều "không thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm".
Trước thông tin này, cô Quy cho biết, biên bản kia đã được đưa ra tại buổi họp phụ huynh từ tháng 1. Tuy nhiên, việc phụ huynh nào ký cô lại không nắm được. Còn việc phụ huynh cùng đồng tình về hình thức này là "đúng sự thật".
"Có thể là một trong những phụ huynh này đã ký giúp cho những phụ huynh khác", cô Quy nói.
Thúy Nga - Thanh Hùng
Theo VNN
Phạt học sinh quỳ trong lớp có phạm tội làm nhục người khác? Nhiều người cho rằng quy định của Bộ GD&ĐT không có hình thức phạt học sinh quỳ trong lớp. Chủ đề này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Sự việc cô Lê Thị Quy, giáo chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội), bị đình chỉ công tác một tuần để làm rõ...