Phạt như vượt đèn đỏ, đèn vàng nhấp nháy đi hay dừng?
Dư luận đang rất quan tâm đến việc từ ngày 1-8 cảnh sát giao thông sẽ phạt những ai “vượt đèn vàng” theo nghị định 46/2016 của Chính phủ.
Một chiếc Bentley bị xe container từ sau húc tới, tông nát đuôi khi vừa dừng chờ đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Đức Cảnh, Q.7, TP.HCM sáng 2-6 – Ảnh: Lê Phan
Theo nghị định này, người chạy xe vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau: với xe hơi lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.
Có trái luật?
Vấn đề không phải là có phạt hay không phạt, phạt như thế nào, mà có lẽ vấn đề cần bàn là quy định này tại nghị định 46/2016 có trái pháp luật không?
Theo khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 (điều luật đang có hiệu lực pháp luật) thì khi có tín hiệu đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ khi đã đi quá vạch thì được đi tiếp.
Cho dù không có giải thích thì những ai đã từng điều khiển phương tiện giao thông đều biết khi đi có tín hiệu đèn vàng mà bánh xe trước chưa đè lên vạch thì phải cho xe dừng lại, bất kể trường hợp nào, trừ xe ưu tiên được vượt đèn vàng, thậm chí đèn đỏ theo quy định.
Còn nếu khi có tín hiệu đèn vàng mà bánh trước của xe đã đi quá vạch dừng thì bắt buộc phải đi tiếp, nếu dừng lại là phạm luật.
Video đang HOT
Quy định này không chỉ phù hợp với luật pháp trong nước mà cả thế giới đều như vậy, nó đã được in thành sách giáo khoa trong các trường dạy lái xe của quốc tế và Việt Nam.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ hiện hành thì đèn vàng báo hiệu sự thay đổi của đèn. Khi đèn vàng sáng thì người điều khiển phải dừng xe trước vạch sơn “dừng lại”. Nếu các phương tiện giao thông đã vượt quá vạch mà việc dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải đi tiếp.
Mặc dù các quy chuẩn này chưa giải quyết hết những vướng mắc quy định tại điểm c khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ, nhưng cũng làm cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi gặp đèn vàng biết cách xử lý.
Nay nghị định 46 lại quy định khác thì không biết phải giải thích thế nào về các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tập quán của người tham gia giao thông.
Mặt khác, theo quy định của Luật ban hành văn bản thì luật và bộ luật không được trái Hiến pháp; nghị định không được trái luật; thông tư của các bộ ngành không được trái nghị định… Chưa kể Luật giao thông đường bộ còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không thể có chuyện mỗi quốc gia có luật riêng biệt.
Đèn nhấp nháy được đi hay dừng?
Cái gì có thể riêng được thì mới quy định như luật giao thông đường bộ của một số nước quy định vượt bên trái, nhưng một số nước lại quy định vượt nhau bên phải. Vượt trái hay vượt phải cũng đã trở thành thông lệ quốc tế hàng trăm năm rồi, không phải muốn là sửa được đâu!
Nay Chính phủ ban hành nghị định 46 cũng nhằm bảo đảm cho việc lưu thông thuận tiện và cần nâng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm để góp phần giảm tai nạn giao thông là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định phải chú ý đến các quy định của Luật giao thông đường bộ xem có phù hợp hay không.
Còn cứ ban hành ra, không cần tính đến có phù hợp hay không phù hợp để đến khi thi hành lại phải rút hoặc hoãn như Bộ luật hình sự 2015 thì không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước mà còn gây bức xúc cho người dân.
Trở lại việc nghị định 46 của Chính phủ quy định phạt người điều khiển giao thông vượt đèn vàng, trước hết nó không chỉ trái Luật giao thông đường bộ, mà trên thực tế không thể áp dụng được, nhất là mức xử phạt cũng như trường hợp vượt đèn đỏ thì không biết toàn bộ hệ thống đèn báo trên cả nước có phải thay không, chưa kể nhiều nút giao thông vào giờ cao điểm chỉ có đèn vàng nhấp nháy?
Vậy người tham gia giao thông có được đi hay phải dừng lại?
Làm gì cũng có sai, có thiếu sót, ngay cả việc Quốc hội thông qua một bộ luật nhưng gần đến ngày có hiệu lực các chuyên gia, luật sư phát hiện nhiều lỗi và Quốc hội đã phải gấp rút ra nghị quyết cho tạm hoãn thi hành.
Huống hồ đây chỉ là một điểm của nghị định mà rõ ràng trái pháp luật và không phù hợp với cuộc sống thì không có lý do gì lại không sửa.
Theo Tuổi Trẻ
Vượt đèn vàng: Ranh giới mong manh dễ mất đến 2 triệu
Nếu đèn vàng bật nhưng phương tiện đã đi qua vạch dừng thì được đi tiếp, còn nếu chưa đi qua vạch dừng, thấy đèn vàng thì phải dừng lại.
Theo Nghị định 46 bổ sung quy định vượt đèn vàng là rất cần thiết và phù hợp với Luật Giao thông đường bộ - Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết.
Cụ thể, theo nghị định này, bắt đầu từ ngày 1/8, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô vượt đèn vàng bị xử phạt từ 1.200.000-2.000.000; người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy phạt từ 300.000-400.000 đồng; người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng phạt từ 400.000- 600.000 đồng; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác phạt từ 60.000-80.000 đồng.
Ông Bình nói rõ, theo quy định, nếu đèn vàng bật nhưng phương tiện đã đi qua vạch dừng thì được đi tiếp, còn nếu chưa đi qua vạch dừng thấy đèn vàng thì phải dừng lại.
Khi đèn vàng bật, nếu người điều khiển phương tiện tiếp tục đi là không chấp hành quy định giao thông đường bộ và bị phạt cùng mức phạt như vượt đèn đỏ.
"Mục tiêu của việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông...", ông Bình nói.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho biết, xe đã đi qua vạch dừng rồi mà đèn vàng nổi thì không vi phạm vì lúc này người tham gia giao thông đang ở vị trí ưu tiên và vẫn tiếp tục được di chuyển.
Trong trường hợp lưu thông qua giao lộ không có trở ngại, không bị cản trở bởi dòng xe hoặc vật cản phía trước, các xe đỗ trước vạch dừng khi đèn vàng thường là xe vi phạm tốc độ, không tuân thủ tín hiệu đèn. Vì thiết kế đèn tín hiệu đã tính đủ thời gian để xe lưu thông qua ngã tư nếu tuân thủ đúng hiệu lệnh.
Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cũng cho biết: Khác với nghị đinh hiện hành quy định có hai mức xử phạt khác nhau cho hành vi vượt đèn vàng và đèn đỏ, nghị định 46 xử phạt hai hành vi này như nhau.
"Thực tế áp dụng hai mức phạt: vượt đèn đỏ nặng hơn, đèn vàng nhẹ cho thấy nhiều bất cập. Điều này tạo tâm lý cho người điều khiển phương tiện thấy đèn vàng thì tăng tốc vượt qua giao lộ để không bị dừng lại chờ đèn đỏ.
Nếu có bị phạt thì mức phạt vượt đèn vàng cũng nhẹ, thậm chí được bỏ qua... điều này tạo thói quen không tốt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông", ông Tùng nói.
Gia Văn
Theo_VietNamNet
Vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ gây tranh cãi Chức năng của đèn vàng và đỏ trong điều tiết giao thông là khác nhau nên không thể đồng nhất mức phạt khi vượt hai loại đèn này. Vượt đèn vàng bị phạt như đèn đỏ gây tranh cãi Từ 1/8, theo Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ...