Phát khóc nhìn con học thuộc lòng bài văn để thi
Không ở đâu xa, ngay giữa TPHCM, nhiều phụ huynh bực mình đến phát khóc khi con… học thuộc làu làu bài văn để thi học kỳ theo cách luyện bài của giáo viên.
Những ngày qua, chị L.M.Q., có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận 5, TPHCM cùng con ôn bài để bị thi học kỳ. Tâm trạng của chị có thể nói là buồn bực đến phát khóc.
Con nói với chị, con phải học thuộc các bài văn gồm miêu tả chị Bống, viết thư cho ông bà nội, tả buổi sáng đến trường… Như để được mẹ khen giỏi học thuộc bài, cháu hăng hái đọc: “Đối diện với nhà em là nhà chị Lê Trần Ngọc Bích. Chị Ngọc Bích năm nay 11 tuổi. Chị đang học lớp 5…”. Đọc được vài câu, con ngắc ngứ quên, nhìn cháu thương vô cùng.
Nhiều giáo viên ôn thi cho học sinh bằng cách… cho học thuộc bài văn làm trước
Chị Q. cho biết tất cả các bài văn đều do con làm trước đó, cô sửa đi sửa lại cho hay rồi dặn con về học thuộc để thi học kỳ. Từ lớp 1 đến nay vẫn vậy, không thay đổi. Chị động viên con, không cần phải học thuộc lòng như vậy, nhưng cháu không chịu, nói cô đã dặn… Người mẹ bực mình, suýt quát ầm lên rồi chị cố kiềm chế khi hiểu đây không phải lỗi của con.
Chị biết, hiện nay đã có những trường, GV tìm cách đổi mới dạy các môn Văn, Sử…, thay đổi cách đánh giá tích cực, phát huy khả năng của học trò nhưng có lẽ con số đó chưa nhiều. Tư duy văn mẫu, học thuộc còn ăn sâu trong cách dạy học của nhiều giáo viên, tác động rõ đến học sinh (HS).
“Trong khi, nếu cô hướng dẫn, khơi gợi thì tôi tin các con sẽ có những bài văn vô cùng sinh động, tình cảm đúng tâm lý lứa tuổi. Đợt rồi con thi nhưng chỉ nhớ đoạn đầu, sau không thuộc nên không làm hết bài… Đúng nghĩa các con đang học gạo”, chị Q. chia sẻ.
Chị Trần Ngọc Anh, có con học lớp 4 ở Tân Phú cho biết, chính chị cũng đã làm quen với cách học văn học thuộc lòng của con. Trước chị từng nói với con hãy tả bà ngoại đi nhuộm tóc, thích làm móng tay chân… nên bà rất trẻ trung, xinh đẹp nhưng cháu không chịu, chỉ làm theo mẫu và theo “chuẩn của cô giáo chỉnh”. Chị chán đến mức không muốn nói…
Chúng ta đã quá quen với cách học văn bằng những bài văn mẫu qua sách, qua các bài văn của người khác thì nhiều năm gần đây, “bài mẫu” được nâng cao hơn một bậc. HS được ôn luyện theo cách… học thuộc đúng bài văn mẫu của mình. Các em làm bài, cô giáo sửa cho chỉn chu rồi học thuộc theo bài văn này.
Giáo viên ngại thay đổi?
Lý giải về những bài văn học thuộc, cô Nguyễn Thị Hảo, một giáo viên tiểu học cho biết, thứ nhất là giáo viên họ biết đề sẽ ra ở những bài đã học. Nếu không ôn tập, các con sẽ quên các ý của bài. Cô giáo sửa và về viết lại với mục đích là để HS ghi nhớ – như trước đây chúng ta đi học, nhất là khối C chép rất nhiều với mục đích là ghi nhớ. Bây giờ trẻ nhớ nhanh hơn nên các em không chép mà chủ yếu đọc.
“Mục đích là để các con ghi nhớ, nắm được các ý chính… chứ không phải học thuộc. Vì thực tế, không em nào thuộc được hết” – cô Hảo cho hay.
Video đang HOT
Học sinh tiểu học ở TPHCM trong giờ học
Cô Nguyễn Thị Hảo cũng nói thêm, đây là hệ quả của việc học, ôn theo đề cương, học để thi chứ không phải học để tiếp nhận. Nếu thời trước, một lớp cùng lắm chỉ có khoảng 10 HS giỏi thì giờ ôn luyện theo đề cương, thi xong… may thì chỉ còn 10 em không giỏi.
Một giáo viên khác ở quận 3 cho biết, cho các em học trên bài văn của chính mình là cách phù hợp nhất khi sĩ số lớp đông. Đó chính là bài của các em, cô sửa lại cho hợp lý… Nếu để HS viết tự do, không ghi nhớ thì chỉ có một số em nổi bật làm được bài, còn lại phần lớn các em lại không làm được thì sẽ không đáp ứng được kỳ thi.
Cô cũng cho rằng, đây không phải là cách hay, chưa khơi gợi được trí tưởng tượng, cảm xúc của học trò nhưng hợp lý đối với vấn đề thi cử và sĩ số đông.
“Có thể cô giáo dặn các em về ghi nhớ, nắm ý chính nhưng cô truyền tải không đúng, các em hiểu là học thuộc lòng. Trẻ em bây giờ lại có ý trải nghiệm, thành ra học gạo, trong khi phụ huynh kỳ vọng nhiều hơn như vậy”, cô giáo chia sẻ.
Dù tác động nhiều yếu tố nhưng không thể phủ nhận, nhiều GV còn đi theo lối mòn, không muốn thay đổi, chỉ bước trong vùng an toàn… Thực tế, nhiều kỳ thi ở TPHCM, khi đề Văn đổi mới theo hướng phát huy năng lực người học, nhiều HS bị “khớp” khi mà việc dạy học ở trường không theo kịp.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dạy học tiếp cận năng lực đòi hỏi giáo viên phải đọc nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, chuẩn bị nhiều hơn… Nhưng sau khi kiểm tra, đánh giá, họ nhận ra một bộ phận giáo viên chưa theo kịp hoặc ngại thay đổi.
Lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM cho biết, họ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thay đổi trong năm học tới. Để làm sao việc đổi mới ở các trường phải được thực hiện cụ thể hơn, hiệu quả hơn, có như vậy đổi mới phương pháp dạy và học mới có thể tiệm cận với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá HS hiện nay.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Có ai nghe thấy người thầy đang kêu cứu?
Sau những câu chuyện buồn trong giáo dục thời gian qua, có khi nào chúng ta tự hỏi: phải chăng giáo viên đang thiếu trầm trọng những khóa đào tạo kỹ năng cũng như làm chủ cảm xúc của mình khi đứng lớp?
Tranh: Hữu Lộc
Tôi cũng là giáo viên và phải nói thật là có lúc tôi cũng "chết điếng" khi học sinh quậy phá. Nhưng tôi rút được kinh nghiệm: có lúc một lời phê bình hoặc roi vọt giúp con người ta trưởng thành, nhưng có không ít trường hợp bạo lực đã vô tình lấy cắp đi niềm tin của học trò vào thầy cô và vào chính học trò.
Trăm nghìn cách không có chỗ cho đòn roi
Cách đây 15, 16 năm, học sinh của tôi là những cô cậu 8X đời đầu. Ngày đó học sinh ngoan, ít cãi lời và tiếng nói của giáo viên khi đó cũng có trọng lượng hơn bây giờ nhiều. Tất nhiên cũng có những trường hợp cá biệt.
Những năm 2000, 2001, tôi chủ nhiệm lớp tổng hợp vì không chuyên khối nào cả, trong lớp cũng có những em là "đàn anh đàn chị" của trường. Có học sinh còn mang cả côn, dao trong cặp sách.
Có lần sau khi bị tôi nhắc nhở vì quậy phá lớp, em này nói: "Ở trong lớp em là người khác, ra khỏi trường em là người khác...". Cơn giận dữ của tôi bùng lên khi nghe lời thách thức, bất cần của học trò. Nhưng rồi tôi cố kìm nén, bước ra ngoài hít một hơi dài...
Cậu học trò này ít khi đến lớp, nếu đến chủ yếu chỉ để ngủ hoặc quậy. Nhiều lần tôi gửi giấy mời về gia đình nhưng khi thì bác xe ôm, khi thì bà bán xôi đóng thế đến. Tôi bị ban giám hiệu khiển trách không ít lần, điểm thi đua của lớp rất bết bát và luôn nằm trong tốp cuối của trường.
Thú thật, chẳng một giáo viên nào vui và toàn tâm toàn ý đứng lớp khi ban giám hiệu liên tiếp nhắc nhở, phê bình. Trong khi đó, tôi lại không nhận được sự hợp tác của phụ huynh.
Tôi cũng cảm thấy áp lực, cũng buồn, cũng thất vọng và mệt mỏi. Có lúc tôi nghĩ tại sao mình lại đen đủi như vậy? Tại sao các thầy cô giáo khác may mắn thế?
Điều đáng nói, có những khi học trò đẩy mình vào chân tường và sự thật là tôi rất vất vả trong việc kiềm chế bản thân. Tôi cũng cố nghĩ đủ kiểu để "kìm hãm" học trò cá biệt nhưng đều thất bại. Cuối cùng, lớp phải "đánh" vào kinh tế theo sự góp ý của lớp trưởng, bằng cách phạt tiền theo kiểu "có bệnh thì vái tứ phương".
Lớp tôi chủ nhiệm bắt đầu áp dụng "luật ngầm" như thế không ngờ có sự thay đổi. Tôi không cho rằng đó là biện pháp hữu hiệu, nhưng trong nhiều trường hợp để lớp có nề nếp thì phải thử các cách. Nhưng chắc chắn trong trăm nghìn cách rèn học trò không có chỗ cho đòn roi.
Trường học là nơi dạy yêu thương chứ không chỉ có điểm số. Trong ảnh: một thầy giáo ở huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi rửa tay cho học trò khi đến thăm nhà các em - Ảnh: TRẦN MAI
Những áp lực dồn nén lên vai người thầy
Tôi từng chứng kiến cảnh người cha lột quần áo đứa con học lớp 7 và đánh con từ quán game về nhà. Trong suy nghĩ của người cha ấy, lột quần áo của con giữa đường là nghiêm khắc dạy dỗ, là thương con, vì tương lai của con. Nhưng hành động đó thực chất là làm nhục một con người.
Khi cha mẹ không tôn trọng con, giáo viên không tôn trọng học sinh, sao dám mong trẻ có niềm tin vào chính mình? Nhưng tự khi nào ngay chính những người thầy cũng đang rơi vãi niềm tin vào bản thân?
Vì đâu mà nghề giáo trở nên nông nỗi này? Ai cứu giáo viên chúng tôi? Ai mở đường cho chúng tôi? Tại sao thi thoảng đâu đó lại có những sự việc đáng tiếc xảy ra? Tại sao những người thầy như chúng tôi vẫn mãi đi tìm câu trả lời?
Có lẽ nạn nhân trong các sự việc này không chỉ học sinh, mà cả giáo viên. Có lẽ người đang cần cầu cứu lúc này chính là giáo viên. Bởi chúng tôi có trăm công nghìn việc đè nặng lên vai, lại phải "gánh team", chạy đua thành tích...
Nhưng điểm thi đua mà chi, thành tích mà chi bởi đó chỉ là ảo, còn tình yêu thương là thật. Trường học là nơi nuôi dưỡng con người, chứ không phải tạo ra thật nhiều điểm số.
Vì đâu những áp lực đang dồn nén lên vai người thầy? Chắc chắn là vì sự hài lòng của phụ huynh, của cấp trên và của xã hội. Có một sự thật là vì để đáp ứng những mong mỏi ấy, không ít giáo viên đã quên mất vai trò của mình là dạy chữ, dạy làm người cho trẻ.
Thay vào đó, họ cố gắng làm tròn vai nhưng lại vô tình đánh mất mình tự lúc nào. Nếu như giáo viên bộn bề với công việc của mình, không có khoảng lặng để thở, để nhìn lại và ngẫm nghĩ, rất có thể sẽ kéo theo những sai lầm này đến sai lầm khác.
"Vì đâu những áp lực đang dồn nén lên vai người thầy? Chắc chắn là vì sự hài lòng của phụ huynh, của cấp trên và của xã hội".
Cô giáo NGUYỄN PHI KHANH
Thiếu những khóa học đào tạo kỹ năng cho giáo viên
Ở trường tôi, thi thoảng cũng có đợt giáo viên được cử đi đào tạo, nhưng thực tế những khóa học ấy vẫn quá ít, chưa đủ đáp ứng. Chúng tôi vẫn còn "đói" những khóa đào tạo về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng trong giao tiếp với học trò, kỹ năng đưa học trò vào nề nếp.
Chung quy lại, giáo viên thời nay trăm công nghìn việc, nếu thiếu kỹ năng xử lý tình huống sư phạm sẽ từ nghiêm khắc dẫn đến bạo hành. Chúng ta không thể đổ lỗi cho áp lực, cho những căng thẳng, mệt mỏi để dẫn đến những hành động sai lầm. Làm chủ cảm xúc cũng là bài học mà mỗi giáo viên nên học.
Với những gì đã trải qua, tôi nhận ra dù nghiêm khắc cũng phải nghiêm khắc trong tình yêu thương. Và hơn cả, chúng ta đừng nhầm lẫn giữa nghiêm khắc và bạo hành. Đừng nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực khi đứng lớp.
Bạo hành và nghiêm khắc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều người lại nhầm lẫn, đánh đồng. Sau một sự vụ nào đó, dư luận lên tiếng chỉ trích người thầy.
Có người cho rằng giáo viên mà đánh, nặng lời với học sinh thì nên ra khỏi ngành. Nhưng trong thực tế đó chỉ là giải pháp tức thời, nhỏ lẻ. Chúng ta cần một giải pháp bền vững, chứ không thể rách đâu vá đấy.
Theo tuoitre
Trường học có võng xếp, ghế sofa phục vụ sinh viên nghỉ trưa ở Sài Gòn Hơn 70 võng xếp và máy lạnh vừa được ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM trang bị để sinh viên nghỉ trưa miễn phí. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức) vừa đưa vào hoạt động khu nghỉ trưa có bố trí võng và máy lạnh miễn phí dành cho sinh viên. Sinh viên...