Phát huy tính đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học
Chiều 12/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Microsoft Việt Nam đã trao giải cho các giáo viên có sản phẩm sáng tạo tham gia Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2020 (Education Exchange 2020).
Các tác giải giành giải đặc biệt của Diễn đàn.
Theo Ban tổ chức, sau hơn hai tháng phát động, diễn đàn đã thu hút đông đảo giáo viên trong cả nước tham gia với 832 sản phẩm sáng tạo. Các sản phẩm tham dự diễn đàn năm nay đa dạng về mặt nội dung, từ các dự án STEM, STEAM, thiết kế phần mềm giảng dạy, lớp học đảo ngược, đến các dự án của học sinh về việc bảo vệ môi trường, về bảo tồn văn hoá dân tộc, giáo dục kỹ năng sống, tình yêu thương cho học sinh…
Ban tổ chức đã lựa chọn được 50 sản phẩm sáng tạo nhất, thể hiện rõ nét nhất các tiêu chí hợp tác, sáng tạo, hòa nhập và tăng cường tiếng nói học sinh vào vòng chung kết và trưng bày tại ngày hội của diễn đàn diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 ngày 11 và 12/1.
Theo đó, diễn đàn năm nay đã dành 3 giải Đặc biệt cho các tác giả: Nguyễn Ngọc Thiên Trinh, Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring (Hà Nội) với sản phẩm “Dự án liên môn 10X start-up”; Phạm Ngọc Đức, Học viện quản lý giáo dục (Hà Nội) với sản phẩm “Lớp học trên mây, lớp học kết nối”; Bùi Diệu Linh, Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội) với tác phẩm “Dự án hóa mỹ phẩm hữu cơ”.
Cùng với đó, 3 giải Nhất của diễn đàn được trao cho các tác giả: Nguyễn Lý Thủy, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông Việt Úc (Thành phố Hồ Chí Minh) với tác phẩm “Thắp sáng tri thức”; Nguyễn Diệu Ngọc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) với tác phẩm “Hanoi Hanoi”; Trần Văn Huy, Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) với tác phẩm “Hack Micro:bit”. Ban tổ chức cũng đã trao 3 giải Nhì, 3 giải Ba và các giải thưởng Thử thách nhóm cho các giáo viên.
Video đang HOT
Các tác giải giành giải Nhì của Diễn đàn.
Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, trước đây là cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Micrososft Việt Nam tổ chức từ năm 2014. Diễn đàn nhằm thúc đẩy và phát huy tính đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Tham gia diễn đàn này là giáo viên từ bậc mầm non đến đại học trong cả nước. Sản phẩm dự thi là những sáng tạo của giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp hàng ngày như dạy học, giáo dục, công tác chủ nhiệm lớp, công tác Đoàn – Đội, tổ chức hoạt động ngoại khóa, làm việc với cha mẹ học sinh, cộng đồng…
Theo T.Hoài (TTXVN)
11 tiêu chuẩn chương trình đào tạo từ xa
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Ảnh minh họa
Theo dự thảo Thông tư, có 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo.
Cụ thể, tiêu chuẩn 1 về mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Mục tiêu của chương trình đào tạo phải phù hợp với mục tiêu của GDĐH được quy định trong Luật. Chuẩn đầu ra của chương trình được xác định rõ ràng theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Tiêu chuẩn 2 về bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo. Bản mô tả chương trình đào tạo phải đầy đủ thông tin, cập nhật, xác định rõ phương thức đào tạo từ xa, được công bố công khai. Đề cương chi tiết các môn học đầy đủ thông tin, cập nhật. Nội dung chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra, cập nhật, có cấu trúc linh loạt, trình tự logic và gắn kết giữa các môn học hoặc học phần trong việc đạt được chuẩn đầu ra.
Tiêu chuẩn 3 về hoạt động dạy và học. Các hoạt động dạy và học được thiết kế, triển khai phù hợp với phương thức đào tạo từ xa; đáp ứng chuẩn đầu ra; bảo đảm sự tương tác hiệu quả giữa người dạy và người học, giữa người học và người học; đồng thời thúc đẩy việc rèn luyện các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, nâng cao khả năng học tập suốt đời của người học.
Tiêu chuẩn 4 về hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Hoạt động này được thiết kế và triển khai phù hợp với phương thức đào tạo từ xa; phù hợp với mức độ đạt được chuẩn đầu ra. Quy trình này phải rõ ràng và được thông báo công khai đến người học.
Tiêu chuẩn 5 về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Việc quy hoạch, tuyển dụng và phân công nhiệm vụ cho giảng viên, nghiên cứu viên đáp ứng các yêu cầu về đào tạo từ xa, nghiên cứu khoa học về giáo dục mở và đào tạo từ xa, hoạt động phục vụ cộng đồng.
Giảng viên, nghiên cứu viên được tập huấn và định kỳ bồi dưỡng về phương pháp, kỹ năng làm việc, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực đào tạo từ xa; năng lực và khối lượng công việc phải được định kỳ đánh giá làm căn cứ để cải tiến chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Tiêu chuẩn 6 về đội ngũ nhân viên. Việc quy hoạch đội ngũ nhân viên được thực hiện đáp ứng nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng. Năng lực và khối lượng công việc của đội ngũ nhân viên được xác định; có cơ chế giám sát, đánh giá và khuyến khích đội ngũ nhân viên.
Tiêu chuẩn 7 về người học và hoạt động hỗ trợ người học. Chính sách tuyển sinh được xác định rõ ràng, được công bố công khai và được thường xuyên cập nhật. Người học được trang bị phương pháp, kỹ năng học tập từ xa có hiệu quả. Hệ thống thông tin tư vấn, hỗ trợ cho người học được cung cấp đầy đủ, rõ ràng trên cổng thông tin đào tạo từ xa.
Tiêu chuẩn 8 về cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu. Hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống các phần mềm phải đáp ứng yêu cầu quản lý và đào tạo từ xa, có kế hoạch đầu tư, phát triển, nâng cấp định kỳ hạ tầng công nghệ thông tin. Các hệ thống phòng thu, thư viện, học liệu cũng phải đảm bảo đầy đủ, cập nhật.
Tiêu chuẩn 9 về quản lý triển khai chương trình đào tạo. Kế hoạch triển khai chương trình đào tạo từ xa được xây dựng hằng năm phù hợp với chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục. Ngoài ra cần đảo đảm nguồn tài chính và có kế hoạch đầu tư phát triển chương trình đào tạo từ xa và các điều kiện triển khai.
Quy hoạch, bổ nhiệm và bồi dưỡng cán bộ quản lý triển khai chương trình đào tạo từ xa phải đáp ứng yêu cầu của phương thức đào tạo từ xa. Cần có hệ thống giám sát phù hợp về sự tiến bộ trong học tập, kết quả học tập, khối lượng học tập của người học từ xa,...
Tiêu chuẩn 10 về việc bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Thông tin phản hồi và nhu cầu của các bên liên quan về chương trình đào tạo từ xa phải được sử dụng làm căn cứ để xây dựng, đánh giá và phát triển chương trình dạy học. Quá trình dạy và học, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học được rà soát và định kỳ đánh giá để bảo đảm người học đạt được chuẩn đầu ra.
Tiêu chuẩn 11 về kết quả đầu ra. Tỉ lệ thôi học, tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng. Thời gian tốt nghiệp trung bình được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng. Mức độ hài lòng của các bên liên quan được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng.
11 tiêu chí của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được đánh giá theo thang 7 mức là: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khắc phục ngay; Không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục; Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí; Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tiêu chí; Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí; Đáp ứng xuất sắc yêu cầu của tiêu chí.
Các tiêu chí được đánh giá từ mức 1 đến mức 3 là chưa đạt yêu cầu, từ mức 4 đến mức 7 là đạt yêu cầu.
Dự thảo lấy ý kiến đến hết ngày 6/3/2020.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Đào tạo nhân lực tương lai: "Bình mới, mà rượu vẫn... cũ"? Nền kinh tế đã và đang có nhiều thay đổi sâu sắc, dẫn đến yêu cầu nhân lực, quy mô và phương thức đào tạo cần phải thay đổi theo, thậm chí đào tạo còn phải thay đổi mang tính đi trước, đón đầu. Tuy nhiên, cái nhìn về thầy - thợ vẫn vậy, tâm lý học vẫn là để có bằng cấp......