Phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao trong các nhà trường quân đội
QĐND – Các nhà trường quân đội là những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học; là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao của quân đội. Việc phát huy đội ngũ này, nhất là nguồn lực giảng viên chất lượng cao, không những trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) mà còn góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Những năm gần đây, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, mở cửa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điển hình như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.
Trên cơ sở các quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có Nghị quyết 86 “Về công tác giáo dục và đào tạo trong tình hình mới”; Nghị quyết 769 “Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”; “Đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội giai đoạn 2011-2020″ và “Chiến lược giáo dục và đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011-2020″, nhằm xây dựng và phát huy vai trò nguồn nhân lực trong quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.
Đảng ủy, ban giám đốc (ban giám hiệu) các trường quân đội luôn coi trọng việc xây dựng nguồn lực giảng viên về mọi mặt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, các chuyên gia đầu ngành trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, một số nhà trường vẫn chưa tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực mạnh mẽ để thu hút, khai thác và phát huy hiệu quả vai trò nguồn lực này cho sự nghiệp “trồng người” của quân đội và đất nước.
Giờ lên lớp của giảng viên Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Minh Trường
Các nhà trường quân đội là những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao của quân đội. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN và yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện công tác GD-ĐT hiện nay đòi hỏi cần khai thác, phát huy vai trò nguồn lực này một cách toàn diện và có chiều sâu, nhằm tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về chất lượng GD-ĐT; đồng thời khẳng định vị thế, uy tín của các trường quân đội.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, trước hết cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò và giá trị lao động của nguồn lực giảng viên chất lượng cao trong các nhà trường quân đội. Đây là một bộ phận nòng cốt, tiêu biểu trong đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tôn vinh những cống hiến, đóng góp xứng đáng của đội ngũ nhà giáo quân đội trong sự nghiệp GD-ĐT, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đánh giá đúng giá trị đặc thù trong lao động của nguồn lực giảng viên chất lượng cao; từ đó có chính sách phù hợp để khuyến khích, phát huy vai trò tích cực, sáng tạo của họ; khắc phục tình trạng lãng phí “chất xám” ở một số nhà trường, như trong thời gian qua.
Cần tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa quá trình đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn lực giảng viên chất lượng cao ở các nhà trường quân đội. Đảng, Nhà nước, quân đội có chính sách thu hút nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực giảng viên chất lượng cao. Đối với các nhà trường, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực này cần gắn kết chặt chẽ với các yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ và trí thức quân đội. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm “thực học”, “thực tài”, coi trọng việc quản lý chất lượng “sản phẩm đầu ra”. Đặc biệt, cần gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này ở các nhà trường quân đội; bố trí công việc phù hợp, phát huy tối đa năng lực, sở trường…
Môi trường hoạt động quân sự có những yêu cầu và yếu tố đặc thù. Trong triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, một trong những vấn đề then chốt để tạo sự đột phá trong việc đổi mới giáo dục là không chỉ là đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nghiên cứu… hiện đại, mà cần quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến con người. Qua đó, đội ngũ giảng viên chất lượng cao luôn có những điều kiện tốt nhất để phát huy trí tuệ, phẩm chất, năng lực, đi sâu nghiên cứu, giảng dạy và phát triển theo đúng chuyên ngành được đào tạo.
Mong rằng, thời gian tới, Đảng, Nhà nước, quân đội cần tiếp tục quan tâm, có chế độ, chính sách phù hợp khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng với những cống hiến, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong các trường quân đội, nhất là nguồn nhân lực giảng viên chất lượng cao; thực hiện tốt phương châm “trọng dụng nhân tài”, “tôn sư trọng đạo”. Qua đó, các trường quân đội có điều kiện thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT, xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Theo QĐND