Phát huy hiệu quả Câu lạc bộ Phát thanh măng non
Thông qua phát thanh măng non, học sinh biết được tin tức về hoạt động Đoàn, Đội trong và ngoài nhà trường; hiểu thêm về truyền thống của Đảng, Đoàn, Đội, các gương anh hùng liệt sỹ, các gương tốt và một số kiến thức, kỹ năng Đội, các kỷ năng trong đời sống.
Các thành viên CLB phát thanh măng non trường THCS Phong Mỹ.
Nhiều bài học bổ ích
Năm học 2019 – 2020, Liên đội trường THCS Phong Mỹ (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) đã thành lập câu lạc bộ phát thanh măng non.
Câu lạc bộ hiện có 11 thành viên, cô Nguyễn Thị Minh Hiếu (giáo viên Tổng phụ trách Đội) làm Chủ nhiệm CLB, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (giáo viên ngữ văn) làm Phó Chủ nhiệm, chịu trách nhiệm biên tập nội dung.
Hiện CLB phát thanh măng non trường THCS Phong Mỹ đã đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả cao. Qua đó góp phần giáo dục nhân cách, kĩ năng sống cho các em.
Cô Nguyễn Thị Minh Hiếu, giáo viên Tổng phụ trách Đội trường THCS Phong Mỹ chia sẻ: “Hiện nay, việc học chính khóa, ngoại khóa các kiến thức về hoạt động Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh chưa sinh động, hấp dẫn từ đó các em học sinh tiếp thu được chưa nhiều.
Chính vì thế, với nhiệm vụ là một người tổ chức các hoạt động Đội trong nhà trường, với mong muốn cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức hơn, tuyên truyền được nhiều nội dung hơn, sinh động hơn nên tôi đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo trường đưa chương trình phát thanh măng non vào nội dung sinh hoạt hằng tuần trong trường, với nhận định rằng phát thanh măng non chính là kênh thông tin khá hiệu quả và thiết thực”.
Thông qua phát thanh măng non, học sinh biết được tin tức về hoạt động Đoàn, Đội trong và ngoài nhà trường; hiểu thêm về truyền thống của Đảng, Đoàn, Đội, các gương anh hùng liệt sỹ, các gương tốt và một số kiến thức, kỹ năng Đội, các kỷ năng trong đời sống…
CLB phát thanh măng non trường THCS Phong Mỹ tiến hành phát thanh măng non hằng tuần vào giờ ra chơi ngày thứ 3 thứ 6 với hình thức đọc phát trực tiếp trên hệ thống loa phóng thanh của nhà trường.
Ngoài ra, CLB còn phối hợp với cán bộ thư viện tổ chức giới thiệu những cuốn sách hay để thu hút số lượng học sinh đến thư viện đọc sách. Chương trình phát thanh măng non sẽ được thực hiện trong suốt năm học góp phần giáo dục nề nếp, kỷ cương trong nhà trường và phát huy tính sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm của học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ: “Dẫu mới chỉ tham gia viết bài phát thanh ở CLB phát thanh măng non của trường, nhưng hoạt động của CLB là cơ hội để các em phát huy năng khiếu, tìm tòi, phát hiện và giới thiệu những tấm gương tiêu biểu… hoạt động của CLB không chỉ dừng lại ở việc bày tỏ những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng hồn nhiên, vui tươi của tuổi học trò. Đây còn là môi trường thuận lợi để khơi nguồn, chăm bồi cho niềm đam mê viết lách, giúp các em tự tin trong giao tiếp, nhạy bén trong học tập”.
Video đang HOT
Với các em học sinh, tham gia CLB Phát thanh măng non là một trải nghiệm rất thú vị. Em Đỗ Thị Thái Vy, lớp 9/2, trường THCS Phong Mỹ hào hứng: “Chương trình đã mang đến cho chúng em những câu chuyện hay, ý nghĩa, những món quà tinh thần bổ ích, những câu chuyện thú vị… Đây là sân chơi bổ ích để em và các bạn có thêm tinh thần, động lực học tập, rèn luyện nhiều kỹ năng, qua đó góp phần giúp chúng em định hướng nghề nghiệp sau này”.
Em Nguyễn Hữu Chung, học sinh lớp 9/1, trường THCS Phong Mỹ tâm sự: “Từ khi tham gia vào CLB, được học các kỹ năng làm phóng viên em thấy rất thú vị, em thấy mình ngày càng tự tin và hoạt bát, năng động hơn. Được tiếp xúc và tìm hiểu về hoàn cảnh của các bạn học sinh nghèo vươn lên trong học tập, qua đó giúp em hiểu thêm về hoàn cảnh của các bạn và em cảm thấy rất khâm phục, cần phải học tập các bạn ấy nhiều hơn…”.
“Thông qua CLB, em biết được thêm rất nhiều điều bổ ích khi tìm các tài liệu để lên nội dung cho chương trình, cách hành văn cũng tốt hơn và tình cảm giữa các bạn trong CLB gắn kết hơn, luôn vui vẻ, hòa đồng. Đây cũng là chương trình khá hấp dẫn, nhiều tiết mục phát sóng như là thông điệp nhắc nhở chúng em hãy cố gắng học tập tốt, xứng đáng với ý nghĩa là thế hệ nối tiếp cha ông”, em Lê Thị Diễm Quỳnh, học sinh lớp 8/1 vui vẻ nói.
Phát huy hiệu quả
Phát thanh viên măng non đang thực hiện chương trình.
Thông qua các buổi phát thanh, ý thức của học sinh trong nhà trường đã có chuyển biến tích cực, có nền nếp, kỷ luật hơn trong các hoạt động, số đội viên vi phạm nội quy, quy chế trong trường học đã giảm đáng kể, đặc biệt là về việc tham gia giao thông.
Để chương trình phát thanh măng non đạt hiệu quả cao nhà trường đã có kế hoạch cho các chi đội sinh hoạt 15 phút giữa giờ để lắng nghe chương trình phát thanh. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm có thể cho chi đội trưởng điều khiển lớp và cho nhắc lại một số nội dung chính, những điều cần chú ý để các em tiếp thu sâu hơn, thực tiễn hơn.
Việc lựa chọn nội dung phát, nhạc nền cũng phải phù hợp với chủ điểm hàng tháng, nội dung cần rõ và chi tiết, thiết thực.
Nhận xét về hiệu quả của CLB phát thanh măng non, thầy giáo Mai Hồng Phi – Hiệu Trưởng trường THCS Phong Mỹ cho biết: “Các em đã có thêm nhiều bài học bổ ích, nhiều kiến thức ngoài những bài học trong sách vở, biết làm việc nhóm, phân công, sắp xếp nhiệm vụ, cùng nhau tranh luận, có trách nhiệm với việc mình được giao để chương trình phát thanh đúng hạn. Các em cũng rèn luyện được về giọng đọc, tự tin khi cầm micro và dẫn chương trình lưu loát hơn”.
Có thể thấy, CLB phát thanh măng non của trường THCS Phong Mỹ đã giúp các em hình thành thói quen quan sát cuộc sống xung quanh, kỹ năng tư duy cũng như khả năng phát hiện đề tài. Nhờ đó, các em trở nên tích cực hơn trong các hoạt động, nhất là trong việc phát biểu xây dựng bài, thảo luận nhóm và mạnh dạn bày tỏ ý kiến, thắc mắc với thầy cô giáo trong các giờ học.
Bài, ảnh: Văn Bốn
Theo GDTĐ
Những cuộc họp không cần thiết trong nhà trường!
Có những buổi, giáo viên chúng tôi phải dự đến 3 cuộc họp, họp từ 13h30 đến đúng 18 giờ chiều thì mới được đứng lên để ra về.
Dù năm học mới diễn ra được hơn một tháng nhưng nhìn lại khoảng thời gian này thì nhiều giáo viên ngao ngán với những cuộc họp vô bổ của nhà trường đã tổ chức. Có những buổi, giáo viên chúng tôi phải dự đến 3 cuộc họp, họp từ 13h30 đến đúng 18 giờ chiều thì mới được đứng lên để ra về.
Nhìn trời đang mưa lất phất trong không gian nhá nhem tối, nghĩ quãng đường về nhà phải đi hơn 20 km mà sợ. Thế nhưng, nhiều giáo nữ còn xa hơn nữa...Những lúc rơi vào hoàn cảnh như thế này sao mà giáo viên chúng tôi sợ họp đến vậy!
Ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên phải dự vô số các cuộc họp (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Họp- tất nhiên cơ quan, tập thể nào cũng đều phải họp mới có thể duy trì sự hoạt động của mình. Họp để nhìn lại những hoạt động mà đơn vị đã làm được, những hoạt động chưa làm được để đưa ra những giải pháp trong thời gian tới thực hiện tốt hơn.
Họp để bàn bạc những kế hoạch của nhà trường sẽ được triển khai trong thời gian nhằm tổ chức, thực hiện ra sao cho hiệu quả.
Nhưng, họp mà không có gì mới, vẫn là những tổng kết sơ sài, chung chung mà thuật ngữ hay gọi là "họp lệ" thì có cần thiết phải tổ chức nhiều cuộc họp trùng lặp về nội dung hay không?
Bởi, trong trường học thì ngoài số giờ dạy trên lớp theo quy định thì giáo viên còn phải chuẩn bị nhiều việc lúc ở nhà như chấm bài, soạn giáo án, chuẩn bị các loại hồ sơ sổ sách, tự bồi dưỡng chuyên môn và tất nhiên là họ cũng phải còn lo công việc gia đình nữa.
Những cuộc họp thực sự cần thiết thì cả nên huy động giáo viên vào trường, những cuộc họp nào không cần thiết thì chỉ cần thông báo qua tin nhắn hoặc Ban giám hiệu nhà trường chỉ cần triển khai qua đội ngũ cốt cán để họ về triển khai lại trong buổi họp tổ chuyên môn cũng được.
Đằng này, họp đi họp lại nhiều cuộc họp như họp chi bộ, họp tổ trưởng, họp hội đồng sư phạm nhà trường, họp tổ chuyên môn mà cũng chừng ấy nội dung thì họp làm gì cho tốn công, tốn sức của tập thể giáo viên trong nhà trường?
Đầu tiên là tổ chuyên môn họp để thống nhất các chỉ tiêu của tổ trong năm học, sau đó nhà trường tổ chức họp để đăng ký chỉ tiêu, rồi đến hội nghị trù bị và cuối cùng mới tới hội nghị chính thức.Chỉ mỗi việc tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm học mà giáo viên chúng tôi phải họp đến 4 lần.
Trong một tuần mà có đến 4 lần vào trường để họp với một nội dung duy nhất là chuẩn bị và tổ chức cho hội nghị cán bộ viên chức nhà trường thì liệu có cần thiết không?
Những ngày đầu năm, nhà trường thường đón nhiều đoàn kiểm tra của Phòng, Ủy ban nhân huyện, xã vào kiểm tra các hoạt động nhà trường và cứ mỗi đợt như vậy, nhà trường đều yêu cầu là giáo viên nào có tiết thì dạy bình thường, giáo viên nào không có tiết thì phải dự để đón đoàn.
Có những lần lên trường dự các đón đoàn như vậy chỉ mất chừng 10 phút nhưng có giáo viên phải vượt qua quãng đường gần 40 km đến trường. Gần 80 km cả đi và về như vậy để lên ngồi không 10 phút cho có mặt như vậy thực sự là lãng phí vô cùng.
Ngoài các cuộc họp nhà trường, giáo viên còn họp tổ chuyên môn, họp hội đồng bộ môn, dự chuyên đề, dự thao giảng tổ, trường, hội đồng bộ môn. Mỗi tuần có vài lần đi họp khiến giáo viên ngán ngẩm.
Nhiều lúc, tranh thủ những cuộc họp như vậy thì một giáo giáo viên mang bài kiểm tra của học trò ra chấm. Bởi, nội dung cũng chẳng có gì mới, chỉ cần dự một cuộc họp trong rất nhiều cuộc họp đã biết được nội dung của tháng đó nhà trường có những hoạt động gì rồi.
Đối với những giáo viên chủ nhiệm lớp thì mỗi tuần còn thêm một số cuộc họp nữa. Lúc thì họp chủ nhiệm, họp để xử lý học sinh vi phạm, họp triển khai các hoạt động ngoài giờ, hoạt động Đoàn- Đội...
Những giáo viên gần trường thì còn đỡ nhưng trường học bây giờ có rất nhiều giáo viên xa trường đến vài chục km thì họp là nỗi ám ảnh mỗi khi được triệu tập vào trường để họp.Chính vì "họp" nhiều quá, "hành" nhiều quá khiến cho giáo viên sợ họp sau mỗi lần nhận được tin nhắn mời họp.
Họp mà quá tối, họp mà trời mưa gió những lúc đi- về thì đó là nỗi cực hình. Không đi thì không được, không đi thì bị ghi tên vào bảng chấm công và trừ điểm thi đua trong năm, bị góp ý, nhắc nhở trong các cuộc họp kế tiếp...
Nhiều trường còn ra nội quy là tất cả các hoạt động ngoài giờ như tổ chức trung thu, sinh hoạt ngoài giờ, văn nghệ, thể thao đều bắt 100% giáo viên trong trường phải tham dự.
Cho dù tổ chức ban ngày, buổi tối hay ngày nghỉ đều yêu cầu giáo viên phải có mặt dù nhiều giáo viên không kiêm nhiệm công tác chủ nhiêm, dù giáo viên ở xa, hoàn cảnh neo đơn. Nếu không đi là ngày hôm sau hiệu trưởng gọi vào văn phòng góp ý.
Thời đại công nghệ thông tin, trường nào cũng có dịch vụ tin nhắn điện tử, cũng có hộp thư điện tử chung. Những cuộc họp nào thực sự cần thiết thì cả nên triệu tập toàn thể giáo viên nhà trường.
Những cuộc họp mà nội dung ít như triển khai làm một kế hoạch, triển khai việc đón đoàn kiểm tra chỉ cần đơn giản 1 tin nhắn, hoặc một thông báo ngắn đưa lên email chung của nhà trường là giáo viên họ sẽ biết mình cần phải làm gì.
Bởi, những hoạt động đó là thường xuyên đâu có gì mới mà cứ phải họp mới triển khai được? Có những cuộc họp diễn ra khoảng 10-15 phút là khoảng thời gian không nhiều nhưng những giáo viên ở xa thì tội họ lắm!
Lãnh đạo Bộ đã nhiều lần lên tiếng, ra văn bản yêu cầu giảm áp lực cho giáo viên để giáo viên toàn tâm cho việc dạy học của mình nhưng xem chừng mọi thứ vẫn còn xa xỉ với giáo viên dưới cơ sở!
THANH AN
Theo giaoduc.net
Quận Ba Đình hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện Ngoài giáo dục chính khóa, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động Đoàn, Đội được ngành GD-ĐT quận Ba Đình đặc biệt quan tâm, góp phần làm tăng hiệu quả công tác giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Một giờ học trải nghiệm của học sinh quận Ba Đình Sáng nay 23/8, ngành GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức...