Phạt học sinh vi phạm kỷ luật: Cần những phương pháp tiến bộ hơn
Những hình thức kỷ luật học sinh đang quá nặng nề, thậm chí là vi phạm luật, gây ảnh hưởng đến tâm lý, tâm thần và khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh. Các chuyên gia giáo dục, tâm lý cho rằng nguyên nhân một phần là cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên chưa chú tâm đến kỷ luật tích cực.
TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: NVCC
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội tâm lý Giáo dục học Hà Nội: Quản lý nhà trường chưa nghiêm, chưa đúng quy luật
Hiện nay, có những môi trường mà nếu học sinh có lỡ va chạm nhau, thì thầy cô tìm mọi hình thức kỷ luật để răn đe, đè nén học sinh. Các em không được chỉ bảo, tìm hiểu ngọn ngành từ tính cách tới hoàn cảnh riêng để có biện pháp cho phù hợp.
Những vụ việc xảy ra gần đây, hiệu trưởng trường có chịu trách nhiệm không? Chắc chắn đây là điều băn khoăn lớn của các hiệu trưởng bởi họ phải thực hiện chương trình các bộ môn văn hoá đã kín thời gian. Các trường không có cán bộ tâm lý học đường. Hiệu trưởng không được quyền chủ động sử dụng các nguồn lực cho công việc giáo dục, chi cho giáo dục đạo đức còn hạn hẹp, không có định mức cụ thể. Chưa kể, nhân vật chính giải quyết công tác giáo dục đạo đức cho học sinh là giáo viên chủ nhiệm không được coi trọng, không được chọn lọc, không được trả lương thoả đáng để họ chuyên tâm.
Cán bộ quản lý trường học nhìn chung còn chưa mạnh dạn, chủ động giải quyết vấn đề của nhà trường. Chúng tôi cảm giác trong vấn đề tự chủ này, các trường ngoài công lập, có các nhà quản lý có trình độ thì chủ động giải quyết được nhiều vấn đề về giáo dục hơn các trường công lập.
Mặt khác, có một xu hướng “quá tả” trong nhiều nhà trường hiện nay là kỷ luật thật nặng học sinh. Các trường này hy vọng cứ kỷ luật nặng thì có thể chấm dứt bạo lực học đường. Do đó nhiều em đã bị đuổi học oan. Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Kỷ luật là để học sinh tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình – chủ yếu kỷ luật cũng là một phương pháp giáo dục. Kỷ luật chỉ có hiệu quả khi nó giúp học sinh nhận thức sâu sắc về thiếu sót của mình và nỗ lực hoàn thiện mình.
Nếu kỷ luật tước đi của học sinh môi trường giáo dục là nhà trường đã không làm tròn sứ mệnh của mình. Do đó trong nhà trường học sinh có thể bị đình chỉ một số buổi học để các em suy ngẫm, đây là hình thức kỷ luật hiệu quả; còn nếu đình chỉ vài tuần, vài tháng hay cả năm học thì kỷ luật đó không còn là phương pháp giáo dục nữa mà trở thành thứ đầy ải học sinh, tước đi quyền được học tập của các em. Có nghĩa là chúng ta đã vi phạm pháp luật.
Video đang HOT
TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội: Vòng tròn bạo lực trong trường học sẽ ảnh hưởng nặng tới tâm lý học sinh
Trên thực tế, nhiều thầy, cô mong muốn dạy trẻ em bằng cách tạo cho mình một vẻ “đáng sợ” với suy nghĩ sai lầm “có như thế thì trẻ mới vâng lời”. Nếu trẻ phản kháng, giáo viên cho rằng “mình bị mất uy” và lại càng trừng phạt mạnh tay hơn. Nhưng những hình phạt ấy chỉ làm cho đứa trẻ ấm ức và có thể sẽ tìm cách trả đũa bằng những hành vi tương tự hoặc tệ hại hơn. Qua đó hình thành một vòng tròn bạo lực luẩn quẩn giữa thầy và trò, trò với trò.
Những trường hợp bạo lực thể chất, trừng phạt khắt khe lên thân thể học sinh, đe doạ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh… trực tiếp ảnh hưởng nặng nề đến học sinh. Nhiều em có biểu hiện thiếu tập trung, không thể học tập tại lớp. Thậm chí, những ảnh hưởng này khiến các em không muốn đến trường, rồi bỏ học. Hậu quả đối với sức khoẻ tinh thần của các em là: Lo lắng, trầm cảm, luôn có cảm giác thù địch, tự ti, cảm thấy xấu hổ khi bị thầy/cô, bè bạn sỉ nhục… Nặng hơn, một vài em sẽ mất trí nhớ và có ý định tự tử.
Để giảm thiểu phần nào thực trạng này, chúng tôi cho rằng cần có sự tham gia của ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên trong trường học; học sinh; phụ huynh; chuyên viên tham vấn, tư vấn học đường, nhân viên công tác xã hội học đường; cơ quan thực thi pháp luật địa phương; cơ sở chăm sóc sức khoẻ thể chất và tâm thần địa phương… Tất cả những “khuôn mặt” này góp phần làm nên môi trường giáo dục để học sinh có thể phát triển tâm lý, thể chất, học tập một cách tốt nhất. Trong đó, cần tăng cường quản lý lớp học tích cực cho giáo viên, tạo mối quan hệ thân thiết giữa thầy và trò. Nội quy rõ ràng và khen thưởng nhất quán, dù là những việc rất nhỏ sẽ tăng tính tích cực trong dạy và học. Điều này mới làm nên hiệu quả của môi trường học tập tích cực.
Lê Vân
Theo Báo Tin Tức
Phạt học sinh vi phạm kỷ luật: Cách nào để giảm?
Những ngày vừa qua, sự việc một cô giáo tại Hà Nội bắt học sinh quỳ đã làm dấy lên hai luồng ý kiến trái chiều về các hình thức phạt đối với những học sinh vi phạm kỷ luật. Để rộng đường dư luận, Báo Tin tức giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia giáo dục về vấn đề này.
PGS TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: NVCC
PGS TS Đỗ Ngọc Thống: Giáo viên có quyền trách phạt học sinh nhưng không quá giới hạn
Những ngày qua báo chí và mạng xã hội trao đổi rất sôi nổi về vụ việc cô giáo bắt học sinh quỳ. Hiện vẫn có hai luồng ý kiến gần như đối lập nhau: Một bên cho rằng giáo viên cần có quyền và được phép sử dụng các hình phạt, kể cả roi vọt, để học sinh nên người; Một bên phản đối việc giáo viên trách phạt, nhất là xúc phạm danh dự, sử dụng vũ lực làm tổn hại đến thân thể học sinh. Tôi nghĩ cả 2 luồng ý kiến đều có phần cực đoan.
Tôi cho rằng đã là giáo viên phải có quyền trách phạt học sinh. Vấn đề là trách phạt thế nào? Quyền ấy đến đâu? Trách phạt mà làm nhục học sinh trước nhiều người như bắt quỳ, chửi mắng theo lối hạ nhục... là rất không nên. Trách phạt bằng roi vọt, thước kẻ, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, bằng bạo lực gây thương tổn cơ thể học sinh lại càng không nên... Tóm lại, trách phạt mà làm cho học sinh nhục nhã, bị chấn thương cả cơ thể và tinh thần, tôi thấy cần ngăn chặn, phê phán.
Giáo viên được quyền phê phán những biểu hiện sai trái của học sinh bằng lời lẽ nhắc nhở. Cao hơn, giáo viên có quyền buộc học sinh không được học giờ học mà giáo viên đang dạy. Không thể ưu ái và tôn trọng mãi những học sinh cố tình quậy phá, không chịu học, thậm chí xúc phạm thầy cô. Càng không thể lùi bước trước những học sinh ỷ lại bố mẹ nhiều tiền, có quyền cao chức trọng mà coi thường tất cả.
Giáo viên cần có quyền yêu cầu phụ huynh đến gặp, trao đổi về những vi phạm của học sinh và nếu lặp lại nhiều lần thì giáo viên có quyền đề nghị nhà trường thi hành kỉ luật học sinh đó. Lãnh đạo nhà trường cần kiên quyết, công bằng cho cả giáo viên và học sinh; tránh trường hợp vị nể, sợ sệt. Không ít trường hợp, chỉ một cú điện thoại, một tin nhắn của cấp trên, hiệu trưởng nhà trường đã sợ hãi, rồi "đánh bùn sang ao", hòa cả làng, thậm chí quay lại, phê phán, kết tội giáo viên.
Người thầy và cách giáo dục học sinh, xưa và nay đều có những điều hay cần học hỏi, có những cái phải đổi thay, có những điều vẫn cần gìn giữ. Nếu người thầy có chuyên môn giỏi, có tấm lòng nhân hậu, tôi nghĩ gặp học trò như thế nào cũng sẽ có cách giáo dục phù hợp. Tiếc là do nhiều nguyên nhân, các thế hệ giáo viên ngày càng ít đi những ông thầy giỏi như thế.
PGS TS Nguyễn Hữu Hợp trong một giờ tương tác cùng học sinh tiểu học. Ảnh: Facebook nhân vật.
PGS Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội: Đừng chỉ "xử" giáo viên
Mỗi học sinh là một sản phẩm của giáo dục nhà trường, gia đình và cả xã hội. Mỗi học sinh học giỏi hay kém đều do giáo dục mà ra. Theo thuyết đa trí tuệ, mọi học sinh đều thông minh, do đó, các em đều có tiềm năng trở thành học sinh ngoan, học giỏi. Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn những em "hư", phá phách, quấy rối trong lớp học, không chịu học - cũng là sản phẩm của giáo dục, do giáo dục.
Thực trạng giáo dục hiện nay báo hiệu rằng sẽ còn nhiều học sinh đã đang như vậy. Đó là do nhiều nguyên nhân khác nhau: sĩ số lớp học quá đông, giáo viên không thể "ba đầu sáu tay" để kèm cặp, giúp đỡ từng em tiến bộ. Năng lực sư phạm của một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay còn thấp, chưa biết tổ chức hoạt động học tập phù hợp, chưa có kỹ năng quản lý lớp học, chưa biết vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực... Trong khi đó, quản lý giáo dục chỉ chăm chắm lo thành tích ảo, đổ cả "trăm dâu" lên đầu giáo viên. Nhiều phụ huynh tưởng con mình là viên ngọc không tì vết, nếu "viên ngọc" ấy bị xước là do giáo viên... Chưa kể, xã hội đầy rẫy hiện tượng tiêu cực cả trong ti-vi, mạng internet lẫn ngoài đời. Phàm cái gì xấu thì dễ học, cái tốt học khó hơn và phải học cả đời.
Lên án, kỷ luật giáo viên đã bắt học sinh quỳ không khó. Điều khó hơn cả là làm thế nào để giảm đến tối thiểu những học sinh vi phạm kỷ luật. Trách nhiệm này không của riêng ai nhưng trước hết là của những người liên quan trong ngành giáo dục. Liệu ai sẽ chịu trách nhiệm nếu để sĩ số học sinh vượt quá quy định? Giáo viên là người lao động làm ra sản phẩm là học sinh. Giáo dục tiểu học chẳng hạn, theo quy định, tối đa mỗi lớp không quá 35 em. Vậy mà rất nhiều lớp ở Hà Nội đến 60 em và hơn, nhưng giáo viên không hề được tính công cho những em "dư thừa" đó - thật bất công. Vấn đề quan trọng là, nếu sĩ số quá đông thì không thể bảo đảm được chất lượng giáo dục, tất yếu sẽ có "phế phẩm" học sinh hư, học kém. Do đó, bảo đảm sĩ số học sinh không vượt quá số tối đa trong một lớp theo quy định (đã là quá đông so với các nước tiên tiến) là yêu cầu đầu tiên.
Giáo dục của chúng ta đang rất lạc hậu, nhất là phương pháp và đánh giá. Chừng nào giáo viên còn giảng, đọc chép, đưa ra các dạng bài mẫu cho học sinh làm theo thì còn học sinh vô kỷ luật! Dù thầy cô giảng có hay đến mấy thì nghe mãi cũng chán, nhớ trong một thời gian ngắn rồi quên mau vì tư duy, trí thông minh không được kích hoạt. Dần dần, lỗ hổng kiến thức và kỹ năng to dần đến mức không thể cứu vãn. Khi đó, học sinh ngồi trong lớp nghe giảng chẳng khác gì con vịt ngẩng đầu lên bầu trời nghe sấm. Rồi tất yếu làm việc riêng, nói chuyện riêng, huých nhau...
Do đó, nhất thiết giáo viên phải vận dụng phương pháp dạy học tích cực: Tổ chức hoạt động cho học sinh để các em không còn "nhàn cư", tức là khi có việc để làm thì không "bất thiện" nữa. Các em phải tự phát hiện ra kiến thức mới, tự hình thành kỹ năng, tự phát triển năng lực cho mình.
Trong giáo dục, giáo viên cần coi trọng việc tổ chức lớp học như là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tổ chức lớp học là một nghệ thuật, bắt đầu từ buổi đầu tiên giáo viên nhận lớp, tiếp xúc với các em và được duy trì qua từng giờ phút dạy học. Trong quá trình đó, khi xảy ra những hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên nhất thiết phải vận dụng phương pháp kỷ luật tích cực theo quy tắc hệ quả tự nhiên và hệ quả logic.
Giáo viên cần nhớ rằng, trừng phạt bằng đòn roi, hạ nhục học sinh không có hiệu quả thực sự và bền vững. Và những nhà quản lý giáo dục, nếu chỉ đơn thuần "xử" giáo viên mà không chịu lắng nghe, phủi trách nhiệm là vô tâm, vô cảm.
Theo Báo Tin Tức
Lỗ hổng sửa điểm thi THPT: Làm sao vá lỗi? Hai Phó Phong Khao thi va Quan ly chât lương bi băt vi liên quan đên sưa điêm thi THPT. Đây co phai la ke hơ lơn cân khăc phuc? Bô Công an vưa co quyêt đinh khơi tô, băt tam giam ba Diêp Thi Hông Liên - Pho phong Khao thi va Quan ly chât lương, Sơ GD&ĐT Hoa Binh đê điêu...