Phát hoảng với những khoản tiền ‘bủa vây’ đầu năm học
Giá một bộ sách trong danh mục bắt buộc của lớp 8 là 135.000 đồng. Nhưng một phụ huynh cho biết đã nhận từ cô giáo chủ nhiệm của con danh mục sách phải mua ‘khiến nhiều người phát hoảng’…
Phụ huynh đi mua sách giáo khoa cho học sinh tại nhà sách và thiết bị trường học Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
“Năm nay đời sống người dân bị ảnh hưởng vì COVID-19 rất nghiêm trọng. Phụ huynh là người lao động tăng thêm 50.000 đồng trong chi phí mua sắm đồ dùng học tập cho con cũng thành gánh nặng đối với họ”. Giáo viên một trường tiểu học tại TP.HCM nói như vậy trước nhiều khoản tiền “bủa vây” phụ huynh đầu năm học mới.
Gần 1,2 triệu đồng mua sách
Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Cùng với đó, sách giáo khoa (SGK) cho chương trình mới này được xã hội hóa, mức giá tăng so với SGK lớp 1 của năm học trước.
Tuy nhiên, theo niêm yết giá của các nhà xuất bản (NXB), một bộ SGK theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT không quá 200.000 đồng. Ví dụ các bộ SGK lớp 1 của NXB Giáo Dục Việt Nam có giá từ 179.000 – 194.000 đồng/bộ. Nhưng trên thực tế, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 phải chi số tiền gấp nhiều lần như thế do phải “mua kèm” sách bổ trợ, sách tham khảo, tài liệu và đồ dùng học tập.
Còn các lớp 2 đến lớp 12 hiện vẫn học theo SGK tương ứng với chương trình cũ do NXB Giáo Dục phát hành. Giá một bộ sách trong danh mục bắt buộc của lớp 8 là 135.000 đồng. Nhưng một phụ huynh có con học lớp 8 cho biết đã nhận từ cô giáo chủ nhiệm của con danh mục sách phải mua “khiến nhiều người phát hoảng”.
Cụ thể, danh sách liệt kê 39 đầu SGK và sách bổ trợ “bắt buộc mua”, còn 17 đầu sách khác thuộc nhóm “tự chọn”. Tổng số tiền của sách bắt buộc phải mua trên 755.000 đồng, còn số tiền sách “tự chọn” là 434.000 đồng. Tính cả hai loại trong danh mục trên gần 1,2 triệu đồng. Đây mới chỉ là “tiền sách”, chưa kể các loại tiền đầu năm mà một học sinh trung học phải mua như đồng phục, tiền nước sạch, tiền vệ sinh, tiền gửi xe, tiền hỗ trợ bán trú, học phí…
Ở các lớp bậc trung học, nhất là lớp cuối cấp, hàng chục đầu sách tham khảo được giáo viên hướng dẫn phụ huynh mua, thậm chí nhận “mua giúp”, đồng thời giáo viên sử dụng bài tập, ngữ liệu trong sách tham khảo để dạy, giao bài tập. Việc này khiến phụ huynh buộc phải mua thì con mới có sách học.
Khác với tiểu học không có “vở bài tập in” nhưng môn học nào trong danh mục sách trên cũng có kèm theo các loại sách bài tập, bài tập nâng cao, luyện giải toán qua Internet, thực hành toán theo phương pháp dạy học tích cực, thực hành kiểm tra đánh giá năng lực, giới thiệu bộ đề thi…
Bộ sách lớp 1 được bày bán ở một nhà sách ờ TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Bìa bao, cặp sách cũng đồng phục
Ông N.T. – phụ huynh ở quận 10 – kể năm học mới bắt đầu khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cuộc sống gia đình ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập giảm hẳn mà chi phí cho con đi học ngày càng tăng lên.
Video đang HOT
“Gia đình tôi có hai con, cháu lớn đang học Trường THCS NTP, cháu nhỏ đang học Trường tiểu học DMC ở quận 10. Ngoài việc yêu cầu học sinh đi học phải mua quần áo theo đồng phục như nhà trường quy định, đến cả cái bìa bao tập chúng tôi cũng phải mua theo đồng phục của trường.
Các cuốn tập ngoài thị trường bây giờ đã có bìa cứng rất đẹp, chỉ cần dán nhãn vở lên rồi bao thêm 1 lượt giấy kiếng trong nữa là xong. Vậy mà nhà trường bắt học sinh phải mua bìa bao tập do trường phát hành, có logo, có tên trường và phải bao đúng màu bìa cho các môn” – phụ huynh này bức xúc.
Ngoài ra, ông nói thêm: “Tôi còn tốn thêm một khoản tiền để mua cặp đi học theo đúng mẫu do nhà trường đưa ra cho đứa con lớn. Trong khi cháu đã được tặng một cái balô rất đẹp từ trước nhưng không được sử dụng để đi học. Tôi hỏi bạn bè thân quen thì được biết có rất nhiều trường cũng có tình trạng này”.
Theo một số phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội, thường nhà trường thông tin đăng ký mua SGK từ cuối năm học trước. Ngày tổng kết năm học cũ, học sinh được phát luôn sách cho năm học mới.
Mỗi học sinh được phát một túi bao gồm đủ sách cần dùng cho năm học sau. Trong số này, ngoài SGK, sách bài tập đi kèm còn có các vở bài tập in, vở tập viết. Cách làm này khiến phụ huynh đều hiểu “vở bài tập in”, thậm chí các sách tham khảo, bổ trợ khác đều là bắt buộc.
Bộ GD-ĐT phải có chỉ đạo
Cô H. – giáo viên đã có thâm niên dạy tiểu học hơn 20 năm ở TP.HCM – khẳng định: “Không dùng vở bài tập vẫn dạy được hai buổi/ngày, vẫn rèn cho học sinh các kỹ năng: làm toán, rèn chữ… Nhưng có vở bài tập thì giáo viên khỏe hơn, không phải viết đề bài trên bảng, học sinh cũng không phải viết đề bài vào vở”.
Ưu thế của vở bài tập in là tiết kiệm thời gian, luyện tập cho trẻ được nhiều hơn đã khiến các nhà trường dần dần xem “vở in” là thứ tất yếu học sinh phải có. Những học sinh không mua vở sẽ bị trật ra ngoài, không theo được cách dạy học của cô giáo. Không phải tất cả giáo viên đều thích lạm dụng vở bài tập in nhưng từ “luật bất thành văn” trở thành quy định mà giáo viên không thể làm trái.
Còn cô T.T. – giáo viên tiểu học ở TP.HCM – đánh giá: “Với học sinh tiểu học, việc chép đề bài vào vở cũng là một cách rèn kỹ năng viết chữ, rèn kỹ năng trình bày… Năm nay bộ SGK lớp 1 mới có giá thành cao hơn bộ SGK hiện hành. Trong khi đó năm nay đời sống người dân bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 thì rất nhiều và trầm trọng.
Đối với phụ huynh đa số là người dân lao động như ở trường tôi, có tăng thêm 50.000 đồng trong chi phí mua sắm đồ dùng học tập cho con em cũng đã trở thành gánh nặng đối với họ. Thế nên việc yêu cầu phụ huynh phải mua thêm vở bài tập để học sinh viết, vẽ trực tiếp rồi cuối năm bỏ luôn (năm sau không dùng được) thì vô tình đã tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh”.
Tuy nhiên nhiều giáo viên cho rằng nếu không dùng vở bài tập thì phải có chỉ đạo bằng văn bản một cách cụ thể từ Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT. Bởi với giáo viên, ban giám hiệu chọn sách nào phải dạy theo sách đó. “Nói chung chung là “không bắt buộc” nhưng thực tế hầu hết các trường tiểu học đều bắt buộc mà có ai bị xử lý gì đâu?” – một giáo viên kết luận.
* Ông Thái Văn Tài (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học – Bộ GD-ĐT): Không bắt buộc mua sách tham khảo
Bộ GD-ĐT không có bất cứ một quy định nào về việc học sinh tiểu học phải mua sách bổ trợ, sách tham khảo. Quy định bắt buộc đối với SGK cho học sinh đã có trong điều lệ trường tiểu học.
Riêng đối với lớp 1 năm nay, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT thông tin về bộ SGK cho 8 môn học bắt buộc để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm có: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật. Ngoài ra có một môn học tự chọn là Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh).
Các sách nằm ngoài danh mục này đều không phải Bộ GD-ĐT quy định, bao gồm cả vở bài tập in, dụng cụ thực hành toán, tiếng Việt.
* Ông Nguyễn Xuân Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT): Tận dụng nguồn học liệu
Cần phải hướng dẫn giáo viên sử dụng tài liệu và thiết bị dạy học. Bởi trên thực tế có những giáo viên không biết tận dụng các nguồn tài liệu, thiết bị dạy học cho bài giảng, bên cạnh đó nhiều người lại sử dụng máy móc.
Linh hoạt trong tận dụng các nguồn học liệu để giảng dạy và hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu là hướng triển khai của Bộ GD-ĐT nhưng không có nghĩa giáo viên yêu cầu học sinh mua nhiều sách và mang sách tham khảo thay thế SGK.
Vở in bài tập và “luật bất thành văn”
Trong danh mục 25 đầu sách/đồ dùng học tập của Trường tiểu học An Phong (TP.HCM) đang xôn xao trên mạng xã hội thực chất chỉ có 9 SGK trong danh mục quy định của Bộ GD-ĐT với tổng số tiền gần 200.000 đồng. Số còn lại là sách bổ trợ, dụng cụ học tập. Trong số này có những sách tuy không nằm trong quy định của Bộ GD-ĐT nhưng như “luật bất thành văn”, hầu hết các nhà trường đều yêu cầu học sinh phải có đủ. Đó là vở bài tập in của tất cả các môn học.
Ở hầu hết các trường học tại Hà Nội, TP.HCM giáo viên đều hướng dẫn học sinh tiểu học làm bài tập trên vở bài tập in. Trong khi đó học sinh vẫn đồng thời dùng vở viết thông thường để ghi bài và làm bài tập.
Đề nghị thanh tra cơ sở vi phạm quy định SGK
Ngày 7-9, ông Nguyễn Hữu Độ – thứ trưởng Bộ GD-ĐT – ký văn bản gửi các sở GD-ĐT đề nghị thực hiện một số nội dung liên quan tới trang bị SGK, tài liệu tham khảo.
Theo đó, lãnh đạo bộ đề nghị các sở kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK, tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm trường hợp vi phạm và báo cáo về bộ trước 20-9.
Văn bản cũng yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các nhà trường. Tuyệt đối cấm ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Phụ huynh học sinh tự mua sắm đồ dùng học tập theo nhu cầu thực tế, không bắt buộc.
Đồng phục của nhiều trường học ở TP Buôn Ma Thuột đã được may sẵn tại một cửa hàng – Ảnh: THẾ THẾ
Trường không được “chỉ định” đại lý may mặc
Nhiều phụ huynh tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bức xúc với việc các trường chỉ định mua đồng phục cho con tại một cơ sở nhất định. Tại đây đồng phục trường nào từ khăn quàng đỏ, mũ, quần áo đều đã in sẵn logo, tên trường phụ huynh cứ đến chọn, mua theo giá… không mặc cả.
Tại một cửa hàng chuyên may đồng phục học sinh trên đường Lê Hồng Phong (Buôn Ma Thuột), chị N.T.H. (phường Thành Nhất, Buôn Ma Thuột), có con mới vào lớp 6, cho biết quần áo đồng phục trường bắt buộc mua tại đây.
Chiều 7-9, ông Phạm Đăng Khoa – giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk – cho biết sở yêu cầu các trường không được “chỉ định” đại lý may mặc vì dễ dẫn đến các nhà may tự ý nâng giá, bán hàng kiểu độc quyền. ( T.AN – T.THẾ)
Sách bổ trợ núp bóng SGK: Ai dung túng?
Bộ GD&ĐT nói không được ép học sinh mua sách tham khảo, nhưng tại nhiều trường học, sách tham khảo, bổ trợ được trộn chung sách giáo khoa khiến không ít phụ huynh tưởng tất cả là sách bắt buộc.
Phụ huynh bó tay trước số lượng SGK và sách bổ trợ được trộn chung Ảnh: Như Ý
Có con năm nay lên lớp 3, chị Nguyễn Thị Hằng (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói rằng, từ cuối năm học trước, chị đã nhận được thông báo mua SGK cho con. Trong thông báo này có 3 mục: SGK và sách bổ trợ, thiết bị tối thiểu và sách tự chọn. SGK và sách bổ trợ có 25 đầu sách trị giá 456.400 đồng. Hồi con học lớp 2, chị Hằng nhận thấy có một số đầu sách cả năm con không dùng đến. Vì thế, năm nay, chị thắc mắc với ban giám hiệu nhà trường và được giải thích trường làm theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội giải thích, sở dĩ phải có sách bổ trợ vì hiện nay các trường đều triển khai chương trình nhà trường do từng địa phương lựa chọn và được dạy lồng ghép vào các môn học. Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hà Đông (Hà Nội) thừa nhận, học sinh không nhất thiết phải mua những sách bổ trợ đó.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hà Nội, ngày 18/5, Sở GD&ĐT Hà Nội có Công văn số 1515 gửi các Phòng GD&ĐT, các trường THPT trực thuộc. Trong văn bản này, Sở GD&ĐT đưa ra danh mục sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà NXB Giáo dục Việt Nam gửi đến các Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và các đơn vị trực thuộc tổ chức đăng ký đặt mua theo nhu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh.
Ngoài các sách theo quy định, các trường không được tổ chức để bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách, tài liệu tham khảo khác, các loại vở và học liệu khác. Tuyệt đối không lạm dụng việc thu nộp từ phụ huynh học sinh làm ảnh hưởng uy tín và công tác quản lý của nhà trường.
Tuy nhiên, văn bản của Sở GD&ĐT có kèm theo công văn của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội với danh sách các loại sách từ lớp 1 đến lớp 12 mà phụ huynh cần mua, gồm cả SGK và sách bổ trợ. Danh sách không phân biệt đâu là SGK, đâu là sách bổ trợ.
Nguyên nhân
Đại diện Phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm cho biết, không có quy định nào bắt buộc phụ huynh mua SGK hay sách bổ trợ. Trong văn bản gửi các trường, Phòng Giáo dục đều yêu cầu các trường lựa chọn danh mục sách phù hợp với nhu cầu dạy và học tại đơn vị mình để phụ huynh học sinh đăng ký. Phụ huynh có thể đăng ký mua ở trường hoặc bất kỳ đâu.
"Ban hành văn bản là để đảm bảo học sinh có sách. Còn lựa chọn sách nào, mua hay không mua thì không ép buộc học sinh", vị đại diện này nói. Tuy nhiên, theo phản ánh của chị Hằng, nếu đăng ký mua ở trường, đối với sách bổ trợ và SGK, phụ huynh phải mua theo danh sách đã quy định, không được lựa chọn mua cuốn nào và bỏ cuốn nào.
Trong khi đó, đại diện Phòng Giáo dục Bắc Từ Liêm nói rằng, sách bổ trợ và sách tự chọn không bắt buộc học sinh phải mua. Tuy nhiên, trước câu hỏi tại sao không tách bạch SGK và có chú thích sách bổ trợ không bắt buộc phải mua, vị đại diện này cho rằng, đó là quyền lựa chọn của phụ huynh. Vị này cũng thừa nhận danh mục NXB Giáo dục Việt Nam đưa xuống còn nhiều hơn, phòng đã bỏ đi một số cuốn.
Theo tài liệu mà phóng viên có được, trong công văn của Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội gửi các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học, THCS, THPT tại Hà Nội, số lượng SGK và sách bổ trợ từ lớp 2 tới lớp 9 dao động từ 30 đến 40 cuốn. Các lớp bậc THPT là 34 cuốn. Theo lý giải từ phía đơn vị phát hành, sách bổ trợ là tên gọi chung cho vở bài tập ở cấp tiểu học, sách bài tập ở cấp THCS và THPT. Loại sách này nằm trong tổ hợp SGK trong SGK chương trình giáo dục phổ thông năm 2000.
Những năm đầu tiên khi mới thay sách, sách bổ trợ được Bộ GD&ĐT đưa vào danh mục chung (gồm cả sách học sinh và sách giáo viên) thành tổ hợp SGK để hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng. Sau đó, trong danh mục SGK hướng dẫn các cơ sở của Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra sách học sinh và sách giáo viên.
Vở bài tập và sách bài tập được đưa vào danh mục sách bổ trợ được Bộ GD&ĐT công bố riêng để các cơ sở giáo dục tự chủ lựa chọn sử dụng. Theo Công văn số 1752 của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2010, sách bổ trợ từ tiểu học đến THPT có 165 tên sách. Đến năm học 2017-2018, số lượng này tăng lên 291. NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định, những cuốn sách bổ trợ này đều đã được Bộ GD&ĐT thẩm định.
Dù NXB Giáo dục Việt Nam hay các cơ quan quản lý giáo dục đều khẳng định, sách bổ trợ chỉ có tính chất tham khảo, phụ huynh, học sinh có quyền quyết định chọn mua hay không, Sở GD&ĐT cũng nghiêm cấm các hình thức bắt ép mua các loại sách dưới mọi hình thức, nhưng thực tế không phải như vậy. Theo tài liệu mà phóng viên Ti ề n Phong có được, trong thông báo gửi đến phụ huynh, không có chữ nào nói rằng đây là sách bổ trợ và là sách tự nguyện. Bộ GD&ĐT cũng không có quy định nào yêu cầu NXB, các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT phải tách riêng SGK và sách bổ trợ.
Gợi ý, ép buộc mua sách tham khảo: Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm Thời gian qua, một số phụ huynh (PH) phản ánh tình trạng nhà trường "nhập nhèm" giữa sách giáo khoa (SGK) và tham khảo. Để làm rõ việc phụ huynh phải mua đầu sách nào, tài liệu là bổ trợ, phụ huynh có quyền mua hoặc không, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) có chia...