Phát hiện về “người khác loài cuối cùng” ở Tây Tạng
Những phát hiện mới từ một hang động Tây Tạng cho thấy người khác loài Denisovans chỉ mới biến mất khỏi thế giới lâu nhất là 32.000 năm trước
Một nghiên cứu đa quốc gia vừa công bố trên tạp chí Nature đã đem đến thông tin mới về thời điểm mà người khác loài Denisovans thực sự tuyệt chủng: Không thể là trên dưới 40.000 năm trước, mà ít nhất 32.000 năm trước, họ hãy còn sống ở Tây Tạng.
Họ là một loài anh em với Homo sapiens chúng ta, cùng thuộc chi Homo (chi người), từng giao phối dị chủng với tổ tiên chúng ta.
Nhiều cộng đồng trên thế giới hãy còn mang DNA của vị tổ tiên này trong dòng máu, “đậm đà” nhất là người châu Á – Thái Bình Dương.
Một cuộc tìm kiếm bằng chứng về người khác loài ở hang động Baishiya Karst ở Tây Tạng, dẫn đầu bởi Đại học Lan Châu (Trung Quốc) – Ảnh: VGC
Theo Sci-News, phát hiện về những “người khác loài cuối cùng” ở Tây Tạng dựa trên việc phân tích 2.500 mẩu xương hỗn tạp được các nhà khoa học thu thập từ hang động Baishiya Karst trong nhiều năm làm việc.
Số xương này bao gồm của nhiều loài động vật khác nhau có dấu vết tương tác của con người và cả xương sườn được xác định là của người Denisovans.
Trước đó, vào năm 2019, một chiếc xương hàm có niên đại 160.000 năm cũng từ hang động này được xác định là có nguồn gốc từ người Denisovans.
Vào năm 2020, mtDNA của loài người cổ này được tìm thấy trong trầm tích của hang động, cho thấy sự hiện diện của họ vào các giai đoạn khoảng 100.000 năm trước, 60.000 năm trước và có thể là 45.000 năm trước.
Xương sườn mới của người Denisova từ hang động Baishiya Karst có niên đại khoảng 48.000-32.000 năm trước.
Phát hiện mới giúp làm sáng tỏ hơn câu hỏi: “Khi nào và tại sao những người Denisovans trên cao nguyên Tây Tạng lại tuyệt chủng?”.
Ngoài xương người, số xương trong hang động bao gồm xương cừu bharal, bò Tây Tạng hoang dã, ngựa, tê giác lông đã tuyệt chủng và linh cẩu đốm.
“Bằng chứng hiện tại cho thấy chính người Denisovans, chứ không phải bất kỳ nhóm người nào khác, đã chiếm giữ hang động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn tài nguyên động vật có sẵn trong suốt thời gian họ chiếm đóng” – TS Jian Wang từ Đại học Lan Châu (Trung Quốc), đồng tác giả, cho biết.
Quá trình phân tích bằng khối phổ cho phép các nhà khoa học trích xuất thông tin có giá trị từ các mảnh xương thường bị bỏ qua, cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các hoạt động của con người.
Điều này cho thấy ngoài ăn thịt động vật, những người cổ đại này cũng dùng xương động vật để làm công cụ chế tác các công cụ đá khác.
Trước đây, người ta cho rằng những người khác loài cuối cùng – bao gồm loài Denisovans và loài Neanderthals – đã tuyệt chủng đâu đó khoảng 40.000 năm trước.
Vài năm gần nhất, một số bằng chứng kéo lùi dấu mốc này vào khoảng giữa 30.000-40.000 năm trước. Phát hiện mới nhất ở Tây Tạng đã tiếp tục điều chỉnh dòng lịch sử.
Chưa kể, phát hiện trên không cho thấy bất kỳ lý do nào khiến họ tuyệt chủng mà chỉ cung cấp dấu vết của một cuộc sống có nguồn thức ăn phong phú cho đến ít nhất 32.000 năm trước.
Như vậy, hoàn toàn có khả năng họ đã tồn tại song song với loài chúng ta lâu hơn nhiều.
Bí ẩn những "loài người ma" vừa lộ diện
Ba "loài người ma" là tổ tiên dị chủng của một số người hiện đại đã để lộ tung tích thông qua các DNA "lạ".
Gọi là "loài người ma" bởi chúng ta biết họ ở đó, nhưng không tìm được bất kỳ hài cốt hay bằng chứng hữu hình nào từ họ, hoặc tìm được nhưng vẫn không thể hiểu được họ là ai, ở đâu trên cây tiến hóa loài người.
Các "loài người ma" lẩn khuất bí hiểm trong DNA các loài hiện đại hoặc có DNA không thể giải thích được - Ảnh đồ họa
1. Chiếm 19% DNA một số người Tây Phi!
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA) đã kiểm tra DNA của 4 cộng đồng Tây Phi là người Yoruba và Esan ở Nigeria, Gambia ở Tây Gambia và Mende ở Sierra Leone.
Họ thừa hưởng từ 2-19% DNA từ một loài người ma chưa từng được biết đến.
Loài này tách ra khỏi dòng giống chung của ba loài người Homo sapiens - Neanderthals - Denisovans khoảng hơn 1 triệu năm trước.
Trong đó, Homo sapiens chính là loài người tinh khôn chúng ta, còn Neanderthals và Denisovans là hai loài anh em gần gũi cùng thuộc chi Homo (chi Người).
Sau đó khoảng 900.000 năm, loài người ma bí ẩn lại gặp gỡ Homo sapiens một lần nữa ở Tây Phi khoảng 124.000 năm trước, nảy sinh các cuộc hôn phối dị chủng.
2. Thiếu nữ Siberia
Được khai quật tại hang Denisova ở Siberia - Nga năm 2018, hài cốt một thiếu nữ tuổi teen ban đầu được cho là con lai của hai loài người cổ Neanderthals - Denisovans.
Tuy nhiên, vào năm 2022, nhóm khoa học gia từ Trường ĐH Pompeu Fabra (Tây Ban Nha) và ĐH Tartu ở Estonia đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hài cốt 50.000 tuổi của thiếu nữ lần nữa.
Một cuộc khai quật tại hang Denisova ở Siberia - Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Khi loại bỏ các yếu tố Neanderthals - Denisovans, vẫn còn vô số đặc điểm bất thường về di truyền từ hài cốt của cô gái nhỏ, cho thấy cô không hẳn là con lai của hai loài trên, mà có thể là đại diện duy nhất của một loài người khác, chưa từng được biết đến.
Tuy vậy, cô là ai, đứng ở đâu trên cây gia phả rối rắm của con người, vẫn là điều bí ẩn.
3. "Người xa lạ" ở Levant
Vào khoảng 120.000-140.000 năm trước, một loài người ma đã từng đi lại trên vùng lưỡi liềm màu mở Levant, vốn thuộc địa phận một số nước Trung Đông ngày nay.
Được đặt tên là Nesher Ramla Homo, dòng dõi người người cổ đại này tiết lộ sự pha trộn phức tạp - cả về dòng máu và công nghệ chế tác công cụ - của người Á - Âu cổ đại và người châu Phi, cũng như giữa hai loài Homo sapiens và Neanderthals.
Họ có những đặc điểm giải phẫu cổ xưa hơn so với người Neanderthals đương thời cũng như dòng dõi Homo sapiens hiện tại ở vùng Levant và sinh sống ở khu vực nay là Israel.
Rất có thể họ tách ta từ một dòng dõi chung trước đó của hai loài này, nhưng nhìn chung nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ. Các dữ liệu về họ đan xen, rối rắm, điều đồng thời cho thấy lịch sử của loài chúng ta và loài Neanderthals có thể phức tạp hơn chúng ta từng nghĩ.
Hài cốt 43.000 năm tiết lộ khởi đầu của những "con người lai" Những bộ xương trong hang động Ilsenhöhle nước Đức là bằng chứng về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử di cư và tiến hóa của con người. Theo 2 bài công bố trên tạp chí Nature và Nature Encology & Evolution, các hài cốt hang Ilsenhöhle thuộc về hậu duệ của những con người đầu tiên - vẫn còn là Homo...