Phát hiện sai phạm của Học viện KHXH về đào tạo sau đại học
Bộ GD&ĐT phát hiện một số sai phạm của Học viện KHXH như một thầy cùng lúc hướng dẫn 44 học viên thạc sĩ của 3 chuyên ngành.
Theo kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, Học viện KHXH đã thực hiện không đúng quy định trong các khâu như xét tuyển thạc sĩ, nghiên cứu sinh (NCS), hoặc phân công người hướng dẫn học viên (HV), NCS không cùng ngành/chuyên ngành với NCS, phân công người hướng dẫn cùng lúc quá nhiều HV thạc sĩ, NCS…
Cụ thể, khi kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, Chính sách công đợt một năm 2015 và ngành Công tác Xã hội năm 2015, Thanh tra bộ phát hiện nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng HV tại cùng thời điểm vượt quá quy định.
Đơn cử trường hợp được giao hướng dẫn 44 HV của 3 ngành khác nhau. Một số trường hợp khác hướng dẫn cùng lúc 18, 11, 10 hoặc 9 HV. Theo quy định có hiệu lực vào thời điểm đó, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa cùng lúc 7 HV (người có học hàm thấp hơn hoặc chỉ là tiến sĩ thì ít hơn).
Còn với đào tạo tiến sĩ, tại một thời điểm có người có học hàm giáo sư cùng hướng dẫn 12 NCS, phó giáo sư 9 NCS, tiến sĩ hướng dẫn 7 NCS. Trong khi đó quy chế chỉ cho phép một giáo sư được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 NCS, phó giáo sư không quá 4, và tiến sĩ không quá 3.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ Học viện KHXH còn bố trí người hướng dẫn có chuyên môn một đằng, ngành đào tạo một nẻo. Kiểm tra danh sách hướng dẫn NCS ngành quản lý giáo dục (năm 2015), Thanh tra bộ phát hiện nhiều trường hợp phân công hướng dẫn chưa đúng quy định. Ví dụ, người ngành Kinh tế nhưng được phân công hướng dẫn NCS chuyên ngành Quản lý Giáo dục…
Kiểm tra xác suất 5 hồ sơ NCS, 3 có bằng thạc sĩ không phải ngành đúng và phù hợp ngành/chuyên ngành NCS đang học hoặc đã tốt nghiệp. Việc tổ chức hội đồng đánh giá luận văn tốt nghiệp cũng có trường hợp người tham gia hội đồng không cùng ngành/chuyên ngành với học viên.
Từ năm 2015 đến nay, mặc dù mỗi năm học viện tuyển sinh từ 350 đến hơn 430 chỉ tiêu tiến sĩ, chương trình đào tạo lại không đảm bảo một số yêu cầu mà quy chế quy định.
Tất cả chương trình đào tạo đều chưa có đầy đủ nội dung các phần mà quy chế yêu cầu. Một số chương trình đào tạo được học viện thiết kế chung cho cả 4 đến 5 ngành đào tạo khác nhau, trong đó các học phần về kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành có nội dung hoàn toàn giống nhau…
Video đang HOT
Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT còn phát hiện nhiều sai sót trong quản lý hồ sơ đào tạo. Một số hồ sơ NCS cho thấy có bằng thạc sĩ ở nước ngoài nhưng chưa thực hiện việc công nhận văn bằng. Có trường hợp người hướng dẫn xác nhận khống vào đơn xin bảo vệ luận án cấp học viện của NCS.
Theo Bích Lan / VOV
Loạn liên kết đào tạo
Theo báo cáo của một số sở GD&ĐT về công tác thanh tra, năm 2016, các sở đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm liên quan giáo dục.
Trong đó, nổi lên là tình trạng vi phạm trong hoạt động liên thông, liên kết giữa các cơ sở giáo dục hoạt động tại địa phương.
Ngày 19/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến công tác thanh tra giáo dục toàn quốc để đưa ra những nhiệm vụ cho năm học 2016 - 2017. Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, thanh tra liên kết đào tạo (bao gồm cả liên kết trong nước và cả yếu tố nước ngoài) là trọng tâm trong công tác thanh tra vừa qua.
Bộ GD&ĐT và một số sở GD&ĐT đã tiến hành một số đợt thanh tra liên kết đào tạo ĐH, CĐ tổ chức ôn thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tin học...
Phát hiện nhiều sai phạm
Các đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm như liên kết không phép, liên kết sai đối tượng, không đảm bảo điều kiện chất lượng, thực hiện trách nhiệm liên kết không đúng quy định, có biểu hiện thương mại hóa.
Hội nghị về công tác thanh tra toàn quốc. Ảnh: Tiền Phong.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Gia Lai, năm học vừa qua, sở đã thanh tra công tác liên kết đào tạo giữa trường Trung cấp Y dược Hà Nam với CĐ nghề số 21. Trường Trung cấp Y dược đã đặt 2 lớp trung cấp Y và trung cấp dược hệ chính quy với 130 học viên tại trường CĐ nghề 21 và bắt đầu học từ tháng 9/2014.
Trường CĐ nghề số 21 đã làm thẻ học viên để quản lý học viên ra vào trường theo nội quy của nhà trường hiện hành. Nhưng cho đến thời điểm thanh tra, giữa trường Trung cấp Y dược Hà Nam và trường CĐ nghề số 21 không có hồ sơ ký kết hợp đồng liên kết đào tạo nào.
Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết sau khi thanh tra, trường Trung cấp Y dược Hà Nam đã chấm dứt không đặt địa điểm nào tại trường CĐ nghề số 21 và đưa toàn bộ học sinh về học tại phân hiệu II của trường tại Đắk Lắk.
Cũng trong năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Gia Lai thanh tra hoạt động liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp giữa trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa và trường Trung cấp nghề số 15, Binh đoàn 15. Kết quả thanh tra cho thấy lớp trung cấp y dược và dược sĩ trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa đặt địa điểm đào tạo không đúng quy định.
Đối với lớp trung cấp sư phạm mầm non, trường chưa có hợp đồng liên kết đào tạo giữa hai trường mà chỉ có hợp đồng thuê cơ sở vật chất. Hơn nữa, đơn vị phối hợp đào tạo không thuộc đối tượng phối hợp đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Liên quan liên kết đào tạo, thanh tra tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra các đơn vị đào tạo. Thanh tra đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng với Trung cấp Y dược Bắc Ninh và dừng tuyển sinh tại chi nhánh Nghệ An; xử phạt 5 triệu đồng với Trường Trung cấp Việt Anh do vi phạm trong việc liên kết đào tạo với trường CĐ ASEAN.
Phối hợp với Phòng PA83 Công an tỉnh Nghệ An đình chỉ việc tổ chức đào tạo 2 lớp trung cấp sư phạm mầm non của trường Trung cấp tổng hợp Hà Nội tại thành phố Vinh và Trung tâm dạy nghề huyện Diễn Châu.
Giáo dục phổ thông: Nhức nhối nhiều vấn đề
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết năm học 2015 - 2016, sở tập trung thanh tra có trọng tâm những vấn đề như công tác quản lý của các hiệu trưởng, việc bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên ở các đơn vị trường học từ mầm non đến phổ thông.
Theo bà Hằng, đây là những vấn đề "nóng" đối với Thanh Hóa cũng như với nhiều địa phương của cả nước. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng tiến hành thanh tra các vấn đề bức xúc như dạy thêm học thêm, thu chi theo quy định, liên kết đào tạo, việc sử dụng văn bằng bất hợp pháp ở các cấp xã phường qua thư và phản ánh của công dân.
Liên quan vấn đề tuyển dụng giáo viên đang gây bức xúc tại Thanh Hóa, bà Hằng khẳng định việc thừa thiếu giáo viên hợp đồng sai quy định ở một số huyện rất nhiều.
Về sai phạm về công tác thu chi trong trường phổ thông, thanh tra tỉnh Nghệ An đã tổ chức thanh tra hành chính tại trường THPT Nam Đàn 2, phát hiện và xử lý thu hồi hơn 454 triệu đồng, xử lý kỷ luật hiệu trưởng bằng hình thức giáng chức xuống phó hiệu trưởng, xử lý kỷ luật 1 phó hiệu trưởng bằng hình thức cảnh cáo.
Sở GD&ĐT và Thanh tra tỉnh Nghệ An cũng đã giải quyết đơn tố cáo tại trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Nghệ An, kiến nghị thu hồi hơn 1,5 tỷ đồng.
Về công tác thanh tra thời gian tới, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng yêu cầu các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý các vấn đề bức xúc của địa phương, đặc biệt là các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm nhưng đến nay chưa giải quyết được triệt để.
Vấn đề bức xúc của dư luận mà thanh tra các sở phải quan tâm là dạy thêm học thêm; thu chi đầu năm; liên kết đào tạo, biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo...
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Hỗ trợ 300 triệu đồng cho bác sĩ chuyên khoa về làm việc tại Đắk Nông Tinh Đăk Nông co nhu câu tuyên dung 32 nhân lưc nganh y tê co trinh đô sau đai hoc, đai hoc va sinh viên năm cuôi cac trương đai hoc y dươc công lâp vê công tac tai cac cơ sơ y tê công lâp cua tinh. Ảnh minh họa Ngay 15/6, Giam đôc Sơ Y tê Đăk Nông đa ky thông...