Phát hiện hàng trăm nghìn bản sách giáo dục bị in lậu
Sách in lậu có mặt ở khắp mọi nơi, từ cửa hàng sách cho đến vỉa hè, hay được bán dạo. Sách giả nhưng mối nguy thật, bởi chất lượng kém, nhiều nội dung kiến thức sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp nhận thông tin của độc giả. Cuộc chiến chống sách giả vẫn còn gian nan…
500.000 bản sách giáo dục bị in lậu
Tại hội thảo “ Chống xuất bản phẩm lậu” ngày 20/6, ông Lê Thành Anh, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đánh giá tình trạng làm giả, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả có xu hướng ngày càng tăng cả về phạm vi, quy mô.
Từ năm 2010 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành.
Ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Việt Hà
Những xuất bản phẩm giáo dục bị làm giả, đưa đi tiêu thụ phần lớn là Atlat địa lý, đĩa CD ROM nghe nhìn giáo dục. Ngoài ra, các bản sách điện tử (ebooks) của sách giáo khoa, sách tiếng Anh cũng bị phát tán tràn lan trên Internet, với đủ các định dạng, phiên bản, nguồn gốc. “Xuất bản phẩm giáo dục giả, lậu được bán công khai tại nhiều cửa hàng, nhà sách lớn nhỏ ở khắp nơi, thậm chí còn được bán trong nhà trường”, ông Thành Anh nói.
Cũng theo đó, ông Lê Hoàng Hải – Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục đánh giá việc việc sách giáo dục bị làm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bạn đọc, mà đối tượng ở đây phần lớn là học sinh, sinh viên. Xuất bản phẩm giả do sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức.
Video đang HOT
Ngoài ra, xuất bản phẩm giáo dục giả chất lượng giấy in thấp, in bị mờ, không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của học sinh, đặc biệt là thị lực. Việc sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả vi phạm pháp luật ngay trong nhà trường cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật về lâu dài.
Sách Mỹ thuật giả (trái) có màu sắc sai lệch so với sách thật (phải). Ảnh: Hiền Thương
Ông Thành Anh khẳng định hệ lụy từ những xuất bản phẩm lậu, giả rất rõ ràng, nhưng việc phòng, chống hiện chưa mang lại nhiều hiệu quả, chế tài xử lý tập thể, cá nhân vi phạm chưa đủ. Theo luật, các hành vi in, tàng trữ, phát hành, nhân bản xuất bản phẩm lậu bị phạt từ 20 đến 200 triệu đồng trong khi lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ các xuất bản phẩm giáo dục của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị làm giả mà nhiều nhà xuất bản nổi tiếng khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng này. Thái Hà Books bị làm lậu khoảng 150 đầu sách, trong đó nhiều nhất là các cuốn như 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Chiến thắng con quỷ trong bạn hay Nuôi con không phải là cuộc chiến.
Để hạn chế tình trạng in và tiêu thụ sách giáo khoa giả, theo ông Lê Hoàng Hải cần phải phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội, cần sự chung tay với thái độ kiên trì, kiên quyết, từng bước đẩy lùi xuất bản phẩm lậu.
Các khách mời chia sẻ tại hội thảo “Chống xuất bản phẩm lậu”.
“Chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông góp sức với ngành Xuất bản, ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của vấn nạn in và phát hành sách lậu dưới các hình thức trong xã hội, để người tiêu dùng “nói không” với xuất bản phẩm lậu, quyết tâm bài trừ xuất bản phẩm lậu”- ông Lê Hoàng Hải nhấn mạnh.
Theo ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam, các NXB quốc tế, Việt Nam và Vương quốc Anh đều đang phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. Ông cho rằng để đẩy lùi sách lậu cần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản. Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Theo phapluatnet
Phụ huynh cảnh giác để không mua phải sách giáo khoa in lậu
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khuyến cáo phụ huynh và học sinh nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của nhà xuất bản, tránh mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để không mua phải sách in lậu.
Sách lậu là một vấn đề nan giải với các NXB từ lớn đến nhỏ và ngày càng có nhiều hành vi sai phạm khó kiểm soát. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị bị in lậu số đầu sách lớn nhất.
Mới đây, vào ngày 12.6.2019, Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bình Định chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin truyền thông tỉnh Bình Định, Công an huyện Hoài Nhơn cùng các đơn vị liên quan như Nhà xuất bản Giáo dục tại TP.Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra Nhà sách tại địa chỉ số 33, Trần Hưng Đạo và kho hàng tại đường Tăng Bạt Hổ nối dài, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Nhà sách Mỹ Huyền đường Tăng Bạt Hổ nối dài, thị trấn Bồng Sơn huyện Hoài Nhơn, Bình Định.
Lực lượng chức năng đã thu giữ tổng cộng 72.602 bản sách nghi là sách in lậu, có tem chống giả không đúng với chủng loại tem của NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. Chủ nhà sách không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Theo nhận định ban đầu, số sách này làm giả sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đội kiểm tra liên ngành đã tạm giữ toàn bộ số lượng sách nói trên để giải quyết theo quy định. Chiếm số lượng lớn trong các tang vật bị thu giữ này là sách tiếng Anh các cấp tiểu học, THCS, THPT; sách tin học, sách bổ trợ, sách tham khảo các môn ở cả 3 cấp học phổ thông.
Đây chỉ là một trong số các vụ in - phát hành xuất bản phẩm lậu mà các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện. Trên thực tế, vấn đề in lậu đang là vấn nạn nhức nhối, đã tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Không chỉ có sách giáo dục mà các loại sách văn học, kỹ năng sống, khoa học thường thức... đều bị in lậu với mức độ ngày càng tinh vi.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, với sách giáo khoa, sách bổ trợ nếu mua phải sách in lậu, kém chất lượng thì giáo viên, học sinh và phụ huynh sẽ không sử dụng được các tiện ích, phần mềm hỗ trợ dạy và học được cung cấp trong sách thật.
Thiệt hại lớn nhất từ vấn nạn sách lậu thuộc về độc giả, học sinh và giáo viên. Khi mua phải sách in lậu, sách giả, học sinh phải học tập trên các cuốn sách có giấy in và mực in kém chất lượng.
Ví dụ, sách tiếng Anh của NXB Giáo dục Việt Nam được dán thẻ cấp quyền sử dụng phần mềm hỗ trợ vào bìa 4. Các sách mềm/phần mềm này sẽ hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh tăng thời lượng thực hành, rèn luyện kĩ năng phát âm, tự làm bài tập và kiểm tra kết quả làm bài của mình. Với các sách tiếng Anh giả người dùng sách sẽ không thể sử dụng các tiện ích này.
Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, giáo viên, phụ huynh và học sinh nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của NXB Giáo dục Việt Nam, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương; không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường.
ĐẶNG CHUNG
Theo laodong
Giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong xuất bản sách, giáo trình Ngày 11/6, tại Hà Nội, Công ty CP Sách Đại học - Dạy nghề (NXB Giáo dục Việt Nam) tổ chức hội thảo 'Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xuất bản sách, giáo trình, học liệu' phục vụ hoạt động đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học. Tham dự hội thảo có ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT,...