Phát điên vì… học
Cuộc chạy “nước rút” của các sĩ tử đang “ nóng” dần lên khi mùa tuyển sinh năm 2012 sẽ bắt đầu với liên tiếp các đợt thi tốt nghiệp THPT, tuyển vào hệ THPT, rồi đại học, cao đẳng…
So với năm ngoái, mùa thi năm nay xem ra có phần “nóng” hơn không chỉ bởi thời tiết mà còn vì kinh tế suy thoái đã làm cho các sĩ tử quyết tâm giành một vị trí tại trường công để tiết kiệm khoản học phí cho cha mẹ. Bởi vậy, vốn đã áp lực, mùa thi năm nay còn nhiều áp lực hơn và điều đó đã khiến cho không ít thí sinh phải nhập viện vì… tâm thần.
Ngã vật bên bàn học
Mùa thi năm nào cũng vậy, cứ đến Khoa Điều trị Loạn thần cấp, thuộc Viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lại thấy bệnh nhân là những học sinh, sinh viên tương lai tăng lên đáng kể. Năm nay, theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Điều trị Loạn thần cấp thì đã có tới 10 em nhập viện, trong đó hầu hết đều là học sinh ở thủ đô Hà Nội, có 1 em ở Lạng Sơn và tất cả đều đang chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp từ THCS lên THPT.
Nhìn các em, dẫu vẫn còn khoác trên mình chiếc áo trắng đồng phục chưa kịp thay, vẫn còn lại chút gì đó thông minh, lanh lợi của tuổi học trò nhưng từ thần thái đến hành động của các em đều đã trở nên vô thức. Bác sĩ Dũng nhận định: “Đó chính là biểu hiện của những học sinh bị loạn thần vào mỗi mùa thi do phải chịu quá nhiều áp lực”. Có học sinh thì “hiền lành” ngồi thất thần, đẫn đờ một chỗ rồi nhìn xa xăm, bảo gì làm nấy, lại có học sinh đối nghịch hẳn khi gào thét, gầm rú, nói năng lảm nhảm, không cho ai tiến lại gần.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng thăm hỏi bệnh nhân tại khoa Điều trị Loạn thần cấp – Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Trong số những học sinh bị loạn thần cấp phải đến điều trị ở Viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần, có một trường hợp rất đặc biệt đối với bác sĩ Dũng. Đó là em Nguyễn Thị D, 17 tuổi, ở Nghệ An, một học sinh giỏi, xuất sắc không chỉ của trường mà còn của tỉnh. Sinh ra trong một gia đình có tới 6 anh chị em, gia đình D rất nghèo khó nhưng em lại học giỏi toán như “thần đồng”. Ngoài ra, vốn ngoại ngữ của D cũng khiến nhiều học sinh chuyên ngữ ở các thành phố lớn phải đáng nể, khâm phục. D hoàn toàn tự học chỉ dưới sự dìu dắt của thầy cô ở trường mà không học thêm ở bất kỳ trung tâm ngoại ngữ nào. Nhà D ăn còn không đủ thì làm sao có tiền cho em đi học thêm. Ý thức rất rõ điều này nên em cố gắng phấn đấu học tập phần để đỡ tốn tiền của cha mẹ, phần muốn biến ước mơ thành hiện thực – được ăn no mặc ấm, có công ăn việc làm ổn định để giúp đỡ gia đình.
Video đang HOT
Ước mơ tưởng chừng nhỏ nhoi, nhất là với học sinh thành phố thế nhưng với D con đường hiện thực hóa ước mơ quả là chật vật. Mỗi ngày D chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Còn lại tất cả thời gian em đều dành cho việc học và học. Học đến nỗi quên ăn, chỉ ăn mì tôm cho nhanh còn lấy thời gian học. Cứ như vậy, đến một ngày, cũng chỉ vì học, đang ngồi chìm đắm trong đống sách vở bỗng nhiên em đờ người ra rồi ngã vật xuống đất. Người nhà vội vàng đưa em đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng chỉ có bệnh viện chuyên sâu về lĩnh vực này mới điều trị được nên D được đưa thẳng từ Nghệ An ra Viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Hôm đó bác sĩ Dũng nhớ mãi, hình ảnh một nữ sinh chỉ nặng 30kg, khóc lóc, kể lể những gì chẳng ai rõ vì “nói không ra hơi”. Trên cơ thể nhiều chỗ lở lói, viêm tấy do không có sức đề kháng để chống chọi… 33 ngày ở viện là khoảng thời gian D được chăm sóc cẩn thận nhất, ăn uống đầy đủ nhất nhờ tấm lòng hảo tâm của các bác sĩ, y tá trong viện. Và điều đặc biệt em hoàn toàn “cách biệt” với sách vở cho nên D nhanh chóng hồi phục, lấy lại được sức khỏe. Tuy nhiên, những người như D dẫu có bình phục song không bao giờ thần kinh có thể trở về như cũ, gặp điều kiện, nó lại tái phát ngay. Và D đã bị như vậy. Chưa đầy một tuần từ viện trở về, em lại nhập viện ngay vì tái phát bệnh cũ do tiếc khoảng thời gian nằm viện, D đã lao vào học bù mà không được bồi dưỡng, uống thuốc bổ thần kinh…
“Tao ghét mày, tao ghét toán”
Phải kể đến một trường hợp khác mà đối với những người quan tâm đến giáo dục, sẽ không một người nào không biết đến em vì em từng đoạt giải ở các kỳ thi toán Olympic quốc tế. Người ta còn biết đến em là con một vị giáo sư nổi tiếng trong ngành toán học nên được thừa hưởng “gen” thông minh như vậy từ người cha, em học giỏi hơn người, xuất chúng hơn người. Kết quả học tập của em lúc nào cũng “dẫn đầu của những người dẫn đầu” không chỉ ở lớp mà còn của trường. Phải nói thêm rằng, trường em là trường chuyên nên ở đó chỉ toàn những học sinh xuất sắc. Với thành tích học tập xuất sắc của mình, em trở thành “tượng đài” để các bạn trong trường học tập, noi theo. Cha mẹ cũng rất tự hào, vinh dự về em. Họ luôn giúp em tỏa sáng ở những nơi nào em có mặt. Nhưng “lợi bất cập hại”, tất cả những điều đó thay vì làm em cảm thấy hạnh phúc, lại khiến lúc nào em cũng cảm thấy nặng nề, áp lực vì cái bóng của mình. Cái “bóng” đó càng lớn khi em được tuyển thẳng vào ĐH trong khi chưa tốt nghiệp THPT.
Để vượt qua cái bóng của mình, “hết ngày dài lại đêm thâu”, em chỉ làm bạn với toán và toán và không gì có thể tách nổi em ra khỏi người bạn đầy thách thức đó. Đến một hôm, đang giờ trưa yên ắng, bỗng nhiên người ta nghe thấy tiếng em la hét, đập phá trong phòng. Em chạy ra ngoài, khóa sập cửa lại rồi vừa vứt chìa khóa ra xa vừa tức giận hét lên: “Tao ghét mày, tao ghét toán, toàn số là số. Mày làm khổ tao! Mày làm tao phát điên rồ!”. Nói rồi, em chạy vụt đi mà không ai biết em đi đâu, tìm đâu cũng không thấy. Một tuần sau, sau khi đã mỏi mắt trông chờ, kiếm tìm, bố mẹ em mới tìm thấy em trong tình cảnh thật đáng thương – nằm co ro cúm rúm dưới gốc cây bên hè đường, áo quần bẩn thỉu, nhem nhuốc! Cuối cùng, em phải nhập Viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần để điều trị do bị loạn thần cấp.
Hôm chúng tôi gặp em ở viện, sức khỏe của em đang tiến triển tốt. Bác sĩ Dũng kể, em đã chịu giao tiếp với người xung quanh, đã làm chủ những lời nói, suy nghĩ của mình. Nhưng quan trọng hơn cả là tư duy toán học – khả năng thiên bẩm của em đã cho thấy những dấu hiệu hồi phục. Vì hôm trước, một tiến sĩ chuẩn bị bảo vệ luận án loay hoay không biết giải bài toán cao cấp của mình đã mang đến Khoa Điều trị loạn thần để nhờ các đồng nghiệp “hỗ trợ”. Vô tình hôm đó em cũng đang ngồi trong phòng của bác sĩ Dũng, thế là sau khi nghe đề toán xong, như phản xạ tự nhiên, em lấy giấy bút giải ngay trước sự kinh ngạc, thán phục của mọi người.
Cứ mỗi mùa thi đến là bác sĩ Nguyễn Văn Dũng lại lo nơm nớp: bệnh nhân năm nay sẽ nhiều hơn năm ngoái. Kiểm chứng qua bao nhiêu thời gian, chưa bao giờ nỗi lo âu này của bác sĩ Dũng trở nên thừa thãi, nhất là vào những tháng đỉnh điểm của mùa thi như tháng 6, 7. Bác sĩ Dũng nhận định: “Khi ở độ tuổi học sinh, do các nội tiết tố để cân bằng cơ thể vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện và phải đến năm 22 tuổi nó mới hoàn thiện thực sự nên khi gặp phải chuyện “sốc”, hay bị áp lực nặng nề, các nội tiết tố này (nội môi) bị rối loạn, dẫn đến loạn thần cấp ở các em.
Trong trường hợp không được bồi bổ, “tái sản xuất” sức lao động, học tập một cách khoa học thì quá trình loạn thần diễn ra càng nhanh hơn. Đặc biệt là với những người đã bị loạn thần một lần thì lần sau rất dễ xảy ra, ngay cả khi không chịu áp lực lớn”. Bởi vậy, bác sĩ Dũng nhấn mạnh: “Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, đồng thời bảo đảm hiệu quả học tập, không nên tạo áp lực nặng nề cho học sinh mà hãy xác định: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Xin các bậc phụ huynh, xã hội hãy ghi nhớ điều này”.
Theo Tú Anh
Petrotimes
Học "nước rút" trước ngày thi
Dù đã ôn tập từ đầu năm nhưng đến những ngày cận kề kỳ thi tốt nghiệp THPT, không khí ở các trường vẫn đầy âu lo, căng thẳng.
Tại một cơ sở của Trường tư thục Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình, TP.HCM, lịch học những ngày cận kề kỳ thi vẫn dày đặc. Buổi sáng bắt đầu từ 6g15, 7g15 học sinh (HS) ăn sáng, học tiếp đến trưa, nghỉ trưa, học buổi chiều, nghỉ ngơi cuối ca chiều và ca tối kéo dài 19g-23g.
Nuôi như nuôi... trứng
Giáo viên và quản nhiệm thay nhau quan sát, dò bài, kèm cặp từng HS cả ngày lẫn đêm. Hằng ngày HS được làm các bài thi và chấm ngay tại chỗ, hoặc trả ngay trong ngày để giáo viên bộ môn phát hiện em nào còn yếu điểm nào.
Trong khi đó, giáo viên Trường tư thục D tại Tân Phú tỏ ra căng thẳng: "Năm nay lực học của HS yếu hơn năm ngoái nên nhà trường rất lo. Tuần cuối cùng, giáo viên bộ môn sẽ có chiến thuật riêng để ôn luyện cho các em, kể cả việc loại trừ các dạng đề đã ra và đoán đề. Thời gian không còn nhiều nên không thể ôn tập dàn trải được nữa. Đặc biệt các phần nào có thể kiếm điểm từ việc học thuộc thì thầy cô phải tranh thủ gạo bài cho HS bất kể lúc nào".
Hầu hết trường tư thục đều "sáng đèn" đến 22g, 23g mỗi ngày với không khí học tập hết sức nghiêm túc. Một số ban giám hiệu cho biết không dám cho các em về nhà hoặc ra khỏi trường, vì sợ mất nhịp học tập cũng như tránh nguy cơ những tai nạn không đáng có. "Nói chung cứ mùa này là cả giáo viên và quản nhiệm đều nuôi HS như nuôi... trứng, dồn hết công sức cho ngày gặt hái thành quả sắp đến" - bà Lý Thục Trang, hiệu trưởng Trường tư thục Thành Nhân, Q.Tân Phú, cho biết.
Tiết ôn tập môn địa lý cho học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM
Tranh thủ "nạp" thêm
Trong khi đó, có nhiều học sinh, chủ yếu là học sinh trường công lập, tự nguyện đến trường để ôn luyện thêm. Tại Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM, dù đã có lịch nghỉ song vẫn có hơn chục HS mang sách vở lên trường và tự học nhóm trong các phòng học. Một HS cho biết: "Đây là thời gian cuối cùng nên các bạn giúp nhau dò bài để ôn tập phần lý thuyết và các bài thuộc lòng".
Tương tự, tại Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, sau lễ tổng kết, giáo viên chủ nhiệm các lớp khối 12 đã có buổi họp căn dặn HS về các quy định, kinh nghiệm trước kỳ thi lớn sắp tới. Cầm trên tay tấm thẻ dự thi vừa được phát và một xấp tài liệu dày, HS tên Minh cho biết: "Đây là đề cương rút ngắn môn sử do bạn lớp trưởng làm và photo cho cả lớp. Ngoài ra các thầy cô bộ môn cũng in ra một số dạng bài tập toán, hóa thường gặp để bọn em về tự luyện ở nhà. Không còn nhiều thời gian nên cách tốt nhất là cứ mang theo các cuốn đề cương để đọc liên tục".
Tại một lớp ôn tập toán của HS Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, HS cho biết sẽ học hết ngày 29-5. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường, trường đã cho HS nghỉ sau đợt ôn tập, thi thử căng thẳng nhưng vẫn có nhiều HS tiếp tục học thêm vì quá lo lắng.
Bạn Nguyễn Thu Hồng, HS Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, cho biết: "Em vẫn học đến sát ngày thi, vừa ôn tập để thi tốt nghiệp, vừa ôn để thi đại học". Em sẽ dành hai ngày cuối cùng cho môn lịch sử. Những môn khác phải ôn tập trong quá trình dài để hiểu kiến thức, nhưng môn sử chỉ học thuộc lòng nên rất lo sẽ quên hết khi vào phòng thi".
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy văn ở Hà Nội, cho biết: "Bây giờ không phải là lúc học lan man nữa. Chúng tôi chỉ đề nghị những em còn hổng kiến thức phải ôn tập thêm các phần còn yếu. Với các em trung bình trở lên nên nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý thoải mái, chuẩn bị dụng cụ cần thiết và được phép để mang vào phòng thi. Đặc biệt là xem lại những lưu ý về kỹ năng làm bài".
Theo tuổi trẻ
"Bơi" trong giờ thực hành Tại TPHCM, 17 trong tổng số 85 trường THPT ngoài công lập vẫn chưa có phòng thí nghiệm. Giáo viên nhiều trường công lập lúng túng khi sử dụng thiết bị lệch chuẩn. Lãnh đạo nhiều trường THCS, THPT tại TPHCM cho biết một thực trạng đang gây khó khăn cho việc dạy và học hiện nay chính là thiết bị thực hành...