Phạt dạy thêm bằng tiền chỉ hạn chế được kiểu dạy thêm kiểu…cò con
Thay vì cứ ngồi nghĩ ra những cách để phạt, để ngăn cấm thì Bộ Giáo dục và đào tạo cần tổ chức cách thi, cách kiểm tra đánh giá nhẹ nhàng hơn.
LTS: Theo nhà giáo Đăng Bình, các hình thức phạt tiền không thể giải quyết triệt để vấn nạn dạy thêm học thêm tràn lan.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết phân tích của nhà giáo Đăng Bình về vấn đề này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, mức phạt tiền được điều chỉnh tăng đối với các hành vi dạy thêm và học thêm. Cụ thể:
Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất;
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường;
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên mức phạt tiền sẽ từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Cần có biện pháp triệt để giải quyết vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan. Hình minh họa: Satế
Riêng với các hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày và hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa sẽ chịu mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Video đang HOT
Phạt dạy thêm bằng tiền chỉ hạn chế được việc dạy thêm kiểu “cò con”
Học sinh hiện nay phần lớn đều tham gia các lớp học thêm. Ngay trẻ mẫu giáo cũng học thêm từ lớp Lá.
Trẻ tiểu học dù đã học cả ngày trên trường, tối về cũng đi học thêm. Hay một số trường cấp 2,3 tổ chức dạy cả ngày, nhưng bước chân ra khỏi cổng trường là các em đến thẳng các lớp học thêm để cày cho đến tối.
Không phải giáo viên nào cũng dùng cách hạ đẳng “ép buộc học trò đi học thêm”. Khá nhiều thầy cô giáo không muốn dạy nhưng học sinh, phụ huynh vẫn nhất quyết yêu cầu. Bởi, học thêm đã trở thành nhu cầu cấp thiết của họ.
Đa phần tất cả các thầy cô giáo ở 2 bậc học (tiểu học và mầm non) dạy thêm khi không được cấp phép.
Số lượng học sinh ở 2 bậc học này đi học thêm cũng không nhiều so với các bậc học khác.
Mỗi giáo viên chỉ dạy một lớp nên số lượng học sinh tham gia học thêm chỉ mươi em là nhiều.
Ở nhiều vùng nông thôn, mỗi giáo viên chỉ dạy thêm khoảng mươi mà chủ yếu con cháu của bà con chòm xóm.
Số tiền thu được một tháng của giáo viên tiểu học vùng nông thôn chỉ khoảng vài ba triệu đồng.
Nhiều thầy cô cho biết, phần là giúp học sinh học yếu, phần là tự giúp mình thêm vào đồng lương ít ỏi hàng tháng để nuôi con.
Nếu Dự thảo được thông qua, mức xử phạt dạy thêm tăng lên chắc chắn sẽ hạn chế được việc học thêm ở bậc mẫu giáo, tiểu học (hạn chế kiểu dạy thêm “cò con”).
Dạy thêm biến tướng vẫn “vững như bàn thạch”
Dạy thêm học thêm chủ yếu phải nói đến hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Thế nhưng mức phạt dạy thêm có tăng cao vài chục triệu đồng cũng chẳng thể dẹp được tình trạng dạy thêm học thêm như hiện nay.
Nguyên do, hầu như giáo viên ở hai bậc học này, người nào dạy thêm cũng có giấy phép do phòng hoặc sở giáo dục cấp.
Nhiều giáo viên còn thành lập hẳn trung tâm dạy thêm. Đây chính là hệ quả của Thông tư 17 đã quy định quá dễ dàng trong việc cấp phép và mở trung tâm dạy thêm cho giáo viên.
Bên cạnh đó, các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông vẫn tổ chức việc dạy thêm trong nhà trường nhưng núp bóng dưới một số tên gọi khác như dạy phụ đạo, dạy tăng cường, rồi ôn thi, hỗ trợ kiến thức… họ được hội cha mẹ học sinh đồng ý.
Để triển khai lớp học thêm, giáo viên và nhà trường ở hai bậc học (Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, các yêu cầu chứng minh mình dạy thêm hợp pháp.
Vậy nên việc xử phạt gần như không còn cơ hội.
Chưa kể, giáo viên ở 2 bậc học này ít nhất họ giảng dạy khoảng vài lớp trở lên. Vì thế số lượng học sinh theo học khá đông. Có những giáo viên một tháng thu nhập từ dạy thêm vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Bởi thế, việc phạt mươi triệu đồng cũng có là nghĩa lý gì?
Hạn chế (không dám nói là chấm dứt) việc dạy thêm tràn lan như hiện nay không chỉ tăng mức xử phạt lên là đủ.
Thay vì cứ ngồi nghĩ ra những cách để phạt, để ngăn cấm thì Bộ Giáo dục và đào tạo cần tổ chức cách thi, cách kiểm tra đánh giá nhẹ nhàng hơn.
Chấm dứt kiểu học một đằng thi một nẻo như hiện nay buộc học sinh phải lao vào học. Và như thế, có cấm cách gì chuyện học thêm vẫn không thể chấm dứt.
Theo giaoduc.net.vn
Xử phạt giáo viên dạy thêm với học sinh tiểu học: Sẽ xem xét lại!
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục quy định sẽ xử phạt nếu dạy thêm với học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm trên. Nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi!
Dạy thêm ở bậc tiểu học sẽ bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có quy định sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày, nhiều ý kiến cho rằng, với cấp tiểu học, học sinh đi học thêm rất nhiều, không chỉ học với giáo viên trong lớp mà rất nhiều giáo viên khác bên ngoài nhà trường.
Ở cấp học này, bố mẹ phải làm đơn xin cô giáo dạy kèm cho con để tiến bộ. Thậm chí, nhiều gia đình không có người trông con cũng phải cho đi học để đỡ chơi điện tử và lại có chỗ gửi con; Đối với học sinh cuối cấp tiểu học phải đi học thêm để ôn tập vào lớp 6...
Bên cạnh đó, người dạy thêm không có trong biên chế, người đã về hưu tham gia dạy thêm. Do đó, cần phải khoanh vùng đối tượng dạy thêm học thêm trong trường hay ngoài trường; giáo viên dạy là học sinh của mình hay học sinh trường khác. Nếu quy định giáo viên cứ dạy thêm cho học sinh tiểu học bị phạ t sẽ khó khả thi và rất nhiều người vi phạm.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, dạy thêm rất phức tạp, ranh giới rất mong manh, bác sĩ cũng làm thêm, luật sư cũng làm thêm. Do đó, khi đưa ra quy định dạy thêm, Ban soạn thảo đã bàn nhiều và đặt ra nhiều vấn đề, giáo viên bị áp lực tâm lý không hay, phải giải thích để giáo viên hiểu bản chất. Bởi hiện nay, vấn đề dạy thêm, học thêm Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn.
Ông Bằng cho hay, với vấn đề dạy thêm, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, điều chỉnh, cụ thể hóa cho rõ hơn trong Dự thảo về đối tượng xử phạt đối với giáo viên dạy học sinh tiểu học do chính mình giảng dạy hoặc xử phạt khi việc dạy thêm đối tượng này ở trong nhà trường.
Ông Bằng cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định 138 chỉ quy định về hành vi tổ chức dạy thêm học thêm thì Nghị định mới này bổ sung cả hành vi về dạy thêm. Theo quy định luật hành chính, cán bộ công chức, viên chức đang thi hành công vụ của mình mà có hành vi làm trái thì cũng không xử phạt hành chính mà xử theo luật cán bộ công chức, viên chức.
"Khi làm quản lý nhà nước, đây chỉ là một công cụ để quản lý, không phải công cụ vạn năng. Còn nhiều công cụ khác. Có những điều chắc chắn là sai nhưng không đưa vào quy định xử phạt vì không khả thi. Khi làm phải có tính khả thi, chứ không phải đưa ra quy định để chơi" - ông Bằng nhấn mạnh.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục:
Ngoài lực lượng thanh tra giáo dục thì Chủ tịch UBND các cấp đều có quyền xử phạt; bên cạnh đó, một số quy định cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên ngành có thể được xử phạt bởi các lực lượng khác như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành văn hóa, chuyên ngành thông tin, chuyên ngành tài chính...
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Xử phạt bằng tiền vi phạm trong giáo dục: Lo ngại tính khả thi Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục chạm tới nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nghi ngại về tính khả thi của những quy định này. Quá tải sĩ số là vấn đề nan giải của giáo dục. Ai sẽ bị phạt trong trường hợp...