Phát biểu khai giảng ý nghĩa của Hiệu trưởng ĐH Lâm Nghiệp: “Đừng trách cha mẹ nghèo”
“Đừng trách cha mẹ mình nghèo, nếu tương lai của chính mình nghèo khó mới là điều đáng trách…”, GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp đã có bài phát biểu Lễ khai giảng với nhiều nhắn nhủ sâu sắc tới các tân sinh viên.
Tối ngày 20/9, Trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2017-2018, chào đón khóa 63 hệ chính quy niên khóa (2018 – 2022).
Trong phần phát biểu khai mạc, Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng nhà trường đã có bài phát biểu sâu sắc bàn về vai trò của người thầy, về bước tiến đến bình đẳng bằng giáo dục, về tương lai vận mệnh của dân tộc mà thế hệ trẻ gánh vác trong bối cảnh công nghệ số đang dần ngự trị toàn cầu.
Đừng thuần túy hướng con người chỉ biết tập trung vào bộ não
Kính thưa quý vị! Các em học sinh, sinh viên thân mến!
Hôm nay tại diễn đàn này, tôi muốn nói đôi lời với các thầy cô giáo, cán bộ viên chức và học sinh sinh viên.
Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng ước mơ và hình thành các giá trị cơ bản cho các thế hệ tương lai. Tago – nhà hiền triết và thi hào Ấn Độ đã viết: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được cả một thế hệ”.
Dẫu rằng người thầy không phải là tất cả, nhưng đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta đừng thuần túy hướng con người chỉ biết tập trung vào bộ não, mà đồng thời phải dạy cho họ có trái tim rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao và rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Nhà giáo nhân dân, GS.TS Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng ĐH Lâm Nghiệp có bài phát biểu sâu sắc trong Lễ khai giảng năm học mới.
Coi thầy giáo là ông chở đò đã chưa chuẩn nhưng nếu coi thầy giáo là một ông bán chữ sẽ rất nguy hại. Nói điều này, để chúng ta ý thức về trọng trách và vinh dự của nghề giáo, để mỗi cán bộ, sinh viên nhận thức rằng, chính chúng ta là những người sáng tạo, những người vị tha và gieo mầm cho sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình.
Các em học sinh, sinh viên thân mến!
Vận hội và tương lai của một dân tộc phải tự quyết bằng dân tộc đó. Đừng ảo tưởng sự giúp đỡ của nước ngoài… Thấy nước nghèo thì chung tay làm cho nước khá hơn, chứ chỉ ngồi kêu ca cũng chẳng ích gì.
“Đừng trách cha mẹ mình nghèo, nếu tương lai của chính mình nghèo khó mới là điều đáng trách; đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc thân yêu. Trong thời đại ngày nay, thiếu đi học vấn, thiếu đi tri thức và thiếu đi khả năng làm việc sáng tạo thì khó có thể vươn lên. Giáo dục là cách duy nhất để đem lại bình đẳng cho mọi người”, GS.TS Trần Văn Chứ nhắn nhủ các tân sinh viên.
Cần một thế hệ trẻ nói được, làm được…
Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng nêu rõ: “Hiện nay công nghệ số đang ngự trị toàn cầu, len lỏi vào từng hoạt động của mỗi con người, thậm chí chi phối cả về cách nghĩ của từng người, có thể chế ngự cả cảm xúc. Thời đại công nghệ số, thậm chí thầm lặng đẩy con người ra khỏi vị trí công việc, tước đi quyền lao động, tay vào đó là những thiết bị tự động hóa, những robot; nhưng chủ nhân của những cỗ máy đó không ai khác là con người, những người tạo ra trí tuệ từ trí tuệ của chính họ”.
Video đang HOT
Ông nói với các sinh viên: “ Chúng ta sẽ là chủ nhân hay là những người thất nghiệp, người bị người khác lập trình? Đây là câu hỏi thời đại đặt ra cho thế hệ hôm nay”.
Theo đó, từ nhận thức đến hành động có khoảng cách, cách rút ngắn tối ưu chỉ dành cho những người thông minh, bản lĩnh và chân chính, và các em sinh viên là những người như thế. Muốn làm được việc đó mỗi sinh viên cần có nền tảng tri thức, phương pháp làm việc khoa học, có cách thức khơi dậy những giá trị, khát vọng cho người khác để họ sáng tạo trong tương lai.
Vì vậy, các em cần chăm chỉ học tập, nghiên cứu, tu dưỡng, tìm hiểu thực tiến và tham gia các hoạt động khác, dám phiêu lưu, biết dành thời gian cho bổn phận và cho tình yêu thương để mai này không nuối tiếc. Xã hội hiện đại cần những người nói được thì làm được, chứ không phải chỉ nói giỏi mà chẳng biết làm gì.
Tình cảm lớn lao và niềm tin vững chãi, các thầy, các cô luôn dành cho các em. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để cá em học tập, rèn luyện phấn đấu; các em đã đặt niềm tin vào Nhà trường, Nhà trường sẽ nỗ lực hết sức vì tương lai của các em. Các em hãy bắt đầu với những ước mơ, Nhà trường sẽ giúp đỡ, đồng hành và tạo lập sự thành công của các em trên con đường khởi nghiệp. Đó là việc làm có ý nghĩa nhất, thiết thực nhất để báo hiếu với bố mẹ, với gia đình các em và góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào cho các thầy cô giáo.
Hiệu trưởng nhà trường đánh hồi trống giòn giã khai giảng năm học mới.
“Nhiệt liệt chào mừng và chúc mừng các tân sinh viên, chúc các em có một khởi đầu sự nghiệp thật tốt đẹp, luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, học tập và tu dưỡng rèn luyện thật tốt, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân tốt, những trí thức và chủ nhân thật sự của đất nước trong tương lai”, GS. TS Trần Văn Chứ kết lại.
Ba tân sinh viên xuất sắc là Thủ khoa, Á khoa đầu vào được nhà trường trao học bổng.
Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo nhà trường đã trao học bổng khuyến học cho 3 tân sinh viên đạt điểm đầu vào xuất sắc gồm: Thủ khoa Lương Lô Minh Hiếu (Lớp 63A Quản trị du lịch và lữ hành, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh), Á khoa Bùi Thị Huyền Trang (Lớp 63A Kế toán, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh) và Á khoa Nguyễn Việt Long (Lớp 63 Quản lý tài nguyên thiên nhiên, chương trình tiên tiến, Khoa quản lý tài nguyên rừng và môi trường).
Lệ Thu
Theo Dân trí
Bài phát biểu truyền cảm hứng của Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội
Bài phát biểu "Những viên ngọc quý và công việc của người thợ đẽo ngọc" của PGS Nguyễn Kim Sơn nhận được tràng pháo tay vang dội của học sinh.
Sáng 5/9, PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tham dự lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, một trong ba trường phổ thông trực thuộc.
Ông Sơn gửi tới toàn trường bài phát biểu sâu sắc với tựa "Những viên ngọc quý và công việc của người thợ đẽo ngọc", bàn về cách nuôi dưỡng và phát huy tài năng của mỗi cá nhân. Ông gọi đó là "những việc hệ trọng và sâu xa hơn" so với các sự vụ, việc quản lý hay đầu tư cho trường.
PGS Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ khai giảng. Ảnh: VNU
Nguyên văn bài phát biểu của ông Nguyễn Kim Sơn:
"Các em học sinh yêu mến,
Trong cuộc sống của chúng ta có một thứ gọi là tài năng. Một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước từ cấp học phổ thông tới sau đại học. Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang cố gắng làm tốt điều đó. Trong Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là cái nôi quan trọng của việc đào tạo tài năng.
Ở đó, không phải tất cả các em đều là tài năng, nhưng câu chuyện về tài năng thì là chuyện của tất cả mọi người, từ lãnh đạo, quản lý, phụ huynh và học sinh. Và các em học sinh thân mến, các em là những viên đá quý giữa mênh mang gạch, đá, cát, sỏi trên đời, con đường các em cần đi là trở thành những viên ngọc quý và các thầy cô trong ngôi trường này phải là những người thợ đẽo ngọc, chuyển hóa từ đá quý sang ngọc sáng long lanh.
Tài năng là tập hợp của những sự khó. Tài năng là hiếm có khó gặp, là khó thấy, khó biết, khó nhận ra, khó phát hiện, khó nuôi dưỡng, khó chấp nhận, khó phát huy và khó dùng. Người tài năng là người có những tố chất, phẩm chất và năng lực vượt trội so với người khác, thể hiện trên các lĩnh vực khác nhau, biểu hiện ở những dạng khác nhau.
Tài năng không phải bẩm sinh đã có. Bẩm sinh chỉ là năng khiếu, là khả năng, là tiềm năng. Năng khiếu và tiềm năng phải qua tôi rèn nghiệt ngã, lâu dài, bền bỉ, mới có thể thành tài năng. Ai đó được xem là tài năng là một may mắn, một hạnh đắc, nhưng cũng là một thử thách lớn. Tài là cái quý giá thuộc người sở hữu nó, nhưng nó cũng là tài sản quốc gia, là sự tác thành của cha mẹ, dòng tộc, quê hương, đất nước, xã hội mà có. Tài năng là tài sản của cá nhân, của gia đình và của đất nước.
Cần nhấn mạnh lại là tài năng chỉ qua tôi rèn hun đúc đặc biệt mới có. "Ngọc bất trác bất thành khí" (ngọc mà không qua đẽo gọt thì không thành đồ quý). Không qua chọn lựa thì không thấy đá quý, đá quý đẽo gọt mới thành ngọc, ngọc gia công mài dũa mới thành vật thiêng quý.
Phẩm chất năng khiếu mới chỉ là những đá quý, muốn thành ngọc - tài năng cần qua rèn luyện. Ngôi trường này là nơi đẽo gọt, tôi rèn tạo ra những viên ngọc quý tài năng cho đời. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, một cách tự nhiên, sứ mệnh của bậc tài năng được sinh ra ở đời cũng là để nhằm giải quyết những việc lớn và khó của xã hội, của đất nước và của loài người.
Học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên dự lễ khai giảng. Ảnh: VNU
Ở ngôi trường này, để nói cụ thể ai là tài năng thật khó, nhưng về tổng thể thì đây là tập thể của những tài năng. Về phía các em, những gì các em có thể làm đầu tiên chưa phải là tiếp thu nhiều kiến thức, nghĩ những điều siêu khó, giải được những bài toán hay, những bài tập mà nhiều người khác không giải được, mà việc đầu tiên các em cần làm là bồi đắp tình yêu thương.
Tình yêu thương với con người nói chung, với cha mẹ thầy cô và bạn bè, với người xung quanh mình. Tình yêu thương mới là năng lượng vĩnh cửu và trong lành nuôi cho tài năng phát triển mạnh mẽ và đúng hướng. Nó là thứ có thể cho tài năng rạng tỏa chân chính và bền vững, nó tránh cho tài năng khỏi sa vào bi kịch, hay trở thành kẻ ác.
Và các em trước hết phải tự ý thức và ứng xử với mình rằng, mình là một người bình thường. Khiêm nhường, bình dị là chỉ số nhận biết người thực tài. Chúng ta chỉ có thể vĩ đại được khi làm tốt, sống tốt như một người bình thường. Các em cứ lãng mạn và thoải mái ước mơ, sống hồn nhiên giữa đời như những người khác. Các em có thể cứ vụng dại hay được quyền mắc những lỗi nhỏ mà tuổi học trò các em được quyền làm thế. Nhưng đặc biệt không được kiêu căng, tự thỏa mãn, hay ảo tưởng quá sớm về mình.
Những tấm huy chương các loại mà các em có thể có được từ ngôi trường này là cực kỳ quan trọng và quý giá, nhưng nó mới chỉ là món quà của những cuộc chơi và mới chỉ là sự bắt đầu khởi động chuẩn bị cho chặng đường dài. Hãy cố gắng làm tốt từng việc một, học tập toàn diện để phát triển bản thân, để chuẩn bị cho một cuộc sống hạnh phúc của chính mình trong tương lai phía trước. Các em có sống tốt mới có nhiều điều kiện thể hiện năng lực của mình.
Và điều đặc biệt các em cần làm là xác lập tầm nhìn cho mình, cần biết lập chí. Mức độ thành công của sự nghiệp của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tư chất, có hoàn cảnh, nhưng phần quan trọng lại là việc lập chí của người đó như thế nào. Có người lập chí cho việc làm giàu, người lập chí để làm quản lý, hay lãnh đạo, có người lập chí bình dị ở cuộc sống đi làm thuê bình thường để có lương tháng... Có người lập chí lớn ở chỗ sắp đặt giang sơn đất nước, làm việc lớn lao cho đất nước, cho con người.
Người chí hướng nhỏ hẹp sẽ dễ thỏa mãn, người chí lớn sẽ đi xa. Với người năng lực vừa phải, chí lớn có thể khiến họ tự vượt lên chính mình. Người giỏi, chí lớn sẽ phát huy được năng lực và vươn tới thành tựu lớn và người có tài năng thì chí lớn sẽ thành nghiệp lớn dời non lấp bể. Chí lớn sẽ giúp người ta đủ nghị lực vượt qua khó khăn thách thức, chí lớn khiến người ta không dễ thỏa mãn, không kiêu căng tự phụ không tự thỏa mãn trước thành công. Chí lớn giúp người ta đón nhận thành công và thất bại một cách đúng đắn nhất. Người tài năng mà chí nhỏ hẹp thì tài năng sẽ bị uổng phí một đời.
Các em đang học tập trong ngôi trường ươm mầm tài năng này, các em cần có chí lớn. Chí lớn nhất là đặt ở nơi giang sơn đất nước rộng lớn, ở cộng đồng. Đặt chí ở đó, tâm hồn các em sẽ rộng lớn, tầm nhìn sẽ vươn xa. Chí lớn phải thể hiện ở lòng mong mỏi cho đất nước phát triển sánh cùng năm châu, cho người dân thoát nghèo, cho con người sống ấm no và loài người vượt qua những nguy cơ và thách thức.
Chí lớn thì bản thân con người theo đuổi chí lớn đó cũng lớn lao theo, sẽ sống thật ý nghĩa và những mục tiêu nhỏ bé sẽ không cố gắng mà tự nhiên đạt được. Người đó sẽ tìm được hạnh phúc và ý nghĩa tồn tại trong việc thực hiện chí hướng ấy.
Kính thưa các thầy các cô,
Từ lâu, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã được tôn vinh là nơi ươm mầm tài năng. Ngôi trường này có một sứ mệnh lớn và khó. Làm nhà giáo là một vinh dự, làm nhà giáo để dẫn dắt vun đắp cho nhân tài còn vinh dự gấp bội phần. Các bậc cao nhân đại trí thức xưa chỉ ao ước có được người hiền tài để dạy dỗ.
Rất nhiều người tài năng từ mọi miền đất nước vì nghe danh trường này mà tìm tới đây học tập rèn luyện. Mong các thầy các cô làm tròn được sứ mệnh mà đất nước giao phó, không phụ lòng kỳ vọng gửi gắm của phụ huynh. Các thầy, các cô cần có tấm lòng đủ rộng lớn để bao dung cho những khác biệt, đủ tinh tế để nhận thấy cái phi thường, đủ nhạy cảm để chia sẻ, đủ khéo léo để dẫn dắt, đủ tình yêu để nâng đỡ.
Chỉ có đội ngũ những người thầy thực sự tài năng mới có thể dẫn dắt và dạy dỗ được những tài năng. Có được trong tay những ngọc quý, các thầy cô cần trân trọng yêu quý. Cần tạo ra môi trường học tập thân thiện, kích thích sáng tạo tối đa. Cần có phương thức giảng dạy và học tập tiên tiến, mẫu mực và tiên phong nhất, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Việc đào tạo nhân tài cần một môi trường giáo dục đặc biệt, phương pháp giảng dạy đặc biệt, chăm sóc hỗ trợ và rèn luyện đặc biệt, đòi hỏi đặc biệt, và đầu tư đặc biệt.
Nhà trường cần phải tìm mọi cách phát triển các em một cách toàn diện, phát triển bản thân các em cả thể chất, tâm hồn, nhân cách và các năng lực học tập chuyên môn. Đòi hỏi và kỷ luật cao, thậm chí rất cao là cần thiết cho việc rèn luyện, nhưng cũng lại tránh làm căng thẳng và áp lực thái quá, hoặc làm các em phát triển lệch lạc, thiệt thòi.
Cách uốn cây siêu kỹ thuật là thuận theo tự nhiên để mà vun đắp định hướng, để tài năng phát triển tối đa và bộc lộ hết, bộc lộ một cách toàn vẹn và đầy đủ. Các em cũng cần có kỹ năng sống tốt, khả năng thăng bằng và điều tiết tinh thần để có thể học tập và làm việc lâu dài trong môi trường nhiều thách thức khắc nghiệt.
Lấy hình ảnh những viên ngọc quý và công việc của những người thợ đẽo ngọc, tôi muốn nhấn mạnh sự cao quý thiêng liêng đẹp đẽ và khó khăn của công việc phát hiện nuôi dưỡng và phát triển nhân tài. Trong thực tế, nhân tài có năng lực tự đào tạo, tự học và tự trưởng thành mạnh mẽ. Việc đẽo gọt sẽ tạo tựu nhân tài công phu hơn là chỉ tác động từ bên ngoài. Trong đó, tạo dựng môi trường học tập sáng tạo, biết cổ vũ, khích lệ, hỗ trợ, vun đắp là những yếu tố quan trọng nhất của sự nghiệp này.
Kính mong các thầy, các cô hết lòng hết sức, mong các quý vị phụ huynh phối hợp và có được những phương pháp đúng. Đại học Khoa học Tự nhiên cần tạo mọi điều kiện và hỗ trợ cho trường Trung học phổ thông chuyên phát triển. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đầu tư và làm hết sức, vì một ngày mai tốt đẹp của đất nước.
Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội có hai cổng nhỏ, một mang tên Thành tài, một mang tên Đạt đức. Người xưa đặt vậy là vì mong người học tài đức vẹn toàn. Mong các em vừa thành vừa đạt với nghĩa ấy, sống hạnh phúc và bình yên.
Yêu thương và kỳ vọng ở các em.
Hà Nội ngày 5 tháng 9 năm 2018".
Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có tiền thân là lớp chuyên Toán A0 (thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Trường thành lập năm 1965, bắt nguồn từ ý tưởng của GS Hoàng Tụy về việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu.
Năm 1974, trong kỳ thi tại Đức, học sinh Khối A0 Hoàng Lê Minh đã mang về huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, mở ra giai đoạn mới với những thành tích rực rỡ trong các kỳ Olympic của khối chuyên nói riêng và học sinh cả nước nói chung.
Đến nay, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đã giành 67 huy chương các loại, trong đó có 26 huy chương vàng trên tổng số 34 huy chương vàng của Việt Nam.
Cựu học sinh của trường gồm: GS Đàm Thanh Sơn - huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984, nay là Giáo sư Vật lý tại khoa Vật lý, Đại học Chicago (Mỹ); GS Ngô Bảo Châu - huy chương vàng Olympic Toán năm 1988 và 1989, giải thưởng Fields (năm 2010) và hiện là giáo sư Toán học tại khoa Toán của Đại học Chicago (Mỹ).
2018 là năm bội thu huy chương của học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên với 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng ở các kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo là thí sinh đạt số điểm cao nhất của kỳ thi Olympic Sinh học lần thứ 29 được tổ chức tại Iran.
Theo Vnexpress
Du học tại chỗ cho học sinh phổ thông: Hướng đi mới Lâu nay, du học luôn được xem là cánh cổng mở ra chân trời tri thức mới tạo nên sự thành công trong học vấn và nghề nghiệp. Hiện Việt Nam có gần 150.000 học sinh, sinh viên đang du học tại nước ngoài, trong đó khoảng 90% là du học tự túc. 90% số học sinh du học tự túc, cùng nghĩa...