Pháp tăng học phí 16 lần đối với sinh viên quốc tế
Từ mùa thu năm 2019, sinh viên ngoài EU sẽ phải trả 2.770 euro cho mỗi năm học ở Pháp, trong khi học phí hiện nay là 170 euro.
The Local thông tin, Pháp vừa công bố quy định tăng học phí lên mức kỷ lục đối với sinh viên quốc tế từ năm sau, gấp 16 lần hiện tại. Điều đó có nghĩa khi Anh rời EU vào tháng 3 tới, sinh viên nước này muốn sang Pháp du học cũng phải bỏ ra hàng nghìn euro như những người đến từ quốc gia khác.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe chỉ ra sự bất hợp lý khi “ sinh viên nước ngoài giàu có đang trả cùng mức học phí với sinh viên nghèo ở Pháp, những người mà cha mẹ đã sống, làm việc và đóng thuế cho đất nước trong nhiều năm”.
Một tấm bằng cử nhân hiện tại có giá 170 euro mỗi năm học, trong khi bằng thạc sĩ là 243 euro và bằng tiến sĩ là 380 euro. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định mới, mức phí này sẽ tăng lên 2.770 euro cho bằng cử nhân và 3.770 euro cho hai bằng cấp cao hơn.
Học phí đại học ở Pháp thấp hơn các nước Anh, Mỹ. Ảnh: Campus France
Thủ tướng nhấn mạnh khoản phí đã tăng này chỉ đại diện cho một phần ba chi phí thực tế của các khóa học, bởi phần còn lại được trả bởi Chính phủ Pháp. Số lượng học bổng đại học cũng tăng gấp ba từ 7.000 lên 21.000 và sẽ có 14.000 khoản trợ cấp dành cho du học sinh đến từ các nước đang phát triển. Theo Chính phủ, kết hợp với những khoản tài trợ khác, trung bình một trên bốn sinh viên quốc tế đủ điều kiện nhận trợ cấp hoặc học bổng.
Các quan chức Pháp xem quyết định tăng học phí là cuộc cách mạng để tăng sức hút của giáo dục bậc cao. Mức “gần như miễn phí” hiện tại có thể bị nhiều sinh viên quốc tế, bao gồm Trung Quốc, xem như dấu hiệu của chất lượng thấp và không muốn lựa chọn Pháp.
Video đang HOT
Dù tăng giá, học phí sinh viên quốc tế ở Pháp vẫn thấp hơn nhiều so với Anh, nơi có độ chênh lệch lớn giữa các trường và có thể lên đến 10.000 euro mỗi năm. Trong khi đó, ở Mỹ, nơi giáo dục bậc cao nổi tiếng đắt đỏ, sinh viên quốc tế phải trả trung bình 24.930 USD trong năm học 2016-2017.
Tuy nhiên, các công đoàn sinh viên như UNEF kịch liệt phản đối quy định mới, cho rằng đây là cách “chọn sinh viên theo số tiền họ có” và Pháp sẽ loại đi những sinh viên tài năng không đủ khả năng trả mức phí đó.
Pháp là quốc gia không nói tiếng Anh phổ biến nhất dành cho sinh viên quốc tế và là điểm đến du học nổi tiếng thứ tư thế giới sau Mỹ, Anh và Australia. Tuy nhiên, số lượng sinh viên nước ngoài ở Pháp đã giảm 8,1% trong giai đoạn 2010-2015. Chính phủ Pháp muốn tăng con số 343.000 lên khoảng 500.000.
Theo kế hoạch, Pháp sẽ đơn giản hóa quá trình xin visa du học và mở thêm nhiều cơ sở giáo dục ở nước ngoài.
Hiện Pháp có 45% sinh viên đến từ châu Phi, 19% từ EU, 16% từ châu Á, 9% từ Mỹ và 4% từ Trung Đông.
Thùy Linh
Theo VNE
Chính phủ Anh vào cuộc trước tình trạng "lạm phát" bằng ĐH loại xuất sắc
Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch triển khai những biện pháp để kiểm soát tình trạng số lượng bằng tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc tăng vọt trong những năm gần đây, trong bối cảnh có một số quan ngại cho rằng bằng cấp không phản ánh đúng thực lực của sinh viên.
26% sinh viên tốt nghiệp Đại học tại Anh được trao bằng hạng nhất (first-class) năm 2017, tăng 18% so với năm học 2012-2013.
Theo các số liệu chính thức được công bố đầu năm nay, các đại học tại Anh đã cấp số bằng cử nhân loại xuất sắc ở mức chưa từng có trong suốt thập kỷ qua.
Chính phủ Anh vào cuộc trước tình trạng "lạm phát" bằng cấp (Ảnh minh họa).
Đơn cử như Đại học Wolverhampton, chỉ có 175 sinh viên (chiếm 5% tổng số sinh viên) tốt nghiệp năm 2006-2007 được trao bằng hạng nhất. Trong năm 2016-2017, con số này đã tăng lên tới 973 em, chiếm 28% tổng số sinh viên.
Số lượng sinh viên được cấp bằng hạng nhất chiếm 41% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học Surrey trong năm ngoái, con số này ở Đại học Oxford là 33% và Cambridge là 32%.
Nhiều người trong ngành giáo dục đại học Anh cho rằng sở dĩ có tình trạng này là do áp lực từ các bảng xếp hạng đại học và từ chính người học. Các sinh viên muốn đạt được giá trị từ khoản đầu tư hơn 9.000 bảng Anh họ phải bỏ ra cho các khoản học phí hàng năm tại các trường đại học.
Một phát ngôn viên của các trường đại học Anh cho rằng, ngành này đã phải thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Các trường đại học ngày càng đầu tư nhiều hơn vào chất lượng giảng dạy cùng với thực tế rằng học phí cao hơn khiến sinh viên phải học hành chăm chỉ hơn để có được bằng "đẹp".
Người này cũng khẳng định, các đại học Anh đang phối hợp với các bên liên quan để tìm ra nguyên nhân của việc số lượng bằng "đẹp" tăng vọt và sẽ đề xuất các giải pháp để khắc phục những trường hợp xảy ra "lạm phát" bằng cấp, gây nguy hại tới tính minh bạch của cả hệ thống.
Các chuyên gia đánh giá những đơn vị giáo dục đại học thuộc hệ thống xếp hạng đại học của chính phủ Anh sẽ rà soát lại tỷ lệ bằng cử nhân hạng nhất và hạng 2:1 (chỉ sau hạng nhất) tại các cơ sở trong những năm gần đây. Nếu phát hiện trường hợp nhà trường đã quá "nới tay" trong việc đánh giá sinh viên, trường đó có thể sẽ bị đánh tụt hạng.
Khuôn khổ đào tạo xuất sắc (TEF) của chính phủ Anh cũng được yêu cầu nhìn nhận vấn đề "lạm phát" bằng cấp như một tiêu chí phụ thêm khi đánh giá các trường đại học.
Trong giai đoạn thí điểm, các chuyên gia sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tại 50 đại học trong năm nay. Sau đó, các biện pháp này sẽ chính thức được đưa vào để xếp hạng các đại học tại Anh vào mùa hè năm 2020.
Ông Sam Gyimah - quan chức phụ trách giáo dục đại học của Anh, nhận định: "Giá trị của bằng cấp là điều giúp các trường đại học của chúng ta có uy tín. Giá trị này đang bị đe dọa bởi tình trạng lạm phát bằng cấp và là một vấn đề cho các sinh viên, những người chủ lao động và chính bản thân các trường đại học".
"Những biện pháp mới này nhằm bảo vệ hệ thống giáo dục đại học vốn đã được công nhận trên toàn cầu của chúng ta bằng cách ngăn các trường đại học làm tổn hại tới uy tín của bằng cấp theo tiêu chuẩn của Anh", ông Gyimah cho biết.
Minh Hương
Theo Guardian
Chín điều khác biệt giữa đại học Mỹ xưa và nay Tỷ lệ trúng tuyển giảm mạnh, học phí và tiền sách giáo khoa tăng cao, sinh viên đối mặt với nhiều áp lực hơn trước. 1. Nhiều người vào đại học hơn Lượng sinh viên trúng tuyển đại học ở Mỹ tăng gấp đôi từ năm 1970 đến 2009. Theo Bộ Giáo dục, mùa thu năm 2017, các đại học Mỹ chào đón...