Phấp phỏng kẻ mừng, người lo
(Tấm Gương) – Nhiều học sinh tiểu học toàn điểm 10 trong học bạ, học lực giỏi các năm cũng chưa chắc có cơ hội vào được các trường chất lượng cao cả trong lẫn ngoài công lập tại Hà Nội.
Trong khi một số trường đã công bố học sinh trúng tuyển thì riêng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam mới ở vòng nhận hồ sơ.
Măc dù phát đi thông tin tuyển sinh từ ngày 30/5 nhưng đến ngày 15/6, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam mới chính thức nhận hồ sơ tuyển sinh lớp 6.
Trường tuyển sinh toàn thành phố, nhận hồ sơ trong vòng 3 ngày với 5 bàn thu hồ sơ nên không có cảnh chen chúc xảy ra. Tuy nhiên, phụ huynh đến nộp hồ sơ cho con năm nay có nhiều tâm trạng, kẻ lo lắng, người vui mừng, kỳ vọng.
Chị Xuân, ở quận Ba Đình đến nộp hồ sơ cho con chia sẻ, con chị từ lớp 1 đến lớp 4 đạt loại giỏi, lớp 5 được đánh giá đạt. Điểm các môn kiểm tra Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Khoa học và Địa lý lớp 5 đều đạt điểm 10.
Phụ huynh nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 6 tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam ngày 16/6.
Video đang HOT
“Nếu bình thường, gia đình khá hài lòng với kết quả học 5 năm của con nhưng đem ra chạy đua với các bạn khác để vào trường Hà Nội – Amsterdam thì không yên tâm được, vì mấy năm trước chủ quan không động viên cháu đi thi thố bất kỳ cuộc thi nào. Ai ngờ giờ họ xét cộng điểm giải thưởng nên đành chịu thiệt”, chị Xuân tiếc nuối.
Một phụ huynh khác ở quận Hà Đông không giấu nổi sự kỳ vọng chia sẻ, dựa theo biểu điểm của trường thông báo trên website, bố mẹ tự chấm hồ sơ cho con đạt hơn 140 điểm. Trong đó, điểm học tập của con không đạt điểm tối đa nhưng con thuộc diện gia đình chính sách được ưu tiên điểm cộng ở mức cao nhất.
“Nếu không có nhiều cháu được giải thưởng cấp này, nọ thì với mức điểm này gia đình cũng kỳ vọng con đỗ vào trường”, phụ huynh này hồ hởi cho biết.
Theo ghi nhận của PV, việc nộp giấy khen để cộng điểm ưu tiên khiến nhiều phụ huynh trăn trở nhất. Một phụ huynh chia sẻ, con chị thi thể thao đồng đội cấp Quận đạt giải Nhất.
Theo biểu điểm sẽ được cộng thêm 2 điểm, tuy nhiên quận chỉ trao cờ thi đua mà không trao bằng khen nên đem cờ đến trường thì họ không nhận. Sợ mất điểm ưu tiên của con, chị đành lấy một giải thưởng khác nhỏ hơn để nộp kèm hồ sơ cho con.
“Cứ nộp hồ sơ thôi chứ gia đình cũng không kỳ vọng nhiều vì 100% cháu nộp vào trường đều học lực giỏi, đa số các cháu đều có giải thưởng, điểm ưu tiên, đâu mỗi con mình”, chị nói.
Còn anh Linh Quang ở Cầu Giấy thẳng thắn: “Dù sao tôi vẫn thích phương án thi tuyển, vì như vậy đảm bảo công bằng. Cháu nào thi điểm cao thì đỗ, các cháu trượt phụ huynh cũng bằng lòng”.
Cũng theo anh Quang, vì năm nay xét tuyển, nên nhiều cháu có học lực không thật sự tốt cũng thấy bố mẹ nộp hồ sơ, mà có khi hồ sơ đó lại đỗ cũng nên. “Với phương án xét tuyển này, không lấy gì làm đảm bảo rằng các cháu sẽ được chấm đúng năng lực và công bằng”, anh Quang nói.
Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam năm nay dự kiến sẽ tuyển sinh 200 chỉ tiêu. Sau 2 ngày nhận hồ sơ, trường chưa xác nhận đã có bao nhiêu hồ sơ nộp vào nhưng phụ huynh khẳng định, con số không dưới hàng nghìn, trong đó đa số là học sinh giỏi, nhiều học sinh có bằng khen, giấy khen các loại.
Nhiều trường công bố học sinh trúng tuyển
Trong khi trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam mới chỉ nhận hồ sơ thì đến thời điểm này đã có nhiều trường công bố điểm tuyển sinh. Với những trường nóng tuyển sinh, đa số hồ sơ nộp vào đều đạt điểm tối đa, các trường đã phải nghĩ nhiều cách để tuyển sinh.
Mặc dù đến ngày 19/6, trường Lương Thế Vinh mới hết hạn nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 6 nhưng PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh thông tin, đến thời điểm này trường có hơn 700 hồ sơ đạt điểm 100 và rất nhiều hồ sơ đạt điểm 99. Trong đó có rất ít hồ sơ được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích.
“Như vậy, các em đạt 99 điểm sẽ bị loại, chỉ tiêu của trường chỉ lấy 600 nên tạm thời trường sẽ giữ tất cả hồ sơ đạt điểm 100 lại. Nếu sau này có học sinh rút hồ sơ sang trường khác thì trường bổ sung các em đó vào”, ông Cương nói.
Cũng theo ông Cương, việc bốc thăm hay đánh số thứ tự để tuyển học sinh trong môi trường giáo dục là phản khoa học nên ông kỳ vọng sau khi có điểm, cùng với việc một số học sinh chuyển đi các trường khác thì trường không phải nghĩ phương án để loại học sinh đạt điểm tối đa nào.
“Cũng theo PGS, việc chấm điểm ở các trường cũng rất khác nhau, có trường cho điểm 10 không bằng trường khác cho điểm 8 nhưng khi đã vào hồ sơ, trường không thể quy đổi theo cách của mình. Vì vậy, việc tuyển sinh lớp 6 bằng phương thức xét tuyển vẫn khiến các trường khó lựa chọn được học sinh thực sự giỏi”, ông nói.
Mặc dù đến ngày 19/6, trường Lương Thế Vinh mới hết hạn nộp hồ sơ tuyển sinh lớp 6 nhưng PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh thông tin, đến thời điểm này trường có hơn 700 hồ sơ đạt điểm 100 và rất nhiều hồ sơ đạt điểm 99, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 600.
Tương tự, đến thời điểm này, các trường đã thông báo học sinh trúng tuyển lớp 6 gồm: Trường THCS Marie Curie, Trường Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Cầu Giấy và Trường THPT Nguyễn Siêu. Tuy nhiên, mỗi trường có một phương án xét tuyển khác nhau.
Theo một chuyên gia giáo dục, phương án xét tuyển buộc các trường phải nghĩ phương án để loại học sinh có cùng điểm học bạ giống nhau. Với cách làm của một số trường như: ưu tiên khu vực, ưu tiên con em từng học trong trường hay thậm chí ưu tiên hồ sơ nộp trước hơn hồ sơ nộp sau chỉ là giải pháp tạm thời để tuyển sinh.
Chuyên gia này khẳng định: “Với phương án tuyển sinh năm nay, chắc chắn các trường chất lượng cao sẽ khó tuyển được học sinh có chất lượng như những năm trước”.
Cũng theo chuyên gia này, việc các trường ưu tiên cộng điểm các giải thưởng, kể cả giải thể thao, văn nghệ là điều bất hợp lý. Bởi học sinh giỏi môn thể dục, hay giỏi ca hát chưa chắc đã giỏi các môn văn hóa khác khi vào học khó theo kịp các bạn.
Theo tấm gương