Pháo đài giữa sa mạc Mỹ chỉ huy các cuộc không kích IS
Quá trình đi đến quyết định thực hiện một cuộc không kích Nhà nước Hồi giáo được thực hiện rất chặt chẽ, bên trong một pháo đài kiên cố nằm giữa sa mạc Qatar.
Một sĩ quan không quân Mỹ giám sát các cuộc không kích ở Syria từ màn hình máy tính. Ảnh: U.S. Air Forces Central Command Public Affairs
Tại căn cứ không quân al-Udeid, Qatar, tướng Jay Silveria đang kiểm tra hàng loạt bức ảnh được dàn ra trên bàn, bên trong một phòng họp lớn. Những tấm hình cho thấy hoạt động khai thác của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại một giếng dầu nhỏ trên sa mạc Syria, theo USA Today.
Các sĩ quan phụ trách xác định mục tiêu báo cho ông Silveria một thông tin ngắn gọn: đây là cơ hội tốt để tấn công vào nguồn thu chính của IS. Không thấy dân thường xuất hiện xung quanh và hai máy bay tấn công A-10 có thể tới địa điểm này chỉ sau phút chốc. Tướng Silveria quay sang một luật sư quân sự để xin ý kiến về các vấn đề pháp lý. Khi biết tất cả đều ổn, ông ra lệnh tiêu diệt. Máy bay lập tức xuất kích, san phẳng mục tiêu.
Đó chỉ là một trong rất nhiều cuộc oanh tạc được phát động từ trung tâm chỉ huy không kích IS của Mỹ đặt tại căn cứ al-Udeid. Theo quy trình, mỗi cuộc không kích đều phải do một quan chức quân đội cấp cao, tương đương tướng một sao hoặc hơn, phê chuẩn trước khi tiến hành. Việc xác định mục tiêu phải trải qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng bởi rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, ví dụ như liệu nó có xứng với thời gian và chi phí bỏ ra không hay có gây thiệt hại gì tới toàn bộ chiến dịch không.
“Chúng tôi luôn cố gắng hạn chế tối đa thương vong dân thường”, trung tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy chiến dịch không quân ở Trung Đông, cho hay.
Hầu hết những chiến dịch không kích tại Iraq, Syria, Afghanistan hay các khu vực khác ở Trung Đông đều được lên phương án và thông qua tại căn cứ quân sự al-Udeid, trải dài trên sa mạc bên ngoài thủ đô Doha, Qatar.
Bên trong những tòa nhà bê tông kiên cố kín như bưng, các nam nữ binh sĩ ngày nào cũng chăm chú theo dõi một hàng dài máy tính. Trên các bức tường xung quanh họ là những màn hình hiển thị hàng trăm video giám sát truyền về từ khắp nơi.
Video đang HOT
Một sĩ quan không quân Mỹ theo dõi, phân tích các tín hiệu radar và thông tin liên lạc từ một máy bay giám sát hoạt động trên không phận Syria. Ảnh: U.S. Air Forces Central Command Public Affairs
Ngày nay, công nghệ cho phép các chỉ huy quân đội điều hành chiến dịch từ khoảng cách hàng nghìn km. Quá trình lựa chọn mục tiêu bắt đầu bằng việc sàng lọc thông tin từ các nhà phân tích tình báo, lực lượng chiến đấu mặt đất hay phi công. Mọi dữ liệu báo về, từ cứ điểm địch đóng quân, mỏ dầu hay nhà kho chứa tiền của IS, đều được xem xét cẩn thận.
Khi đã chọn xong mục tiêu để tiếp tục đánh giá, các chuyên gia phân tích sẽ thu thập video giám sát hay những thông tin tình báo khác nhằm tái hiện “mô hình cuộc sống” xung quanh mục tiêu. Họ sau đó tính toán những thiệt hại có thể xảy ra. Nếu nguy cơ đánh trúng các tòa nhà lân cận còn cao, chuyên gia sẽ giảm rủi ro thông qua việc đề xuất chọn loại bom nhỏ hơn hay gắn thêm cảm ứng để trì hoãn bom phát nổ cho đến khi tiếp cận chính xác mục tiêu.
Các nhà phân tích cũng giảm thiểu rủi ro đối với dân thường bằng cách xác định thời gian không kích, chẳng hạn như vào ban đêm khi mà người dân đã ở yên trong nhà.
Ngay cả sau khi thông qua mọi biện pháp phòng ngừa, phi công vẫn có thể hủy nhiệm vụ nếu phát hiện dân thường tiếp cận mục tiêu khi chuẩn bị thả bom.
Một số chỉ huy liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu chỉ ra rằng hoạt động tình báo đã được cải thiện đáng kể theo thời gian, cho phép các phi công tấn công nhiều mục tiêu hơn bất chấp những quy định đặt ra ngày càng khắt khe.
Các máy bay Mỹ năm nay thả trung bình 496 quả bom cùng nhiều loại đạn dược khác vào những mục tiêu IS, tăng đáng kể từ mức 144 quả hồi năm 2014. Việc nhắm vào kho tiền cùng những cơ sở sản xuất dầu mỏ của IS buộc tổ chức này phải cắt 20% lương trả cho chiến binh, theo ông Harrigian.
Tuy nhiên, các con số kể trên vẫn không đủ sức làm thỏa mãn những thành phần chỉ trích, nói rằng liên quân không thể tấn công một số mục tiêu bởi thời gian phê chuẩn không kích quá lâu. Họ ủng hộ một chiến dịch mạnh tay hơn bởi tuy làm tăng rủi ro cho dân thường nhưng sẽ góp phần kết thúc sớm triều đại IS.
Song Geoffrey Corn, cựu luật sư quân sự, lại tỏ ra đồng tình với việc quân đội chú trọng vào mục tiêu hạn chế gây thương vong cho dân thường nhằm tránh khơi dậy làn sóng phản đối từ cộng đồng địa phương.
“Cuối cùng, việc làm này là có ích bởi nó phục vụ cho lợi ích chiến lược”, ông Corn khẳng định.
Bên trong Trung tâm Điều hành Chiến dịch Không quân Hỗn hợp ở Qatar. Ảnh: US Air Force
Vũ Hoàng
Theo VNE
Mỹ lấy làm tiếc vì quân đội Syria bị không kích
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc lấy làm tiếc vì liên minh quốc tế không kích vào một vị trí của quân đội Syria, nói Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn để "gây chú ý".
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin (trái) và đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power. Ảnh: Reuters.
Nga ngày 17/9 triệu tập phiên họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Mỹ giải trình sau khi liên minh quốc tế, do Washington dẫn đầu, không kích làm 62 binh sĩ Syria thiệt mạng ở khu vực gần thành phố Deir Ezzor, nơi Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát.
"Chúng tôi đang điều tra", AFP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power trả lời báo giới. "Nếu đúng là chúng tôi đã không kích quân nhân Syria thì đó không phải hành động cố tình. Chúng tôi lấy làm tiếc về tổn thất sinh mạng này". Lầu Năm Góc cũng thông báo thu thập thông tin để tìm hiểu sự thật.
Bà Power gọi đề nghị triệu tập họp khẩn từ Nga là để "gây chú ý", nói Moscow nên yêu cầu họp cùng chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad để thúc đẩy hòa bình.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận không tấn công các vị trí của chính phủ Syria, gọi đây là "điềm xấu" cho thỏa thuận Nga - Mỹ.
Washington và Moscow trong tháng 9 đạt thỏa thuận kêu gọi ngừng bắn, chuyển hàng nhân đạo và cùng tấn công mục tiêu khủng bố ở Syria. Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 12/9 nhưng các đoàn xe nhân đạo chưa thể tiếp cận dân thường tại thành phố Aleppo.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei dự kiến dự phiên họp Hội đồng Bảo an đặc biệt về tình hình Syria bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9.
Như Tâm
Theo VNE
Nga nói liên minh quốc tế không kích quân đội Syria, kêu gọi LHQ họp khẩn Nga cho biết liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu không kích vào một căn cứ quân sự Syria làm hơn 60 binh sĩ thiệt mạng, kêu gọi Hội đồng Bảo an họp khẩn về sự cố này. Một chiến đấu cơ F-16. Ảnh: Reuters. "Chiến đấu cơ thuộc liên minh quốc tế không kích 4 lần nhằm vào lực lượng Syria...